Câu hỏi: Mình là ai?

Dù là lúc 18 tuổi hay 22 tuổi mình vẫn chưa có khẳng định chính xác cho câu hỏi này. Đó là câu hỏi nghề nghiệp hay câu hỏi về sự đặc biệt mà chỉ bản thân mình có? Chính quá trình học hành lận đận của mình là tác nhân cho sự mơ hồ, không biết phải trả lời câu hỏi này ra sao.
Từ việc học, theo đó là cả một hành trình dài để phát triển nhận thức từ trống rỗng cho đến rõ ràng của mình. Nếu dùng các tính từ để miêu tả cho hành trình này của mình thì là: sai lầm, lạc lối, mơ hồ, thiếu sót, đơn độc,…
Bạn có như mình trong câu chuyện dưới đây?

Lạc phương hướng

Sự lạc hướng của mình thể hiện rõ qua những ngã rẽ, thời khắc phải đưa ra những quyết định quan trọng trong sự nghiệp học hành của mình. Phải kể đến như kỳ thi tuyển sinh lớp 10, chọn ngành học ở kỳ thi tuyển sinh đại học, thi lại, bỏ học đại học, chọn lại một nghề gì đó để theo học, …
Thú thật, mình luôn hoài nghi bản thân mình vì chẳng hiểu rõ mình là kiểu gì. Mình luôn sống theo một cái chuẩn gì đó mình còn không rõ. Có thể là những cái “chuẩn” kỳ vọng từ gia đình, bạn bè, xã hội. Cũng có thể cái “chuẩn” gì đó tự mình vẽ ra giúp mình tăng giá trị ảo.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10

Đó là chuyện cách đây khoảng 7 năm. Khi ấy, mình đơn giản chỉ biết bài thi này tùy vào tổng điểm toán, văn, anh (có nhân hệ số 2 môn) để chọn trường theo điểm cao thấp. Thậm chí mình còn không thèm quan tâm có gì khác giữa học trường lấy điểm cao với trường lấy điểm thấp. Chuyện trường công, trường tư, trường chuyên cũng không để ý mấy.
Khi đó, mục đích chọn trường của mình (thêm một xíu ý kiến của người nhà) chính là chọn trường nào gần nhà cho dễ đi lại.
Cũng may điểm mình lúc ấy là 36/50, ổn để vào một trường tốt.

Chọn ngành cho kỳ thi tuyển sinh đại học

Mình nhớ rất rõ khi ấy cách kỳ thi lớn này chừng 3 tháng rưỡi, là thời điểm học sinh lớp 12 điền hồ sơ đăng ký nguyện vọng, mình cũng bắt đầu loay hoay tìm vài cái ngành học để điền vô tờ đăng ký nguyện vọng. Bạn có thấy có gì lấn cấn ở đây không? “Tìm vài cái ngành học”?
Đúng thật vậy, đó là cái nhận thức trống rỗng của mình thời học sinh. Cái nhận thức mơ hồ về thi đại học cũng như thi chuyển cấp, có điều nghe có vẻ chuyên sâu về một nghề hơn thì phải?
Mình đã đăng một bức vẽ của mình lên facebook vào thời điểm ấy, một ý tưởng xuất hiện từ bạn bè xung quanh mình: “Hay là Thư học gì đó như thiết kế, kiến trúc đi. Thư vẽ cũng đẹp nên học ngành này được đó”.
Ồ, mình như túm lấy được mục tiêu đại học với nguyện vọng 1 là: ngành Thiết kế nội thất – trường đại học Kiến Trúc!!! Đến lớp vẽ luyện thi trong hai tháng, tích cực ôn luyện các môn liên quan như Toán, Lý. Mỗi ngày với sự cải thiện học tập từng chút, mình đã kỳ vọng rất nhiều ở bản thân và ngành nghề này. Và rồi sau đó, đùng một cái mình rớt nguyện vọng 1 vì thiếu 0,5 điểm. Thế giới như sụp đổ, mình còn chả để ý tới việc nhận nhập học ở các nguyện vọng còn lại.

Thi lại

Khoảng thời gian mình muốn quên đi nhất. Bao nhiêu áp lực từ sự trách móc của người nhà, sự xấu hổ không muốn gặp bạn bè, sự khó khăn khi phải tự học nhiều hơn. Mình hoàn toàn sống đơn độc trong thời gian này. Xui xẻo ập tới khi mình phát bệnh nặng vào thời điểm trước kỳ thi đại học lần hai, có nguy cơ bỏ thi.
Vật vã, gắng gượng trong lần thi này, mình cũng đậu vào ngành Kiến trúc.

Bỏ ngang đại học

Ừ thì, học được một thời gian, thấy không hợp thì mình nghỉ. Dù gì sức khỏe mình cũng yếu và không thể qua nổi mấy đêm thức khuya làm bài tập, sau này chạy đồ án còn cực nhọc hơn. Thêm nữa, nguyện vọng ban đầu của mình cũng không phải Kiến trúc.
Mất 1 năm thi lại, mất thêm hơn 1 năm học rồi nghỉ ngang. Thời điểm này, mình giấu gia đình, tránh né khi đề cập vấn đề học đại học với bạn bè. Mình thật sự không biết làm gì với cuộc đời của mình của mình nữa rồi.

Tìm ngành học mới

Mình mất thêm 2 năm nữa để loay hoay xác định được cái mình học tiếp theo để có thể có được việc làm. Tìm kiếm trên mạng, tham gia khóa học để có khởi đầu mới. Trong 2 năm, những nghề mình tự định hướng cho bản thân lần lượt là Biên phiên dịch tiếng Hàn, Quản lý chuỗi cung ứng – Xuất nhập khẩu, nhân viên sale trong ngành thời trang, mỹ phẩm…

 Sự tự ti, hoài nghi chính mình

Nhìn bạn bè xung quanh học đến năm cuối đại học, có người đã đi làm được. Nhìn xa hơn một chút, mình nhìn thấy những người cùng tuổi có những thành tựu nổi bật. Bản thân thì vẫn còn loay hoay không biết học gì để có được một công việc.
Với những gì mình trải qua, mình có tự tin nổi không? Mình có dám gặp gỡ ai không? Mình dám kể cho người quen về cuộc đời lộn xộn của mình không? Không có bằng đại học liệu mình có thể có được công việc tốt?

Bắt đầu hành trình khám phá bản thân

Cho đến bây giờ, năm 22 tuổi, nhận thức của mình thay đổi theo chiều hướng tích cực, không còn tự ti hay mơ hồ. Những điều dưới đây mình đã làm để thay đổi bản thân cũng như cuộc sống:
1. Đọc sách nhiều thể loại, đặc biệt là sách truyền cảm hứng
2. Tìm hiểu bản thân qua các bài trắc nghiệm tính cách
3.Viết nhật ký, theo dõi thay đổi của bản thân
4. Hình thành các thói quen lành mạnh: dậy sớm, không thức tới sáng, ăn uống healthy, hạn chế sử dụng mạng xã hội,…
5. Lập kế hoạch cho những việc quan trọng
6. Chăm sóc bản thân tốt hơn: dưỡng da, giữ dáng, …
7. Luôn học hỏi với tư duy mở, không giấu diếm cái dốt
8. Những chuyến đi xa với bạn bè – sự bước ra khỏi vùng an toàn
Còn nhiều điều nho nhỏ khác mà mình đã dần cải thiện trong cuộc sống, với mục đích là tốt cho bản thân. Sự phát triển này còn thể hiện rõ qua cách mình suy nghĩ, cách đặt vấn đề và giải quyết nó, cách mình nhìn nhận thế giới, cái cách mà mình dám nghĩ dám làm.

 Định vị bản thân 

Với những sự cải thiện trên, suy nghĩ rộng mở, nhận thức tốt hơn, mình đã tìm ra cái mình muốn làm là gì rồi. Không còn so sánh với người khác, mình chỉ so sánh bản thân của ngày hôm nay đã khác gì hôm qua.
Khi các ngành mình chọn lại để theo sau khi nghỉ học đại học (đã kể ở trên) với những lý do như: công việc này đem lại thu nhập tốt, có việc rồi thì gia đình sẽ hài lòng, có cái để học cho có với bạn bè,… Toàn là những lý do vì người khác, không có tí gì nghĩ cho bản thân. Bây giờ đã khác, mình đã chọn sống cho chính mình.
Từ những khám phá bản thân như sở thích, tài lẻ, khả năng học hỏi và từ những người giỏi trong lĩnh vực mình quan tâm, mình dần xác định được hướng đi cho sự nghiệp. Mình thích vẽ vời, thiết kế, sáng tạo nội dung qua con chữ và video. Từ đó suy ra những lĩnh vực như viết lách, sáng tạo video trên youtube, thiết kế sản phẩm. Mình hoàn toàn yêu thích những lựa chọn hiện tại.
Từ một đứa lơ ngơ không biết làm gì cho cuộc đời, mình đã trở thành một đứa biết mình làm cái gì, cần gì, còn thiếu sót gì, cần làm tốt hơn ở đâu. Để đến gần hơn với công việc mình yêu thích, mình học qua các khóa học, đọc sách, học từ người đi trước, trau dồi vốn tiếng Anh để có thể học được thêm từ nhiều nguồn kiến thức đa dạng.

Lời kết

Sau những gì đã trải qua theo chia sẻ trên, mình đúc kết được những điều sau:
Những thay đổi tích cực của một người không tự nhiên mà đến, có đến cũng không đến với những người không chịu nhìn nhận lại bản thân.
Nếu không có ai định hướng cho mình, tự mình làm cũng không được thì chỉ có cách đi đường vòng để tìm ra những gì mình thực sự muốn làm.
Chỉ khi dũng cảm đối mặt với vấn đề của mình thì mới tìm ra được giải pháp cho vấn đề đó.
Mình được quyền mắc sai lầm, nếu không có những cái sai này thì cũng chẳng có biến số gì để thay đổi con người mình.
Biết mình là ai, năng lực thế nào, kém ở đâu, mặt xấu mặt tốt như nào. Đó cũng là một kiểu nhận thức.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết,
The Fall Palette
Nguồn: