Đóng sách - Bookbinding là gì? Đôi lời giới thiệu từ một người trẻ làm nghề
Sách chắc hẳn là một trong những vật dụng gắn bó mật thiết nhất với sự phát triển của nhân loại. Nó là vật giúp chúng ta ghi chép,...
Sách chắc hẳn là một trong những vật dụng gắn bó mật thiết nhất với sự phát triển của nhân loại. Nó là vật giúp chúng ta ghi chép, lưu trữ và truyền đạt những gì mình biết và học được trong suốt chiều dài hàng ngàn năm. Có thể các bạn không biết, nhưng hình dáng cuốn sách đã được thay đổi rất nhiều với các cái tiến liên tục từ vật liệu cho tới cấu trúc. Để có được hình dáng bây giờ, cũng phải nhờ tới ngàn năm phát triển. Tuy nhiên hôm nay mình sẽ không đề cập tới vấn đề lịch sử (nhiều), vì nó thực sự rất dài dòng, và có lẽ không thực sự quá thú vị so với nhiều người.
Mình muốn nói về chỉ riêng ngành đóng sách - bookbinding, một ngành thủ công vừa cũ mà cũng rất là mới mẻ tại đất nước Việt Nam chúng ta, với hy vọng sẽ vén bỏ được phần nào bức màn bí ẩn của một ngành đã có tuổi đời ngàn năm này.
Trước hết mình xin được giới thiệu một chút về bản thân, nhé. Mình tên là Hiếu, mình là một bookbinder - thợ đóng sách tự học được khoảng 2 năm, nhưng thời gian mình biết tới và học kỹ thuật trong ngành cũng đã được hơn 3 năm rồi. Mình bắt đầu tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật này từ nửa cuối của năm nhất đại học, và tiếp tục cho đến bây giờ. Mình là chủ của một xưởng đóng sách (siêu) nhỏ, với một fanpage cũng khiêm tốn. Buồn cười là mình biết đến đóng sách cũng qua một cách rất tình cờ, chỉ nhìn qua một video cũ trên Youtube là tự dưng mình biết đây sẽ là nghề mà mình muốn làm luôn aha.
Nội dung trong bài viết do mình góp nhặt từ những gì mình học được (sách, tài liệu, bài viết, ghi chép, videos...) và cả những gì chính mình đã trải nghiệm trong thời gian làm nghề.
Vậy đóng sách là gì?
Theo Wikipedia, đóng sách là "hành động ghép các trang giấy rời của một cuốn sách lại với nhau qua phương thức khâu hoặc bằng các loại keo dán có tính dẻo...". Có lý, tuy nhiên với mình thì đóng sách đúng hơn là "hành động ghép các trang giấy rời của một cuốn sách lại với nhau, sao cho cuốn sách có tuổi thọ lâu nhất có thể, song hành với việc tạo ra một sự thoải mái khi sử dụng". Có lẽ đó là lý do mà các cuốn sách được những bậc thầy bên Châu Âu đóng tồn tại được cả ngàn năm.
Một trong những điều mà khiến sách thời đó được làm cẩn thận đến vậy, là vì một cuốn sách thực sự vô cùng giá trị, nhất là khi máy in chưa được ông Gutenberg phát minh và tất cả các tài liệu phải được chép bằng tay.
Kể cả khi đến thế kỷ 16, ngành in đã được phát triển hơn, các cuốn sách đã dần tới được tay các tầng lớp thấp (chúng thường ở dạng chưa được đóng hay khâu gì cả), thì đóng sách vẫn là một sự lựa chọn xa xỉ mà chỉ có tầng lớp thượng lưu, hay các nhân vật hoàng gia mới có thể sở hữu một thư viện tư với hàng trăm, hàng ngàn đầu sách. Chúng được đảm nhiệm bởi các nghệ nhân đóng sách hàng đầu, sử dụng các vật liệu cao cấp và cách trang trí bìa cầu kỳ. Mỗi một đầu sách đã như một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Mình phải thực sự nhấn mạnh về tính nghệ thuật của ngành đóng sách. Việc trang trí sách cũng là một phần không thể thiếu, và các thiết kế thường cũng đi cùng với sự phát triển của hội họa và kiến trúc mỗi thời.
Sách sản xuất công nghiệp vs Sách làm thủ công?
Ấy vậy, ở thời hiện tại, từ đóng sách chắc hẳn còn xa lạ với rất nhiều bạn, dù rất mê đọc sách phải không? Đó là vì sự thoái trào của nghề đóng sách khi Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra. Máy móc được phát minh để đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày một gia tăng, và dần thay thế những người thợ lành nghề. Các cấu trúc sách khác được phát minh. Chúng đơn giản hơn nhằm tối ưu hóa năng suất, và để phù hợp với khả năng của máy móc.
Ngày nay, chắc các bạn quen nhất với 2 loại sách là sách bìa mềm và bìa cứng. Cả 2 loại đều được sản xuất bằng máy với cách khâu smyth-sewing, với gáy sách phủ keo nhiệt nhằm "gia cố" cấu trúc sách. Cả 2 loại đều không thuộc ngành đóng sách của mình, mà theo ý kiến cá nhân, là đi ngược lại với điều mà mình đã nói trong định nghĩa trên. Các cuốn sách này thường sẽ xuống cấp rất nhanh sau vài tháng sử dụng, gáy sách được trát đầy loại keo nhiêu kia của chúng dần sẽ mất đi tính dẻo của mình, trở nên khô và dần vỡ vụn ra, kéo theo đó là mối khâu ngay tại địa điểm nứt gãy (xem hình dưới).
Số phận của các cuốn sách này gần như đã chấm dứt tại đây, khi mà với giá cả vô cùng rẻ, bạn chỉ có thể mua một cuốn mới. Đó là về tính Hữu hạn của sách công nghiệp. Mình gọi đó là những cuốn sách sinh ra để chết đi. Mà thực sự chúng cũng sống một cuộc sống khá buồn cười. Mình hay thấy các bạn phải nâng niu sách như vậy tới mức không dám mở sách ra quá 50 độ :)), thành ra đến việc đọc chúng cũng trở nên rất phiền phức. Giấy của những cuốn sách loại này cũng thường khá kém chất lượng, dẫn đến việc mục nát sau này.
Với sách được đóng bằng tay thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Cuốn sách được khâu chắc chắn với loại chỉ linen dày chuyên dụng, được đóng với cấu trúc phù hợp nhất. Mình hay lựa chọn giữa một vài lối đóng mà mình đã học được để cân đối cho phù hợp giữa độ bền, công năng và thẩm mỹ cho một cuốn sách. Với các cuốn sách cần độ bền cao thì sẽ có chỉ, lớp lót gáy chặt hơn, với các cuốn sách cần có độ mở (tức công năng) tốt thì sẽ nới lỏng ra để sách mở được nằm phẳng - 180 độ. Thẩm mỹ của cuốn sách cũng là một yếu tố rất quan trọng, đôi khi mình để sách trông dày và cục mịch, đôi lúc lại mỏng nhẹ và thanh thoát. Thường thì tự cuốn sách sẽ nói cho mình cách nó muốn được đóng, qua khổ sách và chất lượng giấy, thỉnh thoảng cũng qua nguồn gốc của nó nữa :D. Chất liệu thì mình hay sử dụng nhất là da dê, một loại vật liệu truyền thống trong ngành với sức bền rất tốt. Sách được tạo nên để tồn tại, rất lâu lâu sau khi người đóng biến mất khỏi thế gian.
Chưa so sánh thêm về yếu tố thẩm mỹ, mình mong các bạn cũng đã hiểu thêm về giá trị của một cuốn sách được đóng thủ công. Theo ý kiến cá nhân của mình, việc sách trở nên quá rẻ và phổ biến đã ngầm hạ thấp giá trị của chúng đi rất nhiều, đồng thời cũng hao tổn đi rất nhiều tài nguyên môi trường. Mình hình dung viễn cảnh sách điện tử lên ngôi, và đến lúc đó, các cuốn sách thực sự quý giá sẽ lại được tin tưởng giao cho thợ đóng sách. Chắc cũng không quá lâu đâu haha.
Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.
T.T.H
P/s: À mình quên chưa bảo đây là bài viết đầu tiên của mình trên Spiderum, cũng rất mong được mọi người góp ý, và bình luận thêm về ý kiến của mình. Các bạn có muốn mình viết thêm về đề tài nào không? Cho mình biết nhé!
Bonus một hình ảnh cuốn sách của Le Gascon đóng, theo lối trang trí Fanfare :
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất