Chào mọi người! Trong vòng hơn một năm vừa qua, kể từ lúc mình ra trường, có rất nhiều bạn bè thắc mắc, cũng có người ngạc nhiên, rằng tại sao mình lại lựa chọn bắt đầu lại và chuyển sang làm HR. Ngày hôm nay, sau khoảng một năm trải nghiệm, mình sẽ chia sẻ lại toàn bộ lí do và giải thích về công việc của mình.
Mình cùng bắt đầu nhé!

Phần 1: Tìm "nghiệp"

Trước hết, để hiểu thêm về tiêu đề bài viết, mình sẽ làm rõ khái niệm "nghiệp" đã đề cập. "Nghiệp" trong tiếng Hán được hiểu là một dạng thể của ngành nghề. Vì vậy mà ta có các từ như nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp… Nói cách khác, "nghiệp" gần nghĩa với "lĩnh vực", nó là một thứ bao trùm lên rất nhiều nghề. Từ này được ghép với các từ khác để nói về thành tựu công việc của một người trong thời gian dài như "sự nghiệp" hay "cơ nghiệp". NGHỀ là tạm thời, còn NGHIỆP là cả đời (hoặc chiếm phần lớn thời gian trong đời).
Nghề có thể thay đổi, đặc biệt là trong thời đại ngày nay, khi hàng trăm hàng ngàn công việc mới xuất hiện, cũng có hàng triệu công việc cũ mất đi nhờ sự phát triển của khoa học, công nghệ. Thêm vào đó, với xu hướng boundaryless career đang dần lên, rất nhiều người có thể sử dụng transferable skills hoặc các skill sets khác nhau để thực hiện nhiều vai trò cùng lúc. Bởi vậy, nếu đúng-nghiệp thì bạn sẽ không phải lo sợ mất nghề, và khi đúng-nghiệp, bạn sẽ có động lực để đương đầu với những thách thức, khó khăn nhất định khi hành nghề. "HƯỚNG NGHIỆP, chứ mấy ai nói HƯỚNG NGHỀ, đúng không nào? 😉
Vậy thì phải tìm "nghiệp" như thế nào?
"Nghiệp" đối với mình chính là "sứ mệnh", là điều mà bạn được sinh ra để làm, là những giá trị, ý nghĩa mà bạn có thể đem lại cho người khác, cho xã hội.
"Sứ mệnh" = giao điểm của thứ-mình-thích, thứ-mình-giỏi, và giá-trị-phục-vụ của thứ đó (hoặc gọi cách khác là thứ-xã-hội-cần, vì nếu xã hội không cần thì bạn rất khó kiếm tiền bằng nó.)
Thứ bạn thích và thứ bạn giỏi cũng nên là những điều được người khác nhìn thấy và công nhận.
Sai lầm phổ biến (bản thân mình cũng từng như vậy) khi tìm kiếm "nghiệp" đó là cố gắng tìm "nghề", tìm 1 job title, trong khi "sứ mệnh" thì trừu tượng (abstract) hơn. Nó sẽ xuất hiện dưới dạng một câu, một ý tưởng.
Ví dụ đối với mình, từ nhỏ đến giờ mình vẫn là đứa thích trò chuyện, giao lưu, trao đổi ý tưởng với người khác (thứ mình thích). Dần lớn lên mình cũng được nhận xét là khá hoạt ngôn, cả nói lẫn viết, làm được những công việc phải sử dụng tiếng nói của mình trước nhiều người như MC, lãnh đạo tập thể (thứ mình giỏi và đã được công nhận). Và sau một thời gian, mỗi khi mình viết/nói/hướng dẫn/... mà có thể giúp hoặc truyền cảm hứng cho người khác (giá trị phục vụ), mình đã nhận ra "sứ mệnh" hay "nghiệp" của mình. Đó là dùng tiếng nói để giúp người khác.
Sau khi thấy "nghiệp", mình không còn cảm giác gò bó với một hai công việc cụ thể nào nữa. Mình có thể làm nhiều thứ liên quan tới giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ như nhà báo, nhà làm truyền thông/đối ngoại, diễn giả, blogger, content writer, vv. Nếu thay đổi, mình sẽ thay đổi hoàn toàn có định hướng.
Và mình đã đổi (ngành) nghề!

Phần 2: Hát-Rờ thì làm gì?

Rồi, vậy làm HR (human resources) - làm Nhân sự là làm những gì?
Khi mình nói mình làm HR, 95% người nghe đều cho rằng mình làm tuyển dụng :D
Những điều mọi người thường biết về HR như tuyển dụng hay trả lương, chỉ là một trong số rất nhiều công việc của bộ phận này. Có một nhận định mình cực kì tin, đó là: Nhìn vào quy mô của phòng Nhân sự có thể biết được quy mô của công ty.
Một công ty đủ lớn sẽ có bộ phận Nhân sự được phân chia để phụ trách 4 mảng chính sau (trích theo anh Ryan Trung Trương - HR manager tại Unilever Vietnam):
1) Talent Acquisition & Employer Branding (Thu hút nhân tài và phát triển Thương hiệu tuyển dụng)
2) Learning & Development (Đào tạo và phát triển)
3) Compensation & Benefits (Lương thưởng và Chế độ)
4) HR Business Partnering (Nhân sự đối tác kinh doanh)
Tuyển dụng chỉ là một phần của mảng (1). Recruiter chỉ có mục tiêu là đem về những chiếc CV, ứng viên phỏng vấn thành công và vị trí tuyển dụng được lấp đầy. Họ tập trung vào các chiến thuật ngắn hạn. Trong khi đó, T.A cần một tầm nhìn và chiến lược dài hạn, bao gồm nhiều hoạt động như xây dựng thương hiệu tuyển dụng, tạo mối quan hệ với tệp ứng viên tiềm năng, xây dựng nguồn ứng viên, ... từ đó tối ưu thời gian và chi phí tuyển dụng, đảm bảo sự vận hành của đội ngũ nhân viên cho công ty.
Ở những đơn vị nhỏ, việc chiêu mộ tài năng diễn ra không thường xuyên, và với số lượng ít, cho nên quy trình sẽ thường đơn giản. Khi quy mô mở rộng và số lượng nhân sự tăng cao, đó là lúc mà Talent Acquisition nên được đầu tư, hạn chế việc phụ thuộc vào dịch vụ của đơn vị thứ ba.

Phần 3: Mình đã làm gì, học được gì và lí do mình lựa chọn chuyển sang HR

Thực tế ban đầu mình không hề chủ động dấn thân sang lĩnh vực này. Thời điểm đó mình chỉ muốn làm công việc liên quan nhiều hơn tới 'giúp đỡ con người', nhưng không nghĩ tới HR mà chỉ nghĩ sẽ làm truyền thông/marketing cho một bên nào đó có mục tiêu hoạt động ấy. Có lẽ "when you want something, all the universe conspires in helping you to achieve it". Mình đã may mắn được trao cho cơ hội bắt đầu làm HR với công việc tập trung vào Employer Branding - một nhánh có khá nhiều điểm chạm với lĩnh vực mình đã theo đuổi trước đó là Truyền thông Marketing.
Dù thuộc bộ phận Nhân sự, nhưng công việc của mình giống tới 70% những gì mình đã rất quen làm khi làm marketing. Mình phải tự research, phỏng vấn, khảo sát, tổng hợp và phân tích thông tin để hiểu về văn hoá công ty lúc ấy, rồi xây dựng landing page, facebook page để truyền thông, làm việc với team design & media, viết content (rất nhiều và đa dạng thể loại, từ nội bộ đến "ngoại bộ"). Còn lại về ý tưởng tổ chức sự kiện và kết nối với sinh viên mình cũng không gặp nhiều khó khăn vì đã có kinh nghiệm từ hồi còn trong trường.
Bên cạnh đó, mình cũng học được rất nhiều thứ mới, cả về tư duy, kĩ năng, và công cụ, cả trong chuyên môn lẫn trong đời sống. Thành viên team mình cũng là những người rất khác so với các team làm truyền thông/marketing mình từng làm cùng. Mình được nghe nhiều câu chuyện, nhiều quan điểm mới. Xung đột có không? Có chứ. Nhưng mừng là bọn mình đều tìm cách để giải quyết với nhau ổn thoả.
Một điều vô cùng quý giá mà mình rút ra được là việc linh hoạt giữa 2 tư duy Marketing-HR khi làm EB. Với marketing, ta phải tập trung vào một nhóm đối tượng mục tiêu dựa trên các phân tích về tính cách, hành vi, ... nhưng cái đích của HR là cố gắng cho toàn bộ nhân viên công ty, bao gồm rất nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm mỗi kiểu. Tư duy marketing giúp mình đánh giá logic và tiếp cận có phương pháp, trong khi đó, tư duy của người làm HR bồi đắp sự nhân văn, mềm mỏng, làm sao để giải quyết vấn đề hợp tình mà vẫn hợp lý, không vi phạm tới các quy tắc của doanh nghiệp.
The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others.
- Mahatma Gandhi -
_____

Đôi lời thay phần kết

Quản trị nhân lực là một kĩ năng và nhiệm vụ của tất cả những ai muốn trở thành lãnh đạo, vì dù làm việc gì đi nữa bạn cũng sẽ phải chọn người làm phù hợp, quản lý team, phát triển kĩ năng và xây dựng văn hoá. Quản trị nhân lực luôn xuất hiện trong chương trình học Quản trị kinh doanh, và trong các cuộc thi MT (tìm kiếm lãnh đạo trẻ) của các tập đoàn lớn, bên cạnh 2 khối Marketing và Finance, HR là bộ phận luôn luôn có mặt. Bởi vì cũng như tiềm lực tài chính, tiềm lực con người cũng cần được quản lý một cách có hệ thống và bài bản, để tối ưu giá trị đem lại cho doanh nghiệp.
Mình xin trích một đoạn chia sẻ của anh Ryan Trung Trương mình rất thích trong cuốn Ngành kinh tế có gì:
"Tôi nhớ một lần ăn trưa với đồng nghiệp, mọi người bàn về những con đường sự nghiệp mà CEO trong một công ty đa quốc gia thường trải qua. Có CEO bắt đầu từ công việc Sales, cũng có người từ Marketing hay Finance và Supply Chain, nhưng có vẻ rất hiếm hồ sơ CEO khởi đầu từ HR. Liệu điều đó có nghĩa là Nhân sự không triển vọng? Tôi nghĩ chắc chắn là không. Đến tuổi có thể làm CEO, người làm nghề HR chắc đang vui thú điền viên ở một ngọn đồi trên Đà Lạt, sống cuộc sống an nhàn, hạnh phúc với những gì họ có. Cũng có người sẽ đam mê giảng dạy, chia sẻ kiến thức đã tích cóp được với thế hệ kế tiếp. Có lẽ, người làm HR thích vậy (tôi cũng thế)."
_____
Cảm ơn bạn vì đã dành thời gian để đọc hết bài viết này. Hy vọng bạn đã nhận được điều gì đó cho bản thân. Nếu có bất kì góp ý nào, mọi người hãy cho mình biết nhé! I love constructive feedback!
🌼 Biết ơn rất nhiều.