Phần IV: Nhận thức của người Trung Quốc về đồng tính luyến ái trong thời cận đại (Phần cuối)
Không giống như nhà Đường và nhà Tống trước đó, những vị hoàng đế đầu tiên của nhà Minh như Hồng Vũ Đế (trị vì từ 1368 - 1398) và Vĩnh Lạc Đế (trị vì từ 1402 -1424) không áp dụng lòng khoan dung hay chủ nghĩa tự do vào đường lối cai trị, thay vào đó, họ thúc đẩy Tống Nho - hệ tư tưởng hình thành vào thời nhà Tống làm ý thức hệ mới của Thiên triều. Chủ nghĩa toàn trị trở thành vũ khí mới để các vị quân chủ nhà Minh thực thi các chính sách của mình.
Tuy nhiên, Tống Nho đã gây ra những hệ quả đi ngược lại với lý tưởng ban đầu của nó. Vì bị tư tưởng Tống Nho ngăn cấm cặp kè với những cô kỹ nữ hạng sang, tầng lớp quan lại buộc phải tìm đến những kỹ nam trẻ tuổi để được vui thú thể xác.
Sự cai trị nghiêm ngặt đến tàn nhẫn cùng chủ nghĩa đạo đức khắt khe của nhà Minh là một nguyên nhân khiến họ phải duy trì một lập trường kỳ thị những mối quan hệ đồng giới không đoan chính. Có rất nhiều điều luật cấm đoán các hành vi tình dục phi tự nhiên* vào giai đoạn giữa sự cai trị của nhà Minh.
*Sodomy: các hành vi tình dục không nhằm mục đích sinh sản, vậy nên được coi là phi tự nhiên và trái với đạo đức. VD: anal sex, oral sex, … Trong bối cảnh này thì ám chỉ QHTD đồng giới.
Trước khi một điều luật được sửa đổi vào năm 1526, việc quan hệ qua đường hậu môn được ví với việc tống rác thải vào miệng. Và do đó, bất cứ ai tham gia vào một hành động “đáng ghê tởm” như vậy sẽ bị phạt đánh 100 trượng.
Chân dung Chu Nguyên Chương, vị hoàng đế đầu tiên của nhà Minh - người đã khởi đầu một trang sử mới trong Thời kỳ Đế quốc Trung Hoa: Đặt tiền lệ cho thể chế toàn trị kéo dài tại Trung Quốc suốt 500 năm.
Chu Nguyên Chương (Hồng Vũ Đế)
Tuy nhiên, từ giai đoạn giữa đến cuối của triều đại nhà Minh, quyền lực của những vị hoàng đế càng ngày càng suy yếu. Khi họ dần lui về phía sau ngai vàng một cách miễn cưỡng hoặc do không có đủ khả năng để tiếp tục trị vì, đó cũng là lúc những điều lệ ngăn cấm đối với đồng tính luyến ái mà họ đặt ra mất đi hiệu lực. Như một hệ quả, một lần nữa đồng tính luyến ái trở lại mạnh mẽ trong một xã hội vô chính phủ dưới thời nhà Minh.
Giống như thời nhà Tống - giai đoạn mà đồng tính luyến ái được ghi nhận có sự gia tăng bền vững ở tầng lớp trung lưu, những nhà tư bản dưới triều nhà Minh cũng bắt đầu coi những hoan ái đồng giới như những thú vui cực kỳ xa xỉ. Một lần nữa, họ lại theo đuổi cái vui thú xa xỉ đó. Đây là khoảng thời gian khi nền toàn trị của Hồng Vũ Đế và Vĩnh Lạc Đế đã kết thúc, thay vào đó là những vị quân chủ không thích nhúng tay vào việc nước lên nắm quyền, bởi vì họ quá lười biếng hoặc không đủ năng lực để cai quản vương triều.
Đồng tính luyến ái trở nên rất phổ biến vào giai đoạn này, đến nỗi nhà văn Tạ Triệu Chiết (được mệnh danh là Shakespeare đương thời của Trung Quốc) (1) đã có những nhận định như sau về đồng tính vào xã hội thời nhà Minh:
“Từ Giang Nam và Chiết Giang đến Bắc Kinh và Sơn Tây, không một ai không biết về xu hướng được ưa chuộng này.”
Văn sĩ họ Tạ cũng đã ghi lại việc những chàng trai đang độ xuân thì được “chia sẻ” trong các cuộc gặp gỡ của các nhà tư bản tại kinh thành.
Một chiếc bình sứ “Thanh Hoa” nổi tiếng có niên đại từ thời nhà Minh, được tất cả các quốc gia trên thế giới khao khát sở hữu. 16% bình sứ dưới thời nhà Minh được xuất qua châu Âu - đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà tư bản thời Minh một lần nữa vực dậy trở thành tầng lớp thống trị nền kinh tế Trung Hoa.
Dưới sự cai trị hà khắc của nhà Minh, thật trớ trêu khi có vẻ đồng tính luyến ái còn phát triển đến độ vượt qua thời Đường và thời Tống - hai triều đại với hệ tư tưởng phóng khoáng, tự do. Đặc biệt, tỉnh Phúc Kiến được ghi nhận rộng rãi là điểm nóng duy nhất của các hoạt động đồng tính luyến ái vào thời nhà Minh. Ngoài ra, nơi này cũng được đông đảo dân chúng thời bấy giờ gắn với một định kiến: Nếu bạn là người đồng tính, bạn nhất định đến từ Phúc Kiến. Hoặc, ít nhất là họ nghĩ như vậy.
Đồng tính luyến ái trở nên phổ biến rộng khắp ở tỉnh Phúc Kiến đến nỗi Shen Defu (Thẩm Đức Phù?) - một vị quan chức thời Minh đã có lời bình như sau về hiện tượng này:
“Đàn ông Phúc Kiến cực kỳ thích vẻ đẹp nam nhi. Không quan trọng là giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, họ đều có thể tìm được một người bằng hữu cùng địa vị với mình. Giữa hai nam nhân này, người lớn tuổi hơn được gọi là “khế huynh”, người nhỏ tuổi hơn được gọi là “khế đệ”.
Khi “khế huynh” đến nhà “khế đệ”, phụ mẫu của “khế đệ” sẽ chăm sóc và yêu thương “khế huynh” như con rể. Và tất cả những chi phí của “khế đệ”, bao gồm cả lễ vật cầu hôn sẽ được “khế huynh” chăm lo. Hai người họ yêu thương nhau đến nỗi khi đã ở ngưỡng 30, họ vẫn ngủ chung một giường với nhau như một cặp phu thê.”
Điều đáng chú ý nhất là, ngày nay, đoạn văn trên thường được các nhà Hán học xem như một tài liệu để nghiên cứu hiện tượng “hôn nhân đồng tính” trên danh nghĩa - một việc tuy không được luật pháp thừa nhận nhưng vẫn xảy ra trong đời sống của nhân dân vào xã hội thời Minh, khoảng 400-500 năm về trước.
Nói thêm về khái niệm hôn nhân đồng tính, Lý Ngư - một nhà soạn kịch thời Minh, đã viết rằng:
“Họ không hề bỏ qua tam trà lục lễ (2). Nó thực sự giống như một cuộc hôn nhân đúng nghĩa với một đám cưới được cử hành chính thức.”
Sau đám cưới, người nam nhỏ tuổi hơn sẽ chuyển vào nhà của người nam lớn tuổi hơn để sinh sống. Từ đây, người nam nhỏ tuổi hơn sẽ trao thân gửi phận cho chồng của mình, và sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào đối phương. Cha mẹ của người nam lớn tuổi sẽ đối xử với chàng trai trẻ kia như một chàng rể, và chàng rể này sẽ cùng chồng mình nhận nuôi những đứa trẻ.
Xu hướng này đáng chú ý nhất ở điểm: Người Phúc Kiến đã có thể đưa đồng tính luyến ái vào những khuôn phép của Nho giáo truyền thống, thậm chí tạo ra những sửa đổi trong ý thức hệ cũ để phù hợp với lối sống mới của họ. Điều này không giống với thời nhà Hán, nhà Đường và nhà Tống, khi mà ngược lại, mỗi cá nhân phải thay đổi chính họ để thích ứng với Nho giáo.
Một bản đồ thể hiện lãnh thổ nhà Minh vào cuối thời nhà Minh. Phúc Kiến nằm ở ven bờ biển Đông Nam của Trung Quốc (màu xanh), gần đảo Đài Loan.
Đó là một cuộc hôn nhân đồng giới chính thức, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng cuộc hôn nhân này cũng không thể kéo dài đến suốt đời, bởi theo những truyền thống Nho giáo có từ thời nhà Hán, cặp nam nhân này rồi sẽ phải cưới phụ nữ để sinh con đẻ cái, đảm bảo có người lo hương khói cho gia tộc. Sau khoảng 20 năm bên nhau, cuộc hôn nhân đồng giới của hai người phải kết thúc để cưới vợ sinh con.
Nhưng bên cạnh đó, họ thậm chí cũng lên kế hoạch với những người vợ mới, sắp xếp cho hai nhà sống cùng nhau trong một hộ gia đình. Như vậy, “đôi vợ chồng” cũ cũng có thể sống bên nhau dưới một mái nhà. Những mối quan hệ đồng tính “chỉ cần có đôi ta” như vậy rõ ràng bị xem thường trong xã hội thời Minh, cũng như trong thời Hán, và chỉ nhận được sự khoan dung nếu họ cùng phụ nữ sinh con trong quá trình của mối quan hệ nhập nhằng này.
Các vị hoàng đế sau cuối của nhà Minh cũng vậy. Họ không hạn chế đồng tính luyến ái, thay vào đó còn khá nhiệt tình theo đuổi xu hướng này. Mao Kỳ Linh - một sử gia thời nhà Thanh, đã ghi lại việc Chính Đức Đế của nhà Minh có rất nhiều người tình nam giới, cũng như việc Thiên Khải Đế được đồn rằng có hai cung điện riêng biệt, một cung điện dành cho các cung tần mỹ nữ, một cái còn lại dành để vui thú cùng các nam sủng của ông.
Triều đại nhà Minh cũng được coi là thời kỳ hoàng kim của đồng tính nữ tại Trung Quốc, điều này được nhắc đến rộng rãi trong nền văn hóa đại chúng của thời nhà Minh bấy giờ. Tất cả tác phẩm văn học hay hội họa khiêu dâm lúc đó đều thường xoay quanh chủ đề đồng tính nữ, với rất nhiều câu chuyện miêu tả cảnh phụ nữ tham gia vào các hoạt động tình dục đồng giới, để “khám phá” nhau và tối đa hóa khoái cảm nhục dục.
Trong xã hội thời Minh, những hoạt động tình dục đồng giới của phái nữ thậm chí còn được đẩy mạnh để đáp ứng xu hướng đồng tính nữ đang phát triển nhanh chóng. Các hành vi này không chỉ dừng lại ở việc hai người nữ cọ sát phần thân dưới vào nhau (được gọi nôm na là “nghiền đỗ tương để làm đậu phụ “ - mo doufu), mà còn bao gồm cả việc dùng miệng để kích thích khoái cảm và thủ dâm cho nhau.
Bên cạnh đó, họ cũng có những dương vật giả như thời nhà Hán, với đủ loại kích cỡ, hình dáng và trang trí, làm bằng đồng, gỗ hoặc ngà voi. Chúng được đánh dấu và phân biệt bởi nhiều cái tên khác nhau, ví dụ như “Người chồng câm” (Bu Yu Xiansheng), “Tiên sinh sừng” (Jiao Xiansheng) hoặc “Tình yêu Quảng Đông” (Guangdong Renshi).
Một dương vật giả rỗng bên trong được làm bằng đồng, có niên đại từ thời nhà Hán. Các nhà nghiên cứu cho rằng dụng cụ này được sử dụng như một chiếc strap-on tạm bợ trong quá trình QHTD dị tính, và dĩ nhiên cả QHTD đồng tính nữ.
Ngoài ra, vào thời nhà Minh, có hàng loạt người tuyên bố đã chứng kiến tận mắt, hoặc được nghe kể chuyện về những người thê thiếp, mẹ kế, con dâu, đặc biệt là các diễn viên nữ trong các nhà hát kịch chỉ dành cho nữ, bắt đầu cuốn vào những mối tình đồng tính với nhau khắp Trung Hoa.
Thái độ của xã hội đối với đồng tính luyến ái chỉ thay đổi một chút vào giữa và cuối thời nhà Minh. Mặc dù vào thời điểm này của lịch sử, văn minh Trung Hoa đã có nhiều sự va chạm hơn với nền văn minh châu Âu; và điều này chính thức bắt đầu khi những thương nhân người Bồ Đào Nha lần đầu tiên đặt chân đến Trung Quốc để giao thương vào năm 1557. Cùng với họ, những nhà truyền giáo Ki-tô cũng cũng đổ bộ vào Trung Quốc, kéo theo cả những giá trị đạo đức của nền văn minh phương Tây.
Bằng cách sử dụng hai cuốn sách trong kinh Cựu Ước: sách Xuất Hành và sách Lê-vi, các tín đồ Ki-tô bắt đầu khủng bố dân chúng nhà Minh với lời đe dọa rằng Đức Chúa Trời sẽ đày ải họ trong những ngọn lửa vĩnh cửu, nếu họ tiếp tục đi trên con đường tội lỗi giống như người dân của thành Sodom và Gomorrah. (3)
Thậm chí, tu sĩ dòng Đa Minh, Gaspar da Cruz đã bắt đầu viết lại lịch sử Trung Quốc, tuyên bố rằng đã từng có một loạt các trận động đất xảy ra ở Trung Hoa thế kỷ 12 vào thời nhà Tống - hậu quả mà người Trung Quốc phải gánh chịu khi có những hoạt động đồng tính đầy dâm loạn.
Một điều rất đáng chú ý khác là, tu sĩ Dòng Tên nổi tiếng, Matteo Ricci - một trong những người phương Tây được triều đình ưu ái nhất vào thời Minh Mạt, đã thể hiện sự khinh bỉ ra mặt đối với đồng tính, khi miêu tả hiện tượng này là “những biến thái trái với tự nhiên”. Ông cũng vô cùng băn khoăn khi thấy người Trung Quốc lại có thể cởi mở với đồng tính luyến ái đến vậy.
Tranh vẽ Matteo Ricci mặc y phục nhà Minh
Thế nhưng, người Trung Quốc không hề quan tâm đến những lời lên án này, thậm chí họ còn bắt đầu cười cợt những người đàn ông độc thân “thánh khiết”; cho rằng lý do duy nhất để những vị tu sĩ này lên án đồng tính luyến ái là vì họ bắt buộc phải tự kiềm chế những ham muốn nhục dục khi xung quanh chỉ toàn những vị thầy tu khác, còn phụ nữ thì phải hạn chế tiếp xúc.
Tuy Ki-tô giáo đã mang những nỗi căm ghét của họ tiến vào xã hội Trung Hoa dưới thời nhà Minh, cùng với hàng nghìn người dân đã cải đạo sang Ki-tô giáo, nhưng thái độ của đông đảo quần chúng nhân dân đối với đồng tính luyến ái vẫn tương đối khoan dung (dù thái độ này đã có những dấu hiệu phai nhạt), nếu so sánh với châu Âu theo Ki-tô giáo và Trung Đông theo Hồi giáo.
Song, vẫn có một bộ phận người Trung Quốc không chấp nhận quan điểm rộng mở đối với đồng tính của đa số người dân trong nước lúc bấy giờ. Đặc biệt là các nho sĩ Tống Nho, họ kịch liệt cho rằng xã hội này đang suy đồi về mặt đạo đức.
Tuy vậy, sự đổ bộ của người châu Âu cuối cùng cũng đã đánh dấu cho sự khởi đầu của một kỷ nguyên với những hệ giá trị đạo đức mới - những giá trị đạo đức không khởi nguồn từ văn hóa truyền thống của Trung Hoa mà thay vào đó, du nhập vào đất nước này trong quá trình giao lưu với phương Tây. Chúng xâm nhập vào ý thức hệ lâu đời của người Trung Quốc với những bước đi chậm chạp, trước khi phát triển thần tốc vào giai đoạn cuối của triều đại nhà Mãn Thanh; từng bước một đặt dấu chấm hết cho lòng khoan dung đã kéo dài hàng ngàn năm của xã hội Trung Hoa cổ đại đối với đồng tính luyến ái.
Một bức tranh của người Hà Lan, miêu tả cảnh đầu hàng nhà Minh trên đảo Formosa (Đài Loan) của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Sự xuất hiện của người châu Âu (thường là người Hà Lan hoặc Bồ Đào Nha) trên lãnh thổ Trung Quốc lúc bấy giờ thường xuyên dẫn tới các cuộc chiến với người bản địa.
Như một hệ quả của sự ảnh hưởng từ làn sóng văn hóa phương Tây đang trên đà bành trướng mạnh mẽ này, sự khoan dung dành cho đồng tính từ nay đã bị thay thế bởi một hệ giá trị văn hóa mới, thúc đẩy sự kỳ thị đồng tính luyến ái trong xã hội.
Tuy nhiên, trước khi thời đại kỳ thị đồng tính đó xảy ra, thái độ “tôn vinh” đồng tính luyến ái vẫn tiếp tục hiện diện từ giai đoạn cuối của thời nhà Minh đến đầu nhà Thanh.
Ngay trong năm 1651 (chỉ vỏn vẹn 7 năm sau khi 25 triệu người thiệt mạng và Trung Hoa bị tàn phá nặng nề bởi cuộc xâm lược của người Mãn Châu), nhà soạn kịch Lý Ngư đã sáng tác vở “Liên Hương Bạn”, tác phẩm tập trung nói về mối tình cảm nắng giữa hai cô gái trẻ, họ đã đấu tranh để được bên nhau.
“Thôi thiếu phụ mười bảy tuổi, một hôm lên chùa, chạm mặt một thiếu nữ trẻ hơn hai tuổi. Họ rơi vào một tình yêu vô vọng với nhau, bèn cùng nhau lập lời thề non hẹn biển trước tượng Phật với sự chứng kiến của những người nô tì thân cận. Cặp đôi rầu rĩ than khóc khi họ phải chia lìa, nguyện cầu kiếp sau được nên vợ nên chồng với nhau.
Trong một cảnh khác, họ tinh nghịch ướm thử một bộ y phục nam nhân để xem ai mặc vừa hơn. Sau đó, Thôi thiếu phụ nghĩ ra một cách thiết thực để hai người được bên nhau. Nàng bảo chồng cưới cô gái kia về làm thiếp. Người chồng đồng ý, và vở kịch kết thúc có hậu.”
-Trích từ cuốn “Đồng tính luyến ái và Văn minh”, tác giả Louis Crompton.
Một bức tranh miêu tả cặp đôi nữ chính trong vở kịch
Tuy nhiên, chỉ không bao lâu sau đó, khi những người đã trải qua chuỗi ngày tàn cuối cùng của triều nhà Minh cho rằng sự sụp đổ của vương triều này là do các giá trị  đạo đức bị suy đồi, nếu so sánh trên nền tảng tư tưởng Tống Nho; thì thái độ của nhà nước Thanh triều sơ khai đã có sự thay đổi nhẹ. Họ bắt đầu áp chế những tư tưởng còn nghiêm khắc hơn dựa trên ý thức hệ Tống Nho và ban hành những bộ luật chính thức nhằm ngăn chặn đồng tính luyến ái.
Trong bối cảnh này, Hoàng đế Hoàng Thái Cực (trị vì từ năm 1626 - 1643) đã đặt ra một hệ thống hình phạt, trong đó quy định bất cứ hình thức đồng tính luyến ái nào sẽ bị phạt đánh 100 roi - một hình phạt vẫn được coi là nhẹ nhàng trong mắt những người châu Âu. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng không mang lại hiệu quả, và đồng tính luyến ái vẫn hiện diện rộng rãi trong khoảng vài thập kỷ sau đó.
Chỉ cho đến năm 1740, dưới sự trị vì của Càn Long Đại Đế (từ năm 1735 đến 1796), những bộ luật chính thức đầu tiên, được thi hành trên quy mô lớn và có hiệu lực lâu dài được đặt ra để chống lại mọi xu hướng đồng tính luyến ái. Những luật mới này không chỉ cấm mọi hành vi đồng tính, mà thậm chí còn cấm mọi hành vi QHTD ngoài hôn thú.
Thế nhưng, có một điều đáng chú ý là, những hình phạt dành cho việc vi phạm những bộ luật này cũng không quá nặng nề: Những người phạm luật chỉ phải chịu mức phạt nhẹ nhất, đó là bị giam giữ trong một tháng và chịu đánh 100 trượng gỗ. Ngoài ra, những người thi hành luật pháp thời Thanh thường không coi loại “tội” này là một loại tội lỗi nghiêm trọng, vì vậy họ sẽ tạo điều kiện để phạm nhân có thể giữ kín bí mật đời tư của mình với người khác. Việc bắt giữ những người phạm tội này cũng ở quy mô rất hạn chế.
Tranh vẽ Càn Long Đế, người tiên phong lập ra những bộ luật chính thức đầu tiên ngăn chặn đồng tính luyến ái trong lịch sử Trung Hoa, từ đó tạo ra những ảnh hưởng tới nhận thức của người Trung Quốc về đồng tính.
Thanh Cao Tông Càn Long Đế (1711 - 1799)
Vào thời điểm này, quyền lực của nhà nước toàn trị Thanh triều và sức ảnh hưởng của Tống Nho đã đạt tới đỉnh cao tối thượng trong lịch sử 5000 năm của Trung Hoa. Điều này khiến cho mọi quyền tự do nhìn chung đều bị hạn chế. Chỉ có những nhà hát kinh kịch là một ngoại lệ, họ vẫn còn được giữ quyền tự do ngôn luận vì địa vị của người ca kĩ được coi là thấp kém trong văn hóa Trung Hoa, cho nên khả năng họ gây tổn hại đến tính ổn định của xã hội dưới sự cai trị của nhà Thanh là hầu như không có.
Do đó, kinh kịch đã khai sinh ra một loại hình đồng tính luyến ái mới. “Văn hóa kỹ viện” đã bắt đầu được hồi sinh: Lúc đầu vươn mình một cách chậm chạp, sau đó càng ngày càng lan tỏa nhanh chóng, nhất là sau khi triều đình nhà Thanh bị suy yếu mạnh mẽ sau năm 1840 - thời điểm bắt đầu Cuộc chiến Nha phiến (1840 -1842) (4).
Những diễn viên chuyên nghiệp được gọi là “Tương công”, thường được thuê bởi tầng lớp trung - thượng lưu để biểu diễn những màn ngâm thơ ở những buổi tiệc sang trọng. “Tương công” chuyên đóng những vai nữ (vì phụ nữ bị cấm xuất hiện trên sân khấu, cũng giống như ở Hy Lạp cổ đại), thường được người ta tìm tới bởi ngoại hình nữ tính và tông giọng cao.
Giống như “Onnagata” (những diễn viên nam chuyên đóng vai nữ trong nhà hát Nhật Bản), “Tương công” nhanh chóng trở thành biểu tượng tình dục trong xã hội thời nhà Thanh. Họ thường xuyên bị sàm sỡ bởi những người hâm mộ quây quanh và la hét mỗi khi họ xuất hiện. Những người hâm mộ này bao gồm của nam và nữ, sẽ theo đuôi “Tương công”  tới bất cứ nơi nào họ đặt chân tới.
Thời gian dần trôi, sức mạnh của đế chế nhà Thanh ngày một suy tàn và cuối cùng khi không còn thực quyền trong tay, đó cũng là lúc sức mạnh của “Tương công” phát triển nhanh chóng. Vào thời điểm này, đồng tính nam lan tỏa mạnh mẽ. Cuối thế kỷ 19, những ai đến các khu phố “giải khuây” để tìm kỹ nữ sẽ không chỉ bị thất vọng bởi vì có quá ít phụ nữ làm nghề này, mà thậm chí còn bị các kỹ nam cười nhạo bởi vì cố gắng tìm kiếm phụ nữ ở chốn này để vui thú.
Một bức tranh thời Thanh miêu tả cảnh đàn ông làm tình với nhau.
Không chỉ như vậy, trước giai đoạn cuối của thế kỷ 19, có nhiều người thích tìm kiếm cảm giác mạnh, sẵn sàng mạo hiểm để tìm đến những thú vui hoan ái bị luật pháp ngăn cấm, bất chấp nguy cơ bị chính quyền bắt được.
Giới học trò cũng bắt đầu hình thành những mối quan hệ đồng tính với các bạn đồng môn. Người giàu thì thường xuyên lang chạ với những nô tì nam trẻ trung, và thậm chí Càn Long Đại Đế - người đã cho thông qua những bộ luật ngăn cấm đồng tính vào năm 1740, cũng có mối quan hệ thân mật với Hòa Thân, một vị đại thần trẻ hơn Càn Long những 40 tuổi.
Những bộ luật chống lại đồng tính luyến ái của nhà Thanh vào thời điểm này gần như đã trở nên không tồn tại. Những người phương Tây đặt chân tới Trung Quốc trước và trong suốt “Bách niên quốc sỉ” (1840-1949) (5), ví dụ như nam tước John Barrow, vẫn cảm thấy ghê tởm khi đồng tính luyến ái, một hành vi được coi là tồi tệ trong mắt ông, lại vô cùng phổ biến tại đất nước này:
“Rất nhiều viên quan cao cấp không ngần ngại thể hiện hành động đáng xấu hổ và đi ngược lẽ tự nhiên này một cách công khai, họ dường như không cảm thấy xấu hổ hay thiếu tế nhị là bao. Mỗi một viên quan luôn luôn có một người cầm ống điếu theo hầu cận, đó thường là những cậu bé tuấn tú, tầm 14 đến 18 tuổi, ăn vận đẹp đẽ.”
Chân dung John Barrow
Tuy nhiên, đến cuối nhà Thanh, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều mối đe dọa quân sự từ ngoại bang, cũng như những xung đột, bất mãn từ trong nội bộ quốc gia. Trung Quốc vào giai đoạn này bị coi là pháo đài của sự lạc hậu so với một phương Tây công nghiệp hóa; điều này buộc triều đình nhà Thanh phải bắt đầu công cuộc hiện đại hóa trên nhiều phương diện, nỗ lực du nhập những tinh hoa của nền văn minh phương Tây với mong muốn hiện đại hóa Trung Hoa.
“Cuộc vận động tự cường” (1861 - 1895), đúng như tên gọi, là công cuộc tiếp nhận các cải cách từ phương Tây với mục đích hồi xuân Thanh triều.
Khoa học - kỹ thuật - kinh tế của phương Tây, tất cả đều được Trung Quốc tiếp nhận vào thời kỳ này. Thế nhưng ngày nay, người ta tin rằng bằng cách đó, các xu hướng kỳ thị đồng tính cũng đã thâm nhập vào xã hội Trung Hoa, và sau tất cả, đặt dấu chấm hết cho truyền thống lâu đời khoan dung với đồng tính luyến ái của người Trung Quốc.
Những chuẩn mực văn hóa Tây phương đó cuối cùng cũng hoàn toàn hòa nhập vào xã hội đất nước này dưới thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc (1912 - 1949).  Lúc đó, người ta tin rằng mọi thứ từ phương Tây sẽ nghiễm nhiên vượt trội hơn những giá trị văn hóa bản địa. Như vậy, sự mở lòng của người Trung Quốc qua hàng ngàn năm đối với đồng tính luyến ái đã chấm dứt tại đây, mở ra một thời đại mà người đồng tính bị đàn áp nặng nề.
Thậm chí đến tận ngày hôm nay, dưới sự lãnh đạo của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949 - nay), nhận thức truyền thống của dân tộc Trung Hoa đối với đồng tính luyến ái vẫn chưa được tái sinh, như nó đã từng hiện hữu trong những trang sử cũ xưa hàng trăm, hàng ngàn năm về trước.

TỔNG KẾT
Như vậy, thái độ của người Trung Quốc đối với đồng tính luyến ái luôn biến chuyển mạnh mẽ xuyên suốt các thời kỳ, đây là một điều đã quá rõ ràng. Thậm chí ngay cả trong những giai đoạn mà đồng tính được đông đảo quần chúng nhân dân chấp nhận, vẫn tồn tại một số quan điểm chống lại nó trong xã hội. Tương tự, ngay của trong những thời kỳ bị đàn áp, vẫn có nhiều hoạt động đồng tính xảy ra trên khắp đất nước này. Vào bất kỳ thời điểm nào của lịch sử, đồng tính luyến ái tại Trung Hoa vẫn luôn trong trạng thái phức tạp.
Chỉ trong giai đoạn Tiền Đế quốc Trung Hoa, đồng tính luyến ái mới là một vấn đề đơn giản, nhận được sự đón nhận rộng rãi của quần chúng, thậm chí còn được xem là một điều hết sức bình thường. Lúc bấy giờ, những phân tầng xã hội hay phán xét đạo đức dành cho những người tham gia vào các hoạt động đồng tính chưa hiện diện tại đây.
Sau đó, với sự hình thành của Nho giáo, Đạo giáo, tiếp theo là sự du nhập của Phật giáo, Ki-tô giáo và Đạo giáo vào xã hội Trung Hoa trong giai đoạn sơ kỳ và trung kỳ của Thời kỳ Đế quốc, những hành động ngăn chặn đồng tính luyến ái mới dần xuất hiện. So với thời đại trước đó, việc đồng tính luyến ái có được chấp nhận hay không còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện, trong số đó việc phải có vợ con là điều kiện tiên quyết trước khi được phép tham gia vào các mối quan hệ đồng tính.
Một chiếc “phích cắm hậu môn” có niên đại từ thời nhà Hán, được sử dụng trong cả QHTD dị tính và đồng tính để tối đa hóa khoái cảm nhục dục.
Dưới sự cai trị của nhà nước toàn trị Minh triều và Thanh triều, quyền tự do đồng tính luyến ái liên tục bị suy yếu khi mỗi thế kỷ trôi qua. Tuy nhiên đặc biệt vào thời nhà Minh, rất nhiều tư liệu về đồng tính nữ đã được ghi nhận, và thậm chí hôn nhân đồng tính cũng tồn tại ở một số vùng của Trung Quốc, nhất là ở tỉnh Phúc Kiến.
Sau này, trong “Cuộc vận động tự cường”, những nỗ lực Tây phương hóa trở nên bùng nổ, những giá trị đạo đức truyền thống cũng bị biến đổi theo nền tảng văn hóa phương Tây. Việc này đã đặt dấu chấm hết cho hàng ngàn năm khoan dung với đồng tính luyến ái của người Trung Quốc và vẫn để lại ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội Trung Quốc hiện đại ngày nay.
Nói tóm lại, đồng tính luyến ái trong lịch sử Trung Hoa cổ đại luôn biến đổi cực kỳ mạnh mẽ, ở trên cả ba phương diện đánh giá, nhìn nhận và đối xử. Khi những hệ tư tưởng mới du nhập vào xã hội Trung Hoa, cùng với những ảnh hưởng ngoại lai xâm nhập vào văn hóa truyền thống, chúng tác động qua lại lẫn nhau theo thời gian và kéo theo cả sự thay đổi trong thái độ của người Trung Quốc với đồng tính luyến ái. Do đó, quan điểm của người Trung Quốc cổ đại về đồng tính luyến ái luôn rất đa dạng và phong phú trong mỗi giai đoạn khác nhau của  lịch sử.
CÁC NGUỒN THAM KHẢO: Xem trong link gốc.

*CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH:
1. Tạ Triệu Chiết - Shakespeare của Trung Quốc: Mình nghĩ OP đã có nhầm lẫn ở đây. Người được mệnh danh là “Shakespeare của Trung Quốc” là Thang Hiển Tổ, một nhà văn và nhà soạn kịch cũng sống và thời nhà Minh.
2. Tam trà lục lễ: Trà là một loại quà cưới trong những đám cưới truyền thống Trung Hoa, tượng trưng cho sự chung thủy, bền vững, chân thành trong tình cảm vợ chồng. Tam trà bao gồm lễ trà, ăn trà/thâu trà, giao bôi trà.
- Lễ trà: Nhà trai sẽ phải chuẩn bị một số quà sính lễ cho nhà gái, gọi là “lễ trà”. Các món sính lễ này thường bao gồm vàng bạc, trang sức, trà ngon, bánh kẹo, tiền, ...
- Ăn trà/thâu trà: Khi nhà gái đồng ý nhận sính lễ của nhà trai, đó gọi là “ăn trà/thâu trà”, cũng đồng nghĩa với việc đồng ý gả con gái cho con trai nhà bên kia.
- Giao bôi trà: Trong đám cưới, cặp vợ chồng sẽ thực hiện “Nhất bái thiên địa” (lạy trời đất), “Nhị bái cao đường” (lạy cha mẹ song thân), “Phu thê giao bái” (hai vợ chồng lạy nhau). Sau khi thực hiện xong “phu thê giao bái”, cặp đôi sẽ vòng hai cánh tay lại và uống cạn một tách trà, đây gọi là “giao bôi trà”. Trong trà này sẽ có thể cho thêm hạt sen, long nhãn, ... tượng trưng cho hôn nhân hạnh phúc, con cháu đầy đàn.
* Ngoài “tam trà” còn có “tam thư” (sính thư, lễ thư, nghinh thân thư).
Lục lễ bao gồm:
- Nạp thái: Nhà trai cử một bà mai đến thưa chuyện cưới xin với nhà gái.
- Vấn danh: Nhà trai cử người đến hỏi tên tuổi, ngày tháng năm sinh của cô dâu để xem hợp hay xung với chú rể.
- Nạp cát: Nếu hợp tuổi thì sẽ làm đám cưới. Lúc này nhà trai sẽ đến nhà gái báo tin vui, đôi trai gái sẽ đính ước với nhau.
- Nạp tệ: Nhà trai qua nhà gái đưa đồ sính lễ.
- Thỉnh kỳ: Nhà trai qua nhà gái để cả hai nhà chọn ngày lành tháng tốt làm đám cưới cho đôi trẻ.
- Thân nghinh: Vào ngày đã định trong lễ “thỉnh kỳ”, nhà trai sẽ qua nhà gái rước dâu về, tổ chức đám cưới.

3. Thành Sodom và Gomorrah: Trong sách Sáng Thế của kinh Cựu Ước, đây là hai tòa thành bị Chúa Trời tiêu hủy trong biển lửa, do dân chúng phạm quá nhiều tội lỗi khó dung thứ, trong đó có tội tà dâm, đam mê những thú vui đầy dâm loạn (bao gồm cả việc quan hệ tình dục đồng giới).
4. Chiến tranh Nha phiến: Còn gọi là Chiến tranh Anh - Trung, xảy ra vào thế kỷ 19 vào giai đoạn cuối của nhà Thanh. Nguyên nhân chính xoay quanh việc nhà Thanh cấm các thương gia Anh quốc buôn bán thuốc phiện tại Trung Quốc vì gây ra nhiều tệ nạn trong xã hội.
5. Bách niên quốc sỉ: Nghĩa là “nỗi nhục trăm năm của quốc gia”. Bắt đầu từ giữa thế kỉ 19, Trung Quốc trở thành chiếc bánh ngon bị các đế quốc (Nhật Bản, Anh, Pháp, Nga, ...) xông vào xâu xé, chia cắt, xâm lược. Vì vậy, thời kỳ này được người Trung Quốc coi là “nỗi nhục trăm năm của quốc gia”. Chiến tranh Nha phiến là một sự kiện quan trọng trong thời kỳ “Bách niên quốc sỉ”.

Bài dịch của bạn Astrid Vi tại group Quora Việt Nam.