Đối với lập trình viên, nhất là lập trình viên outsourcing thì vấn đề làm việc kinh qua nhiều dự án là hết đỗi bình thường. Mỗi dự án sẽ mang lại cho bản thân chúng ta những bài học và những câu chuyện đáng nhớ riêng. 
Nếu bạn làm đủ lâu trong một dự án nào đó thì việc làm việc chung với những người đồng nghiệp này đồng nghiệp kia dường như sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cảm xúc và những sự tiến bộ của bạn trong dự án đó.
Mình đã trải qua khá là nhiều dự án và mình cũng có những bài học xương máu qua những dự án cùng với những kiểu đồng nghiệp khác nhau. Ghét có, thích có, thân thiện có, khó tính có và mình có được những trải nghiệm khi làm việc chung với họ vô cùng đắt giá.

Một dự án trẻ chịu cày

Đúng là mới ra trường, chẳng có gì ngoài nhiệt huyết, mình cũng vậy và có lẽ bạn cũng thế. Được vào một trong những dự án trẻ, toàn sàn sàn bằng tuổi nhau, và chỉ có một hai anh kỳ cựu hướng dẫn. Chúng tôi chẳng có gì ngoài nhiệt huyết tuổi trẻ. Cùng nhau cày bạt mạng cho dự án. Cùng nhau học và chia sẻ cách làm việc cho nhau qua những buổi seminar. Cùng nhau đi nhậu tận khuya hay xuyên đêm sau những màn overtime, overnight để làm việc. Để rồi đồng nghiệp mà như những đứa cùng học một lớp thời học sinh vậy. Vui vẻ và máu chiến để có thêm những bài học trường đời sau khi mới ra trường.

Một dự án chỉ đâu đánh đó

Lính đánh thuê đúng nghĩa khi sếp đứng khoanh tay đằng sau, chỉ em code thế này, chỉ em code thế kia không sai một chữ. Không chỉ dạy, không giải thích, không cãi cũng không được làm sai. Phải nói là áp lực và đúng nghĩa với một anh công nhân viết code vậy.

Một dự án quá lớn để bạn hình dung bạn chỉ là hạt cát

Bạn tưởng rằng bạn tham gia một dự án một hai chục người đã là to, nhưng không mình đã được trải nghiệm dự án gấp nhiều lần như vậy. Dự án được chia thành nhiều các scrum team nhỏ phụ trách những mảng nhỏ của dự án lớn và có những phần tích hợp lại với nhau sau đó cãi nhau loạn xạ, bạn sai tôi đúng cho phần của tôi. Hay scrum of scrum với những team lớn hơn. các lead ngồi với nhau, yêu cầu từ cấp cao chia nhỏ cho từng team rồi chỉ nghe thông qua tài liệu của sếp trên mình nhất, tam sao thất bản rồi không thể tích hợp lại được và cùng nhau sửa tới sửa lui. Khá hài hước khi biết cần một sự thống nhất từ ban đầu.

Một dự án đấu tố diễn ra hằng ngày

Việc tranh cãi giữa tester và dev là chuyện bình thường của một dự án phát triển phần mềm. Nhưng việc dev cãi nhau với dev, dev cãi nhau với technical architect hay business analyze cãi nhau với lead để rồi vạch áo cho người xem lưng với khách hàng thì đúng là một câu chuyện đáng buồn. Ôi thôi khi phải ngồi đấu tố lỗi của ai, trách nhiệm của ai 2/3 ngày và các buổi họp diễn ra liên tục hằng ngày khiến cho không còn thời gian làm việc thì đúng là như một cuộc tra tấn. Kết quả là hợp đồng bị cắt và cả team từ lớn đến nhỏ giải tán thì đúng là một kết quả biết trước mà.

Một dự án được học hỏi từ các bậc lãnh đạo cấp cao

Sếp của sếp, thậm chí là sếp của sếp của sếp mà làm cùng thì bạn nghĩ có nên tự hào hay là nên áp lực. Dưới những góc độ của lãnh đạo cấp cao cho một vấn đề nào đó của dự án thì mình học được rất nhiều thứ mà có lẽ không phải ai cũng may mắn được trải qua. Những vấn đề đối nội, đối ngoại, giao tiếp khách hàng, hợp đồng được ký kết, quy trình và những bức tranh toàn cảnh của một dự án ra sao thật sự nếu một anh lính như mình khó lòng mà được tiếp cận như vậy.

Một dự án đồng tâm hiệp lực chạy mặc dù biết trước cháy

Có những dự án khi nhận được estimate thời gian và chi phí thì biết trước cháy két lẹt rồi. Nhưng anh em vẫn cố nhận và cày để có thể lấy được khách hàng trong tương lai, mở rộng được thị trường trong mùa dịch khó khăn này. 

Một dự án tôi không biết tiếng bạn, bạn cũng chẳng biết tiếng tôi nhưng cả hai nhất định không dùng ngôn ngữ chung

Ai đã từng làm với những thị trường phải thông qua những phiên dịch viên sẽ hiểu. Tam sao thất bản đúng nghĩa khi mình và khách không hiểu nhau và thông dịch viên cũng không hiểu kỹ thuật để mà làm cầu nối giữa hai bên. Thật sự khó khăn vô cùng. Thà google dịch để trao đổi còn sướng hơn.

Một dự án có thể làm chủ cuộc chơi

Không phải dự án nào bạn cũng được làm mới ngay từ đầu mà chỉ bảo trì và phát triển thêm lên. Nhưng nếu bạn vào những dự án xây từ những viên gạch đầu tiên thì đúng là sân chơi này dành cho bạn. Ngon hơn nữa là nếu bạn lấy được lòng tin từ khách hàng thì bạn có lẽ sẽ nhàn hơn về những công đoạn phía sau. Hơn thế nữa nếu bạn làm chủ được những gì mình làm thì mọi thứ trở nên dễ dàng và nhanh chóng. Bạn sẽ có những thời gian trà đá, tán gẫu sau khi hoàn thành công việc một cách nhanh chóng cùng các anh chị em đồng nghiệp.
Còn nhiều dự án khác nữa mà mình trải qua nhưng có lẽ trên đây là những dự án đáng nhớ nhất cũng với những đồng nghiệp “hết nước chấm” mà mình từng gặp qua. Từ đây mình rút ra một điều rằng:
Nhiều khi bạn cứ nghĩ, anh kia là sếp, mình phải kiêng dè. Người này là lính mình, mình phải ra oai, ra uy nạt nộ. Nếu cứ giữa thái độ như vậy thì bạn sẽ rất khó hòa đồng và chính bạn là người thiệt thòi cũng như mệt mỏi với lối suy nghĩ thứ bậc như vậy.
Đừng nghĩ ai là sếp ai, ai là lính của ai, hãy nghĩ mỗi người trong dự án đều có một nhiệm vụ và trách nhiệm khác nhau và cùng nhau xây dựng và phát triển dự án thì mọi thứ sẽ giúp bạn nhẹ nhàng hơn.
Vậy đó, một hành trình của một anh dev culi không phải là ngắn nhưng cũng cần phải trải nghiệm thêm rất rất nhiều trên con đường sắp tới.
Hi vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm trải nghiệm mới với những gì mình đã trải qua và kể lại. Hãy để lại những trải nghiệm của bạn dưới phần bình luận để chúng ta cùng hiểu nhau hơn nhé!