Tôi đến với lịch sử rất tình cờ, đã 10 năm trôi qua nhưng đến tận ngày hôm nay tôi vẫn xin cảm ơn sự tình cờ ấy một cách thật lòng. 
Đó là vào năm cấp 2 không hiểu sao lại được cô giáo chọn đi thi học sinh giỏi môn lịch sử, ban đầu tôi chỉ đi cho vui vì tôi còn được chọn đi thi vài môn khác nữa và thú thật là khi ấy tôi cũng không có hứng thú với môn lịch sử cho lắm.
Ấy thế mà càng học lại càng thấy có nhiều điểm hay, khi bạn được tiếp cận lịch sử theo một cách đúng đắn thì bạn sẽ thấy nó thật sự rất tuyệt vời. Do mấy môn kia đều không qua được vòng loại ở trường, mà môn lịch sử ban đầu thì đông lắm, sau rơi rớt còn có 4 học sinh nên tôi đành theo học, gọi là vớt vát chút thành tích, thật sự là như thế.



Đọc thêm:

Hôm đi thi trời mưa phùn lất phất, thấm từng cơn gió lạnh của mùa đông. Tôi và 3 người bạn của mình đạp xe khoảng gần 10 km lên trường huyện để tham dự kỳ thi, không được thầy cô nào đưa đi, không một thằng nào mặc áo mưa và khi lên đến nơi thì đều ướt hết, bắn đầy bùn đất sau lưng, có lẽ nhìn rất là quê mùa và buồn cười, tôi đoán vậy. 
Khi đó ai cũng cặp sách các thứ rất đầy đủ, riêng tôi chỉ mang theo 2 cái bút và 2 tờ giấy đôi gấp gọn gẽ trong túi áo cánh trước ngực, bên ngoài là chiếc áo đồng phục rất mỏng của trường. Năm đó tôi chỉ được giải ba, vì khi đi thi cô giáo dặn là lịch sử Việt Nam 7 điểm còn lịch sử nước ngoài thì chỉ 3 điểm thôi, và viết thì phải viết thành một bài luận, có mở bài thân bài và kết bài như khi viết văn chứ không được viết tách riêng từng câu hỏi, tôi ghi nhớ lời cô. 
Tôi thuộc hết từng chữ trong phần lịch sử Việt Nam của cuốn sách giáo khoa, tôi từng có một trí nhớ rất kinh khủng trước khi vào ĐH, sau đó do thức khuya, xem linh tinh quá nhiều mà sau này trí nhớ cứ kém dần theo thời gian. 
Tiếc là năm ấy đề thi lại không như lời cô dặn, lịch sử Việt Nam không chiếm nhiều điểm như mọi năm, tôi không nhớ rõ là bao nhiêu nhưng bài thi hôm ấy nói rất nhiều về chiến tranh thế giới lần thứ 2, và việc được giải ban đầu tôi còn không tin, cứ nghĩ là trượt, mãi về sau khi được cô giáo thông báo chính thức thì tôi mới tin đó là thật. 
Cuối năm, nhận được số tiền thưởng đâu đó 30 ngàn, cộng thêm số tiền được học sinh tiên tiến nữa tôi phi một mạch lên chợ huyện mua hết dây diều, hồi đó tôi mê chơi diều kinh khủng, mẹ tôi bảo suốt ngày chỉ ăn với vót diều, đục sáo. Đó là đôi chút kỷ niệm vui và cũng từ đó thì tôi bắt đầu yêu thích môn lịch sử nhiều hơn, nhìn nó theo một cách khác chứ không còn khô khan như trước.

Đọc thêm:

Tôi không có điều kiện đọc sách từ nhỏ, ở quê nghèo nên số lượng sách được đọc chắc chỉ đến trên đầu ngón tay, mà sách viết về lịch sử thì đâu có nhiều nên mãi đến khi được vào ĐH thì tôi mới có dịp đọc cuốn sách đầu tiên về lịch sử, đó là cuốn Việt Nam sử lược của bác Trần Trọng Kim. 
Nói ra thì cũng hơi xấu hổ nhưng lần đó là ông ngoại sang nhà tôi chơi, ông tôi là người mê đọc sách nên trong cái giỏ của ông hôm đó có cả mấy chục cuốn sách, tôi chôm luôn cuốn đó và sau đó thì là cố ý hay vô tình mà không trả lại cho ông thì tôi cũng quên mất rồi, dẫu sao bây giờ đi làm nên cũng đã mua tặng ông nhiều sách hay, cũng đỡ áy náy phần nào.
Thật may mắn là trong quãng thời gian đó, khi vào học cấp ba thì tôi lại được một thầy giáo dạy lịch sử rất hay. Mỗi lần lên lớp thầy chỉ viết mỗi đầu bài rồi nói chuyện về lịch sử , có hôm thầy còn chẳng viết gì mà ngồi nói từ đầu đến cuối, thầy nói hay đến mức không ai mất trật tự, không ai cần ghi chép mà lại phát biểu rất ghê. Ấn tượng nhất đó là một hôm thầy vừa vào lớp đã hỏi: 
  • Văn hoá là gì, ai định nghĩa được tôi cho 10 điểm. 
Mấy người xung phong nhưng đều không đúng, tôi cũng có ý trong đầu nhưng lại không dám giơ tay vì thú thật là lên cấp 3 tôi dính vào điện tử nên học hành chểnh mảng, mất hết sự tự tin vốn có. Lúc sau, thầy đọc ý của thầy thấy cũng giống giống ý của mình, thế mà đé.o dám giơ tay, tôi tiếc đứt ruột. Nhưng câu sau thầy bồi thêm: 
  • Tôi hỏi anh chị vậy thôi chứ không anh chị trong lớp này có thể định nghĩa được, vì có hơn 1000 định nghĩa khác nhau về văn hoá, nó không đơn giản như anh chị nghĩ đâu. Tôi hỏi thêm câu nữa: Thế theo anh chị truyền thống là gì? 
Cả lớp chả ai ho he gì, tôi cũng ngồi gật gù..gật gật và bắt đầu nghe thầy nói. Đó chắc cũng là cái duyên nó vồ vập lấy tôi, buộc tôi phải yêu mến môn lịch sử vậy.

Do trí nhớ kém đi nhiều nên bây giờ mà tranh luận theo cái kiểu sự kiện, hay con số các thứ thì tôi chịu, không thể nào nhớ nổi, vậy nên đành phải tìm hiểu về lịch sử theo một hướng khác, sao cho càng nhớ ít càng tốt, cũng không rõ phải gọi đó là như thế nào, cá nhân tôi thì tự gọi đó là tư duy lịch sử, kiểu như phải biết khái quát lại cả một quá trình dài, hàng ngàn năm, giải thích được tại sao nó lại như thế, hiểu được quá trình vận động, huyền cơ bên trong,  rồi viết thành một bài luận, như cái bài thi mà tôi từng làm hồi cấp hai, tôi muốn tiếp cận lịch sử theo cách như vậy.

Người ta vẫn hay nói triết học là môn khoa học của mọi môn khoa học nhưng lịch sử thậm chí còn rộng lớn hơn thế. Nó bao trùm tất cả mọi lĩnh vực của con người. Nếu bạn muốn nghiên cứu về lịch sử của một quốc gia hay vùng đất nào đó thì dĩ nhiên là bạn phải hiểu về chính trị, kinh tế, địa lý, văn hoá, tôn giáo, kiến trúc, hội hoạ, văn học và rất nhiều kiến thức khác nữa. 
Bạn sẽ thắc mắc là sao phải học nhiều thứ như thế nhưng mà không thể không học được, mấy cái đó nghe thì có vẻ xa cách nhưng tìm hiểu hầu hết đều liên quan rất chặt chẽ với nhau. 
Tôn giáo và văn học, quá liên quan. Hội hoạ và kiến trúc, lại càng liên quan hơn nữa. Chính trị, địa lý, kinh tế và quân sự thì có lẽ không thể nào tách rời được, đó là chưa kể đến việc phải đào sâu nghiên cứu về tâm lý học nữa.
Vậy nên, khi nghiên cứu về lịch sử thì đòi hỏi một lượng kiến thức rất lớn và quan trọng hơn là chúng ta phải biết cách tổng hợp những kiến thức ấy lại để tạo nên một bức tranh tổng thể, có màu sắc, có đường nét và không thể nào thiếu đi linh hồn. Đừng bao giờ cho rằng bạn đọc một cuốn sách về lịch sử, xem một bộ phim, nghe về một sự kiện hay nhân vật nào đó là bạn đã biết về lịch sử. Hãy tham khảo và đối chiếu với nhiều lĩnh vực khác nữa để có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn, nếu chỉ nhìn theo một chiều thì gần như bạn chỉ đang nhìn theo quan điểm của người viết thôi chứ đó chưa hẳn là lịch sử mà tệ hơn là quan điểm của tác giả chưa chắc đã đúng, thế nên chớ nên vội vàng kết luận về bất cứ điều gì một cách vội vàng, nhất là khi bạn nghiên cứ về lịch sử. 
Lịch sử trải dài tựa như một dòng sông, xa xăm như nỗi nhớ về người ta yêu và rộng lớn như tình yêu của người mẹ dành cho con. Nó bao gồm rất nhiều lĩnh vực khác nhau, lại trải dài hàng ngàn năm, với một lượng kiến thức vô cùng lớn và đồ sộ như thế, nếu bạn muốn đi theo con đường nghiên cứu về lịch sử một cách nghiêm túc thì hãy chọn ra một thời kỳ, hoặc một nhân vật nào đó để nghiên cứu, ý tôi là bạn hãy chọn một thứ gì đó có giới hạn thôi, bởi vì dẫu sao thời kỳ này sẽ lại liên quan đến những thời kỳ khác mà thôi. 
Hoặc bạn có thể ghi chép lại những sự kiện đang diễn ra ở hiện tại, một cách chân thực và lôi cuốn, vì sau cùng thì nó cũng sẽ bị lịch sử cuốn vào dòng chảy một cách vô cùng tự nhiên. Có một câu chuyện cười mà tôi muốn kể cho bạn nghe như thế này: 
Có hai ông cháu ngồi đọc sách. Người ông hỏi cháu đang đọc gì thế người cháu đáp:  
- Cháu đang đọc truyển cổ tích, còn ông ạ? Ông đáp: 
- Ông đang đọc sách về lịch sử. Lúc ông đi vắng, người cháu nhìn qua thấy sách lịch sử này rất lạ, nên tò mò xem qua, lúc ông về cháu hét lên:  
- Ông nói dối, ông đọc truyện sex chứ không phải là lịch sử. 
Người ông nhìn người cháu nhẹ nhàng đáp:  
- Đối với cháu nó là truyện sex nhưng với ông nó là lịch sử. 
Một câu chuyện thật hay. Tôi không nhớ là mình đã đọc được ở đâu nhưng nó cũng chỉ ra cho ta thấy nhiều điều thú vị. Cùng là một sự kiện, một nhân vật hay một cuộc chiến nào đó trong lịch sử, chúng không thể nào thay đổi được nữa nhưng lại có rất nhiều cách nhìn nhận khác nhau về nó, thực ra những sự kiện ấy vẫn vậy, chỉ là do định kiến của chúng ta áp đặt lên nó theo cái chủ nghĩa cá nhân của mình mà thôi, vậy nên rất mong những ai khi nghiên cứu về lịch sử hãy giữ cho mình một cái đầu thật lạnh, một sự khách quan tuyệt đối để hiểu rõ hơn về những sự việc đã từng diễn ra trong quá khứ. Xin đừng mang tư duy thế kỷ 21 để áp đặt lên một con người của thế kỷ 18, và cũng đừng ngồi ở thế kỷ 21 mà cứ mãi mong nhớ thể kỷ 18 làm gì, hãy sống cho hiện tại thôi.
Thứ mực viết lên lịch sử chẳng qua là định kiến hay thay đổi - Mark Twain
Người ta nói lịch sử chỉ nhắc đến kẻ thắng còn những kẻ thua cuộc thường bị lãng quên. Vậy thì tôi xin hỏi là ai đã từng lãng quên Hitler, ai đã từng lãng quên Napoléon Bonaparte hay là ai đã từng lãng quên Hai Bà Trưng, ai đã từng lãng quên Hồ Quý Ly hay chưa? Và còn biết bao nhiêu những người như vậy, tuy đến cuối cùng họ là người thất bại nhưng họ lại được lịch sử nhắc đến nhiều hơn những kẻ đã chiến thắng. Trên website Vietsciences trong một bài viết, không ghi tên tác giả, có một đoạn rất hay về nàng An Tư như thế này:
“Dù triều Trần và sử sách có quên nàng thì các thế hệ đời sau vẫn dành cho nàng sự kính trọng, thương cảm. Khoảng trống lịch sử sẽ được lấp đầy bằng tình cảm của người đời sau…
Ai nói lịch sử là chỉ quan tâm đến kẻ thắng và lãng quên kẻ thua là chưa hiểu về lịch sử, những con người ấy họ vẫn luôn ở đó hôm nay hay hàng ngàn năm sau cũng vậy, lịch sử không bao giờ lãng quên bất cứ ai chỉ có chúng ta đã cố tình quên những con người ấy mà thôi. 

Trong lịch sử thì điều duy nhất cần được chúng ta tôn trọng đó là sự thật, hành trình khám phá lịch sử là hành trình đi tìm kiếm sự thật. Có những sự thật đáng giá và nó cần phải được nói ra, tuy không làm cho người chết sống lại nhưng nó làm cho những bài học trở nên có giá trị và những người đời sau sẽ có cái nhìn đúng đắn về những sự việc đã xảy ra trong quá khứ. Nó không phải là việc dễ dàng, thậm chí là khó khăn vô cùng. Vì cùng là một người, cùng là một sự kiện nhưng khi được ghi chép lại thì mỗi người một ý, mỗi người một vẻ, thậm chí khác biết hoàn toàn.
Sau đó, qua lưu truyền bằng sách vở, rồi người này kể cho người kia nghe thì sự việc ban đầu lại không còn như trước nữa. Chúng ta là những người đi sau, khi muốn nghiên cứu về sự kiện thì phải dựa hoàn toàn vào những ghi chép của người trước, họ ghi chép ra sao thì chúng ta biết là như vậy chứ không thể quay ngược lại thời gian để tận mắt chứng kiến hay thay đổi được. 
Vậy nên có những điều sai lệch, có những điều không ai chứng minh được là đúng hay sai mà chỉ có thể suy luận, rồi suy đoán, lắp ghép từ những miếng vá rời rạc. Tuy nhiên chính vì thế mà nó tạo nên sức hấp dẫn rất riêng của lịch sử, thôi thúc người ta tìm hiểu, khám phá về nó với mong muốn là một ngày nào đó sẽ tìm ra được sự thật, sẽ tìm ra được những điều mà chúng ta không thể nào tìm thấy được trong xã hội hiện đại, như tôi vẫn hay gọi một cách vui vẻ đó là: Tìm kiếm một vài điều mới mẻ từ những điều đã cũ.
Loại sách lịch sử không chứa đựng chút dối trá nào cực kỳ buồn chán - Anatole France


Khi xem những đoạn phim nói về cuộc chiến tranh của đất nước, của dân tộc mình thì nhiều người ắt sẽ rơi lệ, nhưng nếu là người của quốc gia khác thì khả năng cao là sẽ không như vậy. 
Có câu: Những người nghiên cứu về lịch sử họ không những chỉ sống ở thời đại đó, mà còn sống ở những thời đại khác nữa. 
Không cần biết anh sống ở thời đại nào nhưng khi nghiên cứu về lịch sử cần phải có sự thấu hiểu, sự thấu hiểu đến tận trái tim và biến nó thành lối sống của chính mình. Trong lịch sử chúng ta tôn trọng sự thật, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan nhất nhưng trong rất nhiều trường hợp nếu không có sự thấu hiểu thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể trở nên khách quan được. 
Chúng ta nói về những người con đã hy sinh cho đất nước và dân tộc mình một cách thờ ơ và vô cảm thì làm sao chúng ta có thể hiểu được tấm lòng của những người đã từng sống trong thời kỳ đó? Tôi tự hỏi làm sao chúng ta có thể hiểu về lịch sử với một thái độ như vậy? Sự thấu hiểu sẽ giúp chúng ta biết trân trọng những giá trị của ngày hôm nay, để hiểu rằng tại sao ngày đó họ lại làm, lại hành động như vậy, đó là tính tất yếu hay là sự chủ động của con người, đó là may mắn hay là còn nguyên nhân nào ẩn đằng sau những điều đó. 
Rất nhiều vị giáo sư người Mỹ nghiên cứu về Việt Nam, và họ nói rằng càng nghiên cứu thì họ lại càng không hiểu được về con người Việt Nam, tôi hoàn toàn thông cảm cho họ về điều này, vì chính tôi đã sống hơn 20 năm ở cái đất nước này mà tôi còn chẳng thể nào hiểu nổi thì mấy cái vị đó làm sao mà hiểu được.

Lịch sử là một bộ phim mà diễn viên là những người của quá khứ còn nội dung thì nói về tương lai. Câu hỏi mà tôi lúc nào cũng đặt ra cho mình khi nghiên cứu về lịch sử đó là: Tôi đã học được gì?  Còn câu hỏi: Tôi biết được những gì? chỉ đứng ở hàng thứ hai thậm chí là sau cuối mà thôi. 
Tôi cảm nhận rằng có nhiều người nghiên cứu về lịch sử để đi cãi nhau, để tranh luận tao đúng còn mày sai, để miệt thị người khác chứ không phải là để hiểu về lịch sử thì phải. Tôi không cho rằng việc nhớ những con số là điều quan trọng, nó chỉ là công cụ giúp cho chúng ta có những cột mốc để đánh dấu mà tôi. 
Con người không học được nhiều lắm từ những bài học của lịch sử. Đó chính là bài học quan trọng nhất trong những bài học của lịch sử - Aldous Huxley
Tôi hứng thú hơn khi nói về những bài học mà lịch sử đã dạy cho chúng ta, vì những sự kiện, những con số sẽ không bao giờ thay đổi, nó bị đóng băng trong ngục tù của thời gian nhưng bài học mà mỗi người rút ra được khi nghiên cứu về vấn đề đó thì nhất định sẽ có sự khác biệt. 
Nhiều người thay vì thay đổi hiện tại để hướng tới tương lai, họ lại không ngừng than trách lịch sử, nuối tiếc một thời vàng son. Chúng ta không sai khi trân trọng quá khứ ấy nhưng trân trọng một thì phải biến thành hành động mười.  Đất nước chúng ta sở dĩ bị như vậy là vì sao, vì chúng ta nghèo và dân ta thì ngu dốt quá, đến nay vẫn nghèo và trình độ dân trí vẫn vô cùng thấp. Cách đây một vài năm khi biết được tin nhà máy Samsung sẽ được xây dựng trên quê hương của mình, tôi vui lắm. Chứng kiến cảnh quê hương của mình thay da đổi thịt từng ngày, tôi không ngừng hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lại. Thế nhưng ẩn sau đó lại là những câu chuyện mà tôi không hề nghĩ là nó sẽ xảy ra, ngày đó vẫn ngây thơ chẳng biết gì. Những người Hàn Quốc hay những người người nước ngoài khác khi đầu tư vào Việt Nam, họ không nói ra nhưng ẩn sâu bên trong là một sự coi thường người Việt, đôi khi nó được bộc lộ rất rõ trên công trường của khu công nghiệp Yên Bình. Ban đầu tôi tức lắm, căm phẫn vô cùng khi thấy cái cảnh nó lăng mạ chửi bới người Việt như vậy nhưng sau này nghĩ mãi thì thấy cũng chẳng sai, cũng không trách họ được, vì điều đó cũng đúng. 
Gần đây, câu chuyện về một nhóm người HQ bị cách ly cũng đang rất hot và có một vloger đã nói về vấn đề này, bạn có thể xem qua nếu muốn: Đừng chửi người Hàn Quốc nữa....Mình buồn cười lắmrồi =)))))
Bạn nghĩ rằng chúng ta đã thật sự được độc lập hay chưa? Tôi nghĩ là chưa. Chúng ta vẫn đang bị đô hộ bởi đồng tiền theo một cách tinh vi hơn từ những quốc gia khác. Trước đây, người ta bắt nô lệ làm việc bằng đòn roi ngày nay họ dùng lời khen, dùng tiền, văn hóa và rất nhiều hình thức khác.

Muốn thoát khỏi điều này chỉ còn một cách duy nhất đó là trở nên giàu có và hùng mạnh. Tìm hiểu về lịch sử để thấy được nguyên nhân và khắc phục nó ở tương lai, chứ không phải là để đắm chìm vào những thứ không thể nào thay đổi được nữa.  Người ngồi đó than thở trách móc thì nhiều còn người đang thực sự làm thì ít quá, tôi cần hai con số này đảo ngược cho nhau, nói ít lại và hãy làm nhiều hơn đi, đó mới là điều mà đất nước chúng ta đang cần, đang thực sự rất cần.

Làm thế nào để có được một anh hùng chiến tranh? Hãy tạo ra một cuộc chiến, giết vô số người, phá huỷ mọi thứ, và tạo ra những vùng đất chết. Nghe thật mỉa mai nhưng đó chính xác là cách mà chúng ta đang làm. 
Trong chiến tranh không có kẻ thắng người thua, chỉ có đau thương và mất mát thế nhưng lịch sử lại được tạo nên bởi những cuộc chiến như thế, và nếu như không có chiến tranh thì lịch sử sẽ nhàm chán biết nhường nào. Có lẽ chính vì vậy mà ngày nay, người ta vẫn không ngừng tạo ra những cuộc chiến ở khắp nơi trên thế giới, họ làm vậy để làm gì, để cho những ông giáo sư nghiên cứu về lịch sử có việc mà làm, có cái để mà nghiên cứu và hai bên có thêm những người anh hùng, anh hùng được dựa trên sự chết chóc của chính đồng loại. 

chiến tranh
Chúng ta biết rất nhiều về lịch sử nhưng chúng ta học được từ nó quá ít, dẫu những hành động như vậy có tàn khốc như thế nào trong quá khứ thì cũng chẳng thể ngăn cản được con người lặp lại những hành động đó trong tương lai, theo một cách ngu ngốc và tồi tệ hơn. Dường như chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt trên Trái đất này, đó là chọn lọc tự nhiên ai mạnh thì sống còn ai yếu đuối sẽ phải chết hay đó chỉ là phục vụ cho cái tham vọng mù quáng của loài người.  
Sẽ ra sao nếu như một ngày nào đó chúng ta không còn ai nữa để mà chém giết, không còn ai nữa để mà tạo ra những cuộc chiến, có lẽ tuyệt chủng là cách duy nhất mà tôi có thể nghĩ ra để chấm dứt chiến tranh trên thế giới này, thật vậy đấy.

Tôi biết có nhiều người hâm mộ văn hoá của dân tộc khác hơn dân tộc mình, họ khóc than cho những kẻ xa lạ, và thờ ơ với những người thân yêu, tôi có nên buồn hay không, chúng ta nên trách họ hay không? Sẽ chẳng thay đổi được gì nếu như chúng ta cứ hỏi những câu vô nghĩa như vậy. 
Tri thức vốn là của chung, nó không phân biệt vùng miền hay dân tộc, thế nhưng khi chúng ta mang chủ nghĩa dân tộc vào thì nó lại bị phân chia thành xấu và tốt, thành cái đẹp và cái dở. Nếu như có một sự bình đẳng nào đó được ghi nhận trong lịch sử thì có lẽ đó là sự bình đẳng về nguồn gốc của con người và nguồn gốc của những thứ bên ngoài con người. 
Trong một lần xem chương trình Ai là triệu phú có câu hỏi yêu cầu người chơi phân biệt sự khác nhau giữa đền chùa và miếu, những địa danh mà chúng ta nghe đến rất nhiều mỗi ngày nhưng quả thật khi đó tôi không hề biết chúng khác nhau những gì. Đó chẳng khác nào một cái tát thẳng vào mặt của những người vẫn đang tự cho rằng mình đang nghiên cứu về lịch sử, một cái tát rất đau nhưng vô cùng cần thiết. Nó giúp tôi hiểu ra rằng lịch sử rất gần gũi chứ không hề xa xôi như tôi vẫn nghĩ. 
Tôi không cần phải ngược lại mấy ngàn năm quá khứ, đi xa hàng ngàn cây số để hiểu về nó, tôi chỉ cần hiểu về những khoảnh khắc này, về những câu chữ này, vì bên trong nó cũng chứa đựng rất nhiều điều, và mọi khoảnh khắc mà chúng ta đang có rồi một ngày nào đó cũng sẽ trở thành quá khứ, hay gọi theo một cái tên gọi khác trang trọng hơn là lịch sử. 

vịnh hạ long nè
Bao nhiêu người trong số chúng ta hiểu về nguồn gốc của những phong tục quen thuộc mỗi ngày, bao nhiêu người biết được tên đường tên phố nơi mình đang ở, và đáng buồn hơn là có bao nhiêu học sinh đang học ở trường Chu Văn An biết Chu Văn An là ai. Từ đó tôi bắt đầu để ý hơn đến những câu chuyện của cha mẹ và ông bà mình ngày trước, tôi lắng những câu chuyện của mọi người xung quanh nhiều hơn, mọi người gọi đó là gì tôi không biết nữa, nhưng tôi gọi đó là lịch sử, có thể lúc này nó chẳng được ai biết đến nhưng nó vẫn là một phần của dòng chảy. 

Khi bạn đưa một chiếc máy ảnh lên chụp một khoảnh khắc nào đó, ngay khi bạn bấm máy thì khoảnh khắc đó đã là lịch sử rồi, với tôi lịch sử nó gần gũi, bình dị đến như vậy đấy chứ không xa cách như bao người đang kiếm tìm. Có rất nhiều anh em mà tôi từng làm việc cùng khi đi ra nước ngoài nói:
  • Tìm mỏi chân mà không có quán trà đá vỉa hè nào. Dù biết là không có mà vẫn cứ đi, đi trong vô thức, mà cũng chẳng hiểu tại sao lại như vậy.
Mỗi lần nghe được, tôi lại nhớ về nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu, đi khắp nơi để làm gì, học cao hiểu rộng để làm gì khi mà ngay cả những điều giản đơn, bình dị nhất xung quanh mình cũng không biết, đáng tiếc là con người thường không nhận ra điều đó, đến khi hiểu được thì lại quá muộn.

Lịch sử và văn hoá luôn song hành với nhau, chúng giống như đôi bạn thân thiết vậy. Bạn còn mải mê tìm kiếm những điều xa xôi làm gì nữa, hãy ra ngoài kia, ngồi xuống một quán trà đá vỉa hè và nhâm nhi nó với một đĩa hướng dương, ngắm dòng xe qua lại trên phố, lắng nghe những câu chuyện bình dị nhất của bác xe ôm, của cô bán nước, đó chính là lịch sử, là đất nước là Việt Nam của chúng ta đấy. Và chính bản thân mỗi người chúng ta cũng là một phần của bức tranh rất hùng vĩ đó, tuy bé nhỏ nhưng không phải là không có, không phải là chưa từng tồn tại, và dù ai đó cố phản biện cách nào đi nữa thì tôi chắc chắn rằng bạn cũng đã từng ở đó, nhất định là như vậy.
Trong bóng đá có những cầu thủ có kỹ năng rất đặc biệt đó là chuyển hoá những bàn thắng thành cơ hội. Những người viết Sách giáo khoa về môn lịch sử đã biến một môn học vô cùng thú vị trở nên nhàm chán và khô khan theo cách mà tôi không thể nào ngờ được, họ đã góp công lớn biến rất nhiều em học sinh chán ghét hoặc thờ ơ, vô cảm với lịch sử của dân tộc mình, theo tôi đó là cái tội rất lớn chứ không thể xem nhẹ được.
Chúng ta không sợ kẻ thù mạnh, chúng ta không sợ gian khổ điều duy nhất mà lịch sử sợ đó là sự lãng quên. Không phải nghi nhớ để đòi công lao, hay thành tích mà chỉ đơn giản là muốn truyền lại cho thế hệ mai sau những bài học mà thôi. 

Khi đọc nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thuỳ Trâm hay những cuốn sách viết về chiến tranh thì đó chính là điều mà tôi cảm nhận được. Tôi ngạc nhiên vì những câu chữ được viết bởi những người lính tuổi mới đôi mươi của thế hệ ngày ấy sao mà hay đến vậy, rất dịu dàng nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ và chất chứa biết bao nỗi niềm riêng tư dành cho cả bản thân, cho quê hương và đất nước nữa. Có thể bạn sẽ nói họ là những học sinh giỏi văn nhưng quả thật khi đọc bài viết của nhiều học sinh giỏi văn bây giờ, tôi chẳng có mấy cảm xúc gì đặc biệt.
Ngày nay chúng ta được học hành đầy đủ nhưng câu chữ khô khan và gượng gạo quá, đọc nhiều khi không nổi. Nếu có ai tặng cho tối mấy cuốn sách của các nhà văn trẻ bây giờ tôi xin lỗi nhưng chắc là tôi sẽ ném ngay nó vào thùng rác cho nhanh, không phải là tôi không quan tâm hay thờ ơ đến nền văn học nước nhà, thực ra tôi đã từng cố gắng nhưng thực sự là không nổi, mấy cuốn sách thực sự là dở tệ, chúng thực sự là nỗi nhục của nền văn học chứ sao có thể coi là tác phẩm văn học được. Điều đáng buồn hơn là những cuốn sách đó lại có nhiều người đọc, lại là best seller, điều này làm tôi nhớ đến câu nói của Einstein: Tôi điên hay người khác điên?

Tôi vẫn luôn tin là sách chọn người đọc, bởi vì trong từng câu chữ ấy chất chứa tư tưởng và cả linh hồn của người viết nữa. Chúng ta viết về văn học đã khó nhưng nếu chúng ta viết về lịch sử mà thiếu đi cảm xúc thì câu chữ nó nhạt nhoà, vô cảm, chứa đựng quá nhiều cảm xúc thì uỷ mị, yếu đuối, làm sao để cân bằng được hai điều đó không phải là chuyện dễ. 
Khi chúng ta yêu thích một điều gì đó thì tự nhiên sẽ có rất nhiều cách để tiếp cận, đúng là người Việt Nam chúng ta vẫn còn thờ ơ với lịch sử nhiều quá, nhất là các bạn trẻ, tôi đã từng hơi mất niềm tin nhưng khi được nói chuyện với những cụ ông ở nhiều nơi thì tôi dẫu sao cũng đã vớt vát lại được một chút hy vọng. 

yên bình
Họ biết rõ về những đời vua của Việt Nam mình hơn rất nhiều người và quan trọng là họ hiểu rõ về văn hoá và rất nhiều phong tục ở quê hương nơi họ sống, họ kể lại một cách bình dị chứ không quá phô trương, hiển nhiên như đó là sự thật chứ không hề nghi ngờ. 
Có thể ngày hôm nay chúng ta thờ ơ với những điều đó nhưng biết đâu ngày mai chúng ta lại hiểu rõ về nó hơn bất cứ ai. Câu nói: Một người đàn ông chỉ thực sự trưởng thành khi làm đám tang cho cha mình không phải nhắc nhở chúng ta về sự đau thương mất mát mà nó nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm, khi chúng ta hiểu rõ được trách nhiệm của mình là gì, chúng ta buộc phải làm chứ không ai làm thay thì chúng ta sẽ hiểu rất rõ về điều đó. 
Sẽ không còn những nén nhang siêu vẹo nữa, sẽ không còn cái chắp tay hời hợt mà đó sẽ là cái nắm tay thật mạnh, là cái ôm thật chặt, sẽ là những lời nói từ tận trái tim dành cho những người đã khuất, là bài học dành cho những người trẻ, những thế hệ mai sau của đất nước hình chữ S này.