"Đời là bể khổ". Xưa nay, tôi vẫn thường ít nhiều nghe được người ta nói thế.
- Đời khổ lắm con ạ, mày phải cố học thì mới có nước sướng.
    Nghe lời mẹ nên giờ tôi vẫn đang cố học. Nhưng "học, học nữa, học mãi", sự học là cái sự cả đời. Thế thì chừng nào tôi mới sướng đây, hay là vẫn phải chịu khổ cả đời?


    Thế "khổ" ở đây nghĩa là gì? là đau khổ bất hạnh hay là khó khăn gian khổ. Nhiều người được hỏi thường nói rằng chúng là một. Tôi thì nghi ngờ điều đó.
    Vậy thì để làm rõ xem "khổ" trong "đời là bể khổ" có phải là bất hạnh hay không. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét từng ý một.
     Nếu đời là bất hạnh thì sao? Vậy thì chẳng phải nghĩa là chẳng có ai trên đời này là sung sướng hay sao. Điều đó có đúng không? Trên đời này ắt phải có một ai sống một cuộc đời vui vẻ, bình thản chứ. Chẳng phải từng có các nhà khắc kỷ sống như vậy hay sao. Vậy thì chẳng phải chính điều đó đã phủ nhận rằng đời không phải toàn là bất hạnh rồi còn gì.
    Tuy nhiên cũng có người cho rằng: Không phải, những người sống sung sướng là những người sống mà chưa từng phải chịu khổ. Ngoại trừ họ ra thì cũng không thể phủ nhận rằng về cơ bản, đời vẫn là bất hạnh. Vậy hãy cùng xem có phải có người từng sống một cuộc đời sung sướng mà không phải trải qua đau khổ hay không. Giờ thì hãy thử tưởng tượng xem, bạn được trao cho thứ nước ngon nhất trên đời. Bạn phải uống nó vào mỗi giờ đồng hồ trong ngày để không bao giờ phải cảm thấy khát và tất nhiên là ngày nào bạn cũng phải làm như vậy. Hãy thử tưởng tượng mà xem, nước đó làm gì còn ngon khi mà bạn không bao giờ phải cảm thấy khát cơ chứ, và việc phải uống thứ nước đó mỗi ngày sẽ dần trở thành một cực hình. Tôi tin là sớm thôi bạn sẽ chán ghét cái thứ nước ấy và nó bắt đầu trở thành một thứ đau khổ, bất hạnh của đời bạn. Chẳng phải điều này dẫn đến kết luận là không có người nào sống sung sướng mà không phải trải qua đau khổ hay sao. Chẳng phải là nếu bạn chưa biết đến đau khổ là gì, còn sung sướng thì đều đặn mỗi ngày trút xuống đầu bạn. Thì sớm thôi, cuộc sống của bạn sẽ chẳng còn cảm thấy thoải mái nữa hay sao. May mắn thay, thần linh không có ác độc với con người đến như thế. Bởi vậy tôi nghĩ, ông mới tạo ra "đau khổ" cho loài người, chẳng phải là để cho chúng ta có thể tận hưởng được niềm vui hay sao. Và để cho không có người nào phải chịu thiệt thòi, ông ban phát thứ "đau khổ" ấy cho không chừa một ai. Tạ ơn trời đất, họ cũng quan tâm đến con người lắm chứ không phải không.
Những nhà tu hành có lẽ là một trong những người đầu tiên nhận ra điều này. Nhưng trớ trêu thay, dường như họ hiểu những tín hiệu đó một cách sai lầm. Thay vì nghĩ rằng Thần Linh làm điều đó để con người biết tận hưởng cuộc sống, có vẻ như họ lại cho rằng đời là bể khổ. Nếu chẳng phải là như vậy thì tại sao các nhà tu hành lại khuyên chúng ta sống đức hạnh để có được một "cuộc sống tốt đẹp sau khi chết" cơ chứ. Phải chăng đời này là chưa đủ tốt để phải mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp ở kiếp sau. Hứa hẹn về cuộc sống tốt đẹp ở một nơi chưa ai từng tới. Mặc dù chưa ai thấy thiên đàng là gì và sống ở đó thì có sướng hay không. Mà nếu như có sướng thật, thì chắc hẳn cũng phải có khổ thì mới sướng được như tôi có giải thích ở trên chứ nhỉ. Tôi thì không biết. Nếu có ngày được lên thiên đàng và gặp đấng sáng tạo thật, thì kiểu gì tôi cũng phải hỏi cho ra nhẽ. Bởi vì nếu không phải thế thì chẳng khác nào mẹ tôi thường khuyên bảo rằng mày cứ học giỏi môn này, môn nọ. 5, 10 năm nữa đời mày thể nào cũng sướng. Cả tôi lẫn mẹ tôi thì chưa ai thấy 5, 10 năm nữa trông như thế nào, sướng hay không thì càng không ai biết.
Tuy nhiên, tôi tin rằng "đời là bể khổ" là có thật. Nhưng "khổ" ở đây không phải là đau khổ, bất hạnh mà là khó khăn, thử thách. Thế nên giờ đây nếu mẹ tôi có nói lại câu đó lần nữa, tôi sẽ đáp lại rằng:
- dù có học bao nhiêu đi chăng nữa, đời con vẫn sẽ gặp "khổ" thôi mẹ ạ.


    Bởi bản chất của đời là khó khăn. Thần linh đã ban phát thế rồi, chạy đi đâu cho khỏi nắng. Đau khổ hay bất hạnh chỉ là biểu hiện thôi. Tuy nhiên thì gian nan và khổ đau thường hay xuất hiện cùng với nhau. Ấy thế nên nhiều người mới dễ nhầm lẫn giữa chúng. Khó khăn là điều không thể nào tránh khỏi ở đời được. Nhưng đau khổ, bất hạnh thì hoàn toàn có thể giảm thiểu, hoặc tránh được. Vậy tại sao Thần Linh lại thả những quả tạ như thế xuống cuộc đời chúng ta mỗi ngày? Để khiến bạn bất hạnh hơn, hay khiến bạn trở nên mạnh mẽ và cứng cỏi hơn? Không, đều không phải. Tạ sinh ra là để chúng ta gánh. Vậy tại sao chúng ta lại phải gánh? thì...ờm, tôi không biết. Gánh xong bạn trở nên cứng cáp, mạnh mẽ hơn hay là uốn lương đau khớp thì phải đến lúc gánh xong bạn mới biết được. Ấy nhưng mà đừng có gánh được vài cục tạ thì bắt đầu trở nên tự mãn.
Chú mày đúng là tuổi trẻ chưa biết trải sự đời.
    Đây đúng là câu danh ngôn cửa miệng của không ít người. Tôi thấy câu ấy cũng chẳng có gì là sai, tuổi trẻ thì đương nhiên là thiếu kinh nghiệm. Ấy nhưng mà anh cứ lo mà trải hết sự đời của anh đi đã. Khó khăn đâu phải mới chỉ ập đến ngày hôm qua. Anh nên chuẩn bị cho việc nó sắp đến vào ngày hôm nay, sẽ đến vào ngày mai và suốt những ngày còn lại của cuộc đời anh. Hôm nay vừa đánh răng xong thì có ích gì chứ. Mỗi ngày đều đặn đánh 2 lần mới làm nên chuyện. Gánh tạ 30 năm xong rồi có thể sống 30 năm tiếp theo khỏe mạnh hay sao, đâu có chuyện đấy. Ấy vậy nên người ta mới nói chẳng sai, " đời là bể khổ".