Bóng đá có nhiều sự khác biệt ở các vùng địa lý, các trình độ khác nhau. Nhưng không phải rất thú vị hay sao, khi bạn có thể nhìn thấy những điều tương đồng trong các sự kiện bóng đá xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới?
Các cầu thủ và HLV của BG Pathum United ăn mừng chức vô địch Thai League 2020/21.
Trong tuần qua, bóng đá thế giới xôn xao với sự kiện CLB Rangers vô địch giải Ngoại hạng Scotland. Xôn xao là bởi đây là chức vô địch đầu tiên của huyền thoại Liverpool, Steven Gerrard trong sự nghiệp HLV, và nó lại đến trong bối cảnh Jurgen Klopp đang gặp khó tại sân Anfield. Nhiều người đã bắt đầu kỳ vọng sớm được thấy Gerrard trở lại, dẫn dắt Nửa Đỏ vùng Merseyside.
Đó là sự kiện ở châu Âu, còn tại châu Á, cũng có một chức VĐQG khác cũng gây tiếng vang không nhỏ. Cũng là một danh thủ lừng danh, cựu tuyển thủ Thái Lan Dusit Chalermsan, đã đưa đội bóng BG Pathum United vô địch Thai League - giải VĐQG Thái Lan.
Với mình, thành tựu này cũng có khá nhiều điều thú vị để liên tưởng.

1. Dusit vô địch Thai League khi được đăng ký ở chức danh trưởng đoàn, do chưa có bằng HLV Pro theo quy định của AFC. 
Nếu bạn còn nhớ, cựu HLV Lê Thụy Hải trong suốt cả sự nghiệp cầm quân ở V-League cũng chưa từng biết đến tấm bằng HLV chuyên nghiệp là gì. Ấy vậy mà ông Hải “lơ” vẫn là HLV đầu tiên giành được đến 3 chức vô địch ở sân chơi cao nhất Việt Nam cùng với Becamex Bình Dương.
Ông Hải từng nói đại ý “cần bằng làm gì, tôi có thể đi học nhưng tôi không học để cho người ta thấy là tôi được việc thôi”. Nhưng CĐV Hải Phòng thì chắc chắn là không đồng ý, với tấm băng rôn nổi tiếng trên sân Lạch Tray: “Lê Thụy Hải là thằng nói phét". Cũng phải thôi, vì đáng ra ông Hải lôi đội bóng phố Cảng xuống hạng Nhất, nếu không có câu chuyện "mua suất" của Khánh Hòa sau đó!
Ngày 12/8/2012, Hải Phòng thua Kiên Giang 1-3 trên sân nhà Lạch Tray và đáng ra đã phải xuống hạng. Là HLV của đội và đã có những tuyên bố mạnh miệng đầu mùa, ông Lê Thụy Hải xứng đáng với mọi sự chỉ trích. 
Trở lại với Dusit, có lẽ huyền thoại của Thái Lan sẽ đi học lấy bằng HLV sớm thôi. Chuyện như ông Lê Thụy Hải giờ chắc chỉ còn là quá vãng.

2. Trong thành công của đội bóng BG Pathum, người ta không chỉ nhắc tới tài cầm quân của Dusit. Đằng sau cánh gà, Giám đốc Kỹ thuật của đội bóng này, ông Surachai Jaturapattarapong cũng là nhân vật có đóng góp cực lớn với những quyết sách chính xác trong việc phát triển, cải tổ CLB.
Trong bóng đá hiện đại, vai trò của những Giám đốc Kỹ thuật, Giám đốc Thể thao hay Giám đốc Điều hành đang ngày càng trở nên quan trọng. HLV có tài đến mấy mà Giám đốc tồi thì cũng rất khó “lên hương”. Ngược lại, sự kết hợp giữa một nhà quản lý có tầm với một HLV đẳng cấp thường sẽ mang lại ít nhất là một chu kỳ thành công cho CLB.
Giải thích thêm, gọi là giám đốc gì, Thể thao hay Kỹ thuật thì tùy vào CLB - không phải vấn đề cách dịch nha. Ở mỗi CLB khác nhau, quyền quyết định lớn nhất có thể dành cho 1 vị trí khác nhau, bên cạnh đó còn là câu chuyện đăng ký chức danh nữa.
Ví dụ trường hợp của ông Surachai kể trên, thậm chí còn được đăng ký với chức danh… HLV trưởng ở BG Pathum do ông này có bằng HLV Pro, đúng theo quy định.
Một ví dụ có thể kể đến là bộ đôi HLV Jurgen Klopp – Giám đốc Thể thao Michael Edwards ở Liverpool. Chính sự ăn ý trong công tác chuyển nhượng, quản lý và điều hành của 2 con người này là yếu tố giúp The Kop cuối cùng có được đội hình bước lên đỉnh cao châu Âu và Premier League.
Cả 2 giai đoạn thành công của Pep Guardiola với Barcelona và Man City đều có dấu ấn của Giám đốc Bóng đá Aitor "Txiki" Begiristain Mujika. Kỷ nguyên thăng hoa của Arsene Wenger tại Arsenal không thể thiếu sự đồng hành của David Dein – nhà điều hành đã gắn bó đến 24 năm với Pháo thủ thành London. 
Đó đều là những con người xuất chúng, có cái tâm, cái tầm và sự ăn ý trong công việc, điều mà mọi CLB bóng đá hay bất kỳ tổ chức nào cũng cần có để đạt tới thành tựu.
Câu chuyện về Arsene Wenger, David Dein, các bạn có thể tham khảo trong cuốn Arsènal - đây là cuốn của mình nè ^^ Mình đánh giá đây là một ấn phẩm chuyển ngữ chất lượng, đặc biệt đối với sách bóng đá - không dở tệ như cuốn Biên niên sử Man Utd của Thái Hà Books. Mình không recommend cho bất cứ ai cuốn MU đó đâu :v
Nói người lại ngẫm đến ta, chức danh giám đốc chính là một trong nhiều điều mà bóng đá Việt Nam còn thiếu. Nói ngắn gọn, đấy chính là dấu hiệu của một nền bóng đá không chuyên nghiệp, không định hướng rõ ràng. 
Chẳng có ở nền bóng đá chuyên nghiệp nào mà HLV ĐTQG phải gọi cầu thủ U22 lên dạy… kỹ thuật và tư duy chơi bóng cơ bản. Nghe mà nẫu hết cả ruột.
Giám đốc thành công nhất ở Việt Nam trong lịch sử có thể là ông Jurgen Gede, người đã giúp đỡ HLV Hoàng Anh Tuấn rất đắc lực trong chiến tích lịch sử đưa lứa U19 Việt Nam tới World Cup U20. Vâng, một lần nữa lại là công thức HLV + giám đốc phát huy hiệu quả, kể cả ở cấp độ đội tuyển.
Hiện tại, ông Gede đang nắm vị trí Giám đốc Kỹ thuật hệ thống đào tạo trẻ tại Viettel. Hy vọng là tại một trong những CLB đầu tư bài bản hiếm hoi của Việt Nam, nhà quản lý người Đức có thể một lần nữa làm nên kỳ tích.
Cá nhân mình dành sự tôn trọng rất lớn cho 2 con người này.
Viết từ “kỳ tích” làm mình cũng ngại, chẳng biết bao giờ chúng ta mới có những thay đổi toàn hệ thống, để thắng lợi là kết quả của đầu tư bài bản chứ không phải kỳ tích đây…
3. Câu chuyện vươn lên để vô địch của BG Pathum có những nét tương đồng với RB Leipzig nói riêng và các đội bóng được tập đoàn Red Bull thâu tóm nói chung, như Red Bull Salzburg.
BG Pathum vô địch quốc gia năm 2021 là sự trở lại ngoạn mục, sau khi chính họ rớt hạng ở Thai League 1 mùa 2018. Khi đó, giải VĐQG Thái Lan tái cơ cấu, có 5 suất rớt hạng thay vì 3 như thông thường. 
Bangkok Glass (tiền thân của BG Pathum) dính vào suất cuối cùng - bằng 42 điểm với Chainat Hornbill, nhưng thua hiệu số đối đầu trực tiếp. Họ đổi tên thành BG Pathum, và vô địch 2 hạng đấu trong 2 năm liên tiếp.
RB Leipzig - đội bóng bị ghét nhất nước Đức - có câu chuyện xây dựng và phát triển từ giải hạng dưới cũng tương đồng với BG Pathum.
Tập đoàn Red Bull chính thức tấn công vào thị trường bóng đá Đức năm 2009, khi mua lại quyền thi đấu của CLB SSV Markranstadt tại Oberliga - giải hạng Năm Đức, cùng với đó là mua những đội trẻ của FC Sachsen Leipzig, hợp thành một đội bóng đủ điều kiện thi đấu mang tên RB Leipzig. Trong giai đoạn 2009-2016, Die Roten Bullen đã vươn từ giải hạng 5 lên Bundesliga, rồi trở thành thế lực ở thời điểm hiện tại.
Kể thêm câu chuyện về Red Bull Salzburg - một ví dụ khác của cách làm bóng đá bất chấp của Tập đoàn nước tăng lực của Áo.
Ở Salzburg, đội bóng đại diện cho thành phố này vốn là SV Austria Salzburg, được thành lập từ năm 1933 và có lần đầu vô địch Bundesliga năm 1994 (giải VĐQG Áo cũng mang tên Bundesliga). Năm 2005, Tập đoàn Red Bull mua lại CLB, đổi tên thành Red Bull Salzburg, đổi cả màu sắc truyền thống của đội từ violet - trắng sang đỏ - trắng. 
Việc làm này đã gây ra làn sóng phản đối hết sức dữ dội từ giới CĐV địa phương, thậm chí các CĐV đã tự xây dựng lại một đội bóng với tên gọi cũ, SV Austria Salzburg (tương tự như cái cách các CĐV Manchester United lập ra đội bóng United of Manchester). Đội bóng này đã phải thi đấu từ hạng 7 và cho đến nay, đang trồi sụt ở ranh giới giữa giải hạng 2 và 3.
Còn một điều hay ho nữa mình cũng muốn chia sẻ: thức uống tăng lực Red Bull có nguồn gốc từ chính một loại nước uống của Thái Lan. Nếu chưa biết câu chuyện này cũng như cách Red Bull xây dựng mô hình kinh doanh thể thao, các bạn có thể xem video bên dưới nhé.
RB Leipzig và BG Pathum, cùng vươn lên từ một cái gốc tưởng như bỏ đi. Nhưng tất nhiên, trong khi đội bóng Thái Lan được tung hô vì vô địch như một câu chuyện cổ tích, RB Leipzig lại bị ghét bỏ ở nước Đức vì cách làm bóng đá không tuân thủ theo ‘’truyền thống’’. 
Những câu chuyện như lách luật không được đặt tên nhà tài trợ bằng cách dùng cái tên vô nghĩa RasenBallsport (Lawn Ball - thể thao trên cỏ (?)) Leipzig, phá vỡ quy tắc 50+1,… đã được nhắc đến rất nhiều, xin không nêu lại chi tiết ở đây nữa. Các bạn nếu chưa biết cũng có thể xem video dưới đây:

Nhưng nói gì thì nói, thành công vẫn là thước đo quan trọng bậc nhất trong bóng đá. Dù là BG Pathum hay RB Leipzig, vượt qua sự cạnh tranh gay gắt để thu về những thành tựu đã là rất đáng tự hào rồi.
4. Trên đây là một số liên tưởng… vu vơ của mình về chức sự kiện BG Pathum United vô địch Thai League 2020/21. Liên kết các câu chuyện vốn là sở thích, thú vui của mình XD
Hẳn sẽ rất thú vị khi được chứng kiến các nhà đương kim vô địch V-League, Viettel đọ sức cùng BG Pathum United ở vòng bảng AFC Champions League 2021 sắp tới đây. Bảng F của ACL bên cạnh Pathum, Viettel còn có các nhà đương kim vô địch châu Á Ulsan Huyndai nữa chứ! Hy vọng các trận đấu tập trung tại Thái Lan sẽ được diễn ra theo đúng kế hoạch vào tháng 6 – tháng 7/2021.
Mình xin kết thúc bài viết ở đây. Cảm ơn mọi người đã đọc ^^


_ Ảnh minh họa sưu tầm từ Internet _
Bên cạnh Spiderum, mình còn chia sẻ các bài viết về bóng đá trên fanpage Facebook. Nếu các bạn quan tâm, xin hãy ghé qua địa chỉ này nhé ^^: https://www.facebook.com/classof2000s
Hoặc nếu các bạn muốn trao đổi, kết bạn với tư cách cá nhân thì đây là địa chỉ FB của mình: https://www.facebook.com/bartholomewvu51628
Rất cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Hy vọng đã mang lại cho các bạn điều gì đó có giá trị.