Hồi ôn thi đại học, khi “phân tích diễn biến tâm lý nhân vật Mị trong đêm tình mùa Xuân”, có một đoạn mà mình nhớ mãi:
“Chứng kiến A Phủ từ vực sâu đau khổ vùng lên giành giật sự sống, Mị đã thốt lên rằng: “A Phủ... Cho tôi đi… Ở đây thì chết mất!” - Câu nói của Mị thể hiện điều gì? Phải chăng nhân vật của Tô Hoài đang sợ chết? Có thể lắm, nhưng sợ chết có gì là sai khi sợ chết chính là biểu hiện của lòng ham sống? Ham sống một cuộc đời hạnh phúc trong tự do...”
Ngày mình bắt đầu nhận thức về cái chết, mình có rất nhiều cảm xúc: sợ hãi, lo lắng, hoang mang...Thậm chí có đợt còn stress rất nhiều. Nghĩ mà xem, một ngày nào đó mình sẽ không còn; người thân, bạn bè mình cũng không còn. Thật khó mà tưởng tượng được. Hơi buồn cười, nhưng mà khi đó mình đã khóc :)
Nhưng dần mình nhận ra, chỉ khi ta chấp nhận và coi cái chết như một phần tất yếu của cuộc sống thì mới có thể “ham sống” lên được. Mới sống cho ra sống, sống cho thoả đáng, sống cho “hạnh phúc” và “tự do”.
“Chấp nhận” cái chết, tự nhiên bạn sẽ thấy đời người thật ngắn ngủi, sinh mệnh con người mong manh như cát bụi. Hôm nay vẫn còn cười cười nói nói nhưng ngày mai nói chấm dứt là có thể chấm dứt ngay được.
“Chấp nhận” cái chết, cũng là lúc bạn ý thức được sự sống của bạn thực sự rất kì diệu. Nếu bạn muốn một con số (theo nghiên cứu khoa học) thì tỉ lệ để một cá thể như mình và bạn chào đời đâu đó xấp xỉ cỡ... 1/400 triệu tỉ. Hay nói cách khác, việc chúng ta được sinh ra giống như một phép màu vậy. Hỏi nhỏ chút, bạn... đang làm gì với phép màu của mình vậy? ;)
Rồi sẽ có ngày cả bạn, mình, và thậm chí là cả hành tinh này đều sẽ chết. Đó là quy luật.
Điều thú vị là ở chỗ, chính cái chấm dứt sự sống lại làm cho sự sống có ý nghĩa hơn, đáng trân trọng hơn. Chính sự hữu hạn của đời người lại khiến chúng ta hiểu rằng ta sinh ra là để sống chứ không phải để chuẩn bị cho cái chết.
Vô lý, nhưng lại rất thuyết phục.

Ảnh: Mình chụp ở D Free Book - một thư viện nơi bạn có thể đọc và mượn sách miễn phí, đặt cọc bằng niềm tin. Hiện nay thư viện có 2 cơ sở mở cửa full tuần. 
Mời bạn ghé chơi:

Cơ sở 1: số 33 ngõ 67 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Thư viện mở của từ 8h sáng- 21h tối
SĐT: 0385103198.

Cơ sở 2: số 2 ngõ Viện Máy (cuối ngõ), ngõ cạnh hầm đi bộ đối diện ĐH Ngoại Ngữ, đường Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội.
Thư viện mở của từ 8h sáng-12h trưa và 13h chiều - 21h tối mỗi ngày.
SĐT: 0986689024.