Đọc một người đọc Nguyễn Tuân
Trong số những người viết phê bình văn chương Nguyễn Tuân mà tôi từng đọc, chỉ có duy nhất một người mà phát hiện của họ làm tôi cảm...
Trong số những người viết phê bình văn chương Nguyễn Tuân mà tôi từng đọc, chỉ có duy nhất một người mà phát hiện của họ làm tôi cảm thấy kinh ngạc, đó là Nhị Linh (Cao Việt Dũng).
Blog Nhị Linh ra đời từ 2009, nhưng post đầu tiên để tag nguyen-tuan là vào năm 2011, đại khái nói về việc tìm lại Chùa đàn, tác phẩm rất quan trọng của Nguyễn Tuân, để đọc, qua đó nói kháy một chút về vai trò của Nguyễn Đăng Mạnh trong việc phục hồi các tác phẩm tiền chiến của Nguyễn Tuân. Như ta cũng biết, Nguyễn Đăng Mạnh là người đã được nhà xuất bản Văn học năm 1980 mời để làm Tuyển tập Nguyễn Tuân. Nhưng trong tuyển tập này không có Chùa đàn. Việc này cũng được Nguyễn Đăng Mạnh ghi trong hồi ký của mình (mà trong đó có rất nhiều tình tiết hay ho về Nguyễn Tuân). Rốt lại thì, có lẽ theo Nhị Linh, Nguyễn Đăng Mạnh chẳng đóng một vai trò gì đáng kể trong việc đánh giá Nguyễn Tuân, mặc dù ông được xem là một trong những “chuyên gia” về Nguyễn Tuân.
Đến tận 2 năm sau, Nhị Linh mới viết bài thứ hai để tag nguyen-tuan, trong đó đơn giản chỉ nói rằng mình đã tìm thấy một cuốn Chùa đàn, bản in của NXB Đồ Chiểu, năm 1968. Đây có vẻ là một fact đơn thuần, nhưng nó lại có nhiều điều đáng nói. Như ta cũng biết, Chùa đàn được nhà xuất bản Quốc Văn xuất bản lần đầu ở Hà Nội vào ngày 5/8/1946 (Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ, 1970), và từ sau ngày 19/12/1946, hình như không còn một lần in nào khác ở miền Bắc, cho đến tận lúc Nguyễn Đăng Mạnh làm tuyển tập cũng không. Vậy thì có thể cuốn Chùa đàn của năm 1968 này ra đời ở miền Nam. Trên thực tế, các tác phẩm tiền chiến của Nguyễn Tuân, sau năm 1946, vẫn được in lại ở miền Nam. Hoàng Hải Thủy, trong bài viết Đọc Chùa đàn xem Mê Thảo trên blog của mình cũng viết là những tác phẩm của Nguyễn Tuân “được in lại ở Sài Gòn những năm 1957, 1958. Chùa đàn được một số người viết truyện ở Sài Gòn những năm ấy coi là tuyệt phẩm, tức là truyện hay nhất của Nguyễn Tuân”. Như vậy, kể từ năm 1946, Nguyễn Tuân của tiền chiến đã biến mất và mất một thời gian rất lâu sau mới trở lại.
Lại mất thêm 1 năm nữa, Nhị Linh mới viết tiếp bài thứ ba về Nguyễn Tuân, Nguyễn Tuân: Văn chương của đứt đoạn. Bài viết này đã bắt đầu hé lộ một phần nhìn nhận của Nhị Linh về Nguyễn Tuân:
sự đứt đoạn của cả một lịch sử, cái thời kỳ đứt đoạn thảm khốc như vực thẳm ấy đã tìm đúng đến Nguyễn Tuân mà ụp xuống, chính Nguyễn Tuân chứ không ai khác, và vực thẳm ấy kín đáo đến nỗi suốt hàng thập kỷ sau đó Nguyễn Tuân chỉ được nhìn nhận như một người ngông nghênh, một người tỉ mẩn đẽo gọt chữ nghĩa, nhưng cái lớn lao của Nguyễn Tuân nằm ở mức độ sâu của vực thẳm kia, một con người chứa đựng trong mình cả vực thẳm.(...)quá vãng vàng son tắc tị, gỉ sét, đóng cặn ở những thân phận con người lẽ ra có thể hào hùng cái thế, nơi vực sâu mà ít người thực sự dám thả mình vào cho ám khói từ trong ra ngoài và nhờn nhợt muôn đời thứ phấn hương thập thành đến hồi phôi phai không thể hồi phục.
Trước hết, Nguyễn Tuân là người đã chứng kiến sự sụp đổ của một thời kỳ phong kiến Việt Nam, mà những cái đẹp của thời kỳ đó được ông ghi lại trong Vang bóng một thời. Nhưng như vậy thì sao?
Sau này, trong một bài viết khác Nhị Linh có nói thêm về việc tại sao Nguyễn Tuân lại chọn ở lại miền Bắc. Theo Nhị Linh, là để “nhìn”, tức chứng kiến.
Nhà văn Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng, trong bút ký Bác Nguyễn, có viết:
"Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, chắc không?"Nguyễn Tuân khề khà:"Chắc quá đi chứ lị. Cái trận gọi là Điện Biên Phủ trên không ấy, loa gọi dân sơ tán. Đi, đi đi, nó bom thế này ở lại thì chết. Mình bảo mình, sống thế này đủ quá rồi, đi là phải bỏ những thói hư tật xấu ở lại, như một rượu, như một chè… và còn cái món thứ ba (giọng hóm) thì thôi, quen nhịn mất rồi (cười), cho nên mình ở lại. Cứ báo động là mình leo lên nóc nhà trên cao, ôm chai rượu, ngất ngưởng ngắm thành phố đang tối om bỗng sáng lòa, đạn phòng không như pháo bông xanh lè, đỏ rực, thi nhau chớp lên nhoang nhoáng, chạy đuổi nhau như chửng giỡn thành những vệt quanh co ngoằn ngoèo định mệnh. Trời Hà Nội lúc ấy đẹp, đẹp vô cùng.""Thế bác không sợ gì cho thân bác, không nghĩ đến cái chết đang tràn ngập 36 phố phường, B52 chứ có phải chơi đâu, lại nghe có cả bom bi khi nổ bắn ra hàng chục ngàn mảnh.""Ôi dào, mặc nó, chuyện nó nổ cứ nổ, chuyện mình ngồi ngắm nó cứ ngắm, duyên phận mà đến thì gặp nhau. Ấy thế mà khi nghe cái đài mình kè kè ở bên cạnh báo bom rơi vào Khâm Thiên thì mình nhói lòng buốt ruột, nhắm mắt lại, và mình nghe tiếng hát của cô Diệp, bà Kim hát những bài hát ả đào một thời xa xưa. Lạ thật, mình tự hỏi, sao lại đau những cái đã không còn mà dửng dưng trước bao nhiêu điều đang bị hủy hoại đi. Mất và còn. Những điều đáng mất, những điều đáng còn? Ôi chao, sao mà phức tạp đến vậy. Lúc đó, thèm một quả bom rơi ngay vào đầu để khỏi bắt nó nghĩ thêm những điều rối như tơ vò…"
Thứ hai, "văn chương Nguyễn Tuân của năm 1941 không có ái tình cũng không có niềm vui", như “minh chứng một cách buồn bã rằng chẳng gì là cần thiết hết”.
không có ánh mắt nào dõi ra bên ngoài, cả ở chuyến đi Hương Cảng cũng là nhì nhùng lặn ngụp của cõi vực thẳm bên trong, mọi thứ có sẵn ở đó chứ không cần giơ tay với ra, tiếng cười nào cũng thảm khốc và thứ trò diễn nào cũng cay đắng buồn.
Mất một năm sau nữa, Nhị Linh mới hé lộ sự sắp xếp vị trí Nguyễn Tuân của mình, nhưng thông qua một bài về Khái Hưng. Từ tên blog là Nhị Linh, ta cũng có thể đoán đại khái rằng nhà phê bình này đánh giá rất cao Khái Hưng. Và chính xác là vậy:
Trước hết Khái Hưng là tiểu thuyết gia chưa từng có, tất nhiên chưa từng có tính từ trước Khái Hưng cho tới Khái Hưng, nhưng tôi ngờ là còn hơn thế, kể từ Khái Hưng, Việt Nam cũng chưa từng có một tiểu thuyết gia nào ngang tầm.
Khái Hưng, trong nhìn nhận của Nhị Linh, đã ở mức độ như thế. Vậy mà, Nhị Linh còn nói thêm rằng Khái Hưng là “người duy nhất có thể đứng cạnh Nguyễn Tuân về sự nghiệp văn chương”. Đồng nghĩa với việc Nguyễn Tuân được xếp ngang hàng với Khái Hưng, là một trong hai nhà văn lớn nhất của văn chương Việt Nam.
Những bài viết sau đó, Nhị Linh bắt đầu bàn kỹ hơn về mối quan hệ giữa Khái Hưng và Nguyễn Tuân. Đầu tiên, Nhị Linh công bố một truyện ngắn của Nguyễn Tuân tên là Kèn rừng tù, được viết trong quãng 1945-1946. Bối cảnh truyện là cảnh đi đày ở Vụ Bản, Hòa Bình.
Chúng ta đều biết năm 1941, Nguyễn Tuân bị Pháp bắt đi căn ở Vụ Bản. Vũ Bằng thì nói là do làm báo Văn hóa với Phùng Bảo Thạch, Tô Hoài thì phủ nhận điều đó. Và cũng trong năm này, Khái Hưng và Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long cũng bị bắt đi Vụ Bản. Liệu rằng có tiếp xúc nào giữa Khái Hưng và Nguyễn Tuân trong giai đoạn này?
Sau khi đi tù về, Nguyễn Tuân đã viết các truyện mà sau được in trong tập Nguyễn. Chính đây là lúc mà trong Nguyễn Tuân bắt đầu nảy sinh những suy nghĩ về “lột xác”. Không chỉ sống cho mình nữa, mà Nguyễn Tuân đã bắt đầu muốn xây nhà, muốn nhận lấy một trách nhiệm. Nói cách khác, đó là Nguyễn Tuân lựa chọn đi theo cách mạng thay vì chỉ sống đời sống của một thằng Nguyễn của trụy lạc. Việc này khiến ông Nguyên bà Thống bạn ông (bố mẹ nuôi của nhà văn Nam Dao, cả hai đều vào Nam hình như trước năm 1954) khá buồn. Sự lựa chọn này của Nguyễn Tuân rất có thể là một phản ứng trước thời cuộc, như Phan Ngọc nói, “cái đẹp tâm hồn, khí phách, cái lớn của cách mạng, tự nó đủ sức lôi cuốn mọi người Việt Nam vì dưới đáy lòng mỗi người Việt Nam đều có một Trần Bình Trọng”.
Còn Khái Hưng sau khi ra tù cũng cho in cuốn Băn khoăn, tức Thanh Đức. Cuốn sách này khiến Dương Nghiễm Mậu rất ngạc nhiên tự hỏi, tại sao ở cái thời điểm cao trào của cách mạng như thế mà Khái Hưng lại có thể viết một cuốn tiểu thuyết thuần túy như thế. Thực ra, Khái Hưng đã làm cách mạng ngay từ khi bắt đầu viết cho Phong Hóa. Các tiểu thuyết của Khái Hưng cũng như Tự Lực Văn Đoàn đều góp phần công kích chế độ phong kiến lạc hậu, trói buộc sự tự do của lớp thanh niên Tây học. Nhưng Băn khoăn lại là một câu hỏi về mục đích của tồn tại, về ý nghĩa của cuộc đời.
Thật kỳ lạ là, trong khi một con người rất nihilist, hay chính xác hơn, là một người theo đuổi đời sống của những cảm xúc và khoái lạc (nói như Kierkegaard’s sphere of existence là chọn lấy aesthetic life thay vì ethical life và religious life) lại chọn lấy một công cuộc để “chuyển hóa” và “lột xác”. Thì một nhà văn cách mạng như Khái Hưng lại viết về sự vô nghĩa của tồn tại. Văn chương của cả hai đều bắt đầu chuyển hóa trong quãng 1941-1945.
Vậy đến 1945 thì sao? Sau cách mạng tháng 8, Khái Hưng làm gì? Khái Hưng đang làm báo. Ta biết rằng Khái Hưng dự phần vào rất nhiều tờ báo đối lập lại với các tờ báo của Việt Minh. Trong đó có thể kể đến Chính Nghĩa và Việt Nam, tiếng nói của Việt Nam Quốc dân đảng. Trong hồi ký của mình, Phạm Duy kể về các cuộc diễn thuyết chống Việt Minh diễn ra tại số 80 Quán Thánh.
Còn Nguyễn Tuân thì sao? Ta biết rằng, qua lời kể của Hồ Hữu Tường, trước cách mạng tháng 8, Nguyễn Tuân hãy còn cùng với Nguyễn Xuân Khoát, Tô Ngọc Vân, Tú Mỡ, Đoàn Phú Tứ, Phan Khôi, Thế Lữ, Khái Hưng và Hồ Hữu Tường thức trắng những đêm văn nghệ hàn huyên, được Trần Thiếu Bảo, giám đốc nhà sách Minh Đức, tổ chức.
Vậy còn sau cách mạng tháng 8 thì sao? Trong bài Nhìn rõ sai lầm, đăng trên báo Văn Nghệ năm 1953, Nguyễn Tuân viết:
Có thể nói rằng tôi vẫn còn kéo dài cái sống phiêu lưu ngay cả sau thời kỳ Cách mạng tháng Tám đã thành công rồi, và sự cải tạo tư tưởng của tôi chỉ mới bắt đầu có từ ngày Kháng chiến. Cuộc đấu tranh võ trang khắp nước đã cho tôi những điều kiện khách quan và chủ quan để dần dần nắn uốn lại một các nhân sinh quan đồi bại ở trong tôi, cụ thể là giải quyết bước đầu cho tôi về các mặt tư tưởng hoài nghi.
Nói cách khác, Nguyễn Tuân chỉ thực sự theo Việt Minh sau cái đêm ngày 19/12/1946.
Nhưng chính trong quãng 1945 và 1946 này, cả Nguyễn Tuân lẫn Khái Hưng đều “cùng lên đến đỉnh cao vào chính năm 1946, như thể năm 1945 thúc đẩy họ đi nốt chặng đường cuối”. Nguyễn Tuân viết Kèn rừng tù và Chùa đàn, còn Khái Hưng viết những truyện ngắn và kịch và sau này được nhà xuất bản Phượng Hoàng ở Sài Gòn in lại thành tập Lời nguyền (1966).
Thật trùng hợp khi trong các sáng tác của hai nhà văn trong quãng này đều trở về với những ký ức những ngày đi cải tạo ở Vụ Bản năm 1941, với các ấn tượng về việc đi đày, về cảnh sống của người Mường, thuốc phiện và hổ.
maybe sẽ tiếp tục viết bài này
19.09.20
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất