Một cuộc trò chuyện thường gặp với những người bạn lâu ngày:
- Khỏe không?
- Khỏe. Còn chú?
- Cũng khỏe. Công việc ổn chứ?
- Cũng ổn. Còn chú?
- Ổn …
Hết rồi.
Có chăng điều tích cực ở đây là vẫn còn giữ liên lạc.
Càng lớn có phải mình càng bận. Hay mình và bạn bè càng có ít điểm chung.
Thực ra để tìm 1 lý do nào đó hợp lý hóa thì không khó. Nhưng tìm lý do để làm gì khi mà mình muốn được nói chuyện nhiều hơn. Có phải mình đang cố để ép mình làm điều cả 2 đều không muốn. Hay là mình không còn đủ năng lượng để cố nữa …
Dường như tất cả các vấn đề liên quan tới công việc, tình cảm đều đến từ việc giao tiếp.
-
Có 1 sự khác biệt rất lớn giữa thời trước và thời nay đó là khả năng tiếp cận thông tin. Ưu điểm thì ai cũng biết rồi, nhưng nhược điểm mình thấy lớn nhất ở đây đó là nó tạo ra nhiều khuôn mẫu và khái niệm mới.
Chính những thứ này khiến cho bản thân mình đặt ra những tiêu chuẩn cho bản thân và cả những người mình tiếp xúc.
Là gia đình thì phải thế này, là đồng nghiệp, là sếp, là nhân viên thì phải thế này, là bạn bè, bạn đời thì phải như thế kia.
Một thế giới hoàn hảo mà chỉ có mình sống trong đó.
Nếu ai không hợp với mình thì mình sẽ tự rời đi, mặc kệ thiên hạ hay đừng để ý tới người khác đúng không. Chắc bạn nghe quen quen nhỉ.
Mình và bạn có lẽ ở thời điểm bây giờ thì thời gian trên mạng xã hội nhiều hơn ở ngoài đời. Tuy nhiên trên mạng xã hội thì lại càng dễ dàng đặt ra các tiêu chuẩn cho người khác hơn.
Dù là mình viết bài dài, bài ngắn, sai chính tả. Dù là mình hỏi 1 câu cơ bản trên nhóm nào đó. Dù là mình xử lý vấn đề không khéo ở một video nào đó.
Tất cả đều sẽ có những lời nhận xét, đánh giá. Chưa bàn tới chuyện những lời đó là tích cực hay tiêu cực, nhưng tất cả đều nâng tiêu chuẩn của mình lên khi mình làm tới lần sau.
Điều đó có tốt không? Có. Nó giúp mình cải thiện và tốt hơn.
Nhưng một mặt tối còn lại đó là tất cả quá trình này đều diễn ra trên sự nhìn nhận và đánh giá của bản thân mình mà không tương tác nhiều với người khác.
Đồng nghĩa với việc mình tự đặt ra, thay đổi, nâng cao tiêu chuẩn của bản thân và nó diễn ra đồng thời với tiêu chuẩn mình đặt ra cho người khác.
Điều này dẫn đến quá trình giao tiếp ngoài đời thực chỉ còn là sự đánh giá ngầm và vài ba câu ngắn gọn để nhanh chóng đi tới kết luận.
Đây chính là điểm chết trong việc giao tiếp.
Mình không bao giờ có thể hiểu rõ ý định, suy nghĩ, cảm xúc của người khác thông qua 1-2 câu trò chuyện được. Tất cả các vấn đề của việc hiểu sai người khác đều bắt nguồn từ đây.
Người khác không có nghĩa vụ hiểu cho mình khi mà mình còn chưa hiểu họ bao nhiêu.
Mâu thuẫn, xung đột, áp lực từ công việc cho tới chuyện tình cảm đều tích tụ cho tới mức không thể giao tiếp được nữa.
-
Chúng ta (cả mình) đều cần những cuộc trò chuyện sâu.
Điều này là cực kỳ khó vì mình đã quen với việc tự làm, tự đặt tiêu chuẩn, tự đánh giá ngầm rồi.
Còn chưa kể tới những chuyện nhạy cảm như các vấn đề liên quan tới tiền bạc, lương thưởng, tình dục, giới tính,...
Những người giỏi trên mạng xã hội làm cho mình đặt ra tiêu chuẩn cao hơn. Nếu là đặt cho bản thân thì tốt, nhưng nó lại vô tình đặt ra cả những người xung quanh mình.
Có dễ để phân biệt và không đặt ra tiêu chuẩn cho người khác được hay không? Với trải nghiệm cá nhân mình là cực kỳ khó. Giống như chuyện mình càng lớn càng ít bạn vậy, mình nghĩ rằng phần nào đó có liên quan tới sự đánh giá ngầm của mình.
Điều chúng ta thấy chưa phải là sự thật.
Một người quen chúng ta biết trước giờ là người tốt và bất ngờ chúng ta thấy họ làm điều xấu thì liệu chúng ta vẫn sẽ tin tưởng họ là người tốt. Sự đánh giá ngầm sẽ diễn ra, sau đó là sự tránh mặt, tránh nói chuyện, dần dần mất kết nối với người đó.
Điều chúng ta thấy chưa phải là sự thật (nhắc lại).
Mình và bạn chỉ chắc chắn được sau khi nói chuyện với họ, khi thật sự hiểu được toàn bộ câu chuyện đằng sau hành động “xấu” đó. Phải là toàn bộ câu chuyện 1 cách trần trụi nhất thì mới đưa ra kết luận được. Sau đó rồi tính tiếp, dù là không nói chuyện nữa hay dừng mối quan hệ.
Chuyện mong muốn tăng lương cũng vậy. Có một câu hỏi thú vị như thế này: Bao nhiêu người sẽ quyết định nghỉ việc (tức là nghĩ sếp đang không đánh giá đúng năng lực) trước khi đề cập chuyện tăng lương với sếp? - Chỉ với chuyện này đã có hàng trăm bài toán khác nhau mà chúng ta không thể thấy được rồi.
Chuyện chia tay cũng vậy. Đó có phải là vấn đề về tiền bạc, tình dục, ham muốn hay một điều gì đó khó nói đang mong người kia cần hiểu và đáp ứng một cách tự nhiên? Dù chúng ta có hợp nhau tới 90% đi chăng nữa thì 10% câu chuyện còn lại vẫn cần được chia sẻ, được thấu hiểu, được thành thật với nhau.
Và tất cả đó đều là những cuộc trò chuyện khó, với mình thì rất rất khó.
Có lẽ là mình sợ người khác đánh giá, sợ bị hạ thấp cái tôi, sợ không được người khác tôn trọng nữa,...
Hoặc đó cũng có thể chỉ là những gì mình đang nghĩ. Sự thật có lẽ không đáng sợ hoặc cũng có thể đáng sợ hơn.
Nhưng hiểu được điều này giúp mình dám bước tới với những nỗi sợ hơn. Dám thử để xem nó sẽ đưa mình tới đâu.
Hy vọng gặp bạn ở đâu đó trên hành trình này.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.
Bạn đọc thêm bài viết của mình ở đây nha: