(Ảnh: pixabay.com)
Trước đây tôi ít khi dùng hay đề cập đến những từ như "kinh doanh", "khởi nghiệp", "làm giàu” và nội dung liên quan về những điều này. Khi ấy thì tôi thiếu trải nghiệm thực tế, tương tác với người khác còn nhiều hạn chế, nhất là bên trong tôi còn chất chứa nhiều niềm tin tiêu cực về bản thân và thế giới xung quanh. Cho nên dù sách báo, internet nhan nhản các thông tin về những điều trên, tôi vẫn rất ít khi chủ động tìm hiểu về chúng. Khi đó tôi đã nghĩ mình chỉ là một người bình thường chẳng có tài năng gì đặc biệt; tôi chỉ muốn được sống và làm việc với những gì tôi yêu thích và phù hợp khả năng của mình thôi là đủ tốt lắm rồi. Bởi vậy, tôi đã cho rằng "kinh doanh", "khởi nghiệp", "làm giàu" là những khái niệm nghe cứ xa rời, vượt quá khả năng của mình.
Rồi dần dần qua thời gian, trải qua nhiều sự kiện trong cuộc sống, gặp gỡ nhiều người khác nhau, suy nghĩ trong tôi dần dần thay đổi; niềm tin tiêu cực bên trong bớt dần; cách hiểu về những khái niệm trên cũng dần thay đổi. Tôi có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều bạn bè, nhiều bậc tiền bối đi trước giàu kinh nghiệm; trong họ có nhiều ước mơ đẹp quá để làm lợi cho mình, cho đời, khác hơn nhiều so với những gì tôi từng quan niệm trước đây. Mỗi người trong số họ lựa chọn một đối tượng chính để phục vụ; mà cuộc sống hiện tại thì còn nhiều đối tượng cần phục vụ quá, nhiều vấn đề nhức nhối cần tìm cách giải quyết quá. Người này thì chọn dạy tiếng Anh trẻ em, người này chọn dạy giá trị sống đẹp cho người trẻ, người này chọn dìu dắt người khuyết tật thân thể vươn lên, người này chọn hướng nghiệp cho người trẻ trước khi vào đời, người này chọn dạy nghề cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, người này chọn phát triển một sản phẩm nông nghiệp như cây đậu, cây chè, cây vải, cây chùm ngây, v.v... Quan sát họ, tôi nhận thấy động cơ khởi sự của họ là xuất phát từ tình yêu, từ ước mơ làm lợi cho mình và cho người khác, bắt đầu từ việc đi tìm hướng giải quyết cho một vấn đề cụ thể. Tôi nhận thấy một điểm chung quan trọng trong công việc của họ là: mang lại giá trị tốt đẹp cho chính mình và người khác. Tiền là kết quả của việc cung cấp giải pháp để giải quyết vấn đề. Nhìn lại bản thân và ngẫm lại, trước giờ ít ai dạy chúng ta biết ước mơ và tìm cách hiện thực hóa ước mơ, nhất là những ước mơ cao đẹp như thế!
(Ảnh: Google search)
Chính những sự thay đổi như vậy đã khiến tôi trăn trở nhiều hơn về điều tôi muốn làm cho mình và người khác. Trong đầu tôi xuất hiện nhiều câu hỏi về những điều mình muốn làm được trong đời. Dù tôi chưa thể trả lời được ngay nhưng tôi vẫn mong cầu và tin rằng một ngày nào đó, mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn. Tôi đem những suy tư, trăn trở đó vào hành trình tự tìm hiểu và khám phá; rồi mạnh dạn tìm cơ hội chia sẻ với những người đi trước có kinh nghiệm với mong ước nhờ họ, tôi sẽ khơi thông dần những khúc mắc, những ý tưởng manh nha trong lòng. "Cứ gõ, cửa sẽ mở"; "Khi người học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện", hay “Khi bạn sẵn sàng học hỏi, rất rất muốn học hỏi thì cuộc sống sẽ cho bạn một người thầy” – Đó là những câu nói mà tôi rất tâm đắc. Tôi thấy mình như một người học trò trên con đường học hỏi và từ đó, tôi gặp được nhiều người thầy khác nhau. Từ những "người thầy" ấy, tôi thấm thía thêm rằng: "Con người ai cũng có ước mơ và lí tưởng, nhưng ngồi mơ mộng, không biết khai thác ý tưởng để biến nó thành vật chất sẽ không thể giúp được bản thân và người khác nhiều. Chính vì vậy, sau khi phân tích và nghiên cứu kĩ lưỡng ý tưởng, hãy mạnh dạn bắt đầu để đem đến nguồn vui sống cho mình nhưng cũng phải tìm cách khai thác nó để có tiền nhằm tiến xa hơn, thực hiện những kế hoạch lớn hơn giúp ích cho người khác." Tôi học được từ họ tư duy tích cực về bản thân và thế giới xung quanh. Đặc biệt nữa ở họ là suy nghĩ và tinh thần hướng thượng, có nghĩa là mang lại giá trị tốt đẹp cho chính mình và người khác, điều mà lúc này đây chúng ta đang cần có biết bao.
Mọi sự thay đổi bắt đầu từ trong suy nghĩ và ý thức muốn thay đổi trong tôi, kể cả quan niệm về “khởi nghiệp”. Tôi cũng hiểu sự thay đổi này không giống nhau về thời điểm phù hợp ở mỗi người bởi mỗi người có một hành trình nhận thức khác nhau. Cho nên, tôi nghĩ chúng ta nên so sánh với chính mình giữa hôm qua, hôm nay và ngày mai để tự điều chỉnh bản thân thay vì so sánh với người khác sẽ dễ gây áp lực cho chính mình, kể cả trong việc quyết định khởi nghiệp cũng thế. Khi tôi bắt đầu có cái nhìn khác đi về chuyện “khởi nghiệp”, tôi còn được một người thầy giải thích thêm một góc nhìn, một quan điểm nữa như sau: "Khởi nghiệp là khởi động một sự nghiệp, trong đó kinh doanh chỉ là một công việc phải làm trong chuỗi sự nghiệp đó. Khởi nghiệp khác với kiếm tiền. Nếu em nghĩ khởi nghiệp cũng là kinh doanh em sẽ không thể trở thành người sâu sắc và có ảnh hưởng tích cực đến người khác được. Khởi nghiệp phải là lẽ sống của em, là lí tưởng em theo đuổi nhằm gặt hái được những giá trị to lớn về vật chất lẫn tinh thần, chứ không phải chỉ để kiếm tiền! Dù xuất phát từ một việc bình thường bé nhỏ, nhưng nếu bắt nguồn từ một động cơ chân chính và em làm thật tốt, chịu kiên trì trong nhiều năm liền, em sẽ gặt hái thành quả nhất định!"
Và cứ thế, tôi bắt đầu cho phép bản thân bước vào hành trình “khởi nghiệp”, đồng hành cùng Anastar để học hỏi, khám phá, phát triển dần dần…. Tôi bắt đầu từ những điều rất nhỏ thôi và hiểu rằng tôi sẽ mất khá nhiều thời gian để học hỏi và xây dựng nền tảng cho hành trình ấy. Nhưng tôi tin rằng chúng sẽ mang đến cho chính tôi và một ai đó giá trị tốt đẹp; đó chính là niềm tin và động lực của tôi lúc này. Bởi thế, tôi không kỳ vọng rằng kết quả phải xảy ra ngay lập tức mà muốn mang tâm thế bình tĩnh, kiên định và sẵn sàng học hỏi cho con đường đang đi. Vậy, nếu bạn là một người đang có ý định khởi nghiệp, đang khởi nghiệp hay đã khởi nghiệp thành công rồi, thì động cơ khởi nghiệp của bạn là gì vậy?
Cuối cùng, tôi muốn mượn đoạn trích dẫn sau đây về "Tại sao phải khởi nghiệp?" trong cuốn sách “Cẩm nang khởi nghiệp” để thay cho lời kết và mời bạn cùng suy ngẫm, chia sẻ cùng tôi:
“Lợi ích mà quá trình khởi nghiệp đem lại cho bạn rất nhiều dù bạn thành công hay thất bại, không chỉ bó hẹp ở vấn đề tiền bạc, địa vị … Việc bạn chỉ nhìn thấy một khía cạnh duy nhất mà mình được hưởng sau quá trình khởi nghiệp cho thấy nhận thức của bạn về khởi nghiệp còn hạn chế. Đây là điểm khiến cho sự nghiệp của bạn không thể cất cánh lên được.
Trải qua nhiều sóng gió trên bước đường khởi nghiệp, nhiều lúc tưởng như mình không đủ sức để đi tiếp, thế nhưng tôi vẫn tìm mọi cách để vượt qua, bởi đơn giản lí do mà tôi khởi nghiệp là muốn thay đổi cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội. Tôi muốn mình sẽ làm được nhiều việc hơn khi sống trên đời, những việc làm ấy có độ lan toả lớn, giúp ích được nhiều người trên thế giới này.
Dù con đường phía trước có chông gai đến đâu đi chăng nữa, nhưng tôi quan niệm khởi nghiệp là một cách sống mà mình có thể lựa chọn. Tôi rất tâm đắc với câu nói của Bill Gates: Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó đó không phải là lỗi của bạn, nhưng nếu bạn chết đi trong nghèo khó thì đó chính là lỗi của bạn. Thế nên tôi phấn đấu trước tiên là vì mình. Tôi sẽ chẳng là gì cả nếu không gặt hái được thành quả đáng kể.
Tôi thường dạy con tôi rằng: Để cuộc sống của con có ý nghĩa con phải không ngừng phấn đấu vươn lên, nhưng sự vươn lên ấy phải có mục đích rõ ràng và phương pháp ưu việt thì con mới thành công!
Những bạn sắp bước vào con đường khởi nghiệp cần phải xác định được lí do mình khởi nghiệp như trên thì mới có cơ may đạt được chút gì đó, bởi lí do khởi nghiệp không đúng hay hời hợt sẽ không đủ sức mạnh thôi thúc bạn hành động nhằm đạt bằng được điều mình muốn, rồi sẽ có ngày bạn bỏ cuộc!”
--------------------------------------------------------------------------------
Mời các bạn đọc thêm các bài chia sẻ khác của Anastar tại website hỗ trợ khởi nghiệp, học tập và làm việc: http://anastar.vn
Email liên hệ: [email protected] / [email protected] / [email protected]