Một cuốn sách hay khoảng lặng sau bão giông?
Playlist trên soundcloud đang phát tới bài Starry Night của Suho trong album "Self-Portrait" chỉ mới phát hành chiều nay. Và chỉ còn...
Playlist trên soundcloud đang phát tới bài Starry Night của Suho trong album "Self-Portrait" chỉ mới phát hành chiều nay. Và chỉ còn dưới 15 phút nữa sẽ hết ngày sinh nhật của Vincent Van Gogh. Tôi vốn đã định sẽ đọc cuốn Van Gogh vào ngày sinh nhật của ông, nhưng không thể nào cãi tay đôi với thời gian, trước lúc đi ngủ tôi sẽ viết một bài về một-món-quà từ Douglas Kennedy.
Tôi không tìm được nhiều bài review về cuốn sách trên mạng. Dẫu độ phủ sóng của cuốn sách không phải là một điều nổi bật, nhưng nó đủ sức để khiến tôi cảm thấy hồn mình có một chỗ để chứa, bên cạnh một loạt những tin tức dồn dập về Covid-19.
"Nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua" kể một câu chuyện về khoảng thời gian mà cô Jane Howard đã đi qua trong cuộc sống: đầy biến động và nhiều bất an. Điều đọng lại ở cuốn sách không phải là những tình tiết giật gân như một cuốn trinh thám, mà là những điều rất giản dị và đời thường: Douglas Kennedy vẽ ra những lo lắng, đắn đo, lo âu, những xung đột, những mối vật lộn trong cuộc sống rất đỗi quen thuộc mà ai trong chúng ta cũng sẽ một lần hoặc có thể và đã từng trải qua. Không chọn đi theo một cuốn self-helf cứng nhắc, ông vẫn có thể làm cho người đọc đứng dậy và, vững tin vào khả năng của con người trước những thách thức trong đời một cách rất văn chương và đồng cảm, như hai người đã đi gần hết cuộc đời lặng ngắm áng chiều bên bàn trà kiểu Anh trong khu vườn nhỏ.
Sự hấp dẫn của an toàn đã kéo chúng ta vào những cuộc sống mà chúng ta muốn né tránh.
Douglas Kennedy dường như đã bóc tách tầng tầng lớp lớp mỗi con người: ông đi từ những cá nhân được lý tưởng hóa nhất, từ những hoàn cảnh hoàn hảo nhất, tuyệt vời nhất, cho đến những người thật đời, thật gần, đã lại càng giống với hình mẫu của những ai đang muốn khước từ nhưng không nỡ rời bỏ chủ nghĩa hoàn hảo, khởi điểm của thất bại, đớn đau và tận cùng của tuyệt vọng. Cuộc đời được khắc họa trong "Nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua" khiến người ta không ngừng đặt câu hỏi rằng liệu, câu thần chú kia có phải là một điều siêu thực và xa rời thực tế hay không. Cuốn sách không được phủ lên hoàn toàn bằng gam màu đau buồn, nhưng với những nét bút rất chắc tay và không bóng bẩy cũng như độ chín nhất định trong khả năng dẫn dắt từng tình tiết, cơn bão mà Douglas Kennedy đã vẽ lên dường như đã nổi lên mạnh mẽ, mạnh mẽ, mạnh mẽ, chỉ để thôi thúc và thách thức con người đến với cầu vồng.
"Bất cứ khi nào em nghĩ tới chuyện nhận công việc của một giảng viên, hãy luôn nhớ đến câu nói đã trở thành định luật: lý do người trong giới học thuật xấu tính là bởi họ chịu rất ít rủi ro."
Chọn một chủ đề không hẳn là mới mẻ và có chăng đã bị cày xới rất nhiều, nhất là trên thị trường những mảng văn chương như ngày nay, nhưng với khả năng kể chuyện lôi cuốn, giọng văn tuy dài dòng nhưng lại rất có sức hút, đặc biệt hơn đó là một chất rất Mỹ, rất đặc trưng, dứt khoát cực kỳ, nhưng đọng lại những ngân vang, âm hưởng nơi mỗi câu chữ mà chúng ta lướt đi trên ngón tay lật trang sách. Có lẽ, cuốn sách sẽ càng hoàn hảo hơn nếu như bạn là một người hứng thú và có niềm say mê đối với những bộ môn nghệ thuật: từ nhà văn, họa sĩ, kẻ ghiền phim cho đến người yêu nhạc, tất cả đều họa nên một thế giới rất bình yên, nhưng cũng không kém phần thực tế, không sa vào "cái lãng mạn đến phi lý" mà có chăng, bên cạnh những điều đã gửi gắm nhẹ nhàng sẵn có, còn là một điều gì để tác giả trải lòng qua cuốn tiểu thuyết?
Cuộc sống - thậm chí ở thời điểm đau thương nhất - cũng chỉ cách sự phi lý cố hữu của nó không quá vài bước chân.
Với độ dài 480 trang, đan xen nhiều chất liệu nghệ thuật đắt giá cũng như nhiều suy ngẫm dễ tìm được đồng cảm ở bất cứ tầng lớp độc giả nào, "Nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua" xứng đáng được nằm trên kệ sách nhà bạn, trở thành một niềm an ủi nhỏ bé trong cuộc đời mỗi con người đang chênh vênh và tuyệt vọng.
Một buổi chiều, tôi chọn bắt tay vào bếp để cho bản thân được thư giãn chút ít. Sau giờ cơm, tôi trở về với bộ phim dang dở. Bây giờ, tôi ở đây và thấy mình ôm cuốn sách vào lòng sau khi đã đi tới những trang cuối cùng, thầm cảm ơn tác giả vì đã mang đến bên tôi một hỗn hợp của những cảm xúc, thêm vào cuộc sống tôi những hương vị và làn gió thoảng qua thật bình yên, hạnh phúc.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất