*Bài viết dựa trên nền tảng triết học Marx - Lenin, nếu bạn không đồng tình với các học thuyết của Marx bạn có thể lựa chọn thoát ra lúc này hoặc tiếp tục đọc bài với tinh thần khai phóng.


Trong cuộc sống xã hội hiện đại tất cả mọi thứ đều xoay quanh dòng chảy đồng tiền, từ những nhu cầu căn bản như ăn, uống, chỗ ở, chăm sóc sức khoẻ đến công việc, học tập rồi lấn tiếp sang các nhu cầu giải trí và rồi cả trong việc kết giao những mối quan hệ nữa. Tất cả mọi thứ đều được quy ra bằng tiền, chính ảnh hưởng lớn đó mà vấn đề lao động của con người trong xã hội hiện đại trở nên đáng nói hơn. Vì lao động là hoạt động tạo ra  các sản phẩm cho xã hội cũng như nắm vai trò chủ chốt cho sự phát triển kinh tế của xã hội đó. Song vì bản thân con người không phải là máy móc, nên trong lao động chúng ta luôn sinh ra những mâu thuẫn, vấn đề cần được giải quyết, trong những năm gần đây mọi người thường xôn xao với chủ đề chọn lựa việc làm theo cảm xúc, niềm vui, đam mê cá nhân hay làm những công việc thiết thực để tạo ra nguồn thu nhập. Việc trả lời câu hỏi trên không chỉ trong một, hai câu nói mà cần một sự xem xét vấn đề kỹ lưỡng. Thế nên ở bài viết này sẽ đi từ bản chất vấn đề để cố gắng giải đáp, bài sẽ chú trọng về ý nghĩa của lao động, tha hoá trong lao động và lao động trong xã hội hiện đại.

LAO ĐỘNG

1. Ý nghĩa của lao động:

Trong tiến hoá, sinh giới đã có một bước tiến lớn từ giới thực vật sang động vật tức từ bỏ cơ chế thích nghi thụ động, từ việc hấp thụ ánh sáng mặt trời và chất vô cơ sang hấp thụ các chất hữu cơ, qua đó có được sự chủ động trong thích nghi với môi trường. Khả năng di chuyển của động vật đem về lợi thế lớn khi thay vì thụ động trước các biến đổi của môi trường, giờ đây động vật có thể tự do trong việc tìm kiếm nguồn thức ăn, chủ động trong tìm kiếm bạn tình và lựa chọn thay đổi môi trường sống thuận lợi hơn. Bởi ảnh hưởng chọn lọc tự nhiên, mà những hành động quan trọng và thiết yếu như trên được di truyền qua các thế hệ, và được các loài động vật thực hiện một cách bản năng.
Ở đây nói thêm bản năng động vật là tổ hợp các hành động nhất định trước các kích thích nhất định của môi trường, các hành động này đến từ di truyền thế nên chúng là bắt buộc và đồng bộ trên tất cả con vật cùng loài.Ví dụ như di cư ở một số loài chim về phía nam để tránh mùa đông giá lạnh, hay ve sầu thức dậy vào mùa hè để tìm kiếm bạn tình,… Tất nhiên các hành động bản năng của động vật không phải lúc nào cũng an toàn, đôi lúc những hành động đó đưa chúng vào những tình huống không thuận lợimấy như cá hồi quay về sông để sinh sản, song chúng vẫn luôn phải hành động như vậy để đảm bảo sự tồn tại của loài.
Di cư theo mùa ở các loài chim
Về bản chất sinh học, con người tiến hoá lên từ các loài động vật, thế nên con người cũng tồn tại những bản năng đấy. Nhưng ở con người dần phân rõ ra những hành động bản năng và lao động có ý thức. Khả năng lao động của con người được hình thành dựa trên khả năng cải tạo vật liệu từ thế giới tự nhiên.
Ở động vật đây chỉ là các hành vi bản năng, chính vì chúng dựa vào vật liệu có sẳn trong tự nhiên để sử dụng mà không có khả năng thay đổi cấu trúc hay tính chất của vật liệu đấy. Bởi sự lệ thuộc ấy nên ở các loài vật khó có khả năng sáng tạo hay phát triển thêm sản phẩm của chúng, mà thường đi vào những khuôn khổ đã được đúc sẵn, ví dụ như cách xây tổ ở các loài chim vì sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu cành cây, lá vụn, rơm rạ, … thế nên các tổ chim thường có sự tương đồng với nhau do chúng không có khả năng lựa chọn vật liệu tự nhiên. Việc có thể thay đổi vật liệu tự nhiên giúp con người có thể định hình sản phẩm theo mong muốn mà không chịu nhiều ảnh hưởng đến từ thế giới tự nhiên, ví dụ như ngày trước người ta phải giành giật nhau từng cái hang thì giờ mọi người có thể cải tạo gỗ để tự xây nhà.
Sự đa dạng trong thiết kế nhà bằng lều tranh, lá
Nhờ có vậy mà lao động ở con người dần thể hiện rõ mục đích và mong muốn cá nhân đối với sản phẩm lao động. Sự sáng tạo trong lao động đã góp phần thúc đẩy phát triển tư duy con người, cùng với giao tiếp qua lại giữa con người với nhau đã hình thành ý thức của con người. Sự ra đời của ý thức giúp con người có khả năng tự lựa chọn hành động của mình thay vì phụ thuộc vào bản năng sinh học như các loài vật khác. Và chính ý thức con người là tiền đề cho hàng loạt sự phát triển trí tuệ khác như hình thành ngôn ngữ, có được tư duy logic, phát triển cảm xúc cá nhân, ….
Từ đó có thể nói lao động là chìa khoá mở ra cánh cửa cho sự hình thành ý thức con người cũng như tạo ra ranh giới khác biệt với những loài động vật khác.

2. Niềm vui trong lao động:

Ở các loài động vật chúng hành động theo bản năng sinh học, giống như một điều mà chúng bắt buộc phải làm trong cuộc đời mà không có cách nào để kháng cự, có thể kể đến như ở cá hồi cứ đến thời điểm sinh sản là chúng phải bơi từ biển về trở lại sông để đẻ trứng có thể sống sót khi bơi ngược dòng về không thì không biết nhưng bắt buộc là phải bơi về. Trong khi con người hoàn toàn có sự tự do trong lựa chọn phải lao động hay không lao động, một phần lý giải nằm ở sự dẫn dắt cảm xúc ở con người, cơ chế của não bộ tạo ra nhiều cảm xúc khi chúng ta lao động và các cảm giác hưng, phấn thoải mái và vui vẻ khi chứng kiến sản phẩm của mình đang ngày một hoàn thành, những điều đó tạo cho chúng ta nguồn động lực làm việc to lớn đến mãnh liệt.
Loài ong không hề ăn mừng sau khi xây xong tổ
Tuy các loài vật cũng có cảm xúc giống như con người, song chúng vẫn không có biểu hiện cảm xúc khi lao động. Giống như ở loài ong, những chú ong thợ xây dựng tổ ong như một nghĩa vụ thiêng liêng và chúng làm điều đó như thể chúng phải làm điều đó, nếu như có ai đó phá tổ của chúng, ta có thể thấy chúng sẽ tìm kiếm và xây một cái tổ khác thay vì ngồi than khóc hay đau khổ vì ngôi nhà mình vất vả xây dựng đã đổ nát. Chúng không vui khi tạo ra sản phẩm và cũng không buồn khi sản phẩm đó bị huỷ hoại. Trong khi đó việc ăn mừng sau lao động là một điều rất dễ thấy ở con người, trong quá khứ các lễ hội được ra đời ngoài lý do tôn giáo, tín ngưỡng thì đó còn là hoạt động ăn mừng sau một quãng thời gian làm việc vất vả, ví dụ như Tết cổ truyền ở Việt Nam, các lễ mừng lúa mới ở các dân tộc vùng Tây Nguyên.
Việc tồn tại cảm xúc trong lao động có thể được xem là lợi thế về tiến hoá hay không thì không chắc nhưng sự thật là đây là đặc điểm chỉ tồn tại ở người, có thể hiểu nó như một đặc trưng của loài.
Thế nên có thể nói lao động là điều kiện tiên quyết, cần thiết và chủ yếu quyết định sự hình thành và phát triển của con người ở các phương diện sinh học và xã hội.

THA HOÁ

Như đã nói ở trên lao động là điều kiện để một ai đó có thể trở thành con người đúng nghĩa, vậy tha hoá lao động trong xã hội có nghĩa là gì. Nếu nhìn nhận lao động ở con người chỉ bao gồm khả năng cải tạo thiên nhiên thì rõ ràng xã hội hiện tại chẳng có vấn đề gì bởi sự phát triển của khoa học kỹ thuật khiến chúng ta càng ngày càng làm được những việc điên rồ, như việc thay vì phụ thuộc vào nguồn lương thực tự nhiên, ta đã có thể thay đổi thực vật để tạo ra nguồn lương thực cần thiết(GMO), tạo ra các sợi vật liệu không thể tìm thấy ở tự nhiên, thậm chí là tạo ra cả con người trong phòng thí nghiệm. Thế nên câu hỏi đặt ra là “Tha hoá trong lao động là gì ?”

1. Biểu hiện:


“Đúng là lao động tạo ra cho người giàu những vật phẩm kỳ diệu nhưng cho công nhân nó tạo ra sự bần cùng hoá. Nó tạo ra lâu đài nhưng với công nhân là nhà ổ chuột. Nó tạo ra cái đẹp nhưng với công nhân là cái méo mó. Nó thay lao động bằng máy móc nhưng một số công nhân lại bị ném trở về hình thức lao động man di, và một số công nhân khác thì bị nó biến thành máy móc. Nó tạo ra trí tuệ nhưng với công nhân là sự ngu đần, dốt nát.” theo Karl Marx trong Bản thảo kinh tế triết học 1844.
Tha hoá lao động có thể thấy được trong hai biểu hiện sau :
— Sản phẩm lao động mâu thuẩn với những người đã tạo ra nó hay sản phẩm lao động không thuộc về người lao động từ đó lao động tự do trở thành lao động cưỡng bức.
— Tha hoá loài khi cái hành vi bản năng ở động vật trở trở thành hành vi của người.
Tất nhiên là những biểu hiện trên đã được Karl Marx làm rõ từ hơn 100 năm trước, song mình vẫn sẽ nói lại các biểu hiện trên dưới góc nhìn hiện đại.

Lao động cưỡng bức hay lao động không tự nguyện hoặc lao động khổ sai, đều là khái niệm chung chỉ con người phải làm việc vì một sự đe doạ từ phía khác (tiền nông, gia đình, xã hội) thay vì chính mong muốn lao động của người đó.
Học thuyết của Marx cho rằng lao động tức là người lao động phải nhìn thấy được các giá trị của mình bên trong các sản phẩm do họ tạo ra. Hay nói cho hoa mỹ là mỗi sản phẩm là một phần linh hồn của họ. Song thực tế điều này chỉ có thể tồn tại với một số ngành nghề nhất định: như những người hoạt động nghệ thuật(ca sĩ, đạo diễn hay hoạ sĩ), kiến trúc sư, nhà phát minh hay đầu bếp. Nhưng ở các công việc như kế toán, thu ngân, nhân viên phục vụ, hướng dẫn du lịch,… các sản phẩm đến từ lao động của họ quá trừu tượng để họ có thể nhìn thấy bản thân mình trong đó. Việc sản phẩm đến từ lao động lại trở nên xa lạ với người lao động cho thấy người lao động mất đi phương hướng và mục đích lao động mà cũng vì thế mà quá trình lao động trở nên vô nghĩa với người đó. Song họ vẫn phải lao động trong vô hướng vì bản thân họ không sở hữu tư liệu sản xuất, đồng nghĩa với việc sản phẩm lao động được tạo ra bởi người lao động lại là thứ trói buộc chính người đó. Điều này được xem là biểu hiện của tha hoá trong lao động.

Tha hoá loài như ở trên mình đã đề cập, lao động là đặc trưng chỉ có ở loài người không tồn tại ở các sinh vật khác. Thế nên tha hoá trong lao động chỉ đến những người không có chút say mê hay niềm vui nào với công việc của mình, họ sẽ lao động giống như máy móc với mục tiêu hoàn thành công việc mà chẳng có một niềm vui hay sự hứng thú nào. Giống như ở loài kiến chúng làm việc liên tục suốt ngày để hoàn thành tổ mà chẳng cần có cảm xúc nào, và khi tha hoá lao động diễn ra con người cũng cặm cụi làm việc một cách vô cảm như loài kiến. Vấn đề này sẽ dễ thấy ở các nhóm công nhân, hay nhân viên văn phòng những người này làm việc đúng số giờ tiêu chuẩn nhưng bản thân họ lại không có một sự say mê nào với công việc đó. Điều này khiến lao động ở con người trở thành bản năng ở động vật. Vấn đề càng đáng nói hơn khi những người chán nản trong lao động nhưng lại có sự thoải mái, hưng phấn và tự do trong các hoạt động ăn uống, ngủ nghỉ, tình dục những thứ đáng ra thuộc về bản năng sinh học. Từ đây thấy rằng con người lao động như loài vật nhưng lại nghỉ ngơi như con người.
Khi lao động bị tha hoá con người trở nên què quặt, nói như vậy có nghĩa là con người đã không thể phát triển hoàn chỉnh bản thân được.
Sự tha hoá là cho người lao động không thể phát huy toàn bộ sức mạnh bản chất, cùng với đó là người lao động càng bị bần cùng hoá khiến cho sự phân cực xã hội ngày càng lớn. Hay nói đơn giản là người giàu sẽ càng giàu và người nghèo sẽ càng nghèo. Cùng với sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ, người lao động càng trở thành máy móc trong một hệ thống dây chuyền tạo ra sản phẩm cho xã hội và quên đi hẳn ý nghĩa của lao động.
Và với Marx thì sự tha hoá lao động rồi sẽ kéo theo những tha hoá ở các phương diện khác trong đời sống xã hội: sự tha hoá các hệ giá trị xã hội, quyền lực bị tha hoá, tha hoá về hành vi tín người và niềm tin tôn giáo.

2. Nguyên nhân:

Theo Karl Marx nguyên nhân lớn dẫn đến tha hoá trong lao động đến từ việc tư hữu tư liệu sản xuất.
Để có thể giải quyết các nhu cầu cơ bản của con người, người lao động buộc phải lệ thuộc vào người chủ (người nắm giữ tư liệu sản xuất), thế nên sản phẩm đến từ lao động của công nhân sẽ không thuộc về anh ta mà thuộc về chủ sở hữu, chính vì vậy người đó không cảm nhận giá trị của bản thân mình, đồng thời bị lệ thuộc vào chính sản phẩm của mình dần dẫn đến tha hoá trong lao động.
Tha hoá lao động phát triển nhất trong xã hội tư bản
Lấy ví dụ cho trường hợp này, như một lập trình viên đây là một người lao động nhưng anh ta không có trong tay tư liệu sản xuất, vì vậy anh ấy phải đi làm thuê cho một công ty khác, sản phẩm lúc này của anh ấy không còn phụ thuộc vào ý chí hay tự do sáng tạo của bản thân anh ta mà thuộc về mong muốn của ông chủ, tất nhiên vì những nhu cầu sinh hoạt mà anh vẫn phải tiếp tục làm việc (lao động cưỡng bức), dần theo thời gian bản thân anh ấy không còn cảm thấy niềm vui trong công việc nữa anh ấy làm việc như cái máy tại công ty và chỉ có thể thấy thoải mái khi ở nhà (tha hoá loài).
Xã hội tư bản tuy không phải nguyên nhân của tha hoá  nhưng nó là thứ giúp tha hoá trong lao động phát triển phổ biến, rõ ràng và đầy đủ nhất. Vì ở chế độ này tạo ra sự phân hoá xã hội về việc chiếm hữu tư liệu sản xuất, phần lớn người lao động sẽ trở thành vô sản (không sở hữu tư liệu sản xuất) phải làm thuê cho cho số ít các nhà tư sản (nhóm sở hữu tư liệu sản xuất). Vì vậy mà tha hoá trong lao động xảy ra.

3. Giải phóng: 

Quá rõ ràng khi đã quy kết nguyên nhân của tha hoá lao động đến từ vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất vậy thì việc giải phóng chính là xoá bỏ giai cấp, xoá bỏ chế đố tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và sức sản xuất phát triển ở trình độ rất cao. Việc giải phóng con người khỏi lao động đi đến giải phóng giac cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng cả nhân loại.
Mục tiêu của chủ nghĩa Marx - Lenin đó chính là giải phóng con người ở tất cả phương diện: lao động, chính trị, xã hội, năng lực, giai cấp, dân tộc, … Việc giải phóng con người hoàn toàn sẽ đưa nhân loại đến được với xã hội lý tưởng (không biết có hay không).
Tuy nhiên trong giới hạn bài viết này sẽ không đề cập đến xã hội lý tưởng nữa. Phần còn lại của bài viết sẽ nói về thực trạng tha hoá lao động trong xã hội hiện đại

THỰC TRẠNG

Học thuyết của Marx nói về vấn đề tha hoá đã từ hàng trăm năm trước, song hiện tại xã hội đã phát triển để khắc phục căn bệnh này hay chưa hay mọi chuyện càng trở nên trầm trọng?

1. Xã hội chuyên môn hoá:

Với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, các công nghệ mới liên tục ra đời cùng với đó là lượng kiến thức kinh khủng mà nhân loại tích luỹ hơn ngàn năm qua. Chính vì vấn đề với kiến thức và công nghệ nên xu hướng của xã hội hiện nay là chuyên môn hoá, tức là mỗi cá nhân sẽ chỉ cần làm tốt vài phần việc của mình thôi, và sự đóng góp của người đó trong chuỗi sản xuất sẽ đem về sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
Yếu tố chuyên môn hoá đem về những sản phẩm chất lượng, tận dụng được nguồn nhân lực đồng thời nâng cao tay nghề của người lao động và đáng nói nhất là hiệu quả kinh tế đáng kinh ngạc. Song khi trở lại câu chuyện tha hoá thì yếu tố chuyên môn hoá trong sản xuất càng khiến việc người lao động có thể nhìn thấy giá trị bản thân mình trong sản phẩm lao động ngày càng trở nên xa xỉ.
Trong xã hội chuyên môn hoá, mỗi người chỉ cần làm tốt vài việc.
Lấy ví dụ như thiết kế một website thường được phân công thành các giai đoạn : lấy ý kiến khách hàng(1) -> thiết kế hình ảnh giao diện (2) -> xây dựng server với các chức năng phù hợp (3) -> xây dựng giao diện web (4) -> kiểm thử, và sửa lỗi (5). Mỗi cá nhân thường chỉ đảm nhận 1 giai đoạn thực hiện, từ đây có thể thấy ở những người ở giai đoạn (2), (4) có thể thấy được giá trị bản thân mình trong sản phẩm, vì đó là những hình ảnh trực quan và gần giống với sản phẩm cuối cùng. Nhưng với những người thực hiện các giai đoạn (1), (3), (5) thì thật khó để họ làm điều đó. Bởi công việc của họ khá trừu tường so với sản phẩm cuối cùng có được. Chuyên môn hoá đem lại sự hiệu quả về chất lượng sản phẩm nhưng vì các công việc được phân thành nhiều giai đoạn mà người lao động chỉ phải đảm nhận một công việc thế nên việc nhìn nhận bản thân mình trong sản phẩm cuối cùng là điều chẳng dễ dàng gì.
Cũng chính vì yếu tố chuyên môn hoá khiến việc thay đổi nghề nghiệp của con người trong tương lai khó khăn hơn, bởi mỗi công việc sẽ đòi hỏi nhiều kiến thức và mất nhiều thời gian để tiếp thu hơn. Tất nhiên là điều này hoàn toàn mâu thuẫn với niềm tin của Marx khi ông cho rằng trí tuệ con người là đa năng và chúng ta có thể làm bất kỳ công việc nào.

2. Chủ nghĩa vị kỷ và chủ nghĩa tiêu thụ:

Tất nhiên khi làm những công việc mà bản thân người lao động không cảm thấy chút giá trị nào của mình trong công việc đó thì sự mệt mỏi, nhàm chán và từ bỏ công việc đó chỉ là chuyện sớm muộn. Nhưng thế giới đã nghĩ ra những cứu cánh để đảm bảo rằng dù cho bạn có chán nản thế nào bạn vẫn phải tiếp tục làm việc.
Chủ nghĩa vị kỷ và chủ nghĩa tiêu thụ khiến ta quên đi giá trị lao động
Chủ nghĩa vị kỷ : chủ nghĩa vị kỷ có một mối quan hệ phức tạp với chủ nghĩa cá nhân (xu hướng chung của thế giới hiện tại), tức đề cao giá trị cá nhân như lợi ích cá nhân, sự độc lập tự do của cá nhân đó khỏi các ràng buộc của xã hội. Nhưng không như chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ hướng đến đến sự ganh đua cực đoan, như việc quá đặt nặng lợi ích bản thân, ảo tưởng năng lực cũng như giá trị bản thân và tính sân si, đố kỵ với thành quả của người khác. Tuy có thể nói ganh tỵ là một bản năng của con người, nhằm tạo sự cạnh tranh và phát triển xã hội. Song sự cực đoan mà chủ nghĩa vị kỷ tạo ra chỉ khiến xã hội bị chùn lại. Vấn đề đầu tiên nói, chính là tâm vị kỷ khiến người ta không biết giá trị của bản thân và cũng không biết giá trị của lao động. Biểu hiện của tâm vị kỷ trong xã hội hiện tại là coi trọng vị trí đứng đầu, và lãng quên những vị trí còn lại. Điển hình là tâm lý các phụ huynh luôn muốn con mình đứng nhất lớp, tuy đó là mong muốn dễ hiểu chung của mọi người nhưng cần phải hiểu, thứ nhất là hệ thống trường lớp sẽ chỉ phù hợp với một nhóm đối tượng, có nghĩa là sẽ có những học sinh mà tài năng của họ không thể phát huy trong môi trường đấy. Bên cạnh đó cũng cần phải hiểu là ngoài vị trí thứ nhất những vị trí hai, ba cũng đáng được ghi nhận.
Người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng là Nei Armstrong, người thứ hai là Buzz Aldrin người thứ ba là Pete Conrad
Giống như trong một đội bóng cầu thủ toả sáng thường là tiền đạo song thực tế không có đội bóng nào ra sân với cả 11 tiền đạo, bởi các cầu thủ dù ở vị trí nào cũng là cần thiết cho sự chiến thắng của cả đội ngay cả khi không phải là tiền đạo thì những nổ lực của họ cũng xứng đáng để ghi nhận. Nhưng trong xã hội hiện nay ta thấy vẫn có sự phân biệt nặng nề đang áp đặt lên việc chọn lựa nghề nghiệp, tâm lý ham đứng đầu khiến mọi người chỉ coi trọng những nghề kiếm ra nhiều tiền hay cao quý theo chuẩn mực xã hội và khinh rẻ những nghề còn lại. Chính vì tâm ganh đua cực đoan, khiến phần lớn chúng ta đều chạy đua kiếm tiền mà quên đi ý nghĩa lao động, lựa chọn công việc theo thị hiếu khiến chính bản thân gặp khó bởi công việc không phù hợp với những năng lực bản thân và ngay cả khi hoàn thành công việc chính bản thân cũng không nhìn thấy giá trị nào từ công việc đó (ngoại trừ việc nó làm hài lòng bà hàng xóm mỗi dịp Tết). Chủ nghĩa vị kỷ tạo ra áp lực khiến tất cả mọi người lao vào những vị trí đứng đầu hay phải kiếm ra thật nhiều tiền mà quên đi giá trị bản thân và cả ý nghĩa công việc, từ đó tha hoá trong lao động càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Chủ nghĩa tiêu thụ: tất nhiên chủ nghĩa vị kỷ thôi thúc mọi người kiếm tiền, thì chủ nghĩa tiêu thụ là thứ thôi thúc mọi người tiêu tiền. Hình thái chủ nghĩa tiêu thụ được cho là thúc đẩy sự phát triển kinh tế, khi những thành tựu khoa học công nghệ có thể tạo ra số lượng hàng hoá vượt xa nhu cầu của con người, đều đó khiến mọi người phải tiêu nhiều hơn (thay vì sản xuất ít lại). Các ông chủ muốn trói buộc nhân viên mình để họ luôn phải làm việc bất kể mong muốn, trong khi nguồn cung sản xuất đã đủ đáp ứng nhu cầu mọi người thì đều phải làm lúc này là nâng nhu cầu sống lên cao hơn. Khi những xu hướng tiêu dùng không cần thiết xuất hiện thì mọi chi phí sinh hoạt cần có đều tâng theo, lúc đó các người lao động buộc phải làm công việc đó để đảm bảo nhu cầu sống. Càng tiêu thụ nhiều thì càng tốn nhiều và càng phải kiếm tiền để phục vụ điều đó bất kể công việc đó có nhàm chán hay khuôn đúc vì lúc này thứ mọi người cần không còn là công việc nữa mà họ chỉ cần số tiền nhận được từ công việc đó. Xã hội tiêu thụ kéo con người vào những dòng chảy hàng hoá như những ngày giảm giá, hàng khuyến mãi, siêu khuyến mãi dẫn đến việc mua những thứ hàng hoá xa xỉ và thừa thải. Tất nhiên là tại thời điểm đó, mọi người đều cho rằng đấy là những nhu cầu cần thiết, để rồi vài tháng sau nhận ra mình lãng phí tiền vào những thứ không đáng. Rõ ràng rằng chủ nghĩa tiêu thụ đang sử dụng nhu cầu tiêu dùng của người lao động như một sợi xích trói buộc họ phải làm việc.

Như đã nói ở mục tha hoá loài, tha hoá lao động khi con người làm việc như một cái máy và rồi quay về nhà để hưởng thụ các hành vi bản năng một cách thoải mái và tự do, chủ nghĩa tiêu thụ đã bám vào những hành vi bản năng của con người để đẩy mạnh tiêu thụ thế nên càng lún sâu con người càng không nhìn thấy được giá trị của mình mà lại càng dễ kéo theo sự tha hoá về đạo đức và các giá trị xã hội. Điển hình như xu hướng kiếm tiền từ các gameshow hay các nền tảng mạng xã hội đều thiên về những chiêu trò bắt trend, làm lố hay các hành vi lệch lạc chuẩn mực để thu hút sự chú ý của xã hội (vì bài chỉ nói về lao động nên hậu quả về tài nguyên thiên nhiên hay chênh lệch giàu nghèo mình không đề cập đến).

Đời thừa

Đọc hết bài viết thì chỉ thấy một tương lai u ám, nhưng điều này đã khá hiển nhiên vì tiêu đề bài viết “Đời thừa khi lao động trở nên nhàm chán” không phải “Làm thế nào để lao động không nhàm chán”. Cộng với xu hướng xã hội hiện tại thì việc tìm kiếm công việc vừa đủ để chi trả các chi phí sinh hoạt trong cuộc sống, vừa đem lại niềm vui giúp người lao động nhìn thấy giá trị bản thân mình trong công việc quả hiếm hoi chẳng khác gì cỏ bốn lá. Tất nhiên là vẫn mong rồi sẽ có lúc mọi người đều tìm được cây cỏ đấy.
Cuộc đời là thứ mà ai cũng có chỉ khác biệt là nó có ý nghĩa, nó giá trị hay nó thừa thải vô nghĩa mà thôi.