Bài gốc:
Câu chuyện tìm kiếm hạnh phúc đã trở thành một trong những chủ đề phổ biến nhất mà chúng ta vẫn nhắc tới từ trước đến giờ. Từ hồi bé tí, đọc truyện cổ tích, chúng ta vẫn quen với những kết thúc: “Và rồi hoàng tử lấy công chúa, họ thừa hưởng ngai vàng và sống hạnh phúc mãi mãi về sau”, rồi khi lớn lên đi học, chúng ta chắc hẳn cũng quen với những lời như “Phải học thật giỏi, đỗ đại học thì mới sướng (hạnh phúc) được”, rồi lớn hơn nữa, sẽ là “Kiếm được nhiều tiền như này, đi nhiều nơi như này, có được công việc này mới là sống trọn vẹn”, rồi sau này khi lập gia đình, có con nhỏ, sẽ là “Vài năm nữa con lớn, công việc nhàn hạ, cuộc sống ổn định thì sẽ được hạnh phúc thôi”,…
Hạnh phúc thường được nhắc đến với vai trò là một mục đích: Nếu có cái này thì mình sẽ hạnh phúc, nếu làm cái này thì mình sẽ hạnh phúc,… Chưa kể bây giờ, với ảnh hưởng của mạng xã hội – nơi mọi người công khai những mặt sáng nhất của cuộc sống bản thân mình – chúng ta không thể tránh khỏi những áp lực đồng trang lứa, những sự so sánh bản thân hay ngờ vực bản thân (self-doubt): “Nếu mình được như họ, thì mình sẽ hạnh phúc”, “Nếu mình đi du lịch nhiều như vậy, mình sẽ hạnh phúc”, “Nếu có người yêu, mình sẽ hạnh phúc”,…
Mình đồng ý là trong cuộc sống, chúng ta cần những động lực để cố gắng vươn lên, nhưng mình không nghĩ hạnh phúc nên là một trong những mục đích của động lực đó. Vì khi đạt được một mục tiêu rồi, chúng ta lại bước vào hành trình của một mục tiêu khác. Như vậy thì lấy đâu ra thời gian để hạnh phúc đây?
Có những ngày mình cảm thấy thực sự trống rỗng. Mình nhận ra mình đã có được tất cả những điều ngày xưa mình mong ước, mình có tất cả những gì phiên bản ngày xưa của mình muốn bản thân của tuổi 20 phải có. Nhưng mình không hề hạnh phúc được lâu, mình lại tiếp tục mong ước thêm những điều nữa, tự ngồi mơ mộng đến viễn cảnh sống trong điều ước đó. Rồi tất cả những gì mình có thể cảm thấy là sự mông lung và trống rỗng. Không có điều gì khiến mình thực sự vui vẻ, kể cả làm những điều mà mình đã từng yêu thích nhất, mình cũng không thể ngồi yên để nghỉ ngơi, hay đi chơi với bạn bè, ở bên người thân, cũng khiến mình thấy chán nản. Cảm giác như mình đang bị chìm sâu trong một không gian vô định, không có mặt đất để đứng vững và xác định phương hướng để biết nên làm gì để được vui, để được hạnh phúc. Mình quá mệt mỏi với việc theo đuổi niềm hạnh phúc đang đợi chờ ở tương lai.
Khi đó mình nhận ra, hạnh phúc không phải là kết quả của những điều kiện, hạnh phúc cũng không phải là ẩn số cần tìm, mà hạnh phúc sẽ đơn thuần đến khi mình hoà vào thì hiện tại.
Những mục tiêu tương lai là điều quan trọng trong cuộc sống, nhưng không phải điều duy nhất mang đến hạnh phúc cho chúng ta. Hạnh phúc không ẩn giấu ở những gì mà chúng ta chưa có, mà hạnh phúc vẫn hiện hữu ở những gì mà chúng ta đang có. Có vẻ như chúng ta quá mải mê tìm kiếm hạnh phúc mà quên mất hạnh phúc vẫn đang ở ngay bên cạnh, ở xung quanh và ở bên trong chúng ta.
Hạnh phúc là sự biết ơn những gì mà chúng ta đang có. Dạo gần đây, mình mới tạo một thói quen mới – mỗi ngày viết ra 5 điều mình thấy biết ơn. Lúc ban đầu có hơi khó khăn và gượng bút, nhưng khi viết được 1 – 2 điều, mình bắt đầu quen tay và hàng loạt những điều mình muốn biết ơn bắt đầu nảy ra đến mức viết không kịp. Mình viết từ những gì nhỏ bé nhất – những điều mình vẫn thường cho là hiển nhiên (take for granted) như “Mình biết ơn vì có một mái nhà vững chãi”, “Mình biết ơn vì có đủ quần áo đẹp để mặc, có đồ ăn ngon để ăn, có nước sạch để uống”,…
Hạnh phúc không hoàn toàn cần truyền cảm hứng mới có được. Mình xây dựng mindset này để hạn chế sự ảnh hưởng của mạng xã hội tới hạnh phúc của bản thân mình. Mình không cần phải thật giàu hay thật giỏi để được hạnh phúc như người này, hay mình cũng không cần phải mua những món đồ này, phải đi đến những nơi này, phải ăn ở những nhà hàng này,… mới được hạnh phúc. Mình tôn trọng đam mê của mình, tôn trọng sở thích riêng của mình. Và chắc chắn rồi, mạng xã hội chỉ là những khía cạnh nhỏ của một con người mà thôi.
Không phải lúc nào chúng ta cũng cần phải cảm thấy hạnh phúc. Cuộc sống là những thăng trầm, và đôi lúc cuộc sống cũng tự tìm cách để cân bằng chính nó. Vì vậy đôi lúc có những ngày bấp bênh, những ngày chán nản hoàn toàn ổn thôi. Mình biết, có nhiều hôm đã mệt mỏi, buồn bã, nhìn xung quanh hay trên mạng xã hội thấy mọi người vẫn thật hoàn hảo và có cuộc sống lúc nào cũng vui tươi thì thực sự rất áp lực. Tuy nhiên, trong những thời điểm như vậy, mình sẽ sống chậm lại hơn một chút để lắng nghe bản thân nhiều hơn, tìm hiểu xem bản thân mình cần gì để cân bằng trở lại. Những ngày như vậy sẽ khiến mình trân trọng những ngày nhiều năng lượng thật nhiều.
Hạnh phúc bền vững, toàn diện đến từ sự cân bằng từ trong chính bản thân. Chắc mọi người đã quen với 4 loại hormones hạnh phúc là Dopamine, Oxytocin, Serotonin và Endorphin. Nói một cách sinh học thì hạnh phúc không đến từ đâu xa mà đến từ 4 “vị” hormones này thôi:
- Dopamine: tạo ra hạnh phúc từ cảm giác đáp ứng các nhu cầu của bản thân, khiến bản thân cảm thấy thoải mái (the reward chemical), được tạo ra từ các hoạt động như: nghe một bản nhạc cực kỳ catchy và hợp mood, hoàn thành 1 công việc, ăn một bữa ăn ngon,… Việc sản sinh dopamine thúc đẩy bản thân chúng ta làm những điều chúng ta thích. - Oxytocin: hạnh phúc đến từ tình yêu thương (the love hormones) – đến từ những hành động tiếp xúc với những người mình yêu thương như ôm ấp người thân, nắm tay người yêu hay chơi với thú cưng, - Serotonin: loại hormones cân bằng cảm xúc của chúng ta (the mood stabilizer hormones), mang đến sự bình an trong tâm hồn – đến từ những hành động mindful như thiền, đi bộ ngoài thiên nhiên, nghe podcast về sức khoẻ tinh thần,… - Endorphines: loại thuốc giảm đau tự nhiên (the pain killer hormone) được sản sinh để đối mặt với vết thương thể chất hay stress, mệt mỏi tinh thần. Hormones này có thể đến từ việc hoạt động thể chất,…
Đó, đơn giản vậy thôi.
Chúc mọi người một tuần mới thật tuyệt vời.
Love, Dandelilla