[Viết cho Sơn.]
Em bé của tôi đang ở trong những ngày tháng cuối cấp. Tôi nhìn thấy hình ảnh mình ngày ấy trong em - chật vật với định hướng tương lai, với những lựa chọn sau THPT, những khát khao được đi đến một nơi xa hơn là Hà Nội hay Sài Gòn, khát khao được ra thế giới.
Nhưng Sơn đã làm được cái điều ngày ấy tôi mãi không thể. Em thủ thỉ với tôi : “Dù không hạnh phúc, chúng ta phải giàu trước đã. Chị ha?”
Vào cái mùa hè năm 18 ấy, như tôi vẫn luôn viết, chúng ta đều chưa kịp thấy lớn đã phải chọn lựa. Mỗi lần như thế, rồi lại quan sát những lần như thế, tôi nhận ra rằng người ta luôn đề cao sự hạnh phúc và đủ đầy. Rồi luôn chạy theo những thứ ta nghĩ mình sẽ yêu, sẽ hạnh phúc nếu ta bước theo. Và rồi ta quên mất những vấn đề về cơm áo, gạo tiền; về việc thực tế sẽ khác xa với tưởng tượng như thế nào.
Vô hình chung, ta đặt lên vai bố mẹ, và cả bản thân, những thứ vô hình mà nặng trĩu. Ta tự tin có thể gồng gánh được cho đến khi sự đứt gãy đến và ta vỡ đôi.
Ngày ấy, tôi 18 từng cho rằng việc học sau THPT ở Việt Nam sẽ làm tôi bất hạnh. Và tôi quên mất rằng bất kỳ một sự lựa chọn nào khác cũng đều có thể làm cha mẹ tôi bất hạnh.
Ngày ấy, tôi 18 từng thử quên mất những áp lực đồng tiền chỉ trong phút chốc để đi tìm những thứ mà tôi còn chẳng chắc có thể tìm được - ước mơ, lý tưởng.
Bí quyết của hạnh phúc là tập trung vào trải nghiệm, làm điều mình yêu, theo cách mình yêu mà không có quá nhiều phiền lo. Tôi từng cho là vậy.
Tôi từng cho rằng hành trình hạnh phúc là một con đường thẳng đầy nắng và hoa.
Nhưng nếu con đường ấy, nếu sự hạnh phúc của tôi lại được đánh đổi bằng những khổ cực của mẹ cha, bằng những khoản nợ chẳng bao giờ kết thúc, bằng những đêm gia đình tôi phải vắt tay lên trán suy nghĩ tiền nong, thì tôi tự hỏi rằng liệu lúc đó, tôi có quyền để hưởng cái hạnh phúc ấy hay không?
Nhưng trên thực tế, giờ đây, tôi nhận ra người ta cũng cần sự không hạnh phúc. Chúng ta không thể trải nghiệm tất cả các loại hạnh phúc trong cùng một thời điểm. Những đớn đau và sóng gió trong cõi sống là thứ cốt yếu để chúng ta cảm thấy hạnh phúc, để trân trọng những thứ chúng ta đã có và đi qua.
Tôi nhận ra bài học đầu tiên để có một cuộc sống hạnh phúc hơn, là chấp nhận sự không hạnh phúc.
Như việc tôi cảm thấy ổn dù tôi không hạnh phúc với Ngoại Giao cho lắm, nhưng tôi chưa bao giờ hối hận vì chọn ở lại Việt Nam, nhất là mỗi lần nhìn thấy mẹ tôi mua cho bản thân một cái gì đó mới, mỗi lần nhìn thấy bố tôi rảnh rang đi uống bia tụ tập bạn bè, hay mỗi lần mua cho em gái tôi một cái áo cái quần mà không cần đắn đo quá nhiều.
Suy cho cùng, có thể tiền không làm chúng ta hạnh phúc, nhưng để hạnh phúc, chúng ta cần có tiền.
Sơn ha?
Tôi thấy vui vì em bé của tôi đã không còn quá “bé”. Dù tôi luôn luyến tiếc sự ngây ngô ở em, luyến tiếc khi nhận ra em đang dần lớn so với lần đầu tôi gặp em.
Nhưng tôi thấy vui,
Vì em đã thực tế và tỉnh táo hơn tôi vào năm 18 tuổi đầy bất ổn trong những ngã rẽ lớn của cuộc đời.
Vì dù có lựa chọn như thế nào, tôi tin rằng em sẽ luôn vững vàng.
Vì dù có như thế nào đi chăng nữa, thì tôi vẫn sẽ luôn là một trong những người ủng hộ em hết mình trên những con đường em đi.
Gửi Sơn, như chị em mình vẫn nói với nhau đó, dù đắn đo suy nghĩ thế nào đi nữa, thì làm sao ta biết nếu ta không thử.
Chúc em dũng cảm.
Your J.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất