"Mười hai năm trước, Seol được phát hiện bị bỏ rơi trong thùng rác vào buổi sáng đầu tiên của năm mới. Trong hành trình tìm kiếm một gia đình cho riêng mình, sau ba lần được nhận nuôi rồi lại bị từ chối, cô bé trở nên gai góc và hoài nghi sâu sắc về bản chất của tình yêu thương. Dẫu vậy, vẫn có một thứ tình yêu khiêm nhường và mộc mạc, trước sau như một lặng lẽ ở bên, xoa dịu tâm hồn đầy tổn thương của Seol..."
"Seol, con có hạnh phúc không?" là câu chuyện được kể lại dưới góc nhìn của nhân vật tôi - cô bé Seol. Không giống như những đứa trẻ khác, ngay từ khi lọt lòng Seol đã bị cha mẹ vứt bỏ và được tìm thấy trong thùng rác thực phẩm vào ngày đầu năm mới. Cho đến năm 12 tuổi, cuộc sống của Seol vẫn luôn hỗn loạn và bị xô đẩy khắp nơi: Cô bé được nhận nuôi rồi bị trả lại những ba lần, phải chuyển đến trường tiểu học tư thục dành cho con nhà giàu và bị bắt nạt bởi xuất thân của mình, và sau một sự cố, cuối cùng cô bé lại được nhận nuôi bởi chính gia đình của đứa trẻ đã bắt nạt mình. Mặc dù gia đình mới rất giàu có, em được đi siêu thị, được ăn ngon, mặc đẹp, nhưng cuối cùng em vẫn chọn trở về sống với người dì già của mình.
Điều khiến mình tìm đến và đọc cuốn sách này là dòng chữ in ở bìa của nó "Cuốn sách thức tỉnh biết bao độc giả Hàn Quốc về ý nghĩa thực sự của gia đình". Chính dòng chữ này đã làm mình rất tò mò, vì chính mình đôi lúc cũng muốn biết gia đình là như thế nào. Nhưng điều mình nhận được từ nó không phải là bài học về gia đình mà là về tình yêu thương, về sự cảm thông, chấp nhận, biết ơn và tha thứ. 
Sau gần 12 năm "bị lừa dối", Seol phát hiện mình vốn không phải là đứa trẻ bị vứt trong thùng rác thực phẩm. Tất cả chỉ là ý của nhà sản xuất chương trình đầu năm mới và viện trưởng cô nhi viện Lá Cỏ. Khi biết được điều này, Seol đã rất thất vọng. Em tự hỏi, liệu những yêu thương mà viện trưởng dành cho em có thật là yêu thương hay chỉ là cảm giác tội lỗi, hoặc cũng có thể là biết ơn vì nhờ em mà cô nhi viện Lá Cỏ được nhiều người biết đến, nhận được nhiều tiền từ nhà hảo tâm hơn. Liệu những lần em nhận nuôi bị thất bại, có hay không sự xếp đặt của viện trưởng? Có phải do viện trưởng cố tình tìm những người không đáng tin để nhận nuôi em, sau đó dùng việc em bị trả lại lấy thêm sự thương cảm từ xã hội để nhận thêm tiền? Có hay không tất cả những điều đó? Và em cảm thấy bản thân thật nực cười, bởi vốn dĩ chẳng có cái thùng rác thực phẩm gắn với cuộc sống của em cả, cũng vốn dĩ chẳng giả định, nếu lúc đó em không khóc hay nếu mẹ em kiên trì thêm vài bước chân...
Sau khi về sống chung với gia đình bác sỹ Kwak Eun Tae, Seol phát hiện bác sỹ chẳng phải là một người cha tốt có đôi vai vững chắc, chẳng bao giờ chênh vênh trước cuộc đời. Người bác sỹ mà em từng ước ao đó là cha mình đã làm em thất vọng biết bao khi nói dối, thậm chí cảm thấy căm ghét chính con đẻ của mình. Người đó từng nói với em, trẻ con thì phải chạy nhảy nhiều, cười thật nhiều, được làm điều mình thích thì mới lớn được, nhưng đối với chính con đẻ của mình, Shi Hyun, thì lại cấm đoán đủ điều. Ông đã thừa nhận trước mặt Seol rằng mình ghét Shi Hyun vì nhìn Shi Hyun ông nhớ đến mình của ngày xưa. Điều này khiến Seol buồn và thất vọng biết bao nhiêu.
Thế nhưng, sau tất cả, Seol vẫn cảm thông và yêu thương những con người ấy. Bởi, dù viện trưởng hay bác sỹ nói dối thì cái cảm giác hạnh phúc đến tê tê mấy đầu ngón chân mà Seol nhận được là thật. Em chấp nhận những sai lầm của người lớn và tha thứ cho họ. Em quả thực rất chững chạc, nói chuyện với em cứ như đứng nói chuyện với một người lớn ấy, bác sỹ đã nói vậy mà.
"Tôi không tin rằng những điều đối lập nhau như tình yêu và tham vọng, biết ơn và căm ghét có thể hòa làm một đến mức không có đường ranh giới ngăn cách. Tôi đã giận giữ và uất ức kết luận rằng vốn dĩ chúng vẫn luôn trộn lẫn với nhau như thế. Dù có phải dành trọn cả cuộc đời mình đi nữa thì tôi vẫn muốn phân tách những thứ đó từng lớp từng lớp thành những yếu tố riêng biệt. Tôi muốn hét lên với thế giới này rằng trong đống cảm xúc bị trộn lẫn với nhau ấy, sự biết ơn và tình yêu đẹp đẽ chỉ là một lớp mỏng phủ bên ngoài, còn đằng sau toàn là sự căm ghét dữ dội và tham vọng đen tối mà thôi.
Vậy nhưng những giọt nước mắt bột phát mà tôi hoàn toàn không thể dự đoán được này chính là lời thì thầm không thành tiếng rằng sự biết ơn và tình yêu giữa tôi và viện trưởng không hề nhỏ bé. Chúng to lớn và quan trọng hơn những gì tôi nghĩ nhiều. Những giọt nước mắt đang thì thầm rằng chuyện phân biệt rạch ròi sự biết ơn và tình yêu, sự căm ghét và tham vọng đã không còn ý nghĩa nữa, và nếu muốn bóc tách từng thứ một ra để xác nhận thì có lẽ sẽ mất một khoảng thời gian dài đến mức dùng hết cả cuộc đời này của tôi cũng không đủ"
Và có một điều nữa từ cuốn sách khiến mình phải suy nghĩ, đó chính là cách mà người lớn đối xử với trẻ em. Seol và Shi Hyun, hai đứa trẻ tuy có xuất thân khác nhau, nhưng đều bị mắc kẹt trong những cái gai khổng lồ của sự ích kỷ đang ẩn giấu trong cái được gọi là tình yêu thương của cha mẹ. Và cả hai đều chọn trở thành những đứa trẻ hư để phản kháng lại những đấng sinh thành. 
Ở độ tuổi của mình bây giờ, rất khó để đưa ra nhận định rằng việc làm của những người cha mẹ ấy có vô lí hay không? Nhưng có một điều mà mình chắc chắn, cả Seol và Shi Hyun đều cảm thấy rất áp lực trước cách giáo dục uốn nắn con theo ý mình của người lớn. Bằng chứng là Seol nhận thức được rất rõ những việc mình đang làm, kẻ mắt hay đánh son đậm đều không phải là hành động bộc phát nông nổi của tuổi mới lớn mà là để chống lại sự bắt nạt ở trường mới. Còn Shi Hyun chọn chiến tranh lạnh với cha mẹ là để được sống với đam mê của mình, thứ bị cha cấm đoán vì nó gợi ông nhớ đến người cha khốn khổ của mình. Tiếc rằng, người lớn không phát hiện ra điều đó mà chỉ mặc nhiên gán ghép cho đứa trẻ những "tội danh" mà chúng không đáng có. Với Seol, người ta gọi đó là sự tha hóa về nhân phẩm của những đứa trẻ học ở trường công lập. Với Shi Hyun thì họ cho rằng do biểu hiện của tuổi dậy thì. Có lẽ tất cả những gì chúng cần chỉ là sự thấu hiểu cùng với một tình yêu vô điều kiện của người lớn mà thôi. 
Bởi thế giới này vốn dùng tình yêu để duy trì nên cần lắm những sự cảm thông, thấu hiểu, đặc biệt là với những đứa trẻ. 
Viết cho một ngày tháng tư/