Đây là 1 bài viết mà tôi tham gia 1 cuộc thi nhưng mang tính chất ngẫu hứng nhiều hơn, nay tôi chỉnh sửa lại và post lên đây để kỉ niệm và chia sẻ với mọi người. 


Tình cờ tôi đọc được bài viết về mẹ của một người chị thân thiết từ lâu. Và đó cũng là cơ duyên dẫn tôi đến với cuộc thi này. Tôi đọc xong bài viết kia của chị và nghĩ về người bác thân quen mà mình hay gặp, tôi nhận ra: một con người đã tạo nên một con người cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là như thế nào. Lại tự đặt ra câu hỏi cho mình, người không thể quên đối với tôi là ai? Trong 22 năm đã qua, ai là người đã ảnh hưởng tới tôi đến mức mình dành ra một phần trong trí nhớ để khóa chặt ?
Câu hỏi này không khó với tôi, bởi tôi không nhiều bạn và hơn nữa tôi là một người thiên về gia đình. Tôi sẽ nói luôn là bố và mẹ. Chắc câu trả lời quá ư là quen thuộc và truyền thống như biết bao người khác. Cơ mà tôi là thế đấy. Nhưng có đến 2 người mà chỉ được chọn 1 để tôi tham gia cuộc thi này. Đối với một thằng con trai thì mẹ chắc sẽ là người thân thiết nhất, là người mà mình dành thời gian để trò chuyện tâm sự. Tôi cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, bố lại là người định hình nên một Hwang như tôi bây giờ, dù mọi người chắc chẳng biết tôi là ai. Không biết từ khi nào mà trong nhiều cuộc trò chuyện, tôi rất hay nói về bố - một người mà tôi rất tự hào.
Để nói về bố tôi, nó sẽ là cả một câu chuyện dài về cuộc đời của ông, từ khi còn nhỏ thế nào, khi bố đi lính ra sao, rồi học ở trường nọ trường kia. Đó có lẽ là một chặng đường dài vất vả của bố mà mỗi khi nhắc lại ông đều rất tự hào. Và nhiều đến nỗi tôi nhớ được từng mốc thời gian cũng như chặng đường mà bố đã trải qua. 
Nhưng cái mà tôi muốn chia sẻ với mọi người lại chính là "con đường" mà bố đã đi vào lòng tôi và định hình tôi như thế nào. Hồi còn nhỏ, thú thực tôi không quý bố lắm - có khi còn ghét ấy. Bố khó tính, kỷ luật đến mức khó chịu. Không chỉ tôi mà kể cả anh em trong họ hàng đều rất sợ ông. Dù là đang chơi như thế nào, bày biện ra nhà bừa bãi ra sao, thì chỉ cần nghe thấy tiếng xe của bố hay tiếng xì mũi do bệnh xoang mãn tính của ông là chúng tôi tự giác thu dọn gọn gàng để đón tiếp "sếp lớn" về. Đó không phải điều khiến tôi hồi nhỏ thực sự không quý bố, mà bởi tôi rất hay bị bố mắng với một từ tôi rất nhạy cảm "đầu đất". Với một người từ nhỏ đã có tính tự ái cao như tôi thì đó là một sự xỉ vả không hề nhẹ. Tôi cũng có phải kiểu vô dụng, kém thông minh gì đâu. Nhưng cũng chủ yếu vì kết quả học tập hồi đó của tôi cũng không tốt lắm. Không biết các bạn thế nào, chứ tôi đã làm quen với "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" từ nhỏ đấy, từ cấp 1 luôn rồi. Mỗi khi mắc lỗi là y rằng tôi sẽ phải viết 1 bản kiểm điểm với đầy đủ nội dung và đặt ngay ngắn cho bố xem. Nếu lưu lại, chắc giờ tôi có thể đóng quyển truyền hậu thế rồi. Hồi cấp 1 tôi cũng không khá khẩm lắm. Khi lên cấp 2, may mắn cũng vào được trường điểm và kết quả học tập cũng tốt hơn. Dẫu vậy bố vẫn rất lạnh lùng với tôi và tôi vẫn bất đồng quan điểm với bố rất nhiều. Hình như đó là cách mà tôi làm để bố để ý đến mình hơn. Cấp 2 của tôi trôi qua một cách lãng xẹt dù kết quả học tập không tệ, nhưng tôi thi đâu rớt đó và cả tính tình rụt rè, không muốn bị chú ý của tôi. Tuy vậy một lần nữa, may mắn mỉm cười khi tôi đỗ vào trường chuyên. Và lần đầu tiên, tôi thấy bố nhắc đến mình trong các cuộc nói chuyện. Chuyên Toán mà dù sao nghe cũng sang "miệng". Không những thế, cấp 3 dường như là thời kỳ huy hoàng của tôi với thi vượt cấp rồi thi hsg quốc gia và tôi vẫn tham gia được các hoạt động văn nghệ. Không phải nói chứ tôi khá tự hào về những năm tháng ấy. Có le một phần vì thế, bố cũng lắng nghe tôi hơn. Nhưng quan điểm tôi với bố vẫn trái nhau đôi lúc, vì cơ bản cách bố nhìn nhận mọi thứ rất thực tế và có phần hơi cục bộ địa phương so với đầu óc của 1 thanh niên " chưa trải sự đời" như tôi. Thế mà có 1 điều tôi lại theo bố, đó là chọn con đường lực lượng vũ trang như những gì ông đã đi. Tôi quyết định thi vào học viện vào những năm điểm trúng tuyển cao ngất ngưởng. Không biết tự tin ở đâu hay động lực nào đã thôi thúc tôi, cơ mà đây dường như là điều tôi khá chắc chắn ngay từ những năm đầu cấp 3 đặc biệt là từ lớp 11. Tôi vẫn luôn suy nghĩ là nghề chọn mình, và vì mình phù hợp thì mình mới tồn tại được trong môi trường ấy. May mắn lại một lần nữa mỉm cười khi tôi đỗ học viện với sự hỗ trợ đắc lực của điểm cộng nhờ giải quốc gia mà tôi đạt được trước đó. Đó thực sự là may mắn, khi đó là năm cuối cùng còn khối A của tôi thi vào trường và cũng là năm duy nhất giải quốc gia lại được cộng nhiều như vậy. Nhưng nói đi cung phải nói lại, giải quốc gia cũng là một sự cố gắng của bản thân mà, điểm thi cũng là nỗ lực của mình còn gì. Và nhờ thế, lúc này, tôi mới cảm nhận mình được bố công nhận. Từ khi lên đại học, bố luôn ủng hộ tôi, lắng nghe và chỉ bảo tôi. Và tôi thực sự cảm nhận được ông đang lo lắng cho tôi như thế nào vì con đường này đi không hề dễ dàng. Và khi lớn hơn, khi tôi được nghe nhiều câu chuyện hơn tôi mới nhận ra, bố lạnh lùng, khó tính thế nhưng lại theo sát tôi từng bước đi. Từ cấp 1, khi mời gia sư đến nhà, rồi đến cấp 2 xin cho tôi được vào lớp đầu và cũng như định hướng đại học cho tôi như thế nào. Khi làm hồ sơ đăng ký thi đại học cũng như khám tuyển, bố luôn là người rất sốt sắng, có đôi khi tôi khá sốt ruột với cách bố thể hiện nhưng đến giờ tôi hiểu, bố lo cho những bước đầu của tôi. Bố có khi hơi áp đặt khi luôn nhắc tôi những bài học mà cả 1 đời binh nghiệp ông rút ra. Đau đó, nhưng rất đúng, tôi vẫn luôn nghe theo và tôi muốn biến nó là của mình vì tôi biết mình cần viết tiếp bằng "cây bút" của riêng tôi. 
Bố tôi chưa bao giờ cưng chiều mà luôn dạy tôi: vất đâu cũng có thể sống được. Bạn có thể chưa tưởng tượng nhưng ông dạy 2 anh em tôi học võ CAND từ nhỏ. Dạy tôi chơi thể thao và bơi lội. Và luôn đặt ra những yêu cầu khắt khe cho bản thân tôi và trước hết là gọn gàng, đúng nơi đúng chỗ. Nhưng bố lại rất bảo vệ tôi và dặn dò tôi trước những bước đi: dặn tôi phải cẩn thận trước khi nói, dặn tôi phải hài hòa với mọi người không nên phản ứng lại ngay sau những gì họ nói vì ông biết tôi rất thẳng tính, dặn tôi từ chối rượu bia dù rằng ngành nghề phải tiếp xúc và cũng dặn tôi đừng cố quá đến mức bất chấp tất cả, biết cái gì cần thiết phải làm ngay, cái gì không quan trọng thì xếp sau khi có thể .. Nhiều lắm, không thiếu những điều mà tôi phải nghe mỗi ngày và giờ nhiều điều thành nếp sống cũng như thói quen. Và ông luôn nói với tôi đó là "công thức" mà ông rút ra từ những gì đã trải qua. Và tự khi nào, tôi đã lớn lên theo những "công thức" ấy  và cũng có những "phép toán" của riêng mình. Và không biết từ khi nào tôi lại hay nói với mọi người về những "công thức" mà bố dạy mình như những mũi tên kéo tôi đi. 
Nói dông dài thế các bạn sẽ nghĩ hơi ba hoa, cơ mà nó là sự thật. Đây là cả 1 quá trình tôi thấy sự thay đổi của bố, không phải con người ông, mà là trong lòng tôi. Và đỉnh điểm tôi nhận ra sự kỳ vọng và tình cảm bố dành cho tôi nhiều thế nào là lúc tôi bị chấn thương do tai nạn ở trường. Khi mà tôi phải có sự can thiệp của dao kéo để khắc phục. Đó là giai đoạn tôi mới bắt đầu đại học và rất nhiều thứ bị gián đoạn về sau, thực sự rất buồn và rất stress những ngày đó. Vẫn phong cách bố tôi là trách móc trước nhưng ông lại sát sao từ chút một. Và 5 ngày tôi ở viện Việt Đức, người chăm sóc chính là bố. Từng bữa cơm, chỉ có 2 bố con vì mẹ còn phải lo cho em tôi ở nhà cũng như công việc của mẹ, bố đút cho tôi khi tôi chưa thể tự dậy được. Bạn hiểu cái cảm giác khi mình là một thằng con trai 18, đôi mươi mà phải để bố mình chăm sóc do sự bất cẩn của mình, nó khó tả lắm. Dù là không mong muốn nhưng tôi thấy mình thật vô dụng, tôi chẳng làm việc gì ra hồn cả. Tuy không quá nặng nhưng chấn thương vẫn ảnh hưởng đến khả năng vận động của tôi. Suốt từ đó, 3 năm nay, không khi nào ông không nhắc tôi tập luyện để có thể lại khỏe mạnh và năng động như trước. Nhiều lắm, bố lo nhiều thứ cho tôi hơn những gì tôi nghĩ, thế mà bố luôn cho tôi cái cảm giác bị thờ ơ so với thằng e trai của tôi, có thể vì tôi không giỏi giang cũng như sâu sắc như nó khi ở độ tuổi đấy.
Nhiều điều muốn nói nhưng đây cũng chỉ là văn vở. Tôi chưa thực sự nói trực tiếp với bố điều này: tôi tự hào về ông. Đó chắc cũng là điều mà nhiều người con như tôi bỏ ngỏ đợi 1 thời điểm thích hợp để nói. Tôi không giỏi nói nên tạm viết ra đây nếu bố có đọc được thì đó là tấm lòng của con. Và tôi biết rằng bố phải kìm nén và chờ đợi rất lâu để thấy được tôi như ngày hôm nay. Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu cho con đường rất dài về sao. Con đường bố tôi đã đi tôi sẽ bước tiếp theo cách của tôi nhưng với những gì bố đã dạy. Một từ biết ơn là không đủ, nhưng gửi tới 1 lời thì chưa bao giờ là muộn. Con biết ơn và tự hào về bố!!!