Một con đường vòng

Kí ức xưa cũ nhất về Hàn Phi Tử với tôi là câu chuyện của một thầy giáo cấp 2 về một vị quan dùng "Pháp" để giáo dục một đứa trẻ ngỗ nghịch. Có lẽ câu chuyện đó là một phần bên lề của một chủ đề lớn hơn liên quan đến việc "nhân chi sơ tính bản thiện" hay "nhân chi sơ tính bản ác". Tất nhiên với kiến thức và tư duy của một đứa trẻ cấp 2, tôi chỉ có thể nhớ được vài chi tiết vụn vặt như thế.
Lần thứ hai tôi gặp lại cái tên Hàn Phi Tử là trong môn Triết học tại giảng đường đại học. Lúc này tôi đã có thêm một vài thông tin cơ bản khác như: Hàn Phi Tử là người đại diện tiêu biểu nhất cho học phái Pháp trị.
Lần thứ ba, tôi gặp lại cái tên Hàn Phi Tử, bất ngờ thay là trong cuốn sách của một người tưởng như chẳng có một chút quan hệ nào với ông ấy: cuốn "Quân vương" của Machiavelli.
Tôi không cho rằng mối liên hệ giữa tôi và nhân vật mang tên "Hàn Phi Tử" kia được giải thích bằng những từ siêu lý như "duyên" hay "mệnh". Lý do mà sự "tình cờ" kia liên tục được lặp lại được giải thích bởi mối quan tâm đặc biệt của tôi tới triết học và sau đó là chính trị học. Và khi cả hai thứ tôi vừa kể đi với nhau, Hàn Phi Tử gần như là một cái tên chắc chắn tôi phải gặp.

Vậy Hàn Phi là ai?

Hàn Phi là một nhân vật có thật trong lịch sử. Ông sinh ra là một vị công tử của nước Hàn - tức là con vua nước Hàn, nhưng không vào vị trí thừa kế ngôi vương. Ông theo học Tuân Tử - người đề xướng thuyết "nhân chi sơ tính bản ác" và sớm thể hiện mình là một trong những học giả lớn nhất đương thời.
Trước khi Khổng Tử được tôn thành "Vạn thế sư biểu" là một thời kỳ phát triển rực rỡ của triết học Trung Hoa cổ đại dưới cái tên "Bách gia chư tử". Bách gia - là trăm nhà - là trăm học thuyết. Tại sao lại có trăm nhà, có trăm thuyết. Đó là bởi vì hoàn cảnh thời chiến quốc Trung Hoa là một địa ngục trần gian. Chiến loạn liên miên, thiên tai, nhân tai chỉ là một phần. Điều đáng sợ nhất của thời chiến quốc đó chính là sự sụp đổ của các trật tự xã hội, trật tự đạo đức: người giết người, cha giết con, con giết cha,... Chứng kiến cảnh hoang tàn đó, vô số người (trăm nhà) đã tìm cách "kinh bang tế thế" - "cứu" lấy một xã hội đang đảo điên kia.
Khổng Tử có lẽ là người tiên phong. Cùng thời của Khổng Tử thì có Lão Tử - muốn dùng vô vi, tự nhiên làm chân lý ("hợp đạo"). Rồi có Mặc Tử lập ra Mặc gia. Rồi sau đó còn có Danh gia... Nói chung là đủ loại gia, đủ loại học thuyết - một phương pháp - một trật tự để xây dựng một xã hội mới ổn định và phát triển. Tóm tắt một cách rất gọn và hay, trong Lã Thụy Xuân Thu, Thiên Bất Nhị viết:
Lão Đan quý "nhu", Khổng Tử quý "nhân", Mặc Địch quý "khiêm", Quan Doãn quý "Thanh", Tử Liệt Tử quý "hư", Trần Biên quý "tề", Dương Sinh quý "kỉ", Tôn Tần quý "thế", Vương Liêu quý "tiên", Nhi Lương quý "hậu"...
Là một học sỹ trong thời loạn lạc đó, Hàn Phi cũng có cho mình một "đạo", một "gia" của mình. Người thời sau gọi là "pháp".
Thời đại chiến quốc Trung Hoa là nơi bất cứ ai có tài du thuyết (hùng biện) sau một đêm có thể trở thành thừa tướng. Mạnh Tử cũng nhờ bằng tài năng và sự nhiệt tình vô hạn đã đàn áp hết tất cả các đại diện đương thời của các học phái để duy tôn Khổng đạo. Với Hàn Phi, tiếc thay, ông bị nói ngọng. Do đó khi bạn học Lý Tư đã trở thành thừa tướng nước Tần hùng mạnh, Hàn Phi vẫn bất lực nhìn nước Hàn suy vong, sớm thôi sẽ bị nước Tần diệt. Trong tình cảnh đó, Hàn Phi đã viết và gửi cho Tần Thủy Hoàng rất nhiều tấu chương rất chặt chẽ và hùng biện. Tần Thuỷ Hoàng đọc được tác phẩm, thán phục vô cùng, nói: "Ta được làm bạn với con người này thì có chết cũng không uổng". Nhưng cuối cùng, như tôi hay đùa rằng: "Anh rất giỏi chuyên môn, nhưng rất tiếc vị trí này cần người giỏi làm chính trị." Hàn Phi không được dụng và sau đó đã bị hại chết. Tác giả của những việc trên không ai ngoài người hiểu rất rõ cái tài của Hàn Phi - thừa tướng Lý Tư.

Sách cổ nhưng không "cổ"

Các cuốn sách cổ luôn có một đặc điểm chung - quá tổng quát và khó hiểu. Ví dụ như Đạo Đức Kinh của Lão Tử viết:
Đạo khả đạo phi thường đạo Danh khả danh phi thường danh
Hai câu trên trong tác phẩm gốc không có dấu chấm, dấu phẩy, gắt nghỉ, do đó ngắt nghỉ theo những cách khác nhau, lại hiểu vấn đề theo một kiểu khác. Nói về chữ "thường" lại càng tốn nhiều giấy mực. Đấy là còn chưa kể sự chuyển nghĩa của nhiều từ cũ theo quá trình lịch sử. Chẳng phải tự nhiên dù là một tác phẩm vẻn vẹn có mấy ngàn chữ như Đạo Đức Kinh lại tồn tại hàng nghìn bản dịch, bản chú giải bằng đủ thứ ngôn ngữ.
Hàn Phi Tử là một tác phẩm chi tiết, mang văn phong hiện đại và logic đến mức bất ngờ. Đọc tác phẩm của Hàn Phi, chúng ta không gặp những diễn giải rất trừu tượng nhưng cũng rất siêu hình đương thời như "ở nhà biết hết việc thiên hạ" mà là một tác phẩm mạch lạc, chặt chẽ, đa dạng nhiều dẫn chứng.
Cái không "cổ" nữa của Hàn Phi Tử là tư tưởng. Trong thiên "Thuyết du" (Du thuyết khó), chúng ta thấy một sự thấu hiểu tâm lý rất hiện đại của một tác giả từ hơn hai ngàn năm trước. Tư tưởng "pháp luật không hùa theo người sang" của Hàn Phi đến hiện nay vẫn là điều ngành lập pháp luôn hướng đến.
Dù rằng việc xuất hiện những cái tên rất "cổ", trải nghiệm đọc Hàn Phi Tử với tôi "nhẹ nhàng" và "trôi chảy" hơn rất nhiều khi đọc Đạo Đức Kinh.

Đạo quân vương

Tần Thủy Hoàng Doanh Chính không chỉ khen cho có. Toàn bộ tác phẩm của Hàn Phi được tổng hợp trong Hàn Phi Tử nếu tóm tắt thì có thể ngắn gọn trong vài chữ: "cẩm nang làm vua".
Vị vua của Hàn Phi là một vị vua "pháp trị", tức là lấy pháp luật để quản lý mọi việc với quyền lực tuyệt đối. Đó không phải là một vị vua "đức trị" như của Khổng, mà là một vị mua đầy mưu mô, đầy tính toán và cũng đầy lo lắng. Vị vua của Hàn Phi cũng là một vị vua lý tính và quân bình đến hoàn hảo với "pháp" như công cụ chính để thưởng thiện, phạt ác khiến cho mọi việc đi vào một khuôn khổ. Hàn Phi theo thuyết "nhân chi sơ tính bản ác", do đó ông luôn cho rằng quan hệ quân - thần và nhiều mối quan hệ khác trong xã hội là những quan hệ đầy vụ lợi và thực dụng.
Dù Hàn Phi đã chết trong nhà ngục nước Tần, Tần Thủy Hoàng dụng thuật của ông mà nhất thống được thiên hạ. Lịch sử phong kiến tập quyền của Trung Hoa đã chứng minh rằng không phải là "đức trị", "nhân trị", "lễ trị",... mà chính là "pháp trị" mới đem đến sự ổn định thực chất của thể chế quân chủ.
Trùng hợp thay, mười bảy thế kỷ sau khi Hàn Phi Tử ra đời, chúng ta lại tìm thấy ý tưởng rằng chính trị tách rời với đạo đức trong tác phẩm kinh điển của Machiavelli. Cả hai con người này cùng nói về những thủ thuật chính trị, cùng bàn về quyền lực của một vị vua, cùng cho rằng vị vua không nên được quá yêu thích và gần gũi... Nhưng sau khi đọc cả hai tác phẩm, tôi (và ít nhất là dịch giả của cả hai tác phẩm này) đều đồng ý rằng Hàn Phi Tử đã làm tốt hơn hẳn Quân Vương về nhiều mặt.

Tổng kết

Nếu bạn đã đọc và có thiện cảm với Quân Vương của Machiavelli, Hàn Phi Tử chắc chắn là một cuốn sách dành cho bạn. Nếu bạn là một người quan tâm tới chính trị học, Hàn Phi Tử chắc chắn là một cuốn sách mang lại nhiều bài học và giá trị. Nếu bạn là một tác giả của thể loại lịch sử, dã sử Hàn Phi Tử không chỉ là sử liệu mà còn là một "kho dẫn chứng" để các bạn xây dựng một tác phẩm logic, sâu sắc về tính chính trị phong kiến.