Trong bối cảnh dịch bệnh, chiến tranh thương mại, và 4.0 hỗn loạn thì phát triển bền vững đang là ưu tiên hàng đầu.
Nghị quyết Đại hội Đảng XIII/2021 tiếp tục khẳng định rõ nền kinh tế tư nhân là động lực cho phát triển kinh tế. Trong bối cảnh dịch bệnh, chiến tranh thương mại, và 4.0 hỗn loạn thì phát triển bền vững đang là ưu tiên hàng đầu.
Bài này tóm tắt nhanh một phần trong Đại hội Đảng mới diễn ra.

Bối cảnh từ vĩ mô đến vi mô

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, 3 đặc điểm lớn của nền kinh tế thế giới hiện nay bao gồm: Chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và Đại dịch Covid-19. Ngoài ra, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, biến đổi khí hậu, thiên tai, và an ninh mạng,… cũng là những vấn đề đáng lưu tâm khác.
Những biến động trên khiến thương mại quốc tế ngày càng trở nên thách thức. Giữa bối cảnh khó lường này, thì các hiệp định thương mại tự do có thể xem như một điểm tựa vững chắc. Chưa bao giờ chỉ trong vòng một năm, Việt Nam ký kết 3 hiệp định thương mại lớn như trong 2020: Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), Khu vực RCEP, và Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA).
Những hiệp định này, cùng với CPTPP, hứa hẹn mở ra cơ hội lớn cho Nông sản và Dệt may, thu hút thêm nhiều FDI, nhưng đồng thời tạo ra thách thức lớn về cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ cao và nhân sự chất lượng cao.
Ở một mặt khác, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến nền kinh tế ngày càng cạnh tranh leo thang và biến đổi liên tục, tạo nên một bối cảnh hỗn loạn và làm không ít doanh nghiệp bối rối.
Thế giới có một thuật ngữ là VUCA để miêu tả bối cảnh này: Biến động (Volatility), Bất định (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity). Chiến tranh thương mại và Đại dịch Covid-19 càng làm nổi bật đặc điểm này.
Giữa bối cảnh như vậy, phát triển bền vững và phòng thủ được coi là chiến lược trọng yếu. Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam với nguồn dự trữ lương thực lớn và thói quen tiết kiệm của người dân giúp việc cách ly xã hội được triển khai sớm và dễ dàng.
Ở cấp độ doanh nghiệp, thì những doanh nghiệp có nền tảng vững chắc và có dòng tiền phòng thủ là những doanh nghiệp trụ qua được giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh - như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “những doanh nghiệp tồn tại được không phải là những doanh nghiệp mạnh nhất, mà là những doanh nghiệp thích nghi tốt nhất”.
Và để thích nghi tốt nhất, ngoài nền tảng vững chắc và dòng tiền phòng thủ, thì sự linh hoạt và tinh gọn trong mô hình kinh doanh là cần thiết để có thể thay đổi theo thời cuộc. Chuyển đổi mô hình sang sản xuất khẩu trang, nước rửa tay, và sáng tạo trong việc làm bánh mỳ dưa hấu, bánh tráng dưa hấu là những ví dụ điển hình cho sự thích nghi.

Định hướng sắp tới

Nền kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục được ưu tiên và tạo điều kiện phát triển, từ đó tạo động lực cho phát triển kinh tế. Trong đó, các ngành công nghiệp cao và 4.0 được tập trung đầu tư. Mục tiêu đến năm 2030, sở hữu một nền công nghiệp hiện đại với mức thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển với thu nhập cao.
Một đòn chiến thuật để đạt được mục tiêu trên là “cỗ xe tam mã” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, gồm: đầu tư công, xuất khẩu, và tiêu dùng nội địa.
Cụ thể, đầu tư công nhắm đến những ngành bị ảnh hưởng bởi dịch và những ngành được ưu tiên phát triển. Tiêu dùng nội địa là yếu tố phát triển nền kinh tế bền vững, trong đó mua sắm trực tuyến đang phát triển bùng nổ giúp kích thích tiêu dùng. Xuất khẩu được đảm bảo và đẩy mạnh thông qua các Hiệp định thương mại tự do.
Trong dài hạn, “kinh tế tuần hoàn”, “kinh tế số”, “xã hội số”, “chuyển đổi số”, “phát triển nhân lực”, “hoàn thiện thể chế cho phát triển”... là những từ khoá được nhấn mạnh trong Đại hội - nhìn chung xoay quanh phát triển bền vững và định hướng 4.0, để làm được việc đó cần nhân sự trình độ cao và thể chế tốt.
Ví dụ như thời gian gần đây, báo chí đưa tin nhiều về cách bạn trẻ 9X tự viết phần mềm với mức thu nhập hơn 300 triệu đồng, và đóng thuế hàng chục tỷ đồng. Đây là kiểu nhân sự được hướng đến trong thời gian sắp tới.
Tuy nhiên, trước mắt điều cần quan tâm nhất là phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch. Trước bối cảnh VUCA của thế giới thì việc này không kém phần thách thức, bởi không biết sắp tới những bất ổn và bất định nào sẽ xảy tới. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là “bền vững” và “phòng thủ”.
Hoàng Phi, đã đăng trên enternews.vn