Du học Pháp: Học tập – Cuộc sống – Xã hội
Trong phần tiếp theo của series những câu chuyện chưa kể về du học, ELLA STUDY xin giới thiệu với các bạn chia sẻ của bạn Trương Trọng Thịnh, du học sinh tại Pháp. Cùng lắng nghe cuộc sống tại Pháp của bạn Thịnh thay đổi như thế nào so với cuộc sống tại Việt Nam nhé.
Xin chào các bạn, mình là Trương Trọng Thịnh, hiện sinh sống, học tập và làm việc tại Công hòa Pháp. Với hơn 4 năm ở đây, cùng với những kinh nghiệm được nhìn thấy và rút ra từ chính bản thân, mình xin gửi đến các bạn một góc nhìn về du học Pháp khá thú vị mà mình đã trải qua.
Du hoc Phap


I. Học tập
20/01/2013, 18 tuổi, mình rời xa gia đình, quê hương để bắt đầu một cuộc sống mới tại Pháp. Hành trang kiến thức mà mình mang theo, là toàn bộ 12 năm học phổ thông ở Việt Nam, một tấm kết quả thi tuyển đại học loại khá và một tấm bằng TCF A2 thi lấy vội sau 3 tháng học nhồi nhét trước đó. Mình cũng dự cảm những khó khăn về ngôn ngữ tiếng Pháp sẽ đến vì lúc đó, kĩ năng nghe, nói và viết của mình gần như là con số 0. Mình theo học trường Đại học Công Nghệ Troyes (Université de Technologie de Troyes - UTT) bằng khóa học trong vòng 5 năm và chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Pháp.
1. Những khó khăn đầu tiên
Những khó khăn đầu tiên đến ngay từ ngày đầu mình bước chân đến Pháp khi một loạt các loại giấy tờ, hồ sơ thủ tục cần phải làm ập đến, vừa từ cả phía trường, vừa từ cả phía nhà ở và các dịch vụ khác như điện thoại, ngân hàng, bảo hiểm, trợ cấp nhà ở... Cách vượt qua giai đoạn này, mình nghĩ cần phải thật kiên nhẫn, tỉnh táo, cẩn thận, từ tốn và nên có một công cụ từ điển tiện tay dùng ngay. Mình nghĩ các bạn nên hoàn thành đống giấy tờ hành chính này càng sớm càng tốt bởi vì khi vào guồng học chính thức thì các bạn sẽ không bị nó quấy nhiễu. Các bạn sẽ thoải mái hơn để tập trung vào việc quan trọng hơn, đó là học tập. Tuyệt đối các bạn không nên trả lời bất cứ câu hỏi nào nếu các bạn chưa hiểu hoặc chưa chắc đáp án, hoặc cần suy nghĩ thêm. Các bạn cũng không nên kí nhận bất cứ giấy tờ nào mà các bạn không rõ nó là gì bời vì về sau các bạn có thể mất những khoảng tiền không đáng có hoặc gặp những vấn đều rắc rối về sau. Các bạn nên tìm mọi cách, nhờ các anh chị đồng hương sang trước giúp đỡ tư vấn hoặc từ điển để làm rõ vấn đề rồi hãy quyết định. Mình nói điều này bởi vì từ tâm lí một người lơ mơ về tiếng Pháp như mình, khi nghe quá nhiều thứ bằng tiếng Pháp, chưa quen với ngôn ngữ mới, các bạn có xu hướng trả lời “oui” hoặc “non” chỉ để cho qua chuyện hay kí đại để tránh đau đầu. Điều này rất hại.
2. Những buổi học đầu tiên bằng tiếng Pháp
Mình may mắn khi được học ở UTT, một ngôi trường đào tạo kĩ sư rất chịu khó chăm chút cải thiện ngôn ngữ cho học sinh nước ngoài, đặt biệt là tiếng Pháp. 2 năm đầu tiên của mình ở trường, tức là 4 kì học, kì nào cũng có một vài môn tiếng Pháp để giúp mình cải thiện ngôn ngữ để có thể đáp ứng được bài học chính quy về học thuật và để thực tập hay làm việc sau này. Kì đầu tiên mình có 4 môn tiếng Pháp, kì 2 có 2 môn, kì 3 và 4 mỗi kì có 1 môn. Sau 2 năm học, mình trở nên khá vững vàng về tiếng Pháp và như bạn biết đấy, ở Pháp, khi bạn giao tiếp được bằng tiếng Pháp, bạn gần như có thể làm mọi thứ.
Du hoc Phap


Những buổi học chuyên môn đầu tiên của mình diễn ra thật sự choáng ngợp và lạ lẫm. Mọi thứ đều không quen. Bạn không quen 200 người ngồi trong lớp, bởi vì họ không nói tiếng Việt. Bạn không quen người thầy đứng trên bảng đang liên tục nói không ngừng và rất nhanh trong 2 giờ đồng hồ bằng tiếng Pháp. Bạn không thể xin giáo viên nói chậm hơn, hay không thể đặt những câu hỏi về việc bạn chưa hiểu câu này để ông ta giải thích riêng cho bạn bởi vì mọi người xung quanh bạn đều hiểu ông ta đang nói gì và việc giáo viên giải thích cũng không biết đến bao giờ cho xong bởi vì chẳng có câu nào bạn hiểu trọn vẹn cả. Những buổi học đầu tiên bằng ngôn ngữ khác thật sự rất khó khăn. Một cách hóm hỉnh nhưng cũng hoàn toàn đúng, mình nghĩ những buổi nghe giảng đầu tiên của mình ở lớp được tóm gọn bằng câu thành ngữ : “đàn gảy tai trâu”.
Việc bạn cần làm trong giai đoạn này, là kiên trì, không khuất phục, không từ bỏ, dù chả hiểu gì và dù cho buổi sáng thức dậy sớm vào mùa đông đi đến trường rất lạnh như đông đá, bạn cũng vẫn nên đi đến buổi học. Mình cũng đã từng có tâm lí này : “7h sáng mở mắt, ngoài trời tối đen như mực, tuyết vẫn rơi, lạnh cắt da thịt, trong nhà có sưởi, trong chiếc chăn ấm, liệu mình có cần phải ráng dậy đi học không. Ra đường, lạnh lắm, lại còn phải mang cả tạ đồ ấm lên người. Đến trường dù sao cũng chả hiểu thầy nói gì, rồi sẽ ngáp ngắn ngáp dài. Hay là mình ở nhà nghỉ học, ngủ tiếp cho sướng”. KHÔNG ! Điều này sẽ làm hại cho bạn bằng cách tạo một thói quen lười và trốn học. Để vượt qua được những thứ này, mình chỉ quan niệm một điều : đến lớp, dù không hiểu bài, cũng sẽ học được những thứ khác như là quen dần với âm sắc ngôn ngữ của giáo viên, nói chuyện với vài người bạn xung quanh để hòa đồng và cải thiện tiếng Pháp.
Vậy thì làm sao để tiếp thu bài một cách tốt nhất ? Phương pháp của mình đó chính là chuẩn bị bài trước, nghe giảng bài ở lớp, cố gắng ghi chép hết mức có thể tất cả những thứ có ở lớp và sau đó xem lại bài và hiểu cặn kẽ ở nhà với từ điển. Một số bạn khác có thể dùng thêm các thiết bị thu âm để lưu bài giảng của giáo viên. Mình không làm điều này bởi vì bài giảng của lớp được giáo viên đưa hết lên một trang web của trường. Mình chỉ việc vào xem trước chuẩn bị bài và xem kĩ hiểu sâu với từ điển khi tự học ở nhà. Theo cách này, mình đã tiếp thu bài tốt nhất và không gặp nhiều khó khăn với ngôn ngữ mới. Hơn nữa, bằng cách nghe giảng, tra từ điển về bài dạy thường xuyên, mình đã có thể nghe quen hơn với âm sắc, với cách nói tiếng pháp, và ghi nhớ thêm được rất nhiều từ vựng và cấu trúc ngữ pháp tiếng Pháp.


Mình chia sẻ thêm một chút về cách mình cải thiện tiếng Pháp. Cách này của mình sẽ dành cho các bạn lười học tiếng Pháp ở nhà. Một cách thẳng thắn, mình chưa bao giờ lật bất cứ một cuốn sách, vở nào bằng tiếng Pháp để học thêm ở nhà khi rảnh rỗi. Nếu có, thì đó là những bài tập từ những môn học Tiếng Pháp ở trường mà mình cần phải giải quyết trước khi đến lớp. Mình học tiếng Pháp, mọi lúc, mọi nơi, lúc đi siêu thị, lúc đi shopping, lúc dạo phố, lúc hỏi đường, lúc nói chuyện với bạn bè, lúc học các môn học khác, lúc tham gia vào các hoạt động xã hội, nói chung là mình học từ mọi sinh hoạt hằng ngày. Các môn tiếng Pháp ở trường cho mình một nền tảng vững chắc về ngữ pháp tiếng Pháp, còn hoạt động sinh hoạt hằng ngày cho mình một vốn từ, sự luyện tập, trau dồi, nghe, nói, đọc, viết... Đừng ngại nói, viết bằng tiếng Pháp, sai cũng được, sai sẽ có những người bạn Pháp xung quanh giải thích và sửa sai cho bạn. Bạn không nói, tức là bạn dấu sai đi, vậy thì bạn sẽ không bao giờ sửa được lỗi sai. Đừng sống khép kín trong căn phòng của bạn hay trong cộng đồng những người việt nam ở đó, hãy ra ngoài hòa đồng với mọi người, hãy cố gắng có thật nhiều bạn Pháp nữa, bởi vì họ sẽ giúp bạn cải thiện hiệu quả tiếng Pháp, ngay cả về âm sắc, để khi bạn nói người ta không nhận ra được đó là một người ngoại quốc nói tiếng Pháp hay là người Pháp.
3. Cách học Pháp – Việt Nam
Những ý kiến bình luận, so sánh sau đây của mình, chỉ mang tính chủ quan và đối với ngôi trường mình đang học. Có lẽ sẽ có rất nhiều khách học khác nhau ở mỗi ngôi trường ở Pháp, hay rộng hơn là ở Châu Âu.

Điều dễ dàng nhận thấy nhất khi so sánh cách học ở các trường học Châu Âu với đa số các trường Đại học ở Việt Nam đó là khả năng tự học, tranh luận, hoạt động nhóm và tư duy sáng tạo của các sinh viên. Trước khi sang Pháp, mình đã từng theo học 3 tháng tại trường Đại học Kinh Tế - Đại học Đà Nẵng. Ngoài ra, mình cũng nghe từ bạn bè mình, những người học ở Việt Nam và nhận thấy được một số khác biệt rõ ràng. Cách học ở Pháp có những ưu điểm sau:
• Ở Việt Nam, các lớp học quá đông học sinh và thiếu đội ngũ giáo viên, dẫn đến việc phân chia không rõ ràng giữa các loại lớp học. Các lớp học lúc nào cũng tầm 200 sinh viên hoặc đông hơn, các buổi học đều giống loại nhau và chỉ có 1 giáo viên trong mỗi buổi học. Điều này khiến giáo viên không thể theo dõi và giúp đỡ kịp thời cho sinh viên khi gặp khó khăn. Trong khi ở Pháp, với mỗi môn học, sẽ có từ 2 đến 3 loại lớp học khác nhau. Lớp học lí thuyết sẽ có tầm 100-200 sinh viên và 1 giảng viên để truyền đạt kiến thức. Lớp học luyện tập sẽ giúp sinh viên đi sâu vào vấn đề qua các bài tập được đưa ra và được hướng dẫn giải cụ thể. Lớp học này chỉ có từ 10 đến 20 sinh viên, 1 giảng viên và có nhiều lớp nhỏ như thế cho 200 sinh viên. Bằng cách này, sinh viên được chỉ bảo tận tình, cụ thể, được theo sát và được đặt tất cả những câu hỏi với giảng viên để được giải đáp. Cách này giúp sinh viên hiểu rõ lí thuyết hơn và cách áp dụng vào thực tế. Lớp thực hành sẽ là nơi các sinh viên thực hành với trang thiết bị hiện đại để áp dụng lí thuyết được học vào thực tế. Lớp học này chỉ từ 10 đến 20 sinh viên và đây là cách trả lời cho sinh viên câu hỏi : học môn này để làm gì ?
  • Ở Pháp, sinh viên viết báo cáo, làm nhóm và thuyết trình liên tục. Sau mỗi lớp thực hành, sinh viênthường phải viết báo cáo về những thứ mình làm được, và rút ra kết luận từ đó. Điều này khá mệt mỏi nhưng bằng cách làm nó, sinh viên sẽ có được lượng kiến thức sâu rộng. Việc làm nhóm và thuyết trình liên tục sẽ là nơi giúp sinh viên bộc lộ cái tôi, tư duy của mình trước đám đông, không ngại phát biểu suy nghĩ của mình, giúp đỡ sinh viên suy nghĩ, tranh luận, tôn trọng ý kiến người khác vì một mục đích chung là nhóm phát triển hơn. Ở đây, rất nhiều những tư duy sáng tạo và dự án thực tế ra đời.
  • Trường học tổ chức và khuyến khích các cuộc thi kêu gọi sáng tạo của sinh viên. Họ khuyến khích sinh viên lập các nhóm nhỏ để tham gia cuộc thi sáng tạo trong vòng 24h hay các cuộc thi sáng tạo khác. Giải thưởng đưa ra cũng khá hấp dẫn để thu hút sinh viên tham gia.
  • Giảng viên lắng nghe và tôn trọng ý kiến của sinh viên. Đừng ngại ngùng khi tranh luận với giáo viên của bạn bởi vì điều đó là hoàn toàn bình thường. Giáo viên sẽ sẵn sàng trao đổi với bạn để giúp đỡ bạn tiến bộ hoặc có thể bạn có những ý tưởng hay mà giáo viên cần học tập. Điều này rất khác đối với phần lớn các giáo viên ở Việt Nam, khi mà họ thường có suy nghĩ rằng chỉ có họ đúng vì có kinh nghiệm và sinh viên đang học từ họ thì làm sao giỏi hơn họ được. Từ đó họ thường không lắng nghe, tôn trọng ý kiến của sinh viên.
  • Thư viện là một kho tàng khổng lồ có tất cả mọi thứ,đừng nên bỏ qua và lãng phí nó! Các thư viện ở Pháp thường được tổ chức, sắp xếp và cập nhật rất ngăn nắp hằng ngày để phục vụ lượng lớn sinh viên. Trang thiết bị có trong thư viện cũng cực kì hiện đại như ánh sáng 24/24, đèn học đi kèm trên mỗi bàn học. Thư viện trường mình có 2 tầng với rất rất nhiều bàn học chung và các phòng học riêng để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như : học nhóm, họp nhóm, ôn tập kiểm tra. Thư viện mở từ 8h đến 22h mỗi ngày. Ngoài ra, còn có thư viện điện tử online để giúp các bạn kết nối từ xa. Thư viện trường mình còn có dịch vụ cho mượn miễn phí laptop, ipad trong vài tuần để phục vụ tối đa việc học tập của sinh viên. Trong trường hợp laptop của bạn bị hư, thì việc có laptop từ thư viện để mượn là quá tuyệt phải không nào ? Nếu bạn cần một nơi yên tĩnh, thoát khỏi những cám dỗ ở nhà và gần nguồn tài liệu phong phú thì thư viện là nơi không thể tuyệt vời hơn !
  • Việc học ở Pháp là tự giác, không ép buộc. Tuy nhiên, vẫn có sự đào thải. Sau 2 năm đầu tiên, nếu sinh viên không đáp ứng được chương trình của trường, bị tụt lại phía cuối lớp, thì sẽ bị đào thải, bị cho thôi học, xuống các trường thấp hơn như cao đẳng. Do đó, việc cạnh tranh giữa các sinh viên là vô hình nhưng luôn tồn tại. Bên cạnh đó, ý thức tự học và trau dồi bản thân của sinh viên khá cao cho nên việc thi đua nhau đẩy trình độ của họ lên cao.
  • Trong trường có rất nhiều tổ chức sinh viên theo sở thích. Các tổ chức này, không phải đơn giản vô ích hay xả stress, mà còn là nơi giúp sinh viên phát triển toàn diện các kĩ năng mềm như óc tổ chức, lãnh đạo, phối hợp hoạt động, duy trì tổ chức, gây quỹ hay giao tiếp.
  • Trường học theo sát từng cá nhân. Đầu mỗi kì học, mỗi sinh viên sẽ được trường hỗ trợ bằng một giáo viên hướng dẫn trực tiếp, người mà sinh viên có thể thoải mái đặt câu hỏi về định hướng phát triển, nên chọn ngành nào, hay bất kì khó khăn nào khác.
  • Phòng quan hệ quốc tế phát triển. Đây là nơi giúp các bạn sinh viên ở trường được đi trao đổi ở khắp nơi trên thế giới có liên kết với trường đồng thời là nơi tiếp nhận các sinh viên từ mọi nơi trên thế giới về trường. Từ đó, trường học trở thành một nơi đa ngôn ngữ. Đến trường, bạn không chỉ được học kiến thức, mà còn được nghe, học và giao tiếp rất nhiều ngôn ngữ nếu muốn. Đi trong trường, bạn có thể nghe nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Trung, Hàn, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Việt Nam...
  • Để là một ngôi trường quốc tế thì việc có các lớp học ngôn ngữ đa dạng là cần thiết. Các trường thường có nhiều lớp học nhiều ngôn ngữ khác nhau, tùy theo sở thích của sinh viên. Bạn đừng bất ngờ khi lúc vào trường bạn chỉ nói tiếng Việt và khi ra trường bạn có thể nói được thêm tiếng Anh, Pháp, Trung, Hàn...
  • Giáo dục thể chất và triết học là tự nguyện. Nếu ở Việt Nam, triết học và thể dục thể thao thường gây không ít khó khăn cho sinh viên thì ở Pháp, những thứ này là tự nguyện. Trường vẫn có các trung tâm thể thao riêng của trường như phòng gym, sân bóng, hồ bơi, sân chạy, bóng rổ, cầu lông, bóng bàn, các môn võ, thể dục nhịp điệu, leo núi. Các môn học về pháp luật, triết học và chính trị cũng rất đặc sắc, nơi mà bạn có thể thỏa sức tìm hiểu và nêu quan điểm về một thể chế chính trị, một tư tưởng nào đó. Bạn không hề bị một chút gò bó nào về vấn đề này.
II. Cuộc sống – Xã hội
1. Thích nghi với môi trường mới
Cách tốt nhất để bạn thích nghi với môi trường mới là hòa đồng và sẵn sàng học hỏi. Đừng khép kín mình vào một góc phòng vì điều đó không tốt và nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng đến việc học của bạn. Mình có quen một anh bạn trước kia học rất có năng lực ở Việt Nam. Sang đến Pháp, anh ta vẫn chăm chỉ học hành, chỉ có điều anh ta không hề giao tiếp với bên ngoài, thế là khi có khó khăn, anh ta chả tìm được ai để được giúp đỡ. Dần dần, khó khăn chồng thêm khó khăn, cho dù anh ta vẫn cố gắng học hành, anh ta đã bị rời khỏi trường vì thành tích xấu và phải mất thêm 2 năm ở cao đẳng và nằm hạn top để leo lên lại đại học một lần nữa.
Bạn nên cố gắng tạo quan hệ, và chủ động nói chuyện với nhiều người bản xứ nhất có thể ví dụ như những người bạn phòng kế bên trong khu, những người bạn ngồi gần trong lớp, những người bạn gặp ở các trung tâm thể thao, tổ chức xã hội. Họ sẽ chỉ dẫn bạn làm quen với cuộc sống ở nơi bạn đến.
Những lúc rảnh rỗi, thay vì ở nhà khép mình, bạn nên ra ngoài đi dạo, hoặc nếu có lời rủ đi chơi hay picnic đâu đó thì bạn cũng không nên từ chối. Biết đâu bạn sẽ học được nhiều thứ mới hoặc gặp những điều bất ngờ ở đó.
Bạn cũng nên thử mình tham gia vào một tổ chức sinh viên mà bạn thích và cũng có thể thử làm những chức vụ lãnh đạo trong tổ chức. Điều này sẽ giúp bạn có những mối quan hệ rất đáng quý và trau dồi được nhiều kĩ năng mới, học thêm rất nhiều kiến thức mới, nét văn hóa mới. Hơn nữa, những hoạt động xã hội sẽ giúp bạn bận rộn hơn, có một cuộc sống năng động, trẻ trung để bạn không phải than phiền “buồn chán, nhớ nhà” khi mỗi lần liên lạc với gia đình.
Bạn cũng nên tự tổ chức cho mình một cuộc sống hợp lí giữa học tập và sinh hoạt thường nhật bằng cách lên những thời gian biểu. Đừng để những thứ như đi chợ, rửa bát, giặt đồ, nấu nướng ảnh hưởng việc học tập và ngược lại. Ngoài ra, hãy thường xuyên dọn dẹp phòng ốc, thùng rác, nhà vệ sinh, rửa bát ngay sau khi ăn để giữ cho nơi ở của bạn được sạch sẽ, tạo cảm giác thoải mái để bạn có thể tự hào mời bạn bè đến chơi mà không ngại ngùng vì nhà bẩn hay có mùi khó chịu.
Tuy nhiên, học hỏi cái mới không có nghĩa là bạn học tất cả. Bạn nên chọn lọc những cái tốt, mới, phù hợp với mình để học và gạt đi những suy nghĩ, nét văn hóa của phương tây mà bạn cho là không phù hợp.
Khi bạn sống bình thường như một người bản xứ, cùng chơi, nói chuyện, sinh hoạt với họ một cách tự nhiên bình thường thì tức là bạn đã thích nghi tốt được với môi trường mới rồi.
Du Hoc Phap


2. Làm quen người bản xứ
Nếu bạn là người hòa đồng và mạnh dạn thì điều này cực kì dễ dàng. Như cách bạn nói chuyện làm quen với 1 người bạn Việt Nam, bạn hãy làm quen với người bản xứ. Bạn có thể làm quen bằng cách hỏi họ về nét văn hóa ở nơi bạn đến, có gì cần lưu ý, có gì hay. Bạn cũng có thể trao đổi với họ về bài tập ở lớp, về bài học ở lớp, học nhóm chung. Bạn cũng có thể kể cho họ nghe những nét văn hóa ở đất nước Việt Nam, mời họ thử những món ăn truyền thống Việt Nam, cho họ nghe những ca khúc nhạc Việt Nam. Bạn đề nghị giúp đỡ họ khi thấy họ khó khăn hoặc xin được họ giúp đỡ khi bạn có vấn đề. Ngày nghỉ, bạn rủ họ đi picnic, chơi thể thao. Tất cả những việc trên sẽ thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị của bạn và người bản xứ.
Nếu bạn là một người trầm tính và khó kết bạn, bạn cũng hãy ráng tìm cho mình một vài người bạn cùng sở thích, lí tưởng, hoặc đơn giản là thấy thoải mái khi ở cạnh. Khi họ tiến đến muốn làm quen thì bạn cũng hãy tìm hiểu họ xem có hợp với bạn không trước khi làm ngơ và từ chối nhé.
3. Du lịch giá rẻ
Một trong những lợi ích của du học sinh Châu Âu là được đi thăm thú khắp mọi nơi ở Châu Âu mà không gặp khó khăn về thủ tục hành chính, miễn là ở trong khối Schengen. Ở Pháp, các trung tâm, dịch vụ du lịch có ở khắp mọi nơi, trên internet hoặc ở địa phương sở tại, thậm chí là ở trong trường học. Đối với những bạn thích đi du lịch đây đó, thì các bạn có thể hỏi thăm những người xung quanh để biết về các trang web du lịch giá rẻ hay các page facebook. Ngoài ra, những tổ chức sinh viên ở trường mà có tổ chức du lịch thì khả năng lớn sẽ được giá rẻ bởi vì họ tổ chức theo tour cho sinh viên và sinh viên thì thường sẽ được nhà nước giảm giá và ngoài ra các tổ chức sinh viên có thể làm hồ sơ xin trợ cấp để đi du lịch khám phá văn hóa từ ngôi trường của họ. Ví dụ, ở ngôi trường UTT của mình, mỗi kì học có khoảng 3 đến 4 tour du lịch giá rẻ đi Pháp và các thành phố Châu Âu vì đều nhận được hỗ trợ từ quỹ trường và các tổ chức cơ quan khác.
4. Văn hóa, nghệ thuật
Nếu bạn là người thích tìm hiểu văn hóa nghệ thuật thì Châu Âu chính là nơi lí tưởng cho bạn. Với việc là sinh viên, bạn có thể đi đến các viện bảo tàng miễn phí để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử phương tây. Bằng những chuyến du lịch giá rẻ, bạn sẽ đi đến mọi nơi để biết về phong tục tập quán ở đó. Pháp thường hay tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật ngoài trời cho người dân khám phá với vô số các lễ hội, các buổi triển lãm. Cinema có mặt ở xung quanh bạn nếu bạn muốn xem phim và nhai bỏng ngô. Đặt biệt hơn, những tín đồ bóng đá, nếu bạn ở Paris hay các thành phố lớn như Lyon, Marseille thì việc bạn được theo dõi bóng đá đỉnh cao Ligue 1, Champions League, Europa League cũng là điều hết sức bình thường. Với những người thích nghe nhạc Âu-Mĩ, hay Pháp thì show của các nghệ sĩ nổi tiếng vẫn dày đặt quanh năm. Đã đến Châu Âu, thì giấc mơ một ngày được xem show tận mắt của các Taylor Swift, Justin Bieber, Bruno Mars, Ellie Goulding... cũng đã ở rất gần bạn rồi. Đối với những bạn muốn học thêm về nhạc cụ hay học nhảy thì đây cũng là cơ hội tuyệt vời rồi. Các tổ chức sinh viên ở trường sẽ giúp bạn. Ở đó có câu lạc bộ guitare, acoustic, trống, kèn, dance sport, modern dance... Đặc biệt, ở trường của mình, còn có cả bàn piano, DJ do trường trang bị và câu lạc bộ DJ để bạn đăng kí vào, học, trau dồi và trao đổi để có thể là một DJ sinh viên thực thụ.
5. Việc làm thêm
Trong mỗi năm học, bạn thường chỉ học 8 đến 9 tháng, thời gian còn lại là nghỉ đông và hè. Đối với những bạn cần thu nhập để tiếp tục trang trải cho cuộc sống tiếp theo, thì các bạn nên liên lạc, hỏi bạn bè xung quanh để tìm được một công việc làm hè. Điều này là không quá khó khăn
Và dành cho những bạn có tình hình tài chính không bắt buộc, thì việc làm thêm chính là cách bạn chứng minh cho gia đình rằng bạn đã có thể làm ra tiền bằng chính mồ hôi công sức của mình. Sau đó, bạn dùng số tiền này để mua sắm cho bản thân hay cho những chuyến du lịch trong tương lai của bạn. Như vậy là bạn cũng đã đỡ giúp bố mẹ được một phần nào rồi. Đặc biệt hơn, việc làm hè còn cho bạn một trải nghiệm mới với nhiều kinh nghiệm đáng quý. Bạn sẽ học được nhiều thứ từ đó để rồi trân quý cuộc sống, đồng tiền làm ra hơn, để biết rằng làm ra nó ta phải đổ mồ hôi công sức và chẳng dễ dàng tí nào và càng biết ơn bố mẹ mình hơn. Ở mỗi công việc làm thêm, bạn sẽ học được rằng chúng cần những kĩ năng gì, biết đâu sau này bạn sẽ cần những kiến thức này để phục vụ cho tương lai của bạn. Cuối cùng, bạn sẽ được tiếp xúc với khó khăn vất vả, để sau này bạn vững vàng hơn trong sự nghiệp khi có những khó khăn vất vả khác bởi vì cuộc sống vốn chẳng dễ dàng.

6. Trải nghiệm quý giá
Điều này là quá hiển nhiên khi bạn được đi du học. Bạn gặp được những người bạn mới, khác màu da, tiếng nói, bạn gặp những nền văn hóa, văn minh mới. Bạn đặt dấu chân mình lên mọi nơi bạn tới để rồi sau này kể cho mọi người nghe về nơi đó có gì và về hành trình của bạn. Bạn có những người bạn tuyệt vời mới, những người luôn bên bạn khi bạn gặp có khăn và không có gia đình bên cạnh. Bạn biết được nhiều ngôn ngữ mới, bạn có rất rất nhiều những “lần đầu” khác. Bạn sẽ tự giải quyết rất nhiều công việc mà bạn không bao giờ hoặc hiếm khi phải đối mặt khi ở chung với gia đình như nấu nướng, rửa bát, đi chợ, tính toán chi tiêu ... Bạn tự mình làm tất cả những giấy tờ thủ tục hành chính, bạn tự chịu trách nhiệm với việc bạn làm. Bạn sẽ thấy nhiều thứ mà bạn chưa bao giờ thấy ở Việt Nam như hệ thống đường sá giao thông hiện đại, tàu điện, lò sưởi... Bạn được thử nhiều món ăn, nước uống mới. Bạn được biết là hút thuốc phiện và bán dâm vẫn có nơi là bình thường và hợp pháp. Bạn được đến và chứng kiến tận mắt những thứ mà ngày xưa bạn chỉ thấy qua tivi khi còn ở Việt Nam.
7. Du học và định cư
Câu hỏi du học và sau đó tìm việc định cư ở nước ngoài thường được nhiều bạn sinh viên đặt ra. Câu trả lời của câu hỏi này còn tùy vào quốc gia mà bạn đến du học. Mình chỉ xin nói về ở Pháp vì mình không hiểu lắm ở các quốc gia khác. Ở Pháp, chất xám và người tài cực kì được trọng dụng. Nếu bạn là một sinh viên xuất sắc, vào năm cuối ở trường hoặc ngay sau khi ra trường, bạn có thể tìm ngay được một công việc dài hạn để ổn định cuộc sống, vài năm sau bạn có thể xin quốc tịch rồi trở thành một công dân Pháp.
Điều kiện xin quốc tịch còn tùy thuộc vào từng vùng ở Pháp và tùy theo hoàn cảnh của bạn. Cho dù công việc của bạn không phải ổn định, nó có thời hạn cụ thể, nhưng nếu bạn đã sống và làm việc ở Pháp đủ lâu, bạn vẫn có thể xin được quốc tịch Pháp. Tất cả những câu hỏi này, bạn sẽ tìm hiểu kĩ hơn theo trường hợp của bạn, trong khi bạn đang sinh sống tại đây.
Ngay cả khi bạn muốn trở lại Việt Nam sau khi du học, thì việc cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp đại học ở Châu Âu cũng đã giúp bạn không ít trong việc tìm một công việc phù hợp chuyên môn ổn định với mức thu nhập khá ổn cho cuộc sống.
III. Lời kết
Trên đây là một vài dòng trải nghiệm của mình khi đã và đang là sinh viên tại Pháp. Nếu các bạn có câu hỏi nào thêm hoặc muốn nhờ tư vấn, đừng ngần ngại liên lạc với mình nhé. Chúc các bạn sớm tìm ra định hướng của mình và thỏa ước mơ du học Châu Âu. A bientôt !

Đón đọc series Du học và Những câu chuyện chưa kể từ đội ngũ Alumni của Ella Study tại: duhoc.ellastudy.com/chuyen-chua-ke/ và theo dõi fanpage của chúng tớ để cập nhất những bí kíp và bài viết mới nhất về du học các bạn nhé: www.facebook.com/EllastudyVN