Cái tựa "Phàm Nhân Tu Tiên" hấp dẫn sự tò mò của tôi. Bởi vì trong thời điểm đó tôi đang đọc một số sách "Văn học của sự thành công", kiểu như "From Good to Great - Từ Tốt đến Vĩ Đại", "Build to Last - Xây Dựng để Trường Tồn", "Nghĩ như một triệu phú"...v...v. Nó gợi lên một tư tưởng đồng điệu với câu "Không ai sinh ra đã là vĩ đại, vậy làm sao để trở thành vĩ đại".
Sẽ có rất nhiều người ngay lập tức cười khẩy rằng : "Thôi quên đi, đừng suy nghĩ viễn vông nữa. Hãy biết đủ và sống thật với bản thân mình." Nhưng thật ra thế nào là biết cho đủ ? Bởi vì tôi biết một trường hợp thực tế ngay tại Việt Nam, ngay tại thời đại này, một "người đương thời" sinh ra trong một gia đình đông con, cha mất sớm, ước mơ đầu tiên tưởng chừng là duy nhất là được vào đại học danh tiếng. Sau khi vào được đại học, người ấy mong muốn trở thành một người nhân viên thật giỏi nghề. Sau khi thật giỏi nghề, thì muốn được làm một ông chủ nhỏ. Sau khi là ông chủ nhỏ, người ấy lại muốn trở thành doanh nhân hàng đầu đất nước. Và bây giờ, ước mơ tiếp theo của người đó là có tên trên bảng xếp hạng doanh nhân thế giới.
Trái với những triết lý đời thường là "làm người phải biết đủ". Những người vĩ đại cũng lắm khi xuất thân tầm thường với một khả năng bình thường, nhưng ở họ luôn có một ý nghĩ gần giống nhau : "Không bao giờ biết đủ !". Điểm khác nhau giữa họ và những kẻ thất bại là : Họ luôn cần mẫn, chăm chỉ, làm việc gấp nhiều lần người khác và song song đó luôn suy nghĩ, tìm tòi đến một con đường ngắn, vững chắc để phát triển lên tầm cao mới. Một mô típ dễ hiểu, khá cũ nhưng được các nhà Thành Công Học áp dụng.
Tuy nhiên, trước khi đọc truyện này, tôi đã kịp thời quay trở lại mặt đất và xác định đây là một tác phẩm thuộc thể loại văn học mạng. Và vì thế nên khi đọc sẽ ít trông chờ vào tính nghệ thuật mà đặt nặng tính giải trí nhiều hơn.
Chủ đề tu tiên bị khá nhiều người cho là vớ vẩn, xạo, mất thời gian vô ích. Văn học là nơi không giới hạn trí tượng tưởng và khi đọc để giải trí thì thiết nghĩ càng không nên quá khắt khe chuyện đó. Đã có một tác phẩm xưa như Phong Thần ẩn chứa khá nhiều nét văn hóa, lịch sử, tôn giáo, triết lý nhân sinh trong đó. Đã có một Tru Tiên khá thành công với câu chuyện hào hùng, lãng mạn, bi thương. Thì một "Phàm Nhân Tu Tiên" cũng nên có một vị trí nào đó trong lòng những người yêu thích thể loại này.
Nhân vật chính của chúng ta, Hàn Lập, là một người bình thường. Trước cánh cửa tiến thân đầu tiên của cuộc đời, cậu bé của chúng ta đã...rớt ! Sau đó liền được chọn làm "vật thí nghiệm" mà hậu quả rất có thể là....bị mất đi linh hồn. Trong cái may mắn tạm thời, vì được sống ở nơi thật sự thuận lợi để rèn luyện, Hàn Lập tầm thường bắt đầu cuộc đời học tập, rèn luyện cần mẫn liên tục một cách tự giác, không cần ai dạy bảo hay thúc dục. Khó khăn rất nhiều, thành quả đã được dự đoán trước là rất ít ỏi, với cái đầu tỉnh táo, tận dụng mọi cơ hội có được Hàn Lập đã hết lần này đến lần khác nâng tầm của mình lên hết đẳng cấp này đến đẳng cấp khác.
Sự thú vị ở nhân vật này là khi vừa nâng được tầm cao mới, anh ta lập tức hiểu rằng mình chỉ là một tay mơ, mới vừa nhập môn so với những người đi trước ở đẳng cấp đó. Và anh ta lại liên tục cần mẫn, rèn luyện, khiêm tốn nhẫn nhịn để tìm con đường vươn tới đẳng cấp cao hơn. Một khi đã ở cấp cao hơn thì...tất nhiên anh ta không ngại..."tàn sát" những kẻ cấp thấp hơn mình (đề phòng họ cũng lên cấp như mình chăng ?!).
Về mặt triết lý là như thế, còn nội dung cốt truyện thì...khá hụt hơi, lặp đi lặp lại cái công thức của Game Online : Đi tìm một nơi hẻo lánh, linh thiêng, ám muội nào đó để khai phá, đánh giết, thu về bảo vật, bí kíp để vừa luyện bảo vật, thú nuôi vừa luyện công, nâng cấp lên đẳng cấp khác rồi lại...đi tìm một nơi linh thiêng khác...Cứ lặp đi lặp lại như thế.
Con người của Hàn Lập khá vô vị, gần như chỉ có một triết lý sống duy nhất là : "Dại thì chết, khôn cũng chết, chỉ có BIẾT là sống". Và cứ thế, Hàn Lập trốn người mạnh hơn mình, tránh chỗ nguy hiểm cho mình, cố gắng rèn luyện để khi chắc ăn mới...đầu tư vào một việc nào đó. Nếu nửa chừng cảm thấy nguy hiểm, anh ta sẽ... bỏ chạy.
Chính vì có quan điểm như thế nên đối với rất nhiều mỹ nữ trong truyện anh ta cũng đối xử như vậy. Sẽ không có chuyện "anh hùng xả thân cứu mỹ nhân". Tất cả những gì anh chàng này làm được cho các người đẹp chỉ là những chuyện ...phẩy nhẹ móng tay mà thôi. Những chuyện khó hơn một chút thì phải có thù lao xứng đáng ! Những chuyện nguy hiểm đến tính mạng thì đừng mong anh ấy làm. Người đẹp có chết thì cũng ráng chịu đi !
Tuy sống một cuộc sống khép kín, đơn độc, ích kỷ như vậy, nhưng nhờ "sự nghiệp" đi đúng đường mà anh ta đã có những thành tựu vô tiền khoáng hậu (trước giờ khó thấy). Đồng thời, những lúc tiện tay, anh ta cũng tạo phúc cho rất nhiều người. Đúng như câu :..."Người nghèo làm việc gì cũng khó, người giàu chỉ...ho một tiếng đã nghiêng nước nghiêng thành".
"Phàm Nhân Tu Tiên" là một câu chuyện rất dài hơi. Chứng tỏ tác giả khá tâm huyết với đề tài này (hay tại không còn gì khác để viết?!). Nhưng công thức mà chuyện đang theo đuổi có lẽ chỉ phù hợp với một số ít người, những người có quá nhiều thời gian rảnh rỗi và có quá ít thứ để đọc mà ít phải suy nghĩ.