Đợt này nghỉ dịch nên nhiều bạn bàn về nấu ăn bếp núc các thứ, nhưng mình thấy ít người thực sự nói đến cách ăn. Nhân một buổi trưa vừa thưởng thức suất cơm chiên Dương Châu ngon vãi nồi, tự dưng có hứng múa phím về ăn uống chút.




Một vài lý do tại sao bạn nên tập trung đến việc ăn:
  • Hầu hết bệnh tật đều từ những thứ ta đổ vào miệng. Đồng ý phần lớn là do chất lượng thực phẩm (điều mà ta khó có thể cải thiện, nhất là dân thành thị không tự cung tự cấp được), nhưng mình nghĩ phần không nhỏ là do cách ăn.
  • Ăn là một cái sướng hiếm hoi của loài người mà ta có thể làm đến 3 lần 1 ngày mà (thường) không những không mệt lại còn thích làm thêm. Ngay cả ngủ mà bạn ngủ đến 3 giấc 1 ngày cũng rất oải, đừng nói gì đến 1 vài thú sướng khác.
  • Không thể tập trung trong ăn uống thực ra cũng giống như không thể tập trung trong công việc. Mình nghĩ hai cái này có ảnh hưởng đến nhau, vậy nên nếu có thể tập trung vào bữa ăn, ta vừa tăng thêm cảm giác thưởng thức vừa biết đâu lại cải thiện được độ tập trung của mình (bạn có thể đọc thêm Deep work để biết tại sao cần cải thiện và nâng cao mức độ tập trung).

"Ok, nói thì vậy, nhưng ăn ai chả biết, ông tưởng ông ăn tinh tế bằng tôi chắc?". Bạn hỏi. Không, mình thừa nhận mình ăn khá ... tạp, và do ở nước ngoài nên cao lương mỹ vị Việt Nam mình cứ gọi là thua bạn xa. Nhưng ở đây thứ mình muốn bàn không phải là khẩu vị, mà là cách thức ăn, với một vài điểm mình nghĩ mọi người thường quên và khiến bữa ăn không được trọn vẹn thưởng thức. Vậy nên mình muốn chia sẻ vài thói quen mình nghĩ ra và cố gắng áp dụng, hy vọng có ích cho bạn.

1. Trước khi ăn 

Mình tự xây dựng một thói quen là trước khi ăn sẽ nghĩ đến những nguyên liệu có trong suất ăn của mình, rồi nói cám ơn tới tất cả những người đã sản xuất những nguyên liệu ấy. Cái này thực ra mình học từ đạo Thiên Chúa, nhưng thay vì cám ơn Chúa, mình cám ơn chính những người làm ra thực phẩm cho mình. 
Lúc đầu mình cứ tưởng là mình sáng chế, còn đang định đi xin cấp bằng, nhưng hóa ra người Nhật cũng có một câu với đại ý y hệt thế này mà họ hay nói trước bữa ăn.
Nhưng mình đảm bảo nếu bạn có thể duy trì được thói quen này, nghĩ đến những giọt mồ hôi của các bác nông dân, hay sự chịu đựng nhiều thành quen trước cái mùi và cái vất vả của việc nuôi lợn nuôi bò, thì bạn sẽ thấy bữa ăn của bạn đáng để thưởng thức trọn vẹn hơn nhiều.
Hình ảnh này chắc chẳng xa lạ với người Việt mình

2. Trong khi ăn

Thực ra ít người để ý, nhưng quá trình ăn của bạn được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Ăn cả thế giới
Đặc điểm nhận dạng: Há rất rộng, miếng rất to, nhai trệu trạo, nuốt ừng ực

Khi bắt đầu ăn, thường ta sẽ ăn rất nhanh, từng miếng to, cho vào mồm nhai trệu trạo vài ba cái rồi nuốt. Việc này thực ra rất tự nhiên, vì khi ấy dạ dày của ta trống rỗng, mà bạn biết đấy, cái gì trống rỗng cũng có xu hướng được lấp vào cho đầy, vậy nên nó sẽ "hút" thức ăn vào càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, điều này rất có hại. Vì khi ăn quá nhanh và không nhai đủ, những thứ thức ăn vào bụng sẽ khá thô, khiến bạn vừa no nhanh hơn, vừa khiến quá trình tiêu hóa khó và chậm hơn.

Vậy nên giai đoạn này thử thách là ăn thật chậm.

Biện pháp mình đưa ra là tập đếm như thiền, tức là mỗi miếng ăn vào miệng sẽ đếm, từ miếng thứ 1 đến miếng thứ 10, rồi quay lại 1. Và cũng như thiền, đừng tự trách mình khi quên đếm, hay nghĩ ngợi mông lung, cứ mỉm cười rồi đếm lại từ đầu. Không vội!
Một biện pháp nữa để có thể ăn chậm là hãy ăn như thể miếng tiếp theo chắc chắn có sạn. Lúc đầu hơi khó nhớ, nhưng đừng gồng ép, cứ lúc nào nhớ được thì tự tâm niệm lấy thôi. Mình đã thử và thực sự nó khiến việc ăn chậm hẳn lại luôn.

Giai đoạn 2: Ăn như chuyên gia


Giai đoạn này còn có thể được gọi là giai đoạn thưởng thức một cách tự nhiên, tức là sau khi dạ dày đã được tiếp nhận 1 lượng thức ăn vừa phải, và nó không tiếp tục "hút" nữa. 
Giai đoạn này không có thử thách, cũng không có cách thức, bạn cứ tự nhiên mà enjoy thôi. Đặc điểm nhận dạng của giai đoạn này là bạn sẽ ăn như một người nghệ sĩ, thỉnh thoảng còn buông câu bình như nhà đánh giá ẩm thực chuyên nghiệp luôn. 
Chỉ có điều đáng tiếc là giai đoạn này thường rất ngắn, sau một thời gian kiểm nghiệm thì mình nghĩ nó chỉ chiếm không quá 1/5 thời gian bữa ăn.

Giai đoạn 3: Ăn mà như đánh vật
Giai đoạn này hơi đặc biệt, vì nó tùy thuộc hoàn cảnh. Nếu bạn ở nhà và suất ăn không được định sẵn, có nghĩa là bạn có thể dừng khi thấy no, để đồ lại bữa sau cũng không sao, thì giai đoạn này có thể rất ngắn. Nhưng nếu suất ăn của bạn được định sẵn theo kiểu đảm bảo khẩu phần, hay nếu bạn ở nước ngoài với suất ăn thường khá lớn mà lại ngại mang đồ thừa về như trường hợp của mình thì giai đoạn này lại hơi căng. Điều quan trọng là nếu bạn không ăn nhiều hơn mức đủ, khả năng bạn đói lại nhanh và có thể giảm hiệu suất làm việc học tập của bạn.
Ở giai đoạn này thách thức lớn nhất chỉ là hoàn tất bữa ăn, vậy nên 1 thủ thuật nho nhỏ là hãy để nhiều hơn món ăn bạn thích nhất lại cho giai đoạn này. Nó vừa khiến bạn dễ dàng chấp nhận phần còn lại của suất ăn hơn, mà vừa có thể có chút cảm giác hài lòng khi kết thúc với thứ bạn cảm thấy ngon miệng.
Tuy nhiên trong trường hợp ăn tập thể với đám bạn thuồng luồng thì không nên sử dụng nhé, cứ cái gì ngon quất trước cho lành :))


Một thứ nữa mình cũng thường băn khoăn là về việc ăn đủ 3 bữa 1 ngày, vì mình đọc trong 1 vài cuốn sách, cả lịch sử cả truyện (mà điển hình là Siddhartha), thì có vẻ trước đây người ta chỉ ăn một hay hai bữa 1 ngày, và mình nghi việc ăn 3 bữa được tuyên truyền và phổ biến cũng theo xu hướng đẩy mạnh tiêu dùng và sự quảng bá của ngành công nghiệp thực phẩm. Vậy nên đợt này (vì cũng không mất năng lượng do đi lại), mình thường ăn nhẹ bữa tối chỉ với 1 hộp cà chua và nửa quả dưa chuột hoặc nửa cái xà lách, và hoa quả mà thôi. Không biết có liên quan không nhưng việc này khiến các bữa ăn của mình có vẻ ngon miệng hơn, nên nếu muốn bạn có thể thử xem nhé.

Kết: Tất nhiên những thứ này thường rất khó để thực sự tập luyện, đặc biệt nếu bạn ăn với gia đình và có những cuộc trò chuyện trong bữa ăn. Những thứ này mình cũng chỉ mới thực sự thực hành nghiêm túc từ sau khi đọc cuốn "Đường xưa mây trắng" của thầy Thích Nhất Hạnh, và được biết Phật luôn giữ im lặng khi thọ trai và có vẻ Ngài rất tập trung khi ăn.

Nhưng nếu bạn không có cái "may mắn" phải ăn 1 mình tất cả các bữa như mình, thì có thể tùy ý sử dụng một vài tips nhé. Quan trọng là đừng gò ép bản thân.


Hy vọng mọi người đều có thể hưởng trọn cái thú ăn trong đời!


A Dreamer
Nguồn ảnh: anh Google.