Khi bạn phát hiện ra người đồng nghiệp gắn bó với mình hàng ngày đang có ý đồ chơi xấu sau lưng, bạn sẽ làm gì để đối phó với họ?
 Đừng buồn khi một ngày bạn phát hiện ra mình bị đồng nghiệp chơi xấu
Môi trường công sở đôi khi cũng giống như những môi trường cạnh tranh khác, với những phe cánh, những cuộc “buôn chuyện” và những đồng nghiệp thích “chơi xấu” nhau.
Với những kiểu đồng nghiệp thế này, thực chất giữa bạn và họ khó có một mối quan hệ vô tư trong sáng mà luôn tồn tại một cuộc cạnh tranh ngầm khốc liệt. Có những lúc bạn rơi vào tình trạng “tức nổ đom đóm mắt” vì những màn chơi xấu sau lưng của họ.
Khi bạn xác định chắc chắn mình đang là mục tiêu của những kẻ thích chơi xấu chốn công sở, đừng ngại làm theo những cách dưới đây để bảo vệ chính bản thân mình:

1. Tập trung vào công việc trong bất kì trường hợp nào

Khi biết rõ đồng nghiệp có ý định “chơi xấu”, bạn muốn gặp họ để làm rõ trắng đen nhưng tốt nhất khi đối diện với họ, mọi lời bạn nói đều xuất phát từ công việc chứ không nên lấy chuyện cá nhân để nói.
Điều bạn cần là công việc suôn sẻ, trôi chảy chứ không phải là muốn kết thân với người ta, vì vậy, đừng lãng phí thời gian để thay đổi cách nghĩ của họ về cá nhân bạn. Tập trung vào công việc là cách khiến những hành vi xấu tính của họ khó có thể ảnh hưởng đến bạn nhất.

2. Hãy tìm kiếm đồng minh

Nếu bạn tìm hiểu và biết rõ rằng không chỉ có bạn mà còn rất nhiều đồng nghiệp khác trong công ty cũng bị anh/cô ta “chơi xấu”. Hãy tìm đến họ và liên kết với những đồng nghiệp này để có thể tạo sức mạnh chống lại “kẻ phá hoại”.
 Để hành vi chơi xấu của đồng nghiệp ảnh hưởng đến tâm trạng và công việc của mình là cách bạn “chào thua” họ

3. Tránh hành động “trả đũa” khi bị chơi xấu

Những hành động “trả đũa” theo kiểu “hai con dê qua cầu” chỉ làm gia tăng thêm “chiến tranh”. Vậy khi bị đồng nghiệp “chơi xấu“, thì không nên có hành động trả thù với họ.
Bởi điều đó càng gây ra hiềm khích, mối quan hệ giữa hai người càng rơi vào bế tắc. Bạn hãy thể hiện sự đại lượng, bỏ qua của mình để chính những kẻ xấu tính cũng cảm thấy “gờm”.

4. Ghi chép lại sự việc

Bạn cần hình thành thói quen ghi chép lại những gì xảy ra liên quan tới người đồng nghiệp này, cũng như thời gian và địa điểm của sự việc. Aubyn Peterson, nhân viên hành chính của Miss USA Pageant, khuyên:“Trong trường hợp một đồng nghiệp cố gắng đổ tội cho bạn làm sai, bạn phải luôn luôn lưu giữ những bằng chứng về tất cả những việc bạn làm”.

Ví dụ, lưu lại tất cả những email cùng với ý tưởng mà bạn đã đưa ra và đóng góp cho công việc của nhóm. Hãy lưu lại tất cả các bản thuyết trình, báo cáo công việc của bạn, để khi đồng nghiệp “chơi xỏ” bạn còn có thể minh chứng rõ ràng cho việc mình làm.
Đừng âm thầm chịu đựng mà hãy tìm cách “vạch mặt” hành vi xấu tính của họ một cách thuyết phục

5. Gặp cấp trên nếu sự việc trở nên nghiêm trọng

Nếu sếp của bạn cũng từng nghe nhân viên phàn nàn về  “kẻ phá hoại” trong cơ quan thì bạn nên trình bày với sếp về tình hình của bạn.
Khi trao đổi với sếp về chuyện này, bạn cần có đầy đủ chứng cứ đã được ghi chép như đề cập ở trên và cũng đã tự mình nhìn nhận vấn đề bằng thái độ khách quan. 
Ngoài sếp, bạn cũng có thể trao đổi vấn đề với bộ phận nhân sự để đề nghị giúp đỡ. Hãy miêu tả cụ thể những gì đang diễn ra và giải thích ảnh hưởng của việc đó đối với khả năng làm việc của bạn.
Đồng thời, bạn cần nhấn mạnh rằng, bạn muốn tìm một cách thức giải quyết vấn đề hiệu quả và thoải mái nhất có thể.

6. Luôn bình tĩnh và hài hước

Richard Ogawa nhân viên kinh doanh và là trợ lý đặc biệt cho các sự kiện của công ty Broadway On and Off  tiết lộ bí quyết để tránh bị căng thẳng khi gặp tình huống bị “chơi bẩn” như sau:
“Đừng trách móc bản thân trong khi bạn không phải là người có lỗi. Hãy cười lên để chứng tỏ cho người đồng nghiệp kia thấy rằng, trong mắt bạn, anh ta thật lố bịch và đáng thương”.

7. Chuẩn bị tìm công việc khác

Những vố “chơi xấu” không được kiểm soát của đồng nghiệp có thể gây hại đến tinh thần, thể chất và cảm xúc của bạn.
Nếu bạn đã cố gắng hết sức để giải quyết và cũng đã nhờ tới sự hỗ trợ của bộ phận nhân sự mà không giải quyết được vấn đề, thì đó là lúc bạn nên tính đến phương án tìm cho mình một công việc khác.
Việc bạn rời đi không đồng nghĩa với tuyên bố “chiến thắng” dành cho kẻ “chơi xấu”. Đó đơn giản chỉ là cách bạn chăm sóc bản thân mình. Bạn sẽ không chứng minh được điều gì hay dạy ai được bài học nào nếu cứ ở trong tình trạng nguy hiểm đó.
Ai cũng xứng đáng được ở trong một môi trường làm việc an toàn và thoải mái. Nếu công ty của bạn không thể đem lại cho bạn được điều đó, thì bạn cần phải đi tìm ở một nơi khác.
Xem thêm các bài viết bổ ích cho hành trình sự nghiệp tại http://hocgilamgi.com/