Ngược về thời gian trong quá khứ, khi còn là một đứa trẻ, tôi luôn yêu thích những bộ phim võ thuật Trung Quốc.

Những bộ phim thể loại tranh đấu bí kíp võ công, những tài liệu được truyền nhân đi trước ghi chép lại để bất cứ ai đọc và sử dụng đều có thể trở thành cao thủ võ lâm, đó luôn là thể loại cuốn hút người xem nhất.

Ngày xưa, không có nhiều những công cụ, phương tiện để mà ghi chép lại những tinh hoa, kiến thức của nhân loại. Chính vì thế mà từ nghìn năm trước, người Tàu đã phát minh ra những thẻ bài để khắc chữ lên đó, dần dần con người tối ưu và phát minh ra giấy viết để ghi chép, đó là một bước ngoặt lớn trong sự phát triển của con người.

Cho đến bây giờ, chúng ta có máy tính, những công cụ lưu trữ bằng số hóa, điện toán đám mây,… đang được coi là nền tảng lưu trữ vô hạn.

Nhưng chính vì sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và nền tảng lưu trữ số hóa thì con người đang trở nên lười ghi chép, lưu trữ những giá trị, kiến thức hay kỹ năng của bản thân mình hơn.

Bởi vì chúng ta lười hơn, chúng ta nghĩ chỉ cần một vài thao tác trên công cụ tìm kiếm, đọc một vài cuốn sách, hỏi người khác,… thì kiến thức của những nguồn đó rồi sẽ thành của mình?

Chẳng có ai cho không ai thứ gì, cũng chẳng có mâm cơm nào bày sẵn ra cho bạn cả, ai cũng phải lao động nghiêm túc để có được tri thức.

Hơn nữa, tất cả thông tin trên Internet bây giờ đều là một mớ hỗn độn và rời rạc như những mẩu vụn bánh mỳ.

Chúng ta ở đây để nói về thực tế, bạn có thể thử ngay bây giờ: “Hãy tìm cho tôi một tài liệu ghi chép đầy đủ về kỹ năng Teamwork, mà khi ai đó đọc xong thì đều có thể áp dụng ngay từ cơ bản cho đến phức tạp”, tất nhiên nếu vốn bạn đã nắm được nền tảng của kỹ năng này thì bạn có thể tự mình viết ra.

Nhưng nếu bạn không có, thì chắc chắn bạn sẽ phải tìm kiếm trên Internet rồi.

Bạn sẽ phải làm những bước sau: Tìm kiếm, Đánh giá, Phân loại, Sắp xếp, rồi Tổng hợp, Chỉnh sửa.
Đọc thêm:
Sẽ mất kha khá thời gian để bạn hoàn thành mớ kiến thức đó, nếu tổng hợp từ kinh nghiệm tích lũy của bản thân thì sẽ càng mất nhiều thời gian hơn. Mà bây giờ thời gian quý giá lắm, chẳng có ai đi trải nghiệm cả một đời người rồi mới đúc rút ra kinh nghiệm của mình. Phải khôn khéo hơn, và nhanh hơn.

Vậy nên nếu bạn bí trước câu hỏi của tôi, thì tức là bạn đang không có sẵn những “Bí Kíp Võ Công” rồi!

Chẳng ai có thể nhớ hết mọi thứ, chính vì thế mà khi đi học bạn phải có vở để ghi chép. Về lý thuyết thì những gì bạn viết ra thì là kiến thức của bạn, nhưng trên thực tế bạn còn phải thực hành và đúc rút liên tục mới có thể biến kiến thức thật sự thành của mình.

Bạn có đồng ý với tôi khi tôi nói cái thời lớp 12 thì cuốn vở toán, vở văn đi học thêm hay luyện thi chính là những cuốn “bí kíp” của sỹ tử? Hay những cuốn sách về cách làm giàu, kinh nghiệm đúc rút của những tỉ phú $ xuất bản từ rất lâu nhưng cho đến bây giờ vẫn trở thành những cuốn sách gối đầu giường của những doanh nhân (Đọc sách là để nhặt nhạnh những kiến thức mà tác giả vô tình rơi vãi trong đó).

Còn bây giờ, vượt ra khỏi môi trường học tập, bạn đã tự trang bị cho mình những “bí kíp” mà khi cần đến, đều có thể nhanh chóng mở ra và áp dụng một cách dễ dàng hay chưa?

Nếu rồi thì cần tiếp tục tối ưu và bổ sung từ trải nghiệm thực tế, còn nếu chưa thì bạn cần phải học cách đóng gói kiến thức của bạn và của người khác ngay từ bây giờ.

Bắt đầu đi vào đóng gói tri thức nhé! Nhưng trước tiên bạn cần biết điều này

Đóng gói tri thức của mình đã khó, đóng gói tri thức của người khác còn khó hơn.

Đầu tiên “Đóng gói” là gì?

Đóng gói là một quy trình các bước đánh giá, phân loại, sắp xếp, tổng hợp những tài nguyên sẵn có trở thành một sản phẩm hoàn thiện có giá trị sử dụng hoặc giá trị kinh tế.

- Bạn có thể đóng gói quần áo cũ để bán lại với một mức giá rẻ hơn.
- Bạn có thể đóng gói công thức làm một loại bánh truyền thống của gia đình và bán nó trên Internet.
- Xung quanh tôi thì gần nhất có bên Đóng gói và Nhân Chuỗi của ảnh Tú Nguyễn cũng theo hình thức đóng gói.
- Những cuốn sách được bán hiện nay chính là một kiểu trong đóng gói tri thức.

Và còn vô vàn thứ có thể bán bằng cách đóng gói, hiểu nhu cầu và biết đóng gói, bạn có thể cho ra mọi sản phẩm.
Đọc thêm:
Mục đích của đóng gói?

Từ một vài ví dụ bên trên chắc hẳn bạn cũng hiểu mục đích của đóng gói.

- Bạn muốn kiến thức của mình không bị mai một qua thời gian, bạn đóng gói để có thể lưu lại và sử dụng khi cần.
- Bạn muốn bán một sản phẩm phục vụ nhu cầu của một nhóm khách hàng, bạn cần đóng gói những thứ cần thiết để hoàn thành sản phẩm.


Chung quy lại mục đích của đóng gói là biến những thứ có giá trị thấp, rời rạc trở thành một sản phẩm có giá trị cao hơn để sử dụng, bảo quản, vận chuyển hoặc thương mại.

Quy trình đóng gói?

Có rất nhiều quy trình đóng gói, nhưng ở đây tôi sẽ chỉ nói đến quy trình đóng gói tri thức, bởi vì đó là mục đích của bài viết. Những sản phẩm hữu hình khác cũng chỉ là khác về tính chất mà thôi.

Và những bước sau với trọng tâm hướng vào đóng gói tri thức của bản thân.

Quy trình theo tôi chia ra làm 4 phần:

1. Đánh giá kiến thức
- Ở bước này cần định nghĩa, phân tích và đối chiếu những kiến thức mà bạn đang có để có thể sắp xếp, phân loại vào từng danh mục cụ thể.
Ví dụ:
- Kiến thức, kinh nghiệm trong tổ chức sự kiện.
- Bộ công thức nấu 100 món ăn theo khẩu vị của bạn

2. Chọn phương thức đóng gói
- Khi đã có những danh mục được phân loại bạn dến bước rất quan trọng đó là chọn phương thức để đóng gói. Bạn không thể đóng gói một quả mít bằng túi ni nông được hay không thể đóng gói một cốc café nóng hổi bằng một cốc nhựa mỏng.
- Kiến thức khác với những vật hữu hình, có thể lưu trữ bằng văn bản, tập tin hoặc hình ảnh. Bạn có thể chọn những phương thức như ghi chép tay, đánh máy (Word, PP, Execl), sơ đồ tư duy, PDF, Check list… Cách thức nào cũng được miễn là bạn hoặc người khác xem đều có thể hiểu và áp dụng được.
Lưu ý: Tôi đang sử dụng bảng 5W1H để đóng gói kiến thức của mình trong đó bảng sẽ trả lời được những câu hỏi như: What – Why – Where – Where - When – How

Ví dụ:
1. Bảng quản lý công việc cá nhân theo ngày: https://docs.google.com/spreadsheets/d/1M6JHAN4Iyi5PHf7t3RKE992EaTae0XXmHurCg_z6nSI/edit?usp=sharing
2. Bảng lên kế hoạch theo 5W1H
https://docs.google.com/spreadsheets/d/1xpe_P3yGsq-z_2Jb2XEVxNUbjkmphlCMagvqIMnOs0Q/edit?usp=sharing

3. Đóng gói
- Sau khi chọn được cách thức đóng gói, việc bây giờ đơn giản hơn, bạn chỉ cần trình bày một cách khoa học những nội dung theo thứ tự đã sắp xếp từ trước theo một cách thức mà bạn cho là hợp lý và thông minh nhất.
- Ở bước này, linh hoạt liệt kê lại những kiến thức của bạn và bổ sung từ các nguồn khác mà bạn cho là phù hợp.

4. Hoàn thiện sản phẩm đóng gói
- Sau khi hoàn thiện 3 bước trên bạn cơ bản đã hoàn thành một bản đóng gói tri thức của mình về 1 chủ đề. Nhưng đó mới chỉ là bản sơ khai, lúc này cần đọc lại và sửa những lỗi vặt như chính tả, bố cục, hình ảnh, số liệu nếu chưa hợp lý. Tốt nhất nên gửi cho những người có hiểu biết và tin tưởng để góp ý và hoàn thiện.

Lưu ý: Tất cả những bản đóng gói tri thức đều có thể trở nên lỗi thời và mất đi giá trị nếu không cập nhật và sửa đổi thường xuyên. Và chú ý trong bảo mật và chia sẻ để không gây thất lạc cũng như hư hỏng đối với tài sản trí tuệ của mình.

Trên đây là một vài bước để bạn có thể đóng gói kiến thức mà mình đang có trở thành một phiên bản hoàn chỉnh, có thể sử dụng hiệu quả hơn không chỉ với bạn mà còn với những người khác.

Tôi không dám chắc kiến thức của bạn hay của tôi có thể bán được nhưng tôi dám chắc bạn và tôi sẽ tích lũy được không nhỏ những kiến thức quý giá mà mình đang có.

Chúng ta mua sách để đọc cũng cốt là để học kiến thức được tích lũy qua nhiều năm của người đi trước đóng gói lại bằng những cuốn sách thôi mà.

Thì tại sao bạn không thể đóng gói được những cuốn sách tương tự? Tôi tin bất cứ ai cũng mang trong mình những kiến thức giá trị với chính bản thân mình cũng như với người khác (Đôi khi chỉ một lời khuyên đúng lúc cũng đã thay đổi 1 đời người rồi).
Khi nắm trong tay những bản đóng gói tri thức chất lượng tức là bạn đang nắm trong tay cả một "bí kíp võ lâm" quý giá.

Dù sao đây cũng chỉ là một góc nhìn của tôi được đúc rút và theo dõi trong nửa năm nay, chắc chắn sẽ còn nhiều sai sót. Mong được bạn bè và anh chị đi trước góp ý, bổ sung.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết hơi dài của mình.