Nếu bạn không có vấn đề về năng lực tư duy và tham vọng mà bạn vẫn chưa thể có được sự thành công xứng đáng với những nỗ lực bạn bỏ ra, thì đó là tư tưởng đang cản đường bạn. Vâng, tư tưởng của bạn không sẵn sàng để thành công!
Đó có thể là phần tóm tắt cho những gì T.Havr Eker muốn nhấn mạnh trong gần như một nửa cuốn sách "Tư duy triệu phú" nổi tiếng của ông; một nửa còn lại nói về những cách khắc phục tư duy lầm lạc ấy.
"Nếu kế hoạch tài chính trong tâm thức của bạn không được "cài đặt" để thành công, thì tất cả những gì bạn học được, những gì bạn biết, và cả những gì bạn làm đều không giúp được gì nhiều cho bạn." - Tư duy triệu phú.

Đây có thể không phải là lời giải thích trọn vẹn nhất cho nguyên nhân dẫn đến thất bại của "bạn" - những người không có vấn đề về năng lực tư duy cũng như tham vọng - nhưng chắc chắn nó sẽ là lời khuyên, hay nói chính xác hơn, lời cảnh tỉnh để bạn đạt được thành công tương xứng với công sức.

Bạn biết đấy, khi người ta muốn tăng cường hiệu suất của một động cơ, cách khó khăn và tốn kém chính là tăng cường công suất của động cơ ấy; cách đơn giản hơn nhiều chính là thêm dầu nhớt, giảm ma sát. Năng lực của bạn gần như rất khó để nhảy vọt, và bồi dưỡng năng lực thường tốn nhiều tiền, thời gian. Nhưng bạn có thật sự cần một chuyên môn cao hơn không? Nếu đứng ra xa một chút, có thể bạn sẽ nhìn rõ hơn vấn đề. Thực sự năng lực của bạn có thể đã đủ, nhiều người không giỏi giang hơn bạn mà họ vẫn thành công hơn bạn cơ mà! Vậy thay vì vội vã kiếm thêm vài tấm bài thạc sĩ, tiến sĩ, có lẽ bạn cần triệt để tận dụng thứ mình có đã! Tăng hiệu suất động cơ của bản thân bằng một loại dầu bôi trơn, chính là một tư tưởng thông suốt!

 Bạn có thể là một người có đầu óc tư duy không tồi, và bạn cũng muốn làm nên chuyện lắm chứ, nhưng có thể kết quả bạn đạt được không tương xứng, thậm chí làm bạn thất vọng, thì vấn đề không nằm ở hai chữ NĂNG LỰC nữa, nó nằm ở hai chữ TƯ TƯỞNG. Ở đây, điều đang được nói đến là tiềm thức của bạn, một vùng thâm căn cố đế là nguồn gốc của mọi suy nghĩ, phong cách, tính cách, thói quen..., và "gieo thói quen gặt số phận".

Nếu các bạn có tìm hiểu về Tâm lí học, thì nhân cách, hay chính là xu hướng tính cách của bạn đã cơ bản được hình thành từ trước khi bạn vào lớp 1! Và nó vẫn tiếp tục phát triển dựa trên nền móng đó, trải qua nhiều sự kiện trong đời bạn có thể thấy con người mình thay đổi thái độ, tính cách, nhưng sự thực là những gì đã xuất hiện trong khoảng thời gian 3-5 tuổi của bạn sẽ vẫn lặng lẽ đứng đó, bám chặt cái rễ vào tâm thức bạn dù bạn còn nhớ hay không, chi phối mọi thứ xuất hiện trong đầu bạn.

Vậy nếu bạn ngờ ngợ một cái gì đó khi đọc đến những dòng này, hoặc bạn bắt đầu nghiệm lại tư tưởng bản thân: Tư tưởng của tôi như thế nào? Nó ảnh hưởng như thế nào đến thành công của tôi rồi? thì bạn nên thử đọc cuốn "Tư duy triệu phú", nhưng trước hết, đọc những dòng tiếp đây vì nó sẽ khái quát và nhấn mạnh một số ý có thể khiến bạn thấy phần nào thông suốt hơn.

Khi bạn phân tích về những nguyên nhân dẫn đến thất bại (hay thành công không như mong muốn) thì ngoài những thứ như: thiếu kinh nghiệm, chưa đồng bộ, chậm thời cơ,...thì có thể "tặng kèm" thêm một nguyên nhân nữa, theo cách diễn đạt của Harv, là: Bạn không có "Tư duy thịnh vượng", hoặc , "kế hoạch tài chính trong tâm thức của bạn chưa được lập trình để thành công".
 Là như thế nào?
Đọc nhé:
"Tiền bạc chỉ làm cho con người ta mệt nhọc, càng có nhiều sẽ càng lo nhiều."
" Người càng giàu càng không dám rời một cắc."
" Bọn nhà giàu hợm hĩnh."
"Chỉ lo kiếm tiền phí hoài thanh xuân!"
"Tiền không bao giờ là đủ, càng có nhiều sẽ càng tham lam."
"Tiền vào sẽ làm cho con người ta biến chất"
Hay một câu kinh điển: "Tiền bạc không quan trọng."
Có quen không?
Bạn đã từng nghe rất nhiều câu quy chụp như thế này chưa? Đây đều là những định kiến tiền bạc, thứ khiến bạn không thể thành công. Tiền bạc sẽ không yêu đơn phương bạn quá lâu đâu, khi bạn không có tình cảm với nó, nó sẽ rời bỏ bạn! Và không giống như việc từ chối 1 người bạn không thích, một khi bị tiền bạc rời bỏ, bạn sẽ ở lại một mình với sự khánh kiệt và những rắc rối từ việc thiếu tiền. Harv rất chú tâm vào việc giúp bạn chiến đấu lại những định kiến này.

Bạn có thể không phải là người nói ra những câu này, nhưng bạn vẫn là người nghe và tiếp nhận chúng từ bố mẹ, người thân, bạn bè, hàng xóm, mạng xã hội...và nó có ảnh hưởng tới tư tưởng bạn, nhất là khi bạn chọn cách tin vào nó.

Và ở xã hội nào cũng thế thôi, dù Mĩ hay Việt Nam, những người cả đời không có duyên với tiền bạc vẫn thường nói những câu như vậy, răn dạy con cái mình như vậy, dẫn ra những ví dụ về những kẻ giàu tham lam đầy tội lỗi, những kẻ ôm tiền cùng những đau khổ, tạo thành những định kiến ghim sâu vào tiềm thức những đứa trẻ. Nếu bạn thường xuyên nghe những câu đó, thì nó sẽ xác lập cảm giác của bạn về tiền bạc: đó có thể là sự bất lực, sự sợ hãi, ngại tiếp xúc với tiền, cảm giác tội lỗi và hạ thấp bản thân khi thừa nhận mình cần tiền, đỉnh điểm là sự bài trừ tiền bạc...và cảm xúc sẽ dẫn đến những hành động tương ứng, hành động dẫn đến thói quen đối xử với tiền bạc, và, một lần nữa, "gieo thói quen gặt số phận."

Lời khuyên bao trùm: Hãy biết trân trọng đồng tiền!
Lời khuyên trực tiếp: Thay đổi tư tưởng của bạn về tiền bạc nếu bạn vô tình bị tác động bởi những định kiến trên. Nghĩ khác đi!
1. Tiền bạc làm người ta thêm mệt?
 Những người than phiền mệt nhọc vì tiền là do họ không hiểu nguyên lí tuần hoàn của tiền, cứ mãi muốn giữ mà không muốn cho, quản lí tiền bạc kém, và mệt vì tiền là mệt vì thiếu tiền! Thiếu tiền khiến cho những nhu cầu bị chèn ép và những cãi vã không dứt: "Sao anh không kiếm thêm tiền về cho cái nhà này đi?", "Sao cô lúc nào cũng tiêu sài hoang phí? Tôi có đủ sức nuôi một người như cô à?" "Tôi tiêu cho cả cái nhà này, nuôi cả con của anh chứ có phải tiêu cho mình tôi đâu? Là anh bất tài." Được rồi, rất nhiều cặp li hôn là vì những mâu thuẫn trong vấn đề tiền bạc. Họ đến với nhau không phải vì tiền, nhưng tình chết khi tiền hết, thế thôi!
2. Người có tiền thường tham lam?
Hẳn là lại muốn nhắc đến những vụ tham những thâm hụt công quý phải không?
Những người giàu mới là những người có khả năng cống hiến nhiều nhất cho xã hội. Tại sao? Làm cái gì cũng cần tiền, kể cả việc cứu sống một đứa trẻ hay giúp chúng đến trường. Những người không giàu vẫn có thể giúp đỡ người khác, nhưng họ vẫn phải dùng đến tiền nếu muốn sự giúp đỡ này được thực tế hóa. Nói cách khác, bạn phải có tài lực nếu muốn đi quyên góp thật nhiều. Phần còn lại về số tiền, số lượng người giàu quyên góp, bạn có thể tự tìm hiểu. Đừng vì vài người tham lam mà đánh giá tất cả những người giàu, và đừng vì một vài người tham lam mà từ bỏ sự giàu có của bạn. 
3.Tiền bạc làm tha hóa con người?
Nếu có người khăng khăng nói với bạn câu này, thì bạn nên bật ngay óc phê phán của mình nên và xem xét kĩ lưỡng 2 khía cạnh của người ấy. Thứ nhất là tình hình tài chính, thứ hai là nhân cách thực sự của họ, xem liệu có phải họ chọn cách sống nghèo khó để giữ gìn phẩm giá hay không, hay là họ đang trở nên quá bất mãn với đồng tiền. 
"Tiền sẽ chỉ khẳng định thêm những tính cách mà bạn vốn có. Nếu bạn bủn xỉn, tiền sẽ khiến bạn bủn xỉn hơn. Nếu bạn tốt bụng, tiền sẽ cho bạn cơ hội để trở nên tốt bụng hơn. Nếu bạn là một kẻ xuẩn ngốc, tiền sẽ làm cho bạn trở nên ngốc  nghếch hơn..." - Tư duy triệu phú
 Vì thế, đừng vội vàng đổ tại cho tiền bạc làm sa ngã khi thấy một kẻ bùn xỉn xuẩn ngốc giàu có! Tội nghiệp tiền!
Một câu nói xuất hiện trong rất nhiều quyển sách của các triệu phú, như quyển "Dạy con làm giàu", "Nghĩ giàu làm giàu", "Tư duy triệu phú"...có đại ý là tiền sẽ đến với những người biết trân trọng nó, và ở lại với người biết làm chủ nó. Và đó không chỉ là nguyên lí của tiền bạc, đó còn là nguyên lí của cuộc sống, khi bạn mong cầu một cái gì đó, bạn phải biết trân trọng nó đã.
 Tôi rất thích cách Harv thể hiện tình cảm với đồng tiền, đọc lần đầu tiên có vẻ khôi hài, nhưng câu nói đó thực sự thể hiện thái độ tích cực, tử tế và đầy năng lượng.
Bây giờ khi tôi giàu có, tôi nhặt lên bất cứ cái gì chỉ cần trông giống tiền. Rồi tôi sẽ hôn nó cầu may mắn và tuyên bố to lên, “Tôi là nam châm hút tiền. Cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn.”
Đó là một số định kiến thường thấy, nếu bạn là một người có tình cảm với tiền bạc, và bạn không muốn một cuộc sống nghèo khó với những nỗi lo của người nghèo, đừng ngần ngại mà dành cho tiền một chỗ đứng công bằng trong cuộc sống.
Đây là bài đầu tiên trong serie viết về tiền bạc của mình! Đúng, mình trân trọng đồng tiền, vì nó là công sức. Mình yêu quý đồng tiền, vì nó sẽ giúp mình nhiều thứ. Mình cảm ơn mỗi lần nhận tiền. Và mình mong bạn cũng vậy, hoặc sẽ vậy. Đón đọc những bài viết tiếp theo, mình sẽ còn viết về vấn đề này, sâu hơn so với bài mở đầu này. Nếu bạn quan tâm, có thể nó sẽ mang lại cho bạn một làn gió mới, làn gió mát mẻ mang vị tiền :"))