Tôi đã tưởng rằng mình có thể chết khi nuốt 12 viên thuốc giảm cân chỉ để có một lý do chính đáng xin nghỉ làm một ngày. Về sau nghĩ lại, tôi mới thấy mình thật trẻ con khi cho rằng cái công việc đó lại quan trọng hơn sức khỏe hay mạng sống, vì không làm chỗ này thì làm chỗ khác thôi. 
Nhưng thường thì trong những khoảnh khắc làm liều như vậy, mình không hiểu rằng cái vụ việc mà mình cho là nghiêm trọng tột cùng ấy cũng đi qua như bao khoảnh khắc cuộc đời, nhưng cái hình hài này và những khả năng sắp tới vẫn còn ở lại.
Tôi tưởng tượng đó là một thằng con trai cân đối, sáng sủa, với giọng nói trầm và tâm hồn nhạy cảm. Đó là mười sáu năm trời của rất nhiều chấp nhận và dằn vặt của chính nó và của những người quanh nó. Mười sáu năm và vài giây, như người ta vẫn hay bảo, xây dựng thật khó nhưng hủy hoại thì rất dễ dàng.
Đời nhẹ khôn kham là tên một tiểu thuyết của Milan Kundera mà tôi chưa đọc, nhưng cái nhan đề đó làm tôi nghĩ về một nghịch lý của việc sống: Một mặt, chúng ta biết rằng những căng thẳng và áp lực hôm nay chỉ là kéo dài rất ngắn, và cuộc sống thì lớn hơn nó rất nhiều; mặt khác, chúng ta không thể vì vậy mà bỏ bê, xem nhẹ hoặc dễ dàng né tránh những thứ làm ta áp lực, một công việc hoặc một kỳ thi chẳng hạn. Chỉ có thể băng qua nó, với nỗi sợ hãi và không chắc chắn, dù thất bại hay chiến thắng, thì cơ bản là mình vẫn sống sót. 
Có lúc, tôi nghĩ mình vẫn chỉ là một thằng oắt con tuổi 29, khi có những thứ quyết định nghiêm trọng kiểu mua bán nhà cửa, kết hôn hay phẫu thuật thẩm mỹ, mà tôi vẫn còn chưa dám tự chịu trách nhiệm lấy. 
Rồi tôi biết Ch., 25 tuổi, một thằng con trai mà nếu theo Susumu Nakoshi trong Homunculus của Hideo Yamamoto định giá thì chắc chỉ tính bằng tổng giá trị nội tạng mua ở chợ đen. Sau khi đi nghĩa vụ về thì Ch. làm lao động phổ thông, dịch bùng ở Sài Gòn nên phải về quê, giờ thì cũng làm việc chân tay – một loại công việc mà nghỉ làm là nhịn ăn. Nhà mắc nợ, bố hay bạo hành mà lại chả làm gì, chỉ có mẹ đi làm nhưng thu nhập không bao nhiêu. Ch. từng đăng mấy video thủ dâm rồi bị đâm các kiểu lên Twitter, có show mặt, mà theo Ch. đó là một sai lầm mà nó không thể rút lại. Cuộc sống của Ch. là một cuộc sống không có nhiều lựa chọn. Nhìn Ch., nhiều khi tôi có một cái ý tưởng rẻ mạt là nếu tôi rất giàu tôi sẽ làm một kiểu bố đường nuôi Ch. :)) nhưng mà thực ra tôi lại thích ý tưởng có nó như một đứa bạn thân hoặc một người anh em sống cùng nhà, có thể đi bơi, đi tập gym cùng, thi thoảng có những trải nghiệm như kiểu phim Y Tu Mamá También của Alfonso Cuarón vậy.
Rồi tôi nghĩ về anh H., 40 tuổi, đang sống ở nước ngoài, người cũng đã đi tù 6 năm vì làm chính trị. Những kiểu người như vậy khắc hẳn mấy đứa bạn nhân viên văn phòng hay sinh viên đại học của tôi ở Sài Gòn, mặc dù chính bọ nó cũng có những câu chuyện riêng, xứng đáng làm những ví dụ để bênh vực cho một lối sống. Ở đó, đại học hay đời sống công sở chỉ là một lựa chọn rất nhỏ trong vô vàn các lựa chọn của cuộc sống, và theo đó hiển nhiên không chỉ có những thứ như deadline hay probation mới được đặt ngang hàng với mạng sống. 
Có lẽ tôi vẫn chưa lớn vì cuộc đời tôi vẫn chưa rộng lớn hơn chăng? Biết nhiều người hơn, thấy nhiều kiểu sống, cách sống hơn, thì theo đó cuộc đời mình cũng rộng hơn. Dường như có một mối liên hệ nào đó giữa những người mình gặp và cảm nhận của mình về sự tự do. Và như tôi vẫn thường nghĩ: Nếu hôm nay không chết, thì không chắc cuộc đời mình sẽ tốt hơn, nhưng chắc chắn mình sẽ có thêm cơ hội cho “những người bạn”, “những con game” và “những bài nhạc chưa nghe”.
Photo: At Home with Family by Liu Sidan