Đôi dòng về “ Nỗi buồn chiến tranh” – Bảo Ninh
Nam Dao từng nhận xét “Một bài viết sâu sắc về tác phẩm của Bảo Ninh đã trụ lại với thời gian. Tác phẩm không hậu hiện đại qua những...
Nam Dao từng nhận xét “Một bài viết sâu sắc về tác phẩm của Bảo Ninh đã trụ lại với thời gian. Tác phẩm không hậu hiện đại qua những hình thức thời thượng. Tác phẩm cổ điển từ cấu trúc đến văn phong. Tác phẩm nói về chiến tranh qua thân phận thời hậu chiến, với cái đau đằng đẵng của con người cứ tưởng chiến tranh chấm dứt. Không, không như tiếng bom đạn thôi nổ trên đầu, nó nổ trong đầu. Máu không chẩy ra ngoài, nó chẩy vào trong. Đã xảy ra, chiến tranh không bao giờ thực sự kết thúc với những người sống xót sau cuộc chiến. Nó chỉ kết thúc trên những trang sử biên niên, với ngày tháng trơ lỳ. Nhưng trong văn chương đích thực, nó còn đó như những vết trầy trụa đớn đau chẳng bao giờ lành, cảnh báo để những thế hệ mai hậu biết trân quý hóa bình…”
“Nỗi buồn chiến tranh” ra đời năm 1987 và lập tức gây “bão” trên văn đàn Việt Nam ở đủ mọi khía cạnh khác nhau. Từng có thời “Nỗi buồn chiến tranh” bị cấm không được in suốt nhiều năm liền. Tới năm 2005, cuốn tiểu thuyết này chỉ được xuất hiện trở lại với bạn đọc sau khi đã đổi tên thành “Thân phận của tình yêu”. Sau đó, sách đã được in lại với tên chính thức đã nổi danh: “Nỗi buồn chiến tranh”, đồng thời được dịch ra rất nhiều thứ tiếng nhưng những nỗi buồn dai dẳng cả trong đời sống lẫn chuyện nghề nghiệp mà tác giả đã trải nghiệm và đi qua, ông chỉ muốn quên đi mà không dễ gì quên được.
Văn Bảo Ninh luôn hướng về những vấn đề quá khứ, sức mạnh tiềm tàng của nó. Bởi vì như theo ông bảo ,vì nó là nỗi đau nên quá khứ còn sống mãi . Và bởi vì quá khứ đau đớn ấy nên con người mới có quãng đời êm lặng sau này , một nếp sống bình yên, một tư duy thư thả , một tấm lòng khoan thứ và một cảm giác có hậu với cuộc đời. Với Bảo Ninh , quá khứ mãi là ám ảnh , sẽ không hoàn kết …
Tác phẩm mở ra bằng mùa mưa đầu tiên ở hậu cứ Cánh Bắc sau chiến tranh và cuộc hành trình đi tìm hài cốt đồng đội của Kiên trong những cánh rừng già. Trong Kiên là những dự cảm sớm báo hiệu những xung đột trong cuộc đời anh. Đó là xung đột giữa một ham muốn trở về với cuộc sống hoà bình và quên đi quá khứ với dự cảm về chuyện “quên thật là khó”, “chẳng biết đến bao giờ thì lòng mình mới có thể nguôi nổi, trái tim mình mới thoát khỏi gọng bàn tay xiết chặt của những kỷ niệm chiến tranh. Những kỷ niệm có thể là êm đềm, có thể là ác hại nhưng đều đã để lại những vết thương mà tới bây giờ một năm đã qua, hay mười năm, hay hai mươi năm nữa vẫn còn đau, đau mãi”. Dự cảm đó cụ thể dần thành ý thức về một cuộc đời “khác nào con thuyền bơi ngược dòng sông không ngừng bị đẩy lùi về dĩ vãng” mà “lòng tin và lòng ham sống không phải là những ảo tưởng mà là nhờ sức mạnh của hồi tưởng”.
“Nỗi buồn chiến tranh” là hành trình đau đớn của một số phận dị kỳ tìm lại quá khứ của mình. Suốt dọc hành trình sống của Kiên, số phận giống như một thứ lực ly tâm hất văng những người thân thiết nhất ra khỏi cuộc đời anh: họ lặng lẽ rời khỏi anh như mẹ , như Phương, hoặc cái chết sẽ cướp họ đi như cha anh, như đồng đội của anh . Những cái chết và khoảng trống tâm hồn chính là cội nguồn thúc giục Kiên tìm lại quá khứ, tìm lại “thời gian đã mất”.
Đọc tiểu thuyết, người ta nhớ mãi cái chết của những người đồng đội. Họ , hoặc là nạn nhân , hoặc là người gây ra cái chết . Có những cái chết rất nhanh, có những cái chết dai dẳng mà cũng ám ảnh không kém. Cái chết gắn liền với chiến tranh, nó “hành hạ, làm nhục, giết chết, chôn vùi, quét sạch, tuyệt diệt”, nó chà đạp lên nhân tính của con người và hủy diệt “những người ưu tú nhất, tốt đẹp nhất, xứng đáng hơn ai hết quyền được sống trên cõi dương”, nó khơi dậy bạo lực và sự tàn bạo trong con người, sự dửng dưng với cái ác. Nhưng cái chết cũng là biểu tượng đẹp nhất khi nhắc về tinh thần quả cảm của người lính năm ấy “ Thà chết không hàng… Anh em thà chết …! Tiểu đoàn trưởng gào to, như điên , mặt tái dại” . Và cũng chính cái đau đớn ấy là biểu tượng của tình đồng đội “ Mình chết thì bạn mình sống”
Giữa cái quá khứ ám ảnh ấy, chúng ta nhắc đến những phụ nữ đi qua đời Kiên , biểu tượng cho tình yêu , cho nhân tính . Trái ngược với sự tàn bạo, vô cảm mà chiến tranh mang đến , những người phụ nữ như Hạnh, như Phương, những người y tá tại Điều trị 8 lại là hóa thân cho tình yêu níu kéo Kiên . Hay nói đúng hơn , chúng cứu rỗi Kiên trong một cuộc đời tàn khốc với chiến tranh.
Đối với Kiên, “sống ngược trở lại con đường của mối tình xưa, chiến đấu lại cuộc chiến đấu”, “làm sống lại những linh hồn đã mai một, những tình yêu đã phai tàn, bừng sáng lại những giấc mộng xưa” có ý nghĩa như một “con đường cứu rối của anh”. Cứu rỗi bởi lẽ quãng đời chiến trận dẫu là quãng đời khủng khiếp nhất mà anh đã phải trải qua những cũng là quãng đời đẹp đẽ nhất mà một con người có thể được sống. Trở về với quá khứ chính là trở về với tất cả những gì đẹp đẽ nhất đó, trong một thứ ánh sáng thiêng liêng.
Hẳn nhiên , khi đọc “Nỗi buồn chiến tranh” chúng ta ấn tượng sâu sắc với Phương – con người của nhận thức mới , vượt lên mẫu người con gái thông thường. Phương nói ra những điều lớn lao một cách trực tiếp như là lịch sử đã ứng vào miệng cô. Từ lúc chưa ai cảm thấy, thì hình như Phương đã cảm thấy chiến tranh tới gần. Bước ngoặt này xảy ra ở chỗ nhà ga Thanh Hóa. Phương theo tiễn Kiên. Lúc ấy cả hai từ Hà Nội vào và đã trải qua một hành trình kinh khủng. Giờ họ rơi tõm vào cái ga bị ném bom. Trong lúc lạc Kiên, Phương bị rơi vào tay một thằng đểu cáng . So với những xô đẩy của Kiên thì mất mát của Phương là rất lớn. Tuy nhiên , cô vẫn “ lộng lẫy” vẫn tuyệt mỹ. Còn với Kiên sự thích ứng của Phương là cả một tội lỗi. Phương của anh đã mang cái tội phản bội, cái tội đầu hàng, “quỳ gối trước cái số phận mới mẻ”. Kiên đau đớn, Kiên bực tức, Kiên muốn người bạn gái phải tự xỉ vả, tự xử tội mình, phải muốn chết đi vì xấu hổ. Ngược lại, Phương coi tại họa như cái tự nhiên phải đến , không bó buộc hay mặc cảm phạm tội.
Nếu Kiên là con người của tình thế trước mắt thì Phương là con người của một cuộc đời dài rộng hơn. Kiên là cái duy lý mà chúng ta vốn thiếu trong khi Phương là cái duy cảm mà người Việt có thừa. Kiên đầy hào hứng trong việc miên man sống với ký ức vì thật ra Kiên vẫn là mình, vẫn giữ được mình trong chiến tranh. Còn Phương, sau cái bề ngoài nhởn nhơ và cái vẻ đẹp nguyên vẹn kia, thật ra Phương “bậc thày thích ứng” đã là kẻ chiến bại.
Kết lại, tôi cứ thấy cái ao ước của Bảo Ninh là hay quá, nhất là đoạn kết như chính ông bày tỏ “ Tôi cảm giác ghen tỵ với niềm cảm hứng, niềm lạc quan quay ngược về quá khứ của anh. Bởi vì nhờ thế mà anh vĩnh viễn được sống trong ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chứa chan tình người, những ngày mà chúng ta biết rõ vì sao chúng ta cần phải bước vài chiến tranh , chúng ta cần phải chịu đựng tất cả và hi sinh tất cả. Ngày mà tất cả đều còn son trẻ, trong trắng và chân thành.”
Bài viết được tham khảo từ
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất