Thực ra thì bản thân mình đã định viết 1 review về Doom phiên bản năm 2016 rồi cơ. Nhưng thời điểm đó, mình thực sự chưa đủ tự tin hay nói trắng ra là lúc đó mình rất muốn viết, nhưng lại chẳng biết biết nên viết cái gì về Doom cả. Đề rồi mãi đến hôm nay sau khi chơi xong hậu bản của Doom 2016, mình mới biết được mình nên viết cái gì về Doom, đó là heavy metal, rip and tear và cảm giác trở thành trùm cuối trong game là như thế nào. Và đây là một review về Doom Eternal của mình.

GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT VỀ GAME

Doom Eternal là phần hậu bản của Doom năm 2016, trò chơi được phát triển bởi Id Software và được Bethesda phát hành. Game được ra mắt vào năm 2020 trên các hệ máy Microsoft Windows, Playstation 4, Stadia, Xbox One, Nintendo Switch, PlayStation 5 và Xbox Series X/S. Trò chơi lấy bối cảnh sau các sự kiện của Doom (2016), lúc này trái đất đang bị đám quỷ từ địa ngục xâm chiếm và bạn vào vai Doomslayer một lần nữa lại vác s.ú.n.g lên để tiêu diệt đám quỷ và bảo vệ thế giới này.

GAMEPLAY: 200% CÔNG SUẤT NÃO BỘ

Gameplay luôn là xương sống, là linh hồn của tất cả mọi tựa game. Một tựa game có thể chẳng có một cốt truyện nào cả, nhưng chắc chắn nó cần gameplay để tồn tại. Và Doom Eternal đã sở hữu cho mình một bộ xương sống trên cả mong đợi.
Nếu như ở bản Doom (2016), mình đã đánh giá cảm giác chiến đầu cực kỳ đã tay, nhịp game cực kỳ nhanh, thì bước sang Eternal cảm giác đó còn được nâng lên gấp nhiều lần. Nhịp game nhanh hơn rất nhiều do Slayer giờ đây cực kỳ cơ động với dash và móc kéo từ khẩu Super Shotgun, bên cạnh bổ s.ú.n.g những thứ làm Slayer trở nên cơ động hơn thì những yếu tố làm cho nhịp chiến đấu trong game chậm lại cũng đã được loại bỏ. Chẳng hạn như ném lựu đạn giờ đây có hẳn 1 khẩu s.ú.n.g tự động gắn ở vai bạn sẽ làm thay bạn điều này, hay như khẩu Pistol mà ở bản 2016 bạn có được đầu game giờ đây đã được xóa đi.
Sự cải tiến trong combat của Doom Eternal đã được làm cực kỳ tốt ở 2 việc, đầu tiên là tính chiến thuật giờ đây đã được đề cao lên nhiều hơn so với bản tiền nhiệm. Ví dụ cơ bản mà bạn có thể thấy rõ nhất chính là việc ở bản 2016, giết quỷ sẽ xoay quanh việc bạn xả đạn, combo gun đến chết đám quỷ hoặc đợi đến khi nó vào ngưỡng máu tử để bạn Rip and Tear, thì giờ đây đám quỷ gần như con nào cũng sẽ có những yếu điểm nhất định và điều quan trọng là bạn có đủ phản xạ để đánh vào điểm yếu đó không mà thôi. Việc biết điểm yếu và tấn công vào điểm yếu của đám demon sẽ giúp cho việc tiêu diệt chúng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, bởi Doom Eternal là 1 game có nhịp độ rất nhanh, ở những độ khó thấp thì bạn sẽ thấy việc tấn công điểm yếu không có gì đáng để bận tâm cho lắm, tuy nhiên khi bắt đầu ở độ khó Ultra Violence hay Nightmare, lúc này đám quỷ sẽ trở nên hung hăng hơn, đông hơn và đặc biệt là sát thương của chúng cũng cao hơn đáng kể, việc biết điểm yếu sẽ giúp bạn dễ thở hơn rất nhiều ở những độ khó này, bởi nếu không thì chỉ cần 1 vài hit thôi Doomslayer có thể sẽ lên thiên đàng bất cứ lúc nào. Yếu tố điểm yếu được đẩy lên cao nhất trong game là khi game giới thiệu cho bạn 1 con quỷ có tên là Marauder, hắn gần như có tất cả những công cụ để khắc chế lại Slayer, tuy nhiên hắn vẫn có điểm yếu nhất định và điều quan trọng là bạn có căn thời gian chuẩn và dụng được điểm yếu đó hay không mà thôi.
1 trong những kẻ địch đáng nhớ nhất trong Doom Eternal
1 trong những kẻ địch đáng nhớ nhất trong Doom Eternal
Yếu tố chiến thuật còn được thể hiện rõ trong việc giờ đây không có một vũ khí, một công cụ nào là dư thừa cả, còn nhớ bản 2016, lựu đạn hay ice-bomb hay chainsaw là thứ bị ghẻ lạnh khá nhiều, một số cơ chế nâng cấp của 1 số vũ khí cũng không được quá nhiều người sử dụng. Thì bước sang Eternal, tất cả đều phải được người chơi tính toán, sử dụng chúng một cách cẩn thận, kỹ lưỡng. Đám quỷ quá nhanh và bạn không thể combo s.ú.n.g nhanh ư ? Ice-bomb để khiến chúng bất động và combo dễ hơn, đám quỷ quá đông và bạn cần giải tán đám đông ? nade là thứ giải quyết cho bạn, bạn cần giáp để không muốn mất thêm máu ? flame gun dành cho bạn ? Bạn đang hết đạn và không thấy đạn xung quanh ? Chainsaw sẽ giải quyết giúp bạn. Trước khi chơi game, mình đã nghe một số đánh giá cho rằng Doom Eternal khá hẹp hòi khi đạn dược trong game là khá ít và việc tăng giáp giờ đây là khá khó khăn khi game gần như bắt bạn phải dùng flame gun mới rơi ra giáp cho bạn. Nhưng mình tin, đó là chủ ý của Id Software, họ muốn bạn dùng chainsaw hay cưa máy nhiều hơn, dùng các thiết bị hỗ trợ nhiều hơn, thay vì chỉ dùng đi dùng lại 1 combo, chơi đi chơi lại 1 nâng cấp s.ú.n.g và dần sinh ra sự nhàm chán trong game, nói chung Id muốn người chơi cần học cách tối ưu hóa hết tất cả những gì mình có để có thể 1 cơn ác mộng với quỷ đúng nghĩa.
Cải tiến thứ 2 mình muốn nói tới, đó là những nâng cấp cho Doom Slayer. Dĩ nhiên là khi đám quỷ đông lên, khỏe hơn, nhiều loại hơn, thì Slayer cũng cần có những nâng cấp cho riêng mình, và Eternal thì có rất nhiều nâng cấp dành cho bạn chẳng hạn như cho bạn khả năng slow-motion trên không, thay đổi nâng cấp vũ khí nhanh hơn, các thùng phát nổ sẽ xuất hiện lại mỗi khi bị phá, rip and tear nhanh hơn,... mỗi lần chơi bạn sẽ được mang theo 3 nâng cấp hay các rune, và có tổng cộng là 9 rune khác nhau cho bạn tùy biến lối chiến đấu của Doomsayer theo ý của mình.
Các màn giải đố trong game được thêm vào và làm khá tốt, nó giúp cho game có quãng nghỉ, để bạn có thể xả hơi sau khi vừa đụng độ với một đám quỷ đông ơi là đông, tuy vậy cũng đừng vì thế mà nghĩ mấy màn giải đố trong game là đơn giản, vì thỉnh thoảng bạn vẫn sẽ phải vặn óc kha khá và biết căn thời điểm mới có thể vượt qua được đó.
Về các màn đánh trùm trong game, để mà nói thì các màn boss trong game nhìn chung đều làm rất tốt, đặc biệt là 2 con boss Khan Maykr và Samur Maykr là 2 con boss thực sự khiến mình phải ngỏm lên, ngỏm xuống khá nhiều mới mới có thể thắng được. Tuy vậy, điều khiến mình có phần cảm thấy hụt hẫng trong các màn đánh boss có lẽ là 2 con boss cuối cùng của base game và DLC The Ancient Gods Part 2. Icon of Sins và Dark Lord được giới thiệu với một quy mô và sức mạnh là rất lớn, tuy vậy cách đánh bại chúng lại quá là dễ dàng, có chăng chỉ là hơi tốn thời gian một chút thôi, chứ để bảo khó thì mình nghĩ 2 con boss này không thực sự thử thách được mình. Và có lẽ đây cũng là điểm yếu hiếm hoi mà mình có thể tìm được trong gameplay của Doom Eternal.
Mọi con boss đều oke, cho đến Dark Lỏd
Mọi con boss đều oke, cho đến Dark Lỏd

Cốt truyện

Thực lòng mà nói mình đến với Doom vì gameplay và chỉ cần gameplay là quá đủ rồi, cốt truyện với mình đơn giản nó giống như 1 phiên bản John Wick quy mô to hơn rất nhiều, bạn chỉ cần hiểu là đám quỷ xâm chiếm trái đất, chúng đã giết con thỏ Daisy yêu dấu của anh, và cái giá phải trả là cả địa ngục sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nộ của anh. Đó là tất cả những gì mình hiểu qua về Slayer và lý do mà anh căm ghét lũ quỷ đến như vậy. Bước sang Eternal, câu chuyện vẫn là xoay quanh việc giết quỷ của Doomslayer, tuy nhiên chúng ta được biết được thêm về thế giới của dòng game này, biết được thêm về nguồn gốc của anh chàng quân nhân từ Doomguy trở thành Doomslayer, trở thành một cơn ác mộng của địa ngục như thế nào, cũng như biết được thêm về việc tại sao anh ta lại có thể mạnh đến như vậy,... Cốt truyện game mình chưa dám khẳng định là hiểu hết toàn bộ, song phần nổi của tảng băng Doom Eternal mình đã nắm được phần nào, và cũng hiểu được phần nào những gì mà Id Software muốn truyền tải tới người chơi, và với cá nhân mình thì cốt truyện của Doom Eternal nằm ở mức ổn, và có lẽ nó đã tốt hơn rất nhiều nếu như DLC The Ancient Gods Part 2 làm tốt hơn nữa, chứ không phải kết thúc một cách quá chóng vánh như vậy.
Mọi thứ đều ổn, trừ DLC part 2
Mọi thứ đều ổn, trừ DLC part 2

Âm Nhạc và Đồ Họa

Âm nhạc trong Doom là một thứ gì đó giống như chất kích thích vậy, một khi bạn đã dính vào rất khó để có thể bỏ được. Mình không phải là một tín đồ của dòng nhạc Rock hay Heavy Metal nhưng thực sự sau khi chơi xong Doom và Doom Eternal, mình muốn tìm hiểu thêm khá nhiều về dòng nhạc này. Cảm giác tiếng đạn, tiếng hét của đám quỷ, tiếng bạn rip and tear hòa lẫn với nhạc Heavy Metal khiến cho cảm giác kích thích là điều luôn có được mỗi khi bước vào combat của Doom Eternal. Và điều đặc biệt nhất chính là nhịp độ của nhạc Heavy Metal chính là do người chơi điều khiển, đúng vậy người chơi điều khiển nhịp điệu của nhạc, và đồng thời nhạc sẽ thôi thúc khả năng chiến đấu của người chơi. Ở các độ khó cao, việc cảm nhận nhạc nhanh và dồn dập khiến bạn càng phải hoạt động nhanh hơn nếu không muốn Slayer của bạn lên thiên đàng.
Về đồ họa, mình thấy đồ họa của Doom Eternal làm rất tốt. Nếu như bản 2016 cho mình một không khí có phần u ám đúng nghĩa cô độc trên sao hỏa và địa ngục thì sang Eternal có vẻ mọi thứ có phần tươi sáng hơn một tí, nhưng không vì vậy mà khiến game đi xuống về phần hình ảnh, trái lại nó khắc họa cực tốt hành trình phượt từ trái đất, thiên đàng cho đến những hành tinh khác của Slayer.

Tổng kết

Doom Eternal không phải là game FPS hay nhất, hoàn hảo nhất, nhưng đôi khi bạn không cần là kẻ giỏi nhất để được mọi người nhớ tới, thứ bạn cần là sự khác biệt giữa ngàn kẻ ngoài kia, và Doom series là một kẻ khác biệt. Thay vì để người chơi núp sau các cover bắn trả hay stealth lén lút để hạ gục kẻ địch thì Doom cho bạn trở thành một vị thần trong chiến đấu, một cơn ác mộng của quỷ dữ, một kẻ mà sẽ nói với lũ quỷ rằng “tao không bị nhốt với chúng mày, chúng mày đang bị nhốt với tao”, những điều đó thôi là đủ để biến Doom Eternal thành một tựa game đáng chơi rồi. Những cải tiến hợp lý, giữ lại những cái chất của dòng game FPS classic, khác biệt trong thị trường game, content tạo giá trị chơi lại cao,... Doom Eternal xứng đáng là một tựa game FPS đáng chơi với dân thích FPS nói riêng và game thủ nói chung. Mình mạnh dạn cho Doom Eternal điểm 9/10, dù cho DLC part 2 vẫn còn có hạn chế nhất định.