Cách đây vài hôm, trong những cái ngày mà bộ phim Mắt Biếc chuyển thể từ tác phẩm truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bắt đầu rộ lên trong cộng đồng người yêu điện ảnh, mà đặc biệt là những người yêu văn học như tôi, tôi đã đi xem bộ phim. Ban đầu đi xem chỉ đơn thuần là tò mò, vì trước đây tôi không có hứng thú nhiều với các bộ phim tình cảm lãng mạn, đa phần là phim kinh dị, siêu anh hùng các thứ. Hôm đó mấy đứa bạn rủ đi xem phim quả là rất đông vui và nhộn nhịp, dù hôm đó là ngày giữa tuần, nhưng rạp phim kín cả chỗ ngồi. Tôi chưa từng đọc Mắt Biếc, cũng chưa từng nghe kể, tôi đi xem trong tâm thế một người mê phim và đã có quá nhiều cảm xúc lẫn lộn khi tôi rời mắt khỏi màn hình lớn.
Câu chuyện kể về cuộc tình từ thuở ấu thơ giữa Ngạn và Hà Lan, song nghĩ lại thì tôi muốn nhắc đến Hà Lan trước, bởi lẽ, cô chính là nguyên nhân bắt đầu cho sự chớm nở mối tình trong Ngạn. Hà Lan vốn xinh đẹp, quả là rất xinh, đôi mắt to tròn, long lanh và mang vẻ đẹp thôn quê chân chất. Với vẻ đẹp nhẹ nhàng ấy, bất kì chàng trai nào cũng sẽ đem lòng mến cô ngay từ cái nhìn đầu tiên chứ không chỉ mình Ngạn. Hà Lan với đôi mắt biếc, tưởng chừng như sẽ đem một lòng yêu cái chốn Đo Đo ấy mãi, nhưng cuộc sống nhiều đổi thay. Ngày mà Hà Lan lên thành phố học cấp ba cũng là lúc mà câu chuyện bắt đầu đi vào những biến cố. Chốn đô thị đông vui, nhộn nhịp, chốn đô thị với nhiều cái hiện đại và lạ lẫm, đôi mắt biếc của Hà Lan bị choáng ngợp bởi những thứ ấy, giống như bao cô gái thôn quê trong các bản tình ca cũ, khi lên chốn phồn hoa thì thứ tình cảm dành cho một chàng trai nào đó ở làng bị lu mờ, bị che khuất mất. Hà Lan cũng không ngoại lệ, chỉ có điều, cô không quên Ngạn, cô vẫn còn thương anh nhưng cái tình ấy đã không còn mặn mà như trước. Ngày cô về thăm làng lần đầu sau bao ngày đi học ở thành phố, cô khác hẳn. Hà Lan bắt dầu thay đổi cách ăn mặc, cách nói chuyện, những sự thay đổi ấy là tất yếu, song cô thay đổi luôn cả tình yêu dành cho Đo Đo, bắt đầu có sự so sánh giữa làng mình và chốn đô thị. Tôi nói thế không phải muốn trách Hà Lan, chỉ muốn chỉ ra rằng, khi con người ta không có một sự chuẩn bị nào thì mọi sự thay đổi của hoàn cảnh sẽ tác động ít nhiều đến bản thân chúng ta.
Quả thật, Hà Lan không được chuẩn bị một thứ gì, tôi xem phim và thấy sự thay đổi của cô diễn ra quá nhanh, chỉ trong một vài phút phim. Cô không biết một thứ gì ở thành phố trước khi đặt chân lên đất phồn hoa, cô không tưởng tượng được sẽ có một nơi như thế, một nơi "đẹp hơn làng mình nhiều". Hà Lan vừa đáng thương mà vừa đáng trách, nhưng theo tôi, cô đáng thương nhiều hơn . Cô cũng chỉ là nạn nhân của việc chạy theo cái mới mà bỏ quên cái truyền thống. Chính vì thị hiếu ấy mà cô cần một sự che chở, một niềm vui trong đời sống tinh thần, một điều gì đó thú vị và Dũng đáp ứng được điều đó. Dù chỉ là nhất thời, nhưng quãng thời gian Dũng và Hà Lan quen nhau chắc rằng rất có ý nghĩa đối với Hà Lan, bởi thế nên cô đặt hết niềm tin vào chàng để rồi dẫn đến sai lầm không đáng có. 
Tôi có nghe nhiều thông tin sau bộ phim, và tôi suy nghĩ nhiều về việc :" Liệu Hà Lan phải chăng quá vô cảm, không hề cho Ngạn một cơ hội nào để giãi bày ?". Sự thực như tôi đã đề cập đến, Hà Lan không hề vô cảm với Ngạn, chỉ là do một phút nào đó, cô đã để cái mới chốn đô thị tác động đến. Còn về việc cô có cho Ngạn cơ hội đã giãi bày hay không thì đã có nhiều người giải thích một cách rất xác đáng. Hà Lan cho Ngạn quá nhiều cơ hội, sự thực là vậy. Từ những cuộc gặp ở làng, có đoạn : Ngạn đang ngồi trên chiếc chõng tre, chơi guitar và hát những bản nhạc tình do anh tự sáng tác, Hà Lan sang học cùng và ngồi nghe. Lại có những lúc ở rừng sim, những lúc Ngạn chở Hà Lan đi học về ở thành phố, hay mỗi khi Ngạn qua nhà dì Hà Lan chơi...  Những lúc đó, tôi như thấy ở đôi mắt biếc của Hà Lan mong chờ điều gì nhưng rồi chẳng có gì xảy ra, vì thế mà cô tìm đến Dũng như một nơi để cô tìm thấy cái gọi là "tình yêu", để có những cuộc hẹn hò lãng mạn... Nhưng dù sao, cô cũng nhận ra được sự hi sinh và tình yêu cao cả mà Ngạn đã dành cho cô trong cả thời thanh xuân đẹp đẽ ấy, cô đã chạy theo khi chuyến tàu chở Ngạn về Nam rời ga, song lúc ấy đã quá muộn màng... Hà Lan tiêu biểu cho những người con gái dễ bị thứ vật chất, trào lưu cám dỗ mà dẫn đến sai lầm trong cuộc sống, trách Hà Lan vì bản thân cô thiếu sáng suốt, thiếu tự chủ nhưng cũng nên nhìn cô ở nhiều góc độ khác nhau để thấy cô cũng đáng thương, cũng chỉ là nạn nhân mà thôi.
Tuy nhiên, Hà Lan để lại ấn tượng không nhiều bằng Ngạn, và anh cũng là một nhận vật chính trong phim, cụ thể thì toàn bộ bộ phim chỉ xoáy vào tình cảm mà anh dành cho cô bạn thuở nhỏ của mình. Sự day dứt, đau khổ, tiếc nuối  của Ngạn ở cuối bộ phim hòa cùng với bản nhạc da diết của Phan Mạnh Quỳnh đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của những người chứng kiến, để lại nỗi ám ảnh lâu dài mà bây giờ vẫn còn hiện hữu trong tôi. Hiếm có chàng trai nào lại có thể dành cả tuồi thanh xuân của mình để yêu thương và chăm sóc cuộc đời của người con gái mình yêu, đến khi Hà Lan có con - Trà Long , Ngạn cũng chăm sóc và nuối nấng cô bé. Tôi ngưỡng mộ anh và tôi thấy anh đáng thương. Ai bảo mắt biếc là mắt của riêng Hà Lan, theo tôi thấy thì cái nhìn lúc nào cũng suy tư, xa xăm của Ngạn cũng chính là đôi mắt biếc , tiếc rằng, đôi mắt ấy chỉ có thể quan sát Hà Lan từ phía sau mà thôi. Ước gì Ngạn có thể nói ra nỗi lòng mình, ước gì anh không nhút nhát, do dự thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Tiếng đàn của anh cảm mến được Hà Lan nhưng anh không dám cất lên tiếng lòng mình. Nhìn thấy Ngạn, hẳn chàng trai nào cũng thấy mình trong đó, cũng thấy mình từng là Ngạn trong câu chuyện đời mình. Nhìn cảnh Ngạn đi xin gạo trong đêm mưa to gió lớn, nấu cơm chắt nước để Trà Long uống thay sữa mẹ, rồi cảnh Ngạn nấu cháo, chăm sóc Hà Lan khi cô mang thai đứa con của Dũng, nhiều khi xem mà thấy ấm ức thay, muốn trách Ngạn đã chạy theo thứ vốn dĩ đã không thuộc về mình, mù quáng hi sinh cho người khác mà không cần quan tâm đến bản thân mình, quên mất mình là ai để rồi phải ra đi trong hối tiếc, bồi hồi cả một đời.
" Ngày cô ấy đi theo nơi phồn hoa, chàng trai bơ vơ từ xa trong tim hụt hẫng như mất một thứ gì, không ai hiểu thấu..."
Mỗi lần giai điệu ấy vang lên là nỗi ám ảnh về một mối tình dang dở lại hiện về trong tôi, tôi thấy yêu Mắt Biếc, yêu tài năng của cây bút Nguyễn Nhật Ánh, yêu luôn cả cái chốn Đo Đo, cái làng Đo Đo, cái chợ Đo Đo.  Yêu ngôi trường tiểu học nhỏ ấy và cả rừng sim thơ mộng. Mắt Biếc vẫn đang sống mãi trong lòng người yêu văn học, những người yêu phim mỗi khi nhắc đến cuộc tình trắc trở giữa những đôi mắt si tình, đặc biệt là tôi. 
(Những cảm nhận trên của tôi chỉ đứng ở góc độ của người chưa đọc tác phẩm truyện, tôi cũng chỉ mới bước chân vào những năm tháng cấp 3 nên chưa kinh qua được nhiều mối tình, cảm nhận có thể không sâu sắc, mong rằng sẽ nhận được ý kiến đánh giá góp ý từ mọi người .)