Mình xác định những người sẽ thấy blog Quảcầu.com hay là những người (1) nghiêm túc với việc tuân thủ logic, và (2) nghiêm túc với việc đặt mình vào vị trí người khác.
Hãy nói về điều số 2 trước. Khi bạn đặt mình vào vị trí người khác, bạn cần tạm gác lại nhu cầu của bản thân và để cho nhu cầu của họ dẫn dắt suy nghĩ của mình. Nhưng gác lại nhu cầu bản thân không có nghĩa là những nhu cầu của bạn biến mất. Và để cho nhu cầu của họ dẫn dắt không có nghĩa là nó lúc nào cũng hợp lý. Khi nhu cầu của bạn vẫn còn đó, hoặc khi nhu cầu của họ chưa hợp lý, thì bạn sẽ lâm vào một sự bối rối khi không biết phải làm gì cho phải.
Bây giờ hãy nói về điều số 1. Vì bạn biết cho rằng mình đúng là nguy hiểm, bạn sẽ luôn cẩn trọng và luôn giả sử mình đang sai. Nhưng khi bạn nhai đi nhai lại những gì mình nghĩ, bạn sẽ thấy một hiện tượng lạ: những gì mình đã từng nghĩ sẽ được khoác lên một cách diễn đạt mới. Chính sự biến đổi đó vừa là cách để ta thoát ra khỏi vấn đề, vừa làm ta tiếp tục mắc kẹt trong đó. 

Tức là, nếu bạn nghiêm túc với hai điều trên, bạn sẽ tự nguyện dấn thân vào một mê cung của ý niệm. Mục tiêu của mình không gì khác là để giúp những ai dám bước vào mê cung đó bước ra nhanh hơn. Những bài viết của mình không có ý định cung cấp kiến thức hay nói về trải nghiệm cá nhân (mặc dù không có chúng thì cũng chẳng có gì để viết), mà để những ai có một cam kết mạnh mẽ với việc trở thành một người lý trí biết nghĩ cho người khác có thể làm được việc đó mà không quá gian lao.
Điều đó cũng có nghĩa là người đọc phải có sẵn trải nghiệm về nó thì mới hiểu được hết. Họ cần phải đã từng nghĩ về nó thì mới nhìn ra được sự liên kết giữa các câu. Ví dụ, khi đọc đoạn thơ sau, có thể có nhiều bạn sẽ thấy nó mơ hồ vô cùng:

Tiểu Cúc này, Tiểu Cúc của ta
Mùa thu nói điều gì rất lạ:
Lá đổ vàng trầm tư sắc lá
Mùa thu nói điều gì rất lạ:
Heo may qua không một chút tình cờ.
Con dế buồn hát một điệu bơ vơ
Dòng sông nhỏ bay về trời làm bão
Lão lang thang lạc nhịp bỗng quay đầu
Thấy cuộc đời vẫn hồn nhiên tấu nhạc.

Nhưng theo mình, đây là đoạn thơ điển hình nhất cho cách tư duy của tác giả, và nếu ai hiểu được sẽ thấy nó biến hóa vô cùng. Từng dòng thơ là một mảnh ký ức trong cuộc đời tác giả/Tiểu Cúc, và nó sẽ được đồng loạt kích hoạt khi tác giả/Tiểu Cúc có một cảm xúc nào đó. Ở đây mình không đi chi tiết, bạn nào muốn hiểu thêm về sự biến hóa đó có thể đọc bài Chuyện Tiểu Cúc.
Một ví dụ khác trong bài Con mắt lạnh như băng:

Nam đang suy nghĩ về Linh. Mối quan hệ của họ thật không lành mạnh chút nào, vì những gì cô nói đều làm cho anh lúc thì như ở trên mây, lúc thì như dưới địa ngục. Nam biết anh cần phải thoát khỏi tình trạng này, nhưng anh phải làm sao đây?

Với đối tượng độc giả mình hướng đến (người có hoàn cảnh tương tự như Nam), thì ngay khi câu "Nam đang suy nghĩ về Linh" được cất lên, trong đầu họ đã bật ngay lên thành "mối quan hệ của họ thật không lành mạnh chút nào". Họ làm được điều này trước cả khi họ đọc tới câu thứ hai. Và khi họ đọc tới câu thứ hai, thì ngay lập tức họ đã đoán được câu thứ ba là gì. Mắt họ vẫn còn đang ở câu này, nhưng tâm trí họ đã sẵn sàng cho câu sau.
Công việc của mình bây giờ chỉ là điểm lại những gì họ đã nhận ra, và nối những suy nghĩ rời rạc đó thành một hệ thống hoàn chỉnh. Cứ thế cứ thế, từng câu từng chữ như nói hộ những gì họ rất muốn nói mà không biết nói làm sao. Mọi lộn xộn dần trở nên ngăn nắp, và mọi mù mờ bỗng dưng sáng rõ. Khi đó, đầu họ sẽ trông như thế này:

Nếu bạn đã đọc nghiên cứu về góc nhìn của mình, phần writing, bạn sẽ thấy mỗi ý mà mình viết chính là một clearness, và nó sẽ kích hoạt một perspective trong đầu người đọc. Trên màn hình, những clearness như vậy sẽ tạo ra một movement, nhưng với độc giả, họ được đi từ góc nhìn này sang góc nhìn khác. Mình đã phải xây dựng hẳn một cơ sở lý thuyết cho cách viết thế này, và nhờ có nó mình mới có thể hiểu được tập thơ Dấu vết thiên di.

Nếu bạn không có sẵn trải nghiệm đó

Vì đối tượng của mình là những người đang có sự trăn trở đó, nên nếu bạn không có sẵn nó thì sẽ không quá khó hiểu nếu bạn thấy… khó hiểu. Tức là ngay từ đầu, mình đã chọn hy sinh cái hiểu của bạn cho những ai thật sự cần đến chúng.
Và không chỉ bạn sẽ không hiểu, mà tất cả những sắp xếp của mình sẽ bị đảo lộn hoàn toàn. Ví dụ như khi mình đang nhai đi nhai lại vấn đề ở nhiều cách diễn đạt khác nhau, bạn có thể sẽ thấy nó lòng vòng, lủng củng, lan man. Nhưng sự vật lộn đó là cần thiết để khi mình đưa ra một lập luận nào đó, mọi hệ quả có thể có của nó đã được xét đến. Không có nó bạn không thể phủ định bản thân một cách liên tục. Nó phản ánh tư duy của những người đang ở trong mê cung, những người nghiêm túc với việc tuân thủ logic và đặt mình vào vị trí người khác.
Ngoài ra bạn có thể thấy là mình đang giảng đạo, và trình bày quan điểm của mình như thể nó là sự thật hiển nhiên. Lý do là vì mình sẽ nhìn độc giả bằng con mắt lạnh như băng. Con mắt đó tuy là cách để giúp được người cần được giúp nhất, nhưng với người chưa sẵn sàng hoặc trăn trở nhiều chắc chắn sẽ làm họ thấy cao ngạo. Hơn nữa, để con mắt đó hoạt động hiệu quả, mình cần phải ở tư thế của một người nắm giữ chân lý (con mắt Foucault). Có như thế thì cả tác giả lẫn độc giả mới có thể hoàn toàn để logic dẫn đường mà không bị những thứ khác quấy nhiễu (cái tôi chẳng hạn). Bài Rắc rối của từ bi cũng có đề cập đến chuyện này.
Ở cương vị là tác giả, chỉ có viết như vậy mới làm mình cảm thấy đã. Không phải là mình không biết cách viết suông, mà là với mình cách viết thông thường nó cực kỳ lỏng lẻo và làm cho các ý thật đơn độc và lẻ loi ghê gớm. Nếu tác giả không ưng bài viết của mình, thì làm sao độc giả thấy đã được? 
Nhưng dù sao, mình cũng có nhận thấy ở đây một điều nguy hiểm. Đó là nếu mình có một cái cớ thuận tiện cho việc nói rằng bạn không hiểu là lỗi của bạn chứ không phải của mình, thì nếu mình thật sự viết rối rắm thì sẽ không ai có thể giúp mình nhận ra được điều đó. Nên mình vẫn rất mong các bạn phản hồi cho mình biết mình viết khó hiểu ở đâu. Biết đâu đó lại đúng là cái mình cần thay đổi?