Mình không phải là người siêng vận động. Núi Bà Đen cũng chỉ là ngọn núi thứ 3 trong đời mà mình leo. Đối với mình việc chinh phục đỉnh núi gần 1000m trong 4 tiếng thật sự nhọc nhằn. Nhưng thứ nhận được thật sự giá trị.
Giới hạn chịu đựng của bản thân vượt xa hơn những gì mình nghĩ
Điều đầu tiên mình để ý là trong 1 tiếng đầu tiên cơ thể thực sự mệt mỏi, chân tay rả rời, cảm giác như đã tới giới hạn của bản thân. Lúc này tâm trí thường nghĩ đến những điều khiến chúng ta bỏ cuộc đi: "cố gắng vất vả để làm gì đâu", "đi dã ngoại chứ đâu phải đi hành xác"... kiểu vậy.
Nhưng chỉ cần gạt qua được hiệu ứng tâm lý đó để cố gắng thêm chút nữa, rồi chút nữa. Đến một đoạn, Mình cảm thấp... vẫn mệt, nhưng chợt nhận ra cái sự mệt mỏi lúc này nó không kinh khủng như trước, đó là lúc cơ thể đã dần quen với nó rồi. Mình vẫn mệt nhưng sẽ nghĩ rằng mình có thể cố gắng được thêm một chút nữa, rồi một chút nữa... Rồi cứ thế chinh phục đỉnh núi mà bản thân mình trước đó nghĩ sẽ không thể làm được.
Đường lên núi khá dốc và cây cối um tùm
Đường lên núi khá dốc và cây cối um tùm
Sự điều tiết kì diệu của cơ thể
Cảm giác tuyệt vời nhất mà việc leo núi mang lại không phải là chinh phục đỉnh núi, mà là chinh phục chính mình. Và nhận ra giới hạn của bản thân vượt xa những gì mình vẫn nghĩ. Khi cơ thể đạt đến một mức giới hạn nào đó trong một thời gian, nó có khả năng điều tiết để tâm trí làm quen với mức giới hạn nó, khiến nó "bình thường" trong mắt mình.
Điều này làm mình nhớ đến việc vài năm trước mình bị HCRKT, một bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng khiến mình khó chịu và stress kinh khủng, có thời điểm mình mất ngủ mấy tuần liền và mỗi ngày chỉ ngủ được 2-3 tiếng do quá mệt mỏi và khó chịu. Uống bao nhiêu thuốc từ Đông đến Tây y đều không khỏi,
Rồi đến lúc mình mặc kệ không để ý nữa, cứ chấp nhận sống với nó như vậy luôn. Nhưng dần dần mình lại thấy không khó chịu như trước nữa. Đến bây giờ sau 3 năm mình vẫn sống chung với bệnh, nhưng mức độ khó chịu thì đã giảm 9 phần. Chỉ có thể giải thích rằng tự thân cơ thể đã điều tiết để việc sống chung với bệnh thành trạng thái "bình thường mới" trong cuộc sống của mình.
Chinh phục thành công núi Bà Đen
Chinh phục thành công núi Bà Đen
Năng lượng từ những người bên cạnh
Điều cuối cùng và cũng là điều giá trị nhất mà mình nhận ra, là sự đồng hành của người bên cạnh, cụ thể là bạn gái mình. Cô ấy là một người leo núi cừ khôi, nếu đi 1 mình chắc chỉ mất 3 tiếng có thể leo lên đỉnh, vì chờ mình mà thời gian chậm hơn đôi chút. Tuy vậy vẫn rất vui vẻ chờ mình đi cùng.
Hồi trước mình bị bệnh, tâm trạng đầy bi quan, cũng là nhờ tinh thần lạc quan của cô ấy mà mình vượt qua được. Có nhiều thời điểm khó khăn trong đời, nếu không có cô ấy ở cạnh, có lẽ mình đã phải bỏ cuộc. Việc động viên nhau trên từng chặn đường là nguồn năng lượng to lớn để cả 2 tiếp tục tiến bước.
Mình không phải là một người kiên trì cao và cứng cỏi, nhưng mình may mắn có một người tri kỷ cùng đồng hành.
Lời kết
Với mình thì leo núi là bộ môn rất tốt để khám phá giới hạn của bản thân, ngoài ra việc hòa mình với thiên nhiên trong lành cũng khiến cho chúng ta có nhiều sinh khí hơn. Và leo núi cũng giúp mình rất nhiều trong việc đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống như áp lực trong công việc, kinh doanh. Cố gắng thúc đẩy giới hạn của bản thân mình dần dần, mệt thì nghỉ ngơi rồi tiếp tục. Bạn sẽ không tưởng tượng được khả năng của mình đi xa đến mức nào đâu.
Và cuối cùng, chúc các bạn đều có cho riêng mình những người bạn đồng hành trên đường đời.