Điều thần kỳ xảy ra khi loài người rủ nhau lên Internet sống
Thời điểm này, có lẽ không ai còn giữ tư tưởng “ra ngoài và trải nghiệm cuộc sống" như trước. Mọi người đều nên ở nhà để đảm bảo sự...
Thời điểm này, có lẽ không ai còn giữ tư tưởng “ra ngoài và trải nghiệm cuộc sống" như trước. Mọi người đều nên ở nhà để đảm bảo sự an toàn cho bản thân và thể hiện trách nhiệm với xã hội.
Như một hệ quả, mục Story trên Instagram hay cập nhật trạng thái Facebook cũng chỉ xoay vòng giữa những screenshot tin nhắn thú vị, hình ảnh bữa ăn gia đình hay ly cà phê Dalgona đang gây sốt.
Tuy nhiên, giữa hoàn cảnh tưởng chừng chán ngắt ấy, các trang mạng xã hội lại đang mang đến cho người dùng cảm giác “xã hội" hơn bao giờ hết.
Mạng xã hội quay về chức năng ban đầu
Từ lâu, chúng ta biết rằng mạng xã hội rất thú vị. Có thể ví von nó như một bộ môn thể thao. Tuy nhiên, thay vì để tâm vào niềm vui của trò chơi, chúng ta chỉ quan tâm đến bảng điểm.
Rất may là Zoom, Skype hay trình gọi video của Messenger không có một bộ đếm nút like hay biểu tượng trái tim nào.
FOMO (Fear of missing out) là một thuật ngữ mới xuất hiện gần đây chỉ sự lo lắng bản thân có thể bỏ lỡ một sự kiện thú vị đang diễn ra ở đâu đó, thường được khơi dậy bởi các bài đăng mạng xã hội. Ít nhất trong thời điểm hiện tại, hiện tượng tâm lý này sẽ không còn.
Tất cả mọi người đều đang trong cùng một hoàn cảnh: ở nhà. Không còn những bức hình tham dự sự kiện, tiệc tối hoặc một cuộc vui nào đó xuất hiện trên mạng xã hội, cũng không có những dự kiến cho tương lai gần vì chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Mạng xã hội trở nên trung lập và thoải mái hơn, đơn giản vì chẳng còn tin bài nào đáng chú ý hơn những cập nhật về dịch bệnh.
Trước đây, sự kết nối trên Internet chủ yếu dựa vào sự quan tâm, lượt tương tác hoặc bị chi phối bởi các mối quan hệ làm việc. Tuy vậy, lúc này, chúng ta đã có thể sử dụng mạng xã hội với chức năng ban đầu của nó: đơn giản là công cụ để gặp gỡ và kết nối khi cần.
Dịch bệnh khiến chúng ta cần nhau hơn
Nhu cầu tương tác cơ bản qua mạng xã hội được thể hiện qua mức độ tăng trưởng chóng mặt của các ứng dụng gọi video. Trong đó, Houseparty, một nền tảng gọi video tích hợp các trò chơi, đã nhanh chóng leo lên top #1 ứng dụng mạng xã hội tại Italy - đất nước hiện phải phong tỏa vì dịch Covid-19.
Ứng dụng này cũng nhận được sự quan tâm lớn tại Mỹ và các quốc gia châu Âu khác. Cần lưu ý rằng trước khi dịch bệnh bùng phát, Houseparty thậm chí không nằm trong nhóm 1500 ứng dụng hàng đầu trên AppStore.
Ben Rubin, đồng sáng lập Houseparty, cho biết: “Đây là thời điểm cách ly nhạy cảm, chúng tôi rất hãnh diện vì đã tạo ra ứng dụng giúp hàng triệu người có cảm giác được kết nối".
Khắp thế giới, những ứng dụng trò chuyện trực tiếp cũng lên ngôi: Google Hangouts, Slack, Discord hay Zoom liên tục chiếm top đầu bảng xếp hạng ứng dụng. Sau khi video trên YouTube và phim Netflix không còn hấp dẫn, có lẽ chúng ta cần lẫn nhau để giải khuây.
Không bị chia cắt địa lý
Việc học online đã được nhiều trường học áp dụng trong thời điểm này, khi nhiều bạn học sinh, sinh viên vẫn còn ở quê. Như vậy, dù ở đâu, các bạn vẫn có thể gặp gỡ tại cùng một “lớp học" trên nền tảng Zoom.
Bằng cách này, chúng ta có thể tưởng tượng rằng mình đang ở trong một “thành phố Zoom" với những con người có vị trí địa lý thực tế cách xa hàng trăm cây số.
Thông thường, sự kết nối của con người phụ thuộc vào môi trường xung quanh: Đồng nghiệp cùng văn phòng, bạn bè cùng lớp hay hàng xóm. Song hiện tại, giới hạn này đã bị phá bỏ, chúng ta không phải trò chuyện với những người ở gần, mà là người khiến chúng ta thấy thú vị.
Những người nổi tiếng cũng đang tận dụng cơ hội này. Thay vì xuất hiện lộng lẫy dưới ánh đèn sân khấu, họ có thể đến gần khán giả hơn bằng video livestream. John Legend mới đây đã biểu diễn trên Instagram cho hơn 100.000 người, trong khi cô vợ Chrissy Teigen vui vẻ ngồi cạnh với chiếc khăn tắm. Một khung cảnh thú vị hơn hẳn những gì bạn có thể thấy trên TV.
Đây cũng là dịp để liên lạc lại với những mối quan hệ xa cách. Hẳn bạn từng thắc mắc bạn học cũ, thầy cô giáo hay crush từ năm cấp 3 đang học gì, làm gì, ở đâu. Đây là lúc thích hợp để kết nối lại.
Với một số người hướng ngoại và xem trọng sự kết nối xã hội, thời gian cách ly này có thể xem như cuộc khủng hoảng. Việc liên lạc và trò chuyện cũng là một cách để giúp họ giải toả.
Được “cứu rỗi" nhờ những điều vui vẻ
Một nụ cười hơn mười thang thuốc bổ. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến nguy hiểm, một bài post hoặc một meme trên Facebook có thể là “bát cháo hành" khiến chúng ta thoải mái hơn. Dù gì, một cụ cười âu lo cũng tốt hơn không có niềm vui nào.
Meme, video clip hay nội dung từ các cộng đồng trên mạng xã hội giúp chuyển hóa những thông tin tiêu cực trở nên dễ chịu, bớt căng thẳng. Những tình huống ngớ ngẩn nảy sinh trong thời gian cách ly tại nhà được chia sẻ cũng tình cờ là một cách giúp chúng ta cảm nhận được sự tương đồng về hoàn cảnh, và biết mình đang cố gắng cho mục tiêu lớn lao.
Thay vì tốn công đi tìm điều gì hay ho để chia sẻ lên mạng xã hội, chúng ta đang tự tạo ra chúng từ hoàn cảnh và tại thời điểm không ai ngờ nhất. Như vậy, phần ý nghĩa nhất của mạng xã hội tưởng chừng đã mất đi, lúc này lại xuất hiện.
Lược dịch trên bài của Tech Crunch, thêm một vài gia vị tự thân.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất