Đôi lúc, tôi không hiểu vì sao mà chính mình luôn gặp phải rất nhiều các rào cản tâm lý khác nhau. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi luôn trong trạng thái u uất, không tìm được giá trị của bản thân, luôn tự hỏi mình về ý nghĩa của việc “Sống”. Khi lớn hơn, tốt nghiệp đại học, cuộc sống có nhiều thứ để bận tâm nên dần tôi học được cách chấp nhận rằng cuộc sống là vô nghĩa nhưng tôi có thể sống mà không cần có nghĩa.
Khi còn rất nhỏ, tôi là một đứa có cá tính nên thường cố đi tìm bản chất của vấn đề, tôi có xu hướng không tin vào những gì người khác áp đặt lên mình, đặc biệt là những luật lệ. Chính vấn đề này khiến những người lớn xung quanh đối xử với tôi bằng những luật lệ ngày càng hà khắc hơn. Tôi không tìm được sự cảm thông hoặc bất kì ai có cùng quan điểm với mình ở thời điểm đó, những lời nói hoặc suy nghĩ của tôi chỉ vừa manh nha đã bị thầy cô, bố mẹ,… dập tắt bằng đòn roi hoặc bằng những lợi thế không công bằng, chẳng hạn như số tuổi.
Tôi không rõ đâu là nguyên nhân chính, nhưng tôi có nhiều dấu hiệu của bệnh trầm cảm từ khi học tiểu học, thêm vào đó là một số vấn đề tâm lý khó chịu khác như OCD, biểu hiện khá kỳ quặc là tôi luôn đếm số bước chân và sẽ cảm thấy khó chịu nếu chân trái và chân phải của tôi không đi cùng số bước, không thể chịu nổi những thứ không cân bằng…
Trải qua một thời gian rất dài, tôi học được cách sống chung với các vấn đề tâm lý của mình và thỏa hiệp với nó, dù vậy chỉ cần lơ là một chút là chúng lại lấn át tâm trí tôi bằng những suy nghĩ tiêu cực và nỗi sợ hãi khủng khiếp. Tôi đã bỏ lỡ rất nhiều mối quan hệ, cơ hội trong cuộc sống vì những rắc rối tâm lý mà mình gặp phải. Thậm chí số ngày tôi tự giam mình trong phòng không giao tiếp xã hội nếu tính gộp vào có thể phải đến vài năm.
Năm lên lớp 12, lần đầu tôi tiếp xúc với chánh niệm và các phương thức để yêu thương bản thân đúng cách thông qua quyển “hiểu về trái tim” của thầy Minh Niệm. Mặc kệ người khác nghĩ gì, quyển sách đó đã giúp ích tôi rất nhiều trong việc kiểm soát bản thân. Là nền tảng để tôi đối mặt với chính mình trong những giai đoạn khó khăn.
Càng lớn, tôi càng dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về những vấn đề tâm lý bởi bản thân tôi cũng phải đối mặt với kha khá những chứng bệnh tâm lý. Đôi khi tôi thường hình dung bộ não tôi như một cái máy mà bị lỏng mất một đinh vít. Cứ khi tôi dành thời gian để chữa lành và vượt qua được một vấn đề tâm lý này thì vấn đề tâm lý khác lại đến với tôi.
Hai năm nay nhờ vào việc duy trì lối sống lành mạnh và nỗ lực thực hành các biện pháp chữa lành thì vấn đề trầm cảm của tôi dần được cải thiện, hầu như không ảnh hưởng đến sinh hoạt của tôi nữa. Tuy nhiên dạo gần đây, vì áp lực công việc cao hơn, vấn đề rối loạn lo âu xã hội (social anxiety disoder) của tôi lại vượt quá mức kiểm soát. Mỗi khi gặp phải người tôi không thích hoặc người có xu hướng lấn át người khác là lại khiến tôi căng thẳng quá mức, tim đập nhanh, dồn dập, mồ hôi tay chân lại tứa ra, cả người nóng ran lên, tay chân run rẩy. Ôi thôi, tôi biết lại một lần nữa tôi phải học cách chấp nhận và chung sống hòa thuận với triệu chứng tâm lý mới này.
Mặc dù vậy, tôi nghĩ rằng mình sẽ không bị đánh bại bởi bất kì điều gì, tôi sẽ vượt qua nó kể cả khi chúng làm tôi đau đến không thở nổi. Và một điều tôi muốn nhắc nhở chính bản thân mình rằng: “Đó không phải là lỗi của bạn đâu, đừng tự trách mình thêm nữa”.
Với những ai đang phải đối diện những vấn đề tâm lý, phải đối mặt với chính bản thân mình.
Hãy mạnh mẽ lên và đừng tự trách mình nữa nhé. Rồi mọi việc sẽ ổn thôi.