Tôi một thoáng tư duy về một lẽ tất nhiên của đời người, cái chết.
Cái chết như một cơn bão, ta biết nó sẽ đến nhưng rất khó dự đoán khi nào chính xác và không có ngôn từ nào để miêu tả trọn vẹn cảm giác khi trực tiếp đối mặt với nó.
Bài viết này không định nghĩa cái chết bằng con đường huyền bí, cũng không mang thông điệp " ai cũng chết nên phải sống tốt hơn", bởi vì tôi không thích cách mà người ta diễn biến màu mè để có cảm giác vô can, ở đây, chỉ có tôi đâm sầm vào cái chết một cách thô bạo để nhận diện nó.
Tôi bàn về cái chết ở giới hạn của một người đang sống và không đề cập đến đời sống ở thế giới bên kia, đơn giản vì tôi thể bàn về thứ chưa chứng minh được.
Ophelia, <a href="https://arthistoryproject.com/artists/john-everett-millais/">J</a>ohn Everett Millais , 1851 – 1852
Ophelia, John Everett Millais , 1851 – 1852

Hình tượng cái chết

Người ta nghe, thấy, biết cái chết nhưng không có định nghĩa toàn diện cho nó. Nỗi sợ cái chết mang tính bản năng và với trí khôn cấp cao của loài người, nó được miêu tả tam sao thất bản. Đứng trước nỗi sợ người ta thường hành động theo ba cách: cấm cản, tránh né, tạo ra một kẻ thủ ảo. Cái chết bản thân nó trừu tượng tới mức người ta phải hình tượng hoá nó cụ thể bằng Thần Chết, Diêm Vương, một thực thể đen tối, hay người ta ẩn dụ cái chết thông qua dịch bệnh, chiến tranh, nạn đói. Nhìn chung, hình tượng cái chết gắn liền với sự đau khổ, kinh hoàng. Ma quỷ cũng hay gắn liền với nỗi sợ chết, ta bị đe doạ cùng cực bởi hình tượng của ma quỷ đầy kinh hoàng tựa như xác chết thối rữa mà chưa chấp nhận một sự thật rằng sau này chúng ta cũng sẽ trở thành như họ, vậy thì tại sao ta lại sợ chính ta? Tại sao chúng ta sợ ma, nếu con ma hiển hiện thường ngày như người sống thì chẳng có cảm xúc gì để sợ nữa, chúng ta sợ tính bất ngờ, vật vờ của con ma thì đúng hơn, tương tự như thế với cái chết.
Người ta đặt để cái chết vào sự vật này sự việc kia và bình luận thoả thích nhằm tự biến mình trở nên vô can, siêu việt hoặc sự gán ghép đó làm người ta an tâm hơn bởi từ giờ họ đã có một thứ cụ thể để dễ dè chừng.
Cái chết đáng sợ bởi người ta mặc định cho nó lợi thế bất ngờ, bàn sâu về nó bị xem là điều cấm kỵ, hoặc người ta cảm nhận không cần thiết để bàn luận bởi đời sống còn quá nhiều bộn bề, người ta đem giấu cái chết trong quan tài, trong hũ cốt, trong nhà xác, trong câu từ nói giảm nói tránh.
Cái chết với sự khổ ải mà người ta quan niệm, nó mặc nhiên trở thành đáy vực của đời người, người ta ném những kẻ khốn khổ lẫn tội đồ và kẻ thù xuống đáy vực đó.
Trong mặc định sự sống là tốt đẹp, ta suy ngược lại cái chết là xấu xa mặc dù chưa có ai từng trải nghiệm tường tận cái chết rồi sống lại, nhận xét nó xấu xa thế nào với bằng chứng rõ ràng.
Sợ chết không phải hèn nhát, nỗi sợ phát tác tự nhiên là nhằm đảm bảo an toàn, đó là quyền và lợi ích cơ bản của một con người, đừng nói lời công bằng sáo rỗng " ai cũng phải chết nên đừng sợ", đừng tung hô mù quáng cái chết như biểu hiện thiêng liêng để dỗ ngọt nạn nhân vô tri, đó là kiểu lý luận ngang ngược " đánh không thắng thì bỏ chạy, chạy đường này không được thì tìm đường khác mà chạy", bản thân tôi thấy lý lẽ đó vô cùng khốn nạn và chủ quan khi vô tình hoặc cố ý xem thường nỗi đau, nỗi khổ, nỗi sợ của người đã và đang đón nhận cái chết. Cái chết khách quan lắm, hàng triệu năm nay nó vẫn là nó.
Người ta thắc mắc khi đem cái chết ra để làm tiền đề cho câu hỏi: tồn tại hay không tồn tại. Đừng đặt nặng câu hỏi vì lắm khi sống còn chưa ra con người thì hỏi làm gì dư thừa, hữu xạ tự nhiên hương.
Tôi nhìn cái chết với tâm thế tự nhiên.

Quá trình diễn ra cái chết

Cái chết diễn ra hằng ngày, hằng giờ xung quanh ta, trong cảm tưởng dường như ngày qua ngày kéo dài đến vô tận vậy, thế rồi một ngày nọ, ta tiệm cận với điểm cuối cuộc đời lúc nào không hay.
Trải nghiệm cận tử là một thứ không phải ai cũng biết nhưng theo tôi ai cũng nên biết, phải biết rõ ràng để dũng mãnh hơn, sáng suốt và tự tại hơn trong giai đoạn cuối của cuộc đời.
Khi cái chết cận kề, nó gửi lời chào thông qua trực giác của nhiều người, thời gian cảm nhận cho đến khi thực sự xảy ra cái chết là khác nhau ở mỗi người, họ mơ hồ cảm thấy tâm trạng trầm lắng lạ thường, cồn cào chuẩn bị tinh thần rời xa cõi đời, các nhà khoa học giải thích đây là hiện tượng do biến đổi hormone trong cơ thể gây ra, nhưng lý giải đó chỉ thích hợp đối với những người chết do bệnh, còn đối với những người chết vì lý do khác thì sao? Vẫn chưa có câu trả lời, song, tôi vẫn muốn đề cập bởi vì nó đã xuất hiện ở nhiều người, điều đó chứng mình nó có tham gia vào diễn biến sự chết phổ quát.
Khi sự ra đi đã gần như chắc chắn, quá trình cận tử chính thức bắt đầu ở những người già hoặc bệnh. Theo sự ghi nhận của y khoa, trong khoảng 2 hoặc 3 tháng trước khi một người ra đi, người sắp chết ngủ nhiều hơn do trao đổi chất yếu đi, năng lượng đã dần cạn kiệt, họ giảm giao tiếp hẳn.
Các dấu hiệu trở nên rõ ràng hơn trong khoảng một đến hai tuần trước khi chết. Họ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức, đến mức không rời khỏi giường. Tại thời điểm này, họ giảm hẳn nhu cầu ăn uống, từ đó nhu cầu đi vệ sinh cũng giảm theo. Tiếp theo, cơ bắp bắt đầu suy yếu và teo tóp. Vài ngày trước khi chết, do hệ tuần hoàn giảm lưu thông, cơ thể bắt đầu lạnh đi, xuất hiện những mảng tím xanh trên đầu gối, bàn chân và bàn tay. Những thay đổi kế tiếp bao gồm thay đổi huyết áp, nhịp thở và nhịp tim, nước tiểu có thể có màu nâu, nâu tanin hoặc màu gỉ. Tinh thần suy yếu, họ bắt đầu nhầm lẫn, choáng váng, ảo giác và tăng cảm giác đau, một số người ở giai đoạn này vùng vẫy, ú ớ và sợ hãi lẫn kích động, có thể đó là do tiềm thức hoạt động vượt trên ý thức, những hối tiếc, mặc cảm, tội lỗi, nỗi sợ hiện lên như một cơn ác mộng rất sống động. Đến lúc rơi vào trạng thái mê mang nhiều hơn, họ ngủ mà không thể thức dậy, khó thở, chỉ có thể mở hé mắt, đôi mắt đẫm lệ, hơi thở bắt đầu ngắt quãng, và yếu dần, một số người cố thở bằng miệng, môi khô. Vài giờ trước khi chết, tạng phủ suy dần, họ đã không còn khả năng phản hồi bằng lời nói hay cử chỉ, tuy nhiên, họ vẫn còn khả năng nghe. Đến khi tim ngừng đập, cơ thể hạ nhiệt độ, phổi ngưng hoạt động gây ra âm thanh kỳ quái, thiếu oxy, não ngừng hoạt động, cái chết chính thức được ghi nhận.
Ria Munk on her Deathbed, Gustav Klimt, 1912
Ria Munk on her Deathbed, Gustav Klimt, 1912
Đồng tử ngừng phản ứng với ánh sáng, da xanh xao, nhiệt độ hạ nhanh chóng. Mười phút sau khi chết, các cơ bắp duỗi ra hoàn toàn, đồng tử nở ra và đục dần. Sau khoảng vài giờ, cơ bắp người chết bỗng dưng siết chặt. Từ bốn giờ tiếp theo, cơ thể tím tái, co giật nhẹ. Một đến năm ngày sau, cơ thể bắt đầu thả lỏng trở lại, xảy ra hiện tượng bọt lẫn máu chảy ra ở mũi và miệng xác chết. Mười ngày nữa, bụng trương lên, cơ thể bốc mùi. Lưỡi sẽ nhô ra khỏi miệng do sưng các mô ở cổ và mặt. Sau vài tuần, móng tay, lông, tóc, da bắt đầu khô cứng và dễ dàng long ra. Da bắt đầu hóa lỏng từ bên trong, mục nát hoặc khô đi, một thời gian sau, xác chết chỉ còn trơ xương.
Cái chết đơn giản đến mức trần trụi như thế thôi!

Không có anh hùng thuần tuý với cái chết

Người ta thổi phồng cái chết gắn với tính " anh hùng" quá nhiều đến mức ăn sâu vào tiềm thức, với quan niệm chung như vậy, nhiều người lạm dụng cái chết như một sự thể hiện cực đại để chứng tỏ, đe doạ, thuyết phục một cách áp đảo.
Đối với những người bệnh nặng chắc chắn sẽ ra đi và người thân cũng đã kiệt quệ, xã hội hãy ngưng gán ghép cho họ cái mác " anh hùng" và ngưng bắt buộc ai cũng phải chống chọi vô tội vạ với cái chết dù khổ sở đến mức nào đi chăng nữa, dư luận ưa thứ làm vui lòng họ đến mức tàn nhẫn, "anh hùng hay không" nên là một lựa chọn của người trong cuộc, người ngoài nên tôn trọng. Sự sống vô nghĩa như một dây gai, nắm càng chặt thì vết thương càng sâu, vết thương đó làm đau cả người sắp chết và những người bên cạnh. Cái chết rất thực tế.
Hiểu về cái chết, ta nhận ra điều hạnh phúc nhất của người cận tử là dù chỉ trong giây lát là còn cơ hội nói lời tạm biệt với người thân, dù đối mặt với cái chết bằng lý trí nhưng cũng không nên xem nhẹ cảm xúc của những người liên quan, lời tạm biệt đó không chỉ là lời cuối mà còn hàm chứa sự giao phó và tiếp nối trong đó, không vướng bận, họ nhẹ lòng ra đi. Cũng đừng buồn nếu không có người thân ở bên, ít nhất ta đã sống và chết với tâm thế ngẩng cao đầu nếu đạo đức lẫn tri thức đã đỉnh cao.
Ngoài ra, chúng ta còn có một tật rất xấu, " Nước đến đầu mới nhảy", chúng ta lừa dối, chà đạp nhau rồi đến khi có người chết thì lại chảy vài giọt nước mắt cá sấu xem như hoàn thành nghĩa vụ lương tâm, " sống không cho ăn, chết lại đốt nhang nghi ngút". Mở rộng vấn đề, ta thấy dường như mọi người có xu hướng hoà hoãn với những tội lỗi của mình và người chết, " nghĩa tử là nghĩa tận" là một câu nói bị đem ra làm bình phong, người sống trầm ngâm vài câu " đời người vô thường" tựa như một bậc giác ngộ, rồi sau đó không lâu, đâu lại vào đấy. Người chết đã chết nhưng tội lỗi ta gây ra cho họ, tội lỗi của ta hiện tại và tội lỗi của họ trong quá khứ vẫn còn lù lù đó chứ có chết đâu! Nếu muốn làm người tốt, sao không làm từ lúc còn sống khoẻ mạnh?

Sự chết là thử thách trưởng thành cuối cùng

Tôi nhấn mạnh sự thanh thản ở đây vì nó biểu hiện cho mức độ hoàn thành đời sống cao, tôi cũng không rõ có ảnh hưởng của quá trình cận tử đến đời sống sau đó hay không nhưng ít nhất quá trình cận tử có ảnh hưởng đến quá trình ra đi, có những người ra đi nhẹ nhàng nhưng cũng có người vật vã trong đau đớn và hối tiếc.
Ảnh bởi
Ji Pak
trên
Unsplash
Con người thường đặc biệt ấn tượng với điều tốt lành dù nhỏ nhoi khi lâm vào khổ nạn, ví như được cho một chén cháo khi đói lòng, họ sẽ nhớ mãi không quên, đối với người sắp chết cũng như vậy, hãy hướng thiện giúp họ bằng cách gợi nhắc những điều tốt đẹp, đó chính là hỗ trợ họ ra đi nhẹ nhàng, cũng là cách đền bù cho những đớn đau không ai tránh khỏi trong đời người và lúc sắp lâm chung. Một món quà ý nghĩa của người ở lại dành cho kẻ độc hành nơi cuối đường, và nếu có kiếp sau, kẻ độc hành sẽ giữ nó và tặng cho người khác.
Còn những người gian trá mua chuộc sự thanh thản trước khi chết, nói thật, bắt con ruồi khỏi đống phân cũng không giúp đống phân sạch hơn đâu.
Nghĩ đến đây, tôi không còn cần thiết bàn về cái chết nữa, tôi nguyện khi tôi chết chỉ để lại di sản chứ không phải hậu quả, thiên đường hay địa ngục nếu có thì hãy bắt đầu bước vào ngay từ lúc còn sống.