Cũng lâu rồi không đụng đến viết lách, phần lớn vì lười, phần vì chẳng biết viết về gì. Bỗng dưng hôm nay vừa đọc xong Xóm Rá – một cuốn sách mình mua tại hội sách cuối năm của Nhã Nam.


Hoàn thành 218 trang truyện trong 2 ngày, Xóm Rá của Ngọc Giao thật sự khiến mình phải tự hỏi tại sao một tác phẩm văn chương xuất sắc đến như thế lại chỉ được nằm ở một góc khiêm tốn trong gian hàng giảm giá tại hội sách, thu mình trong góc khuất tại hiệu sách.
Xóm Rá là một cuốn tiểu thuyết mang hơi hướng phóng sự kể về cuộc sống của những cô gái làm nghề “bán thịt” tại các nhà thổ ở Sài Gòn trong những năm 1949. Nhà văn Ngọc Giao đã sống trong “cõi địa ngục” đó - Xóm Rá theo cách nhà văn miêu tả, trong suốt hai tháng trời để có thể viết nên một phóng sự chân thực đến nhức nhối xót xa về thân phận những cô gái điếm, những “con vật công cộng” mà ai cũng có quyền khinh rẻ. Đặc tả một cuộc sống chán chường xoay quanh những đòn roi, những cú đánh đập, của rượu men, hơi thuốc và thậm chí là nha phiến. Mỗi đêm, hơn bốn trăm người đàn bà của Xóm Rá có bổn phận làm cho “kẻ mua thịt” mình thoả mãn. Làm thoả mãn người thứ nhất từ xẩm tối cho đến người thứ hai, thứ ba,…rồi người thứ mười lăm cho đến sáng.
Những cô gái làm cái nghề “bán thịt” ấy đa phần đều có số phận cay nghiệt, nỗi thống khổ trong lòng. Nhạn bị chính người mẹ ruột bán cho một phú thương Hoa Kiều già rồi bị chính con chó sói già đấy hiếp khi chỉ mới mười hai tuổi, Tân bị cậu chủ hãm hiếp có bầu rồi hất ra rãnh nước, bôn ba đủ nghề từ bà giáo, trộm cắp, cắt tóc đi tu,… rồi rốt cục lại trở về cái nghề làm đĩ. 
Càng đọc, mình càng nể phục Ngọc Giao đã rất khéo léo trong việc dẫn dắt người đọc theo câu chuyện của những nhân vật, để rồi phải tự hỏi điều gì đã khiến họ có thể tiếp tục sống khi không có gia đình, không mục đích sống, không tương lai,…
Tác phẩm là một phóng sự về những cô gái điếm. Thế nhưng Ngọc Giao cũng đã rất khéo léo khi lợi dụng lời kể của nhân vật để lên án một xã hội đầy những kẻ vô nhân tính, đạo đức giả. 
Thật đắng cay làm sao khi mà nơi chốn bẩn thỉu nhất của Sài Thành hoa lệ, của hòn ngọc Viễn Đông lại có mặt hầu hết tướng tá , bộ trưởng, ngoại giao, những kẻ đĩ bợm thượng lưu, trí thức giả, những tên sinh viên ra vẻ phong lưu, trong sạch, bốc đồng ra tay cứu vớt một cô gái điếm nhưng lại không thắng nổi sĩ diện của chính mình.
Các nhân vật hiện lên dưới ngòi bút của Ngọc Giao đa dạng, thật khó để nắm bắt. Ai mà ngờ được, một bà chủ nhà chứa đối xử với gái điếm như nô lệ lại là một bậc hiền mẫu, một gã côn đồ canh cửa chỉ chực để đánh đập tàn nhẫn người ta, hoang dâm với gái điếm lại là kẻ có lòng tin vững chắc vào đạo Phật, mới phút trước đánh ngưới đến toé máu phút sau lại có thể đọc làu không sai một chữ trong Kinh Phật, một gái điếm tưởng chừng vô học lại có thể nói sõi đến ba thứ tiếng,…
Có thể, vì cái hiện thực mà Ngọc Giao tạc nên thông qua Xóm Rá quá khốc liệt, chân thực đến độ có thể khiến nhiều người đỏ mặt, hoặc vì nó là một tác phẩm “yểu mệnh” như chính tác giả đã nhận xét, một người cũng đã từng bị lãng quên khá lâu nên Xóm Rá chưa được chú ý đến. Nhưng xã hội ngày nay đã khác và như Nam Cao đã viết: “nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than,…” Thế nên đừng vì sự chần chừ mà bỏ qua một tác phẩm xuất sắc như Xóm Rá nữa các bạn ơiiii.