Doanh nghiệp Việt - Mãi nằm dưới cái bóng của Trung Quốc
Doanh nghiệp Việt không chịu lớn, phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc từ nguyên liệu đến nguồn khách hàng
1. Nền xuất khẩu của Việt Nam qua các con số
Trong năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm trị giá 372 tỷ $. Đây là một con số rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế chúng ta chỉ có quy mô hiện nay chỉ là 366 tỷ $, tức giá trị xuất khẩu còn cao hơn cả GDP nội địa. Nếu nhìn sang các nước Châu Á khác, tỷ lệ giữa xuất khẩu và GDP thường ở mức dưới 50%. Thành quả của Việt Nam trong suốt gần 30 năm đổi mới và nỗ lực sau khi gia nhập WTO hơn 10 năm trở lại đây chắc chắn có thể xem là một kỳ tích trên phương diện quy mô xuất khẩu. Tuy vậy để một nền kinh tế có thể tiếp tục tiến lên trên một đoạn đường dài thì nền sản xuất Việt Nam vẫn còn phải cải thiện.
Doanh nghiệp FDI hay là các doanh nghiệp thuộc sở hữu của thực thể nước ngoài đang chiếm gần 74% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp nội của chúng ta hiện nay chỉ xuất khẩu khoảng 100 tỷ $ hàng hóa. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp ngoại này chính là nguồn lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong suốt hơn 20 năm nay. Các tập đoàn liên tục đổ nguồn vốn lớn như bơm thêm sinh lực cho nên kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, khi dần say sưa trong nguồn sữa này, nhiều người ắt hẳn đã quên rằng những thứ được cho đi miễn phí thì cuối cùng sẽ dần cạn kiệt.
Vì lẽ thế mà gần đây, nghe tin đồn Samsung chuyển một phần công đoạn sản xuất sang Ấn Độ khiến từ người dân đến chính phủ ta thấp thỏm lo âu. Tác động của việc này không chỉ khiến nước ta mất đi số tiền 65 tỷ $ mà Samsung xuất khẩu hàng năm mà còn có thể tạo ra một làn sóng di cư của các doanh nghiệp ngoại tại Việt Nam đặc biệt tại miền Bắc, nơi mà rất nhiều nhà máy xây dựng chỉ để thực hiện gia công cho Samsung.
Vậy làm sao để giảm bớt phụ thuộc? Trên hết chỉ có đầu tư phát triển ngành công nghiệp sản xuất trong nước. Nhưng hiện nay nguồn sức mạnh tự lực của Việt Nam liệu có đủ khi mà phần lớn các doanh nghiệp sản xuất đều áp dụng một công thức rất quen thuộc khi kinh doanh: Nguyên liệu, nhân công Việt Nam; Máy móc, phụ kiện Trung Quốc (hoặc các nước khác).
Từ năm 2018 đến giờ, Việt Nam luôn nằm trong top 5 nhà xuất khẩu ván ép trên thế giới. Các nhà máy ván ép của Việt Nam hiện tại đang sử dụng, theo như tôi biết, các máy ép, máy bóc đến từ Trung Quốc. Ngoài ra lớp phim bề mặt thường được nhập từ Hàn Quốc hoặc Indonesia. Hay như ngành dệt may, các loại máy hiện nay rất nhiều đến từ Nhật Bản hoặc Trung Quốc, các phụ kiện như khóa kéo, nút áo cũng là các phụ kiện nhập khẩu.
Chẳng vì thế mà hàng năm, chính phủ nước ta liên tục kêu gọi các doanh nghiệp Việt cố gắng nội địa hóa sản phẩm của mình. Chính phủ Mỹ thì lại hay có đợt điều tra về nguồn gốc sản phẩm của Việt Nam ta. Các tổ chức kinh tế khi đề xuất các thỏa thuận về phi thuế quan luôn định nghĩa rất rõ ràng về tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu mới được xem là sản phẩm made in Vietnam.
Có vô vàn thứ cần phải thay đổi để nền kinh tế Việt Nam thực sự có thể bước trên đôi chân của chính mình. Nhưng các doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu trước hết cần phải thay đổi chính tư duy của mình, tư duy của một doanh nghiệp xuất khẩu.
2. Tư duy của một kẻ núp bóng
Cách đây 2 tháng, tôi có cơ hội được gặp một chủ doanh nghiệp tại Arab Saudi có nhu cầu mua sản phẩm chăn ga gối đệm tại Việt Nam. Doanh nghiệp này đã từng nhập khẩu tại Trung Quốc và có một bảng hỏi mua khá chi tiết về những sản phẩm mà họ đang tìm kiếm. Tưởng chừng việc mua hàng sẽ dễ dàng như ở Trung Quốc thì khi tới Việt Nam họ đã gặp cú sốc cực nặng. Mặc dù làm việc liên tục trong vòng 1 tháng trời với hơn 20 nhà máy, doanh nghiệp này vẫn không thể mua được hàng. Lý do chính là vì các nhà máy sản xuất Việt Nam luôn đòi hỏi khách hàng phải cung cấp rất nhiều thông tin kỹ thuật về sản phẩm cũng như mẫu thật của sản phẩm đó. Những thông tin mà vị khách Arab Saudi này nghĩ rằng phải được doanh nghiệp sản xuất cung cấp thì lại đang bị yêu cầu ngược lại.
They want sample from me? That's weird Aren't they supposed to offer me what they have?
Vị khách này và vô vàn những vị khách trước kia tôi gặp đều nhận lại một bài học đầy cay đắng cho bản thân rằng, để có thể kinh doanh hàng hóa từ Việt Nam, bạn nên sẵn sàng dạy cho dân Việt Nam cách sản xuất. Vậy từ đâu, các doanh nghiệp chúng ta lại có cách làm việc như muốn ăn tươi nuốt sống khách hàng như vậy?
Việt Nam với vị trí địa lý nằm ngay sát nách Trung Quốc và không quá xa với Nhật Bản, hay Hàn Quốc. Định hướng chính trị của nước ta khá trung lập và thân thiện với nhiều nước biến nước ta thành điểm đến hàng đầu cho các đơn hàng sản xuất. Tuy vậy, những gì Việt Nam hiện nay có và trở thành cũng là những gì mà Trung quốc làm được cách đây 20 hay 30 năm. Vị thế chính trị và kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc đã thay đổi nhiều qua quãng thời gian đó, nhưng nước ta hễ có các vấn đề liên quan đến kinh tế, chính trị đều học theo ông bạn lớn Phương Bắc làm theo. Do vậy, rất nhiều đơn hàng sản xuất xuất khẩu mà chúng ta có hiện nay cũng là các đơn hàng mà trước đây Trung Quốc đã và đang sản xuất. Điều này đã tạo ra trong tâm thức các ông, bà chủ doanh nghiệp Việt rằng, khi nhận được đơn hàng của nước ngoài, thì khách hàng đã có sẵn đầy đủ các thông tin chi tiết về sản phẩm, nguyên liệu vì đã đặt hàng trước đây tại Trung Quốc. Do đó, doanh nghiệp chỉ cần tập trung vào sản xuất mà không cần quan tâm tới việc tư vấn, thiết kế, kiểm tra sản phẩm. Một cách suy nghĩ sẽ mãi mãi khiến Việt Nam nằm dưới cái bóng của Trung Quốc.
Chắc chắn, nếu khách hàng của bạn là những doanh nghiệp lớn và đã có kinh nghiệm trên thương trường thì các vấn đề nằm ngoài khâu sản xuất không phải là vấn đề lớn đối với bạn. Nhưng khi doanh nghiệp Việt tìm cách tiếp cận thị trường mới thì các yếu điểm này mới lộ ra rõ ràng. Hàng hóa Trung Quốc luôn có thể luồn được vào mọi ngóc ngách của thị trường thế giới không phải vì mức giá rẻ của nó, mà chính là vì các dịch vụ tư vấn về sản phẩm và sự đa dạng của hàng hóa.
Người Việt ta hay nắm thích nắm cái ngọn mà không quan tâm cho cái gốc, ít đầu tư, tìm hiểu cái cốt lõi của sản phẩm. Doanh nghiệp quyết liệt mong bán được hàng hóa mà không để ý sản phẩm của mình mang tới giá trị, lợi ích cho khách hàng của mình và làm sao để gia tăng thêm giá trị sản phẩm. Những điều nghe tưởng chừng là đơn giản này mà biết bao doanh nghiệp xuất khẩu ngoài kia không thể làm được vì bị cản trở trong chính tư duy của mình, tư duy của một nhà gia công, lấy lao động giá rẻ làm nguồn lực cạnh tranh, chứ không phải là tư duy của một nhà xuất khẩu.
Bài viết có tham khảo một số nguồn và ảnh từ các trang sau:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất