Đôi lời về cuốn sách "Thành công theo cách khác - 27 câu chuyện khởi nghiệp vì cộng đồng từ Việt Nam và thế giới"
Cuốn sách là 27 câu chuyện - 27 hành trình thay đổi xã hội theo cách bền vững . Mỗi câu chuyện là một tấm gương doanh nhân xã hội:...
Cuốn sách là 27 câu chuyện - 27 hành trình thay đổi xã hội theo cách bền vững. Mỗi câu chuyện là một tấm gương doanh nhân xã hội: họ có phẩm chất của một doanh nhân và tầm nhìn của một nhà hoạt động vì cộng đồng. Họ thành lập các doanh nghiệp xã hội - những tổ chức hoạt động dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau, vận dụng tinh thần doanh nhân nhằm theo đuổi cùng lúc cả hai mục tiêu xã hội và kinh tế; thường cung cấp các dịch vụ xã hội và việc làm cho các nhóm yếu thế ở cả thành thị và nông thôn trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, môi trường.
Cuốn sách cho ta thấy cách họ đang giúp những người yếu thế thay đổi cuộc sống, thay đổi cái nhìn xã hội về kinh doanh, hoạt động từ thiện hay dự án cộng đồng. Họ có thể là bất cứ ai trong xã hội: một Forbes Under 30, một Việt Kiều Hàn Quốc, một cô gái tỉnh lẻ Nam Định, hay một anh chàng dân tộc Dao. Họ đến từ nhiều nơi, làm nhiều nghề, có các mối quan tâm khác nhau, nhưng trong họ đều ánh lên lý trí của một nhà kinh doanh và sự tận tâm đối với xã hội. Họ sáng tạo, giỏi chuyên môn, thạo quản lý, quyết đoán và đầy bản lĩnh. Mặt khác, họ cũng đau đáu, thấu cảm với kẻ yếu thế, với định kiến xã hội và hết mực tôn trọng thiên nhiên.
Câu chuyện của họ chính là câu chuyện vượt lên chính mình. Họ phải đối diện với thị trường cạnh tranh, đối diện với bài toán lãi lỗ, suy đi tính lại có nên tiếp tục hay không, làm thế nào để cho "các em" có một mái ấm, để duy trì được "cái nghề". Chúng ta được chứng kiến cách họ vượt qua thách thức, cách họ quyết tâm, cách họ từ một doanh nghiệp lỗ 2100 USD thành một doanh nghiệp có doanh thu triệu USD, cách họ từ một bản hạch toán 9 năm lỗ liên tục thành doanh nghiệp đầu tiên hỗ trợ trẻ tự kỷ phát triển năng khiếu nghệ thuật. Sau những mảng tối đó, mỗi câu chuyện đều mang một màu sắc lạc quan. Một Tò he với triết lý kinh doanh rất "hồn nhiên." Một Vé Xe Rẻ với ước mơ cách mạng hóa ngành xe khách Việt Nam. Một Nguyễn Quang Thạch với chuyến đi bộ xuyên Việt thành lập được 12.000 tủ sách nông thôn. Các doanh nhân xã hội đang tạo giá trị cho bản thân và cho cộng đồng.
Nhà soạn kịch George Bernard Shaw từng nói: “Một người sống theo lý trí thông thường sẽ luôn điều chỉnh bản thân để thích ứng với môi trường. Một người phi lý lại kiên trì theo đuổi việc kiến tạo thế giới phù hợp với bản thân. Do đó, mọi sự tiến bộ phụ thuộc vào những người phi lý." Tôi hy vọng mỗi người chúng ta, có thể trở thành một người phi lý, và sống vì cộng đồng.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất