Đọc bài báo khoa học như thế nào?
Câu chuyện thứ 1: Đến hẹn lại lên, khi những làn sóng "không tiêm chủng" (anti-vaccination) mỗi năm thêm rầm rộ, Youtube và Facebook...
Câu chuyện thứ 1:
Đến hẹn lại lên, khi những làn sóng "không tiêm chủng" (anti-vaccination) mỗi năm thêm rầm rộ, Youtube và Facebook bắt đầu chịu sức ép từ dư luận và buộc phải ra chính sách cấm các quảng cáo liên quan tới chiến dịch chống vaccine. Pinterest, trang thông tin bằng hình ảnh có khả năng tiếp cận 80% bà mẹ và 38% ông bố tại Mỹ theo thống kê năm 2017, còn mạnh tay hơn - xoá sạch mọi tìm kiếm liên quan tới từ khoá này (và các biến thể khác) (Theo New York Times - https://nyti.ms/2Nrvei0_
Trong khi đó tại Việt Nam, mình cũng vô tình đi ngang bài viết về chủ đề chống vaccine trên 1 blog có hơn 4000 lượt theo dõi. Bài viết đã có hơn 200 lượt like, 100 lượt share và 100 comment. Mô tả qua về nội dung status: Dịch lại một status khác của một bác sĩ tại Mỹ với tiêu đề "Lời thú tội của một bác sĩ về sự dối trá của ngành dược Mỹ về những vấn đề do vaccine gây ra cho trẻ em", kèm theo một câu chuyện cá nhân (trải nghiệm đưa con gái đi tiêm vaccine ở Sing và ở VN), và một số link + đoạn trích bằng chứng từ các nghiên cứu khác. Nhìn chung, quan điểm của bài viết là bày tỏ quan ngại về sự an toàn của vaccine và khuyên mọi người nên tìm hiểu kỹ trước khi đưa con đi tiêm, lựa chọn thuốc và địa điểm tiêm.
Sau khi đọc hết cả bài post và các comment, mình rút ra được mấy điều:
- Giỏi Tiếng Anh không có nghĩa là đọc được bài báo khoa học viết bằng Tiếng Anh.
- Hiểu về phương pháp nghiên cứu, đọc được số p-value không có nghĩa là hiểu được kết quả của nghiên cứu.
- Trích dẫn kết luận của nghiên cứu để ủng hộ cho quan điểm của mình, nhưng tách rời kết luận khỏi bối cảnh thực hiện nghiên cứu dẫn đến những hiểu sai đáng kể về kết luận đó, thì cũng không thể gọi là xác đáng.
- Nếu như background của người viết không phải là làm nghiên cứu nói chung, hoặc không được đào tạo, làm nghiên cứu, hay có kinh nghiệm trong ngành hẹp của chủ đề được bàn tới, thì bài viết rất có thể gặp phải một số (hoặc tất cả) các vấn đề trên. Ở bài post mình đọc đưa ra rất nhiều link bài báo dẫn chứng, nhưng tác giả đánh giá các kết luận đó là đáng tin chỉ bằng cách soi chiếu lên 1 trường hợp cụ thể (của con gái mình) và rất có thể, tác giả chỉ lựa chọn kể ra những bài báo có kết luận ủng hộ quan điểm của mình nhưng bỏ qua tất cả các bằng chứng ngược lại.
(Nguyên văn bài viết: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10218854057606469&set=a.10208146015832117&type=3&theater)
Thật ra, dù đã có tìm hiểu từ trước, nhưng đọc bài ở trên kia mình cũng thấy rối lắm. Mình đoán phần lớn người đọc cũng sẽ phải bỏ qua những đoạn rất chi tiết về thành phần vaccine, hệ miễn dịch hoạt động ra sao, cái gì nghe xuôi xuôi thì gật còn không hiểu lắm thì cũng đành chịu. Cũng có một số comment chỉ ra những điểm lập luận không chặt chẽ, chỉ ra các nghiên cứu chưa được update ra sao. Mình chưa có con, nhưng trong nhà có cháu nhỏ, cũng thấy có chút ít lo lắng trong lòng, nữa là các bố mẹ. Tuy bài báo không khẳng định việc "tiêm chủng là nguy hiểm," mà chỉ kêu gọi mọi người cân nhắc thêm, mình nghĩ khả năng cao là những người theo dõi bài viết, vì đã tin tưởng nguồn tin này từ trước, sẽ không có động lực hoặc không có khả năng tìm kiếm các bằng chứng để phản biện, đừng nói tới việc đưa ra quyết định dựa trên việc "tìm hiểu" đó. Thêm vào đó, những thông tin mang tính chất "gây sợ hãi" như thế này thường thu hút sự chú ý của chúng ta nhiều hơn các thông tin vui vẻ và tích cực, vì thế sức lan toả của chúng lại càng nhanh --> nhiều người đọc được và tin theo, làm theo.
Đọc thêm:
Câu chuyện thứ 2:
Cách đây mấy ngày, mình tham gia một buổi chia sẻ khoa học - một luận văn tiến sĩ về những thiên kiến (bias) có thể có trong việc sử dụng các test đánh giá trí thông minh/khả năng học tập đối với các nhóm có hoàn cảnh đa dạng (diverse groups). Mình rất ấn tượng với chia sẻ của người khách mời về việc tại sao anh lại chọn đề tài này: "Chúng ta rất khó để thay đổi những định kiến trong xã hội, những định kiến (phân biệt chủng tộc) đã ăn sâu, nhưng cái chúng ta có thể bắt đầu với việc tạo ra những công cụ đánh giá chính xác, công tâm." Đó cũng là một phần lý do vì sao trong nghiên cứu này anh phải dùng đến những mô hình toán/thống kê khá phức tạp (thực ra là rất phức tạp với những ai chưa có tìm hiểu trước), lại trình bày bằng Tiếng Anh và thông qua phiên dịch nên càng khó hiểu. Khi chỉ còn một vài slides nữa là xong phần Kết quả và chuẩn bị sang Kết luận, một người tham dự giơ tay có ý kiến, đại ý là trong số khán giả ở đây không ai hiểu, quan tâm hay có thời gian nghe số liệu phức tạp, quan trọng là cái kết luận ra làm sao. Trong phần hỏi đáp, tiếp tục là những câu hỏi về phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng tại Mỹ, về nguyên nhân, về tại sao không có gì tiến triển, vv... đều là những câu hỏi rất hay để thảo luận, nhưng có lẽ nên là câu hỏi với một diễn giả khác, trong một seminar khác.
//
Hai câu chuyện xảy ra trong cùng một tuần, làm mình thực sự bối rối. Cũng giống như tác giả của bài blog về vaccine, người bạn tham gia hội thảo không thực sự quan tâm tới việc một nghiên cứu được thực hiện trong bối cảnh nào, kết quả ra làm sao và nên diễn giải kết quả đó như thế nào. Là những nguời tâm huyết với các vấn đề về bất bình đẳng, giáo dục, y tế, họ có những cách giải thích về chúng và chỉ đi tìm những bằng chứng sao cho vừa vặn với những gì họ đã nghĩ/biết trước. Một mặt, rõ ràng không ai có thể biết và trở thành chuyên gia trong mọi thứ, hiểu rõ và hiểu sâu gốc gác mọi vấn đề. Thực tế, khi ai đó nỗ lực đi tìm kiếm bằng chứng từ các nghiên cứu khoa học để phân tích và hiểu về một vấn đề, đã là một điều đáng trân trọng. Nhờ có Internet thì bây giờ mọi nguời đều dễ dàng tiếp cận các thông tin, cập nhật nghiên cứu, thậm chí tìm đọc và dẫn link bài viết gốc. Mặt khác, rất có thể cụm từ "khoa học đã chứng minh rằng..." sẽ trở thành lá chắn, là công cụ để người ta phổ biến, dưới danh nghĩa khoa học, những quan điểm cá nhân mà dù cố tình hay vô tình đều có thể để lại những tác động không lường trước được tới người đọc.
Nhà khoa học là người hiểu rõ nhất nghiên cứu của mình có phạm vi áp dụng tới đâu và hạn chế như thế nào, nhưng công chúng luôn cần một kết quả ngắn gọn, dễ hiểu, và càng ứng dụng rộng vào giải quyết được nhiều vấn đề, nhiều hoàn cảnh, cho nhiều người thì càng tốt. Giống như mỗi câu chuyện “việc tốt" luôn cần xướng tên một người anh hùng để ngợi ca, hay một sự việc diễn biến phức tạp chỉ cần chỉ ra một “kẻ phản diện" để dồn trách nhiệm. Truyền thông thay vì mở đầu bài viết bằng "Có bằng chứng cho thấy có mỗi liên hệ giữa ABC và XYZ", thì cũng có thể lựa chọn cách đơn giản hơn, "Các nghiên cứu đã chỉ ra ABC gây ra XYZ". Ai cẩn thận hơn thì thêm dấu chấm hỏi vào cuối câu để cho gây cấn đã, vào thân bài giải thích kỹ sau, mà nếu cần thì tới cuối bài sẽ bảo "Thật ra không phải vậy!" cũng được. Cách đưa tin tuỳ tiện như vậy, dù là do cố tình để câu view hay do thiếu kiến thức, rất tiếc lại là rất phổ biến (1). Dù sao, nhà báo cũng có cái thẻ hành nghề để mà phải chịu trách nhiệm với những gì mình viết ra. Còn những người viết blog, KOL, hay làm truyền thông về các vấn đề xã hội, đôi khi vì thiện chí đặt lên trước, muốn phổ biến những góc nhìn mới, tạo ra thay đổi, nhưng lại không biết rằng mình không biết. Cùng lúc đó, người đọc lại cũng được kêu gọi trở nên thông thái hơn để có thể tự kiểm chứng thông tin từ các nhà khoa học, các nhà báo, và các nhà bloggers...
... và thật ra, mình cũng không biết là nên làm sao.
(1) Bổ sung thêm ngày 21/09/2019.
----
"Cuộc đời nếu không có ta..." Nếu không có ta, chắc cuộc đời đã tàn lụi rồi nhỉ. Nhưng mà Nguyên Hưng ơi trong những năm ở Phương Bối và chính ngay bây giờ nữa, cuộc đời đã tàn rụi đâu. Cuộc đời còn đó, kiên nhẫn chờ đợi mà. Chỉ sợ những người muốn làm dũng sĩ không chờ đợi được chính mình mà thôi.”
Trích Nẻo về của Ý (Thích Nhất Hạnh)
Đọc thêm:
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất