Phan Hồn Nhiên sinh năm 1972 ở Hà Nội, trong một gia đình có ba là kỹ sư nông nghiệp, còn mẹ là là bác sĩ thú y. Lên 5 tuổi, chị vào Sài Gòn sống đến nay.
Chị tốt nghiệp trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn và sau đó là bằng cử nhân tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội vào năm 1999. Sau đó, chị trở thành nhà báo, quản lý biên tập viên tại Tạp chí Sinh viên Việt Nam. Hai trong số các cuốn sách của chị đã được chuyển thể thành những bộ phim truyền hình.
Phan Hồn Nhiên bắt đầu viết sách từ năm 1992. Tài năng của nhà văn Phan Hồn Nhiên nhanh chóng bộc lộ sau khi chị giành vị trí thứ hai trong cuộc thi nhà văn trẻ được tổ chức bởi báo Hoa Học Trò. Năm 2009, chị đã được trao giải thưởng của Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cho tập truyện ngắn Cánh trái. Năm 2011, chị giành giải thưởng Sách Quốc gia cho cuốn sách Xúc cảm nguy hiểm và cũng trong năm đó, chị đã tham gia Chương trình Viết văn quốc tế tại Iowa, Mỹ.

Những đặc trưng trong văn phong

Hầu hết những người có biết đến Phan Hồn Nhiên, khi được tôi hỏi họ nghĩ gì về nhà văn này, đều chép miệng bảo văn phong xa lạ, không hợp “khẩu vị”. Thật kỳ lạ là trong số những nhà văn đương đại, chính Phan Hồn Nhiên lại là người khiến tôi cảm thấy thích thú, gần gũi nhất khi đọc. Sự nghịch lý này có lẽ bắt nguồn từ chính những đặc trưng thú vị trong cách viết của Phan Hồn Nhiên.
Đặc trưng thứ nhất phải kể đến đó lối dùng từ đặt câu bị ảnh hưởng bởi ngữ pháp tiếng Anh. Tuy có lẽ đã nhận được nhiều phê bình từ độc giả về vấn đề này, lối viết “kì quặc” này của Phan Hồn Nhiên vẫn rất nhất quán xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của chị. Có người thậm chí đi đến giữa trang viết còn tưởng mình đang đọc sách dịch. Điều này hiển nhiên xa lạ với phần đông đọc giả Việt Nam, nhưng có lẽ sẽ dễ cảm với những ai có sử dụng tiếng Anh. Tôi nghĩ nếu dịch Phan Hồn Nhiên sang tiếng Anh sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với dịch Nguyễn Ngọc Tư hay Nguyễn Nhật Ánh. Điều này theo tôi có lẽ xuất phát từ vì thói quen đọc ngoại văn của tác giả. Nhưng nghĩ đó cũng là mong muốn của chị, vì nó hỗ trợ đắc lực cho đặc trưng thứ hai.
Đặc trưng thứ hai trong cách viết của Phan Hồn Nhiên là bối cảnh truyện. Bối cảnh truyện Phan Hồn Nhiên, không gian nơi các nhân vật sống và diễn ngôn, tuy hầu như đều chứa những thành tố điển hình ở mọi thành thị trên trái đất – siêu thị, xe buýt, cao ốc, đường phố, chung cư, ngoại ô, khu mua sắm… nhưng đồng thời nó lại không có một đặc trưng cụ thể của một vị trí địa lý nào cả. Dường như tác giả muốn phá bỏ mọi giới hạn về địa lý, muốn dùng những sắp đặt mang tính toàn cầu để nói lên một thông điệp vượt ra khỏi bờ cõi địa phương, quốc gia, một thông điệp cho loài người nói chung. Và chính cái lối dùng từ đặt câu đậm chất ngoại văn nói trên đã hỗ trợ đắc lực cho việc thiết lập không gian ảo này.
Đặc trưng thứ ba (tạm gọi) là tính điện ảnh. Văn của Phan Hồn Nhiên rất chú trọng khoảnh khắc, giống kiểu “truyện không có truyện” của Thạch Lam. Kể cả những tác phẩm viết ở ngôi thứ nhất, thế giới nội tâm của nhân vật cũng chỉ được thể hiện qua hành động và lời thoại nhân vật hơn là qua độc thoại nội tâm. Tình cảnh nhân vật cũng được giản lược thành những câu văn súc tích, giàu tính triết lý để nhường chỗ cho những miêu tả chi tiết về bối cảnh và con người. Chính những đặc điểm rất giống với loại thể “kịch bản” này khiến cho tác phẩm rất dễ chuyển thể thành phim. Chính vì Phan Hồn Nhiên từng học ở trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và làm Thiết kế nên đặc trưng này tồn tại trong cách viết của chị cũng là điều dễ hiểu.

Lăng kính nghệ thuật

Phan Hồn Nhiên từng nói trong một bài phỏng vấn “tôi có hai dòng viết riêng biệt, một dành cho độc giả trưởng thành và một dành cho độc giả trẻ. Với nhóm đầu tiên, tôi chọn đề tài liên quan mật thiết đến bản thân mình vào thời điểm viết. Với nhóm thứ hai, tôi ưu tiên một số đề tài về sự thay đổi cái nhìn, chuyển biến trong đời sống tinh thần của người trẻ trong quá trình lựa chọn sống và trưởng thành.”
Dòng viết dành cho độc giả trẻ mà Phan Hồn Nhiên muốn nói tới có lẽ là những bộ tiểu thuyết kì ảo như Máu hiếm, Luật chơi, Hiện thân hay Chuỗi hạt Azoth và các tập truyện ngắn như Xúc cảm nguy hiểm (2010), Bưu thiếp của rừng (2015) hoặc Hồi phục (2015). Tuy nhiên, ở đây tôi muốn tập trung vào dòng viết dành cho độc giả trưởng thành – dòng viết mà nhà văn cho là liên quan mật thiết với bản thân mình – để nói về cách tác giả nhìn cuộc sống, với hai đơn cử là tập truyện ngắn Cánh trái (2009) và tiểu thuyết Ngựa thép (2014).
Cánh trái kể về Vinh – một kiến trúc sư trẻ tự do nhưng cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời (như cánh lông vũ của một con chim bồ câu trôi nổi vô định trong phim Forrest Gump). Minh trọ trong một căn hộ mà chủ nhà là một bà cụ xa lạ - người đồng ý sẽ để lại căn hộ cho Vinh miễn là anh ở cạnh bà ta những năm tháng cuối cùng của cuộc đời bà. Vinh ở cánh phải, bà cụ ở cánh trái. Tuy sống chung nhà, họ hầu như chỉ cảm nhận được sự tồn tại của nhau qua những âm thanh của vật dụng sinh hoạt. Thế rồi Hoan – cô bạn gái muốn chọn Vinh làm người cùng thực hiện những bước tiếp theo của kế hoạch cuộc sống: chung sống, cùng già đi –  chuyển đến sống cùng anh trong căn hộ. Những xung đột ngấm ngầm diễn ra. Phần sống của Vinh và Hoan va chạm với phần sống của bà cụ. Rồi cuối cùng căn hộ cũng thuộc về họ, nhưng cái cảm thức về sự lạc lõng và vô định của Vinh càng trở nên sâu sắc hơn và không thể tan biến.
Ngựa thép là một tiểu thuyết gồm ba phần. Phần 1 – Cơ thể ghi chép lại ký ức của một gia đình gồm người chồng tên Bách, người vợ tên Anna, người con là Sơn và cô em gái của Anna, Anne. Đó là một ký ức đầy những yêu thương lẫn căm hận. Cho đến khi một sự cố diễn ra: Sơn sắp chết vì ung thư phổi, các thành viên trong gia đình ấy đều có những chuyển biến phức tạp trong tâm tưởng và cảm nhận rõ ràng hơn giá trị gia đình. Phần 2 – Bên bờ biến viết về cuộc tái ngộ của hai an hem sinh đôi sống xa nhau nhiều năm. Người anh là một doanh nhân thành đạt, sống nguyên tắc và luôn cẩn trọng. Trái lại, người em luôn phiêu lưu, mạo hiểm và làm mọi việc một cách ngẫu hứng. Trong cuộc tái ngộ ấy, họ chia sẻ với nhau những suy nghĩ về gia đình cất giữ đã lâu trong lòng. Phần 3 – Pelikan lại là câu chuyện về một nữ thiết kế đồ họa gặp tai nạn và bị mất một phần trí nhớ lẫn vốn ngôn ngữ mà cô tích góp sau bao năm sống. Số phận run rủi cô tìm đến nhà ngôn nữa trẻ S. để xây dựng lại kho ngôn từ của mình. Giáo trình S. chọn là một tiểu thuyết tên Pelikan, cũng là tên nhân vật chính trong tiểu thuyết ấy – một người đầu bếp. Mỗi buổi học, cả hai người cùng tìm hiểu một ít về cuộc đời của Pelikan, đồng thời cũng là một phần cuộc sống họ phải đối mặt hàng ngày.
Những tóm lược trên cũng đủ cho ta thấy vấn đề mà các tác phẩm của Phan Hồn Nhiên đặt ra chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi các ý niệm về sự mông lung, vô định của kiếp người trong xã hội hiện đại và sự xa cách giữa người với người trong những mối liên kết tưởng chừng bền chặt. Chính điều này cũng nhiều lần được Phan Hồn Nhiên nhắc tới trong các lần trả lời phỏng vấn của mình.

Kết

Là người viết, hẳn ai cũng muốn có được một tác phẩm mà giá trị của nó “vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn”. Sự khai mở mọi ranh giới trong cả thể nghiệm sáng tác lẫn đề tài nên là tôn chỉ của nhà văn, nhất là trong thời buổi văn hóa đọc đang trên đà khởi sắc. Phan Hồn Nhiên là một trong số ít những người viết ý thức được và không ngừng nỗ lực theo đuổi tôn chỉ ấy.

Tháng 4. 2017
Đọc Phan Hồn Nhiên, tôi tự dưng lại cứ liên tưởng đến tranh của Edward Hopper.