Kể từ ngày mình chuyển sang từ hình thức  viết tự sự sang thể loại viết về các đề tài khác trong cuộc sống thì  mình cũng bắt đầu biết đến cảm giác bị chỉ trích là gì. Mà như mọi người  cũng biết, chẳng ai trong chúng ta thích nghe chỉ trích cả, nhất  là chỉ trích không mang tính góp ý hay xây dựng mà chủ yếu đả kích vào  chính chúng ta thay vì vấn đề mà ta bày tỏ quan điểm.
pexels-photo-97852
Ảnh của Torsten Dettlaff (Pexels)
Khi mình viết blog để bày tỏ quan điểm suy nghĩ của cá nhân thì không có nghĩa mình viết ra đều là đúng 100%. Mình cũng không có xu hướng viết xu nịnh theo đám đông. Nên mình sẵn sàng chọn những đề tài gai góc để viết. Và những góp ý chân thành từ người đọc sẽ giúp mình nhận ra sự đa chiều hơn trong quan điểm của bản thân. Thậm chí nếu mình viết sai cái gì mà người ta sẵn sàng chỉ ra cái sai đó của mình thì mình còn phải đi cảm ơn ngược lại.
Nhưng tiếc thay, vẫn có nhóm nhỏ bộ phận  chỉ thích đi chỉ trích rồi đưa cái nhìn phiến diện của cá nhân để bình  luận. Chưa kể nặng nề hơn là còn xúc phạm luôn cả người viết. Cụm từ  quen thuộc mà chúng ta vẫn hay dùng để ám chỉ về họ là “anh hùng bàn  phím”. Vậy đối mặt với thể loại đó, chúng ta nên làm gì?
Chẳng cần phải làm gì cả, chỉ cần im lặng và phớt lờ cho qua.  Bởi càng nhiều lời với họ, họ sẽ càng hăng máu mà dùng những lời không  hay để đáp lại bạn cũng như bao biện cho bản thân họ. Thứ họ muốn thấy  là sự tức tối của bạn, họ sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn khi làm điều đó. Và tại sao chúng ta phải đi thỏa mãn điều đó cho họ, thậm chí đọc những lời lẽ họ viết ra chẳng khiến chúng ta thấy dễ chịu gì?
Hãy tin mình là khi bạn viết về một đề tài mang tính cộng đồng, nếu suy nghĩ và lập luận của bạn có vấn đề thì chắc chắn sẽ có những bình luận phản ứng dữ dội với suy nghĩ đó.  Nhưng nếu tỷ lệ phản ứng đó ít hơn người ủng hộ và đồng tình bạn thì  mình tin rằng bạn nên dành thời gian cho những góp ý chân thành hơn. Sẽ  có những góp ý chân thành gai góc, thẳng thắn và mất lòng. Miễn sao họ  không dùng những từ ngữ đả kích, thiếu tôn trọng bạn, và chỉ đang chất  vấn vấn đề bạn nêu lên thì hãy bình tâm đọc kĩ những gì họ viết và có sự  đối đáp cho phù hợp.
Bạn biết không? Can đảm viết lên suy nghĩ của bản thân chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhất là suy nghĩ mang tính cá nhân và không đi theo xu hướng đám đông. Nhưng ít ra, bạn đã dám làm, dám viết, dám thể hiện con người của mình thông qua ngôn từ. Mình thấy đây mới là điều đáng trân trọng. Bởi rất nhiều người sợ sai, sợ bị chỉ trích, sợ soi mói mà luôn giấu đi những suy nghĩ của bản thân.
Muốn phát triển hơn trong tư duy thì cần phải trải nghiệm, sai thì bắt đầu lại, điều chỉnh lại cách mình làm. Còn hơn không biết sai là gì để rồi luôn đứng yên tại chỗ.
Sài Gòn, 19 tháng 01 năm 2018.
Trần Hoàng Ngọc Bích <3