Đời sống bí ẩn của cây #1 - Ngôn ngữ của cây
Hôm trước mình có đọc được bài viết có tiêu đề '90% loài sinh vật làm sạch cho đại dương bị con người tiêu diệt'....
Hôm trước mình có đọc được bài viết có tiêu đề '90% loài sinh vật làm sạch cho đại dương bị con người tiêu diệt'. Trong bài viết có đề cập đến hàu, sinh vật được mệnh danh là "công nhân vệ sinh" cho đại dương vì khả năng làm sạch nước của chúng, tuy nhiên hàu đang đứng trên bờ tuyệt chủng vì ô nhiễm và nạn đánh bắt quá mức. Mình thấy thực ra ngày nay hầu hết các kiến thức về tự nhiên chúng ta đều mù mờ. Mình cá là ngay cả những người thích ăn hàu cũng chỉ biết đến con hàu sau khi nó đã nằm lên đĩa, phủ lên mình một lớp phô mai hay mỡ hành thơm lừng béo ngậy chứ chẳng mấy người biết con hàu tự nhiên nó trong như thế nào, sinh sống trong môi trường thế nào, chứ đừng nói biết đến vai trò quan trọng của nó trong tự nhiên. Tự nhiên vốn là một chuỗi các mắt xích liên kết bổ trợ chặt chẽ hài hoà. Chỉ một mắt xích nhỏ bị phá vỡ là cả chuỗi sẽ bị đảo lộn. Cho nên điều quan trọng vẫn là kiến thức và nhận thức của mỗi cá nhân. Có kiến thức và nhận thức đúng đắn rồi thì mỗi người sẽ tự có một lựa chọn của riêng mình trước vấn đề chứ không phải quyết định nghe theo số đông mà không hiểu thật sự tại sao mình cần làm như vậy.
Vậy thì bên cạnh những đầu sách văn học, thơ ca, kỹ năng sống, đôi khi chúng ta cũng có thể dành chút thời gian cho những cuốn sách về tự nhiên.
Mình đang đọc cuốn Đời sống bí ẩn của cây của tác giả Peter Wohlleben và mỗi trang sách đều chứa đựng những kiến thức sinh học kỳ thú. Cây không vô tri vô giác, câm điếc như chúng ta vẫn hằng nghĩ. Nó cũng như con người là những thực thể sống có cảm giác, có ngôn ngữ, có cơ chế phòng ngự riêng trước các mối nguy hại, v.v... Chương hiện tại mình đang đọc có tiêu đề Ngôn ngữ của cây. Chúng ta những tưởng loài người là sinh vật duy nhất có ngôn ngữ nhưng thật thú vị là cây cũng có thể giao tiếp với nhau.
Cách thức giao tiếp đầu tiên khá tương đồng với con người đó là sử dụng mùi hương. Chúng ta vẫn sử dụng lăn khử mùi, nước hoa, thậm chí mùi hương cơ thể riêng biệt của mỗi người đấy thôi. Khi bản thân cây gặp nguy hiểm, nó sẽ giải phóng khí/mùi hương cảnh báo báo hiệu cho các cây hàng xóm cùng loài biết nguy cơ sắp đến.
Ví dụ nhé, bốn thập kỷ trước, các nhà khoa học đã quan sát được một hiện tượng: hươu cao cổ ăn lá cây keo gai, đương nhiên cây không thích điều này chút nào, vậy là ít phút sau cây bắt đầu bơm chất độc vào lá để tự giải cứu bản thân khỏi lũ hươu. Hươu cao cổ hiểu được thông điệp này và chuyển sang ăn lá những cây keo gai khác. Lạ một cái là chúng không chuyển sang ăn ở những cây ngay cạnh mà lại đi xa sang những vùng lân cận cách đó ít nhất khoảng 91,44m hoặc đi ngược chiều gió. Tại sao lại như vậy?
Nguyên nhân là do những cây keo đang bị ăn sẽ giải phóng khí cảnh báo, cụ thể là khí ethylene báo cho các cây hàng xóm biết. Ngay lập tức, tất cả các cây được cảnh báo đều bơm chất độc vào lá để chuẩn bị ứng phó. Hươu cao cổ quá rành trò này, vì vậy chúng di chuyển đến những khu vực xa hơn nơi có những cây còn chưa hay biết gì. Hoặc chúng sẽ đi ngược hướng gió vì gió mang mùi hương cảnh báo đi xa, nên ở ngược chiều gió, chúng có thể tìm được những cây cũng chưa nhận được tín hiệu cảnh báo.
Mùi hương không chỉ được sử dụng để liên lạc giữ các cây cùng loài với nhau, nó còn được sử dụng để gọi loại săn mồi có lợi đến. Những loại này sẽ nhiệt tình xử lý lũ côn trùng đang làm thương tổn đến cây. Cây nhận diện được chính xác đâu là kẻ thù chúng cần chống lại. Chúng nhận diện côn trùng thông qua nước bọt.Không phải tất cả giao tiếp giữa cây và côn trùng đều là về tự vệ với sâu bệnh. Hãy nghĩ tới lời mời gọi dịu dàng, ngọt ngào của những đoá hoa. Hoa không tự nhiên mà toả hương để làm hài lòng chúng ta. Hương thơm là phương tiện để chúng mời gọi những chú ong, những loại côn trùng, nhờ đó gieo rắc phấn hoa.
Bên cạnh mùi hương, cây còn truyền tin bằng cách gửi tín hiệu hoá học qua mạng lưới nấm quanh đầu rễ. Các thông điệp này không chỉ bao gồm các hợp chất hoá học mà còn có cả sóng điện nữa. Các loại nấm hoạt động như những dây cáp quang internet. Các sợi tơ mỏng của chúng xâm nhập vào đất, đan kết dày đặc đến mức khó tin. Một thìa cafe đất rừng chứa hàng dặm sợi nấm (1 dặm = 1,609.344m). Sự kết nối của nấm giúp truyền tín hiệu từ cây này sang cây khác, giúp cây trao đổi tin tức về côn trùng, hạn hán và những mối nguy khác.
Ngoài ra, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu một dạng thức giao tiếp khác của cây là qua âm thanh, nghiên cứu trong lĩnh vực này chỉ nới bắt đầu. Nhưng lần tới nếu có cơ hội tản bộ trong rừng và nghe thấy những tiếng lách tách nhỏ, thì có thể đấy không chỉ là âm thanh của gió đâu...
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất