Đóng phạt vi phạm luật giao thông -Phần 1: Một câu truyện
Từ trong bóng tối bờ hè, một bóng áo vàng thình lình băng ra, bước chân nhanh nhẹn, bàn tay vẫy vẫy. Thôi xong!...
Từ trong bóng tối bờ hè, một bóng áo vàng thình lình băng ra, bước chân nhanh nhẹn, bàn tay vẫy vẫy. Thôi xong!
- Anh quay đầu xe khi đèn đỏ, mời anh tấp vào lề, xuất trình giấy tờ.
Sau khi nhận giấy tờ xe, bằng lái và bảo hiểm xe máy. Anh công an đưa giấy tờ cho một anh khác đứng ở một chỗ thậm chí còn tối hơn, để tiếp tục xử lý. Còn anh thì quay lại bắt những người vi phạm khác.
Mình đi đến chỗ anh công an thứ hai, trong khi một thanh niên khác đi theo hướng ngược lại, lấy ra chiếc điện thoại và bắt đầu cất tiếng “Alo, …”, kèm theo tiếng nói với theo:
- Đấy, gọi được cho ai thì gọi đi!
Người xử lý mình tiếp theo, một anh công an trông cao lớn và bệ vệ. Xem qua giấy tờ và kết luận:
- Bảo hiểm xe máy đã hết hạn. Lỗi qua đầu xe khi đèn đỏ là 800 nghìn, lỗi không có bảo hiểm 200 nghìn. Tất cả là một triệu, giữ bằng lái xe trong x tháng (giờ mình không nhớ rõ lúc ấy là mấy tháng, tạm đặt là số x).
Một thoáng bất ngờ và bàng hoàng vụt qua. Mình xin được xem lại bảo hiểm xe máy vì nhớ là còn mấy tháng nữa mới hết hạn, và cũng là để có thêm thời gian để trấn tĩnh lại. Sự thật dù có khó chấp nhận đến đâu thì vẫn cứ là sự thật. Một cảm giác chua xót và tự mỉa mai trào dâng. Nhớ lại mấy tháng trước ở hiệu sách, có cuốn sách 80 ngàn mà cứ cầm lên, đặt xuống mãi, cuối cùng thì vẫn cứ đặt lại để đợi giảm giá. Giờ thì sao, chỉ 1 phút vội vã đã khiến mình trả 1 cái giá thật đắt.
Anh công an cất tiếng hỏi thêm với một vẻ đầy quan tâm:
- Em có đủ tiền nộp phạt không?
- Thưa anh, em có đủ, anh cứ thực hiện đúng pháp luật. – Mình trả lời.
Tần ngần một lúc, anh công an gợi ý:
- Em nộp 700 ngàn và có thể đi.
Lúc này mình đã bình tĩnh lại, và dự đoán trước được nước đi này. Giờ mình đi làm rồi, dù số tiền phạt có lớn, nhưng cũng đủ tiền để đóng và không bị ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống thường nhật.
Muốn được hiểu rõ hơn về người đang thay mặt pháp luật xử lý mình. Mình hỏi lại một cách đầy bất ngờ, gần như ngay lấp tức:
- Nếu em đưa 700 ngàn cho anh, thì như thế có phải là đút lót không? Và anh có phải là đang nhận hối lộ không?
Không một phút suy nghĩ, câu trả lời đến tức thì:
- Không phải là hối lộ, em đưa tiền cho anh vì anh em mình quý nhau, không phải hối lộ.
Và ngạc nhiên chưa, người muốn tạo ra bất ngờ, lại bị bất ngờ ngược. Làm sao người đứng trước mặt mình có thể nói những điều ấy một cách thản nhiên, đầy tự tin như thế.
Sững lại một lúc, nhưng rồi mình nhắc lại lần hai:
- Em có đủ tiền nộp phạt và sẽ chấp hành đúng pháp luật. Anh hãy lập biên bản và ghi biên lai.
Mình hiểu rằng, khi lập biên bản thì mình sẽ đóng cho kho bạc nhà nước. Như thế, người công an này sẽ không sơ múi được đồng nào. Một lúc, anh công an hạ giọng:
- Vậy thì 500, em nộp 500 ngàn thì anh cho em đi.
Nhưng mình im lặng. Thấy vậy, anh công an giải thích:
- Bấy giờ, nếu làm đúng luật, em sẽ bị giam bằng lái xe trong x tháng. Nghĩa là em sẽ phải đi xe buýt trong x tháng, bắt xe ôm trong x tháng. Em có đủ tiền để đi như thế trong x tháng không?
Mình nhắc lại lần ba:
- Em có đủ tiền đóng phạt, anh cứ thực thi đúng pháp luật.
Thấy có vẻ đã tóm phải đối tượng 'rắn' và dở hơi ngoài mong đợi. Anh công an chỉ mình đứng ra chỗ khác, để tiếp tục xử lý những người vi phạm mới. Mình chẳng còn cách nào là đứng mén sang một bên, chăm chú nhìn những người dại dột, ngốc nghếch khác bị bắt. Một bạn nữ dáng hình mảnh mai, có lẽ là một cô sinh viên, đang xuất trình giấy tờ và cầu xin được châm trước với một dáng điệu thật dễ thương.
Thấy có cái gì đó sai sai, khi ở đâu, bỗng xuất hiện một tên ất ơ, cứ đứng xem mình làm việc như thể một viên thanh tra khệnh khạng. Anh công an bước tới và nói:
- Thôi, bây giờ em đi ra trạm xăng mua bảo hiểm, anh sẽ phạt em 800 ngàn.
Mình ngẩn tò te một lúc, giờ này không biết còn ai bán bảo hiểm không mà mua? Thấy cái bộ dạng lề mề và chậm chạp của mình, anh công an sốt ruột:
- Hay là em muốn đóng cả? anh đã tạo điều kiện cho em rồi đấy!
Thế là mình lủi thủi chèo lên xe, đi thêm 5, 6 cây số nữa để tìm trạm xăng mà mua bảo hiểm. Không rõ là anh ý muốn giúp mình thật, hay là chỉ để đuổi mình đi cho đỡ chướng mắt.
Trên đường đi, mình nhớ lại hồi mới ra trường, vi phạm giao thông và bị phạt. Khi ấy mình chưa kiếm được đồng nào, nhớ lại thời sinh viên chỉ xin tiền bố mẹ, cảm thấy xót xa lắm, nên đã nhắm mắt đưa chân, hổi lộ cho công an để không bị phạt nhiều tiền. Hành động đáng hổ thẹn ấy còn tiếp diễn thêm 1 vài lần nữa. Lần nào cũng thấy rất xấu hổ, đầy chua chát và nhục nhã. Lòng thầm hứa, nếu có lần sau, sẽ chấp hành nghiêm chỉnh, dù thiệt hại có như thế nào.
Lần này, mình đã hành động một cách chính trực, vững vàng trước sai phạm của bản thân và của những người khác. Cảm thấy được an ủi, gột rửa được phần nào những lỗi lầm trong quá khứ, và thực hiện được lời hứa ngày trước.
--- *** ---
Lang thang ở các trạm xăng chỉ để nhận lại những cái lắc đầu và ánh mắt ngạc nhiên của các nhân viên trạm xăng, như thể nhìn thấy sinh vật ngoài trái đất:
- Giờ này không bán bảo hiểm, ngày mai em quay lại nhé!
Mình lại bần thần lái xe quay lại, trong lòng không thất vọng nhiều lắm vì đã dự đoán được trước kết quả. Giờ đã hơn chín rưỡi tối, đường đi đã bắt đầu thưa người hơn, tiết trời những ngày cuối thu se se, lạnh lạnh. Sự thanh tịnh, hiu hắt của mùa thu theo những luồng gió đều đều thổi qua, thấm tháp vào người. Bây giờ mình cũng đã bình tâm hơn, lòng nhớ lại những năm trước đây, nước mình có nhiều thiên tai, bão lũ, nếu cộng số tiền các đợt ủng hộ lại, thì có năm số tiền cũng không ít hơn số tiền phạt này. Lúc ấy, mình đâu có cảm giác mất mát gì. Huống chi, đây là số tiền mình phải trả cho sai phạm của bản thân mình, và cũng đúng với luật nhân quả, đâu có gì phải ca thán (gieo nhân sấu mà mong tránh được quả xấu mới là điều bất thường).
Lại nữa, với một triệu mình đóng vào kho bạc, nhà nước có thể dùng số tiền ấy để thêm vào kinh phí để xây cho các em vùng cao những ngôi trường khang trang hơn, che chở cho các em những mùa đông rét buốt cắt da cắt thịt, hoặc dựng một cây cầu, làm một con đường, … cho những nơi còn khó khăn của đất nước. Năm nay, mình cũng chưa ủng hộ được đồng nào, giả sử nếu đơn vị có phát động đóng ghóp thiện nguyện, mà mình quyên góp được như thế, thì hẳn mình cũng vui mừng lắm. Cho nên, nếu xem lại, thì về hình thức, đó là đóng phạt, nhưng về tinh thần, thì có thể coi như ‘lấy của nhà giầu chia cho người nghèo’, tạo điều kiện cho những việc thiện được thực hiện trong xã hội. Âu cũng là việc tốt.
Nếu như mình vì tiếc của, mà hối lộ công an. Thì có thể, người này sẽ dùng số tiền ấy vào tiêu xài hoang phí, mua diện thoại xịn, xắm chiếc xe sang, … vốn chẳng mang lại ý nghĩa gì. Hơn nữa, bán đi sự ngay thẳng, chính trực với cái giá 500 ngàn, không phải là đã lỗ to rồi sao. Vụ mua bán, mà tính đường nào cũng thiệt như thế, mình làm sao có thể giao dịch cho được.
Hơn nữa, khi mình hối lộ công an giao thông, mình chẳng những làm cho mình trở nên sấu xa hơn, lại đồng thời kéo người khác lún sâu hơn vào vũng lầy sai trái, là cho cái thiện thêm mờ tối, cái xấu thêm tràn lan. Rồi nếu một ngày, điều thiện tắt hẳn, gian ác hoành hành, thời thế rối ren, vận nước nghiêng ngả, thì hẳn mình cũng góp một phần công sức bé nhỏ vào tai họa ấy. Bài học từ những triều đại lẫy lừng như Lý, Trần, Lê vẫn còn vẹn nguyên. Một việc phi nghĩa như thế, mình không thể làm được. Và ngược lại, nếu như mình gìn giữ được sự trong sạch cho mình, thì đồng thời, mình cũng nâng đỡ được sự trong sạch cho người khác, là một việc nhỏ mà ý nghĩa lớn. Nghĩ đến đây, mình cảm thấy đã được thông suốt, bình thản quay lại nộp phạt.
Dựng xe, tắt máy, mình đi lại chỗ anh công an khi nãy, báo cáo:
- Em đã hỏi các trạm xăng, nhưng họ nói đã quá giờ bán bảo hiểm, hẹn sáng mai quay lại.
Anh công an nhìn mình một lúc với đôi mắt tò mò, nghi hoặc, rồi hỏi:
- Em có theo tôn giáo gì không?
Mình trả lời:
- Không, em không theo tôn giáo gì cả.
Dường như không chắc chắn lắm, anh ấy hỏi lại lần hai:
- Em là người Kinh và không theo tôn giáo gì?
Mình cũng nhắc lại lần hai:
- Vâng, em là người Kinh và không theo tôn giáo gì.
Một chút thất vọng và không vui thoáng qua, anh ấy nói:
- Có mua bảo hiểm thôi mà cũng không mua được!
Rồi thật bất ngờ, anh công an giao thông trả lại giấy tờ xe cho mình, và nhắc nhở một cách nghiêm nghị:
- Lần này anh tha, lần sau mà còn tái phạm, anh sẽ phạt.
Mình cảm ơn, rồi đi về. Giá như ngay từ đầu, anh ấy nói như thế thì hẳn mình đã kính trọng, quý mến anh ấy biết bao. Không hẳn vì anh ấy đã không phạt tiền mình, mà vì anh ấy đã thực hiện đúng nhiệm vụ của người công an giao thông. Trước đây, mình đã từng gặp một người như thế, tuy bị phạt nhưng mình vẫn rất kính trọng (tiếc thay, đó là người duy nhất mà mình từng gặp).
Thanh Phong
13/11/2021
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất