Có nên bỏ trường chuyên? - VnExpress


Nhân dịp bạn bè tại Monster Box (@teammonsterbox) có một bài viết xuất sắc khiến cộng đồng mạng dậy sóng, tranh cãi với nhau về việc có nên bỏ trường chuyên, lớp chọn hay không (bao gồm cả một vài cái tên khá nổi như Chau Ngo, Nguyen Duc Thanh, Nguyễn Đình Thành v.v...), tôi xin được phép "góp vui" một vài dòng về vấn đề này, với tư cách là cựu học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong. Bài viết tương đối dài, tạm chia ra làm ba phần: Ủng hộ (For), Chống lại (Against), và Kết (Conclusion) - Hướng đi tới (Next Steps).
Ủng hộ (For)
Trường chuyên, lớp chọn là một trong những động lực để học sinh phấn đấu. Nhìn chung thì đời học sinh tương đối yên bình và ít biến cố, ít ra là khi so sánh với khi bạn lớn lên, trưởng thành. Không có quá nhiều mục tiêu lớn và dài hạn (Năm nay phải trả cho hết nợ, không thì khỏi tốt nghiệp!), không có quá nhiều áp lực sống còn (Tuần này phải trả tiền nhà, nếu không thì ra đường!) Cha mẹ có thể lấy tiền bạc, vật chất ra dẫn dụ con cái, khiến chúng học tập, hoặc có thể dùng vũ lực để đe dọa, hoặc có thể lấy sức ép của bạn bè để khiến con cái học hành. Nhưng, nếu thiếu đi một mục tiêu dài hạn và vinh quang (noble goal), học sinh có thể sẽ không cố gắng hết sức mình để trở thành "phiên bản" tốt nhất của chúng, hoặc tệ hơn, có thể rơi vào "khủng hoảng tuổi một mươi" (teenage crisis), sa đà vào những thứ (dưới con mắt của cha mẹ là) vô bổ như trò chơi điện tử, hư danh trên mạng ảo (online fame), hoặc tệ hơn nữa (như tưởng tượng của cha mẹ) là tội ác, tình dục, nghiệp ngập. Trường chuyên, với danh tiếng và sự trọng vọng của xã hội (social prestige) đi kèm theo, là một mục tiêu cao cả cho những học sinh có chút năng lực hướng về, phấn đấu. Một người có một mục tiêu đơn nhất để kiên trì phấn đấu có khả năng đạt được những điều phi thường. Có thể học sinh này sẽ không đạt được mục đích đó (vào trường chuyên), nhưng đức tính kiên trì, cố gắng không mệt mỏi, khát vọng thành công, và khả năng làm việc phi thường -- những thứ đi kèm với nỗ lực thi vào trường chuyên --  chính là những đức tính đáng quý giúp học sinh thành công rực rỡ sau này.
Trường chuyên công lập là một cách để mang lại bình đẳng xã hội. Nghe có thể ngược đời, nhưng thực sự, trường chuyên công, ít nhất là theo cách của Việt Nam đang làm mà trường Lê Hồng Phong tôi từng theo học là một ví dụ, là một trong những cách có thể mang lại bình đẳng xã hội (social equality) tương đối hiệu quả. Trước khi có giáo dục công, thì giáo dục là một đặc quyền (privilege) của nhà giàu -- ngay cả khi xét đến sự trọng giáo dục cố hữu trong xã hội xuất thân từ Nho giáo của Việt Nam. Giáo dục được xem là "nấc thang" thoát nghèo, "làm quan" là mục tiêu phấn đấu cả đời của nhiều sĩ tử (Một người làm quan cả họ được nhờ.) Những "sự tích" về kẻ khố rách áo ôm vượt khó học giỏi để làm quan trở thành những câu chuyện hoang đường rộng khắp (urban myth) để khiến người nghèo lao vào học lấy học để. Nhưng nhìn chung, những người có khả năng làm quan nhất vẫn là con cái của những phú hào, quan lại, hoặc ít ra trong nhà cũng phải có của dư của để, vì chỉ có những kẻ này mới có điều kiện cho con cái mình theo học một chương trình học đặc hiệu, tân tiến và đắt tiền. Trong một xã hội Việt Nam hiện đại thiếu đi những trường chuyên công, thì tương tự, cũng chỉ có những kẻ "giàu từ trong trứng" mới có khả năng theo học trường tư cao cấp, thuê gia sư bạc triệu để tối ưu hóa sự học của con mình và tối đa hóa khả năng thành công của chúng sau này. Trường chuyên công lập giúp phần nào "lấp đầy khoảng trống" đó, cho phép những học sinh không giàu nhưng giỏi từ các tỉnh, vùng miền xa xôi khác được tiếp cận với nền giáo dục tân tiến nhất có thể (đối với họ.) Dĩ nhiên, con nhà giàu học trường công vẫn sẽ tiếp tục có ưu thế, nhưng cái ưu thế này không quá kinh khủng đến mức chừng như không thể vượt qua được, như khi trường chuyên công không tồn tại.
Trường chuyên là nơi giúp tạo ra những con người xuất chúng. Điều này, dù chỉ đúng một phần, vẫn là đúng. Nên nhớ rằng, trường chuyên lớp chọn còn hỗ trợ cho cựu học sinh một thời gian lâu, rất lâu sau khi họ ra trường. Vốn dĩ là những "câu lạc bộ miễn ngoại" (exclusive club), việc các cựu học sinh của cùng một trường có những buổi họp mặt thường niên để mở rộng mối quan hệ là rất bình thường. Nhiều khi người xin việc chỉ cần nhắc đến tên trường họ đã học ngày xưa cũng có thể gợi nên một cảm xúc ưu ái đặc biệt nơi người đang phỏng vấn (nếu biết họ học cùng trường với mình), giúp người xin việc dễ dàng đạt được vị trí mong muốn đó. Những mối quan hệ và những sự "ưu ái nhẹ" kia là một thứ thuận lợi vô hình giúp những người giỏi đạt được những tầm cao mới mà, nếu thiếu đi những thuận lợi đó, họ có thể sẽ không với tới. Đôi khi, những thuận lợi tưởng chừng "tí hon" đó, lại chính là cái ngưỡng cực đại (critical threshold) để một kẻ thành công trở thành một kẻ xuất chúng. Dĩ nhiên, ở đây không nói rằng không học trường chuyên thì không thể xuất chúng, hay đã học trường chuyên thì ít ra cũng phải "xém xuất chúng" -- ở đây tôi muốn nói rằng, trường chuyên có thể là một (trong những) lý do tối quan trọng cho phép một con người xuất chúng ra đời.
Chống lại (Against)
Trường chuyên là một nơi giúp đào sâu hơn bất bình đẳng xã hội. Không, bạn không nghe (đọc) nhầm đâu, và tôi cũng không tự "chỏi" mình đâu. Trường chuyên có thể giúp xóa bỏ bất bình đẳng xã hội ở khía cạnh này, nhưng đào sâu bất bình đẳng ở khía cạnh khác. Cụ thể hơn là cái tư duy (mindset) tôi tạm gọi là "thượng đẳng" (superiority.) Những người học trường chuyên dễ (chứ không phải là luôn luôn) có khuynh hướng cho rằng, do họ học ở trường chuyên lớp chọn, nên họ có tài năng (talent), phẩm giá (virtue), hoặc giá trị (worth) phi thường. Họ dễ dàng "bỏ quên" mất những "cái vai của người khổng lồ" (shoulder of giants) mà họ -- nhờ vào may mắn hoặc hoàn cảnh ra đời (the incidence of birth) của họ -- được thừa hưởng. Từ đó, họ dễ có khuynh hướng khinh người và đề cao bản thân một cách không hợp lý (inflated sense of self-worth), và dễ ủng hộ những chính sách gây ra bất công xã hội hơn. Ngoài ra, cái "câu lạc bộ miễn ngoại" (exclusive club) mà tôi nhắc đến ở trên cũng góp phần gây ra sự thiên vị, bất công, và thậm chí là phe phái (cronyism) trong chính quyền, tổ chức, công ty. Trường chuyên còn giúp khuếch đại (amplify) các bất bình đẳng sẵn có (inherent inequalities) vì những người (vốn sẵn) giàu có sẽ dễ dàng giúp con cái mình vào những trường này hơn, từ đó giúp con cái họ đi lên một "nấc thang" nữa mà những người nghèo hơn, không có khả năng theo học trường chuyên, sẽ không bao giờ có khả năng bước lên được.
Trường chuyên tạo ra nhiều tiêu cực xã hội. Vấn nạn gửi gắm, chạy điểm vốn dĩ đã tồn tại ở bất kỳ một ngôi trường (công hay tư) nào rồi, lại càng rõ rệt hơn ở trường chuyên do uy thế (prestige) của những ngôi trường này. Không chỉ là hối lộ, chạy điểm, trường chuyên còn khuyến khích kiểu một bộ phận không nhỏ học sinh học chạy lấy thành tích, học lệch, "chăn gà" để đi thi lấy giải về cho trường. Môi trường cạnh tranh như vậy cũng khiến học sinh quan tâm đến việc cạnh tranh (compete) nhiều hơn là hợp tác (cooperate), góp phần cho ra đời những đứa trẻ vị kỷ, chỉ biết đạt được mục tiêu cá nhân của mình chứ không biết hợp tác "cả hai cùng thắng" (win-win scenario.) Trong một xã hội ngày càng trọng cá nhân chủ nghĩa (individualism), ca ngợi cá nhân xuất chúng (extraordinary individual) mà bỏ quên mất những hi sinh (vô hình) của kẻ khác để những cá nhân này có cơ hội xuất chúng, thì trường chuyên chính là một trong những biểu tượng tiêu biểu nhất cho bất công xã hội (social injustice) vậy.
Kết (Conclusion) - Hướng đi tới (Next steps)
Trường chuyên, lớp chọn là một hiện tượng xã hội đã tồn tại, và đã ăn rễ vào tâm thức của một người Việt Nam. Họ tin rằng, kẻ xuất chúng cần phải được tôn vinh, và xứng đáng với những ưu ái mà họ nhận được. Niềm tin này, dẫu ngây thơ nhưng không thể xóa bỏ đi trong một giờ một khắc được. Làm theo như (Facebooker) Nguyen Duc Thanh đề nghị, ngay lập tức bán đi trường Hanoi-Amsterdam và các trường chuyên công khác, là một hướng đi cực đoan nhưng chưa chắc đã mang lại được hiệu quả mong muốn. Vẫn sẽ có bất công xã hội, vẫn sẽ có tiêu cực chạy điểm, vẫn sẽ tồn tại chủ nghĩa cá nhân xuất chúng. Dẫu biết rằng, với những vấn đề cực đoan phải có cách giải quyết cực đoan, nhưng chúng ta cần hỏi rằng: Vấn đề này có phải cực đoan đến mức độ đấy hay không?
Nhưng rõ ràng, những hạn chế và bất công mà trường chuyên lớp chọn mang lại là có thực, và chúng ta không thể nhắm mắt bỏ qua. Cần phải có một sự cải tổ toàn diện đối với hệ thống trường chuyên công lập, làm sao để cho trường chuyên là một nơi ươm mầm tài năng tương lai, nhưng đồng thời cũng cần là nơi tích cực giúp thu hẹp lại khoảng cách giàu-nghèo, chứ không phải là đào rộng nó ra. Cụ thể, chúng ta phải làm gì? Hiện nay có một số lựa chọn được phe "chống trường chuyên" đưa ra:
- Tư nhân hóa (Privatization.) Quyết liệt nhất và "trội" nhất là đề nghị dẹp hoặc bán sạch hệ thống trường chuyên công lập của Nguyen Duc Thanh. Cần phải đặt câu hỏi: Có phải cứ tư nhân là sẽ tốt hơn công lập hay không? Và: Cần phải có những hệ thống kiểm soát (oversight) nào để đảm bảo rằng trường chuyên làm đúng nhiệm vụ của nó?
- Chính sách tích cực (Affirmative action/ policy). Thật ra, những chính sách tích cực này đã tồn tại sẵn rồi: Việc "dành chỗ" cho các học sinh vùng, miền xa xôi, hoặc cho học sinh nghèo vượt khó. Nhưng vẫn chưa đủ, và chưa hiệu quả. Ngoài ra, khi đưa ra các chính sách này, cần phải đảm bảo không xảy ra tình trạng "phân biệt ngược" đối với "con nhà giàu." Đối với các trường chuyên tư nhân, thì giới "con nhà giàu" này là khách hàng mục tiêu và là lý do tồn tại của các trường này. Đối với trường công, chính phủ phải làm rõ ràng mục đích tồn tại và tôn chỉ hoạt động của các trường này.
- Minh bạch (Transparency). Từ hệ thống thi tuyển đầu vào đến lựa chọn giáo viên, hiệu trưởng, từ sử dụng ngân sách đến hướng phát triển trong tương lai, các trường cần minh bạch hơn -- mà thực ra, trong nhiều trường hợp chỉ đồng nghĩa với việc chịu khó thông tin liên lạc với công chúng hơn.
Tóm lại, hệ thống trường chuyên -- đặc biệt là trường chuyên công lập -- cần có nhiều thay đổi mang tính hệ thống. Để những thay đổi đó có thể trở thành hiện thực, thay vì chỉ là một "gợn sóng mạng" nổi lên rồi lại lặn mất tăm, những người có tâm huyết cần duy trì đối thoại mở (open discourse) và mời chuyên gia, nhà hoạch định chính sách (policymakers) và công chúng cùng tham gia.
Đừng để câu chuyện trường chuyên dừng lại tại đây.