Điều gì thật sự có thể ép buộc bạn?
Hầu hết, khi vấn đề đến trước mắt, mọi người sẽ chọn lựa làm sao cho mọi thứ thật êm đềm trôi qua. Vì sâu trong lòng họ, điều quan trọng không phải là đúng và sai, không phải là đạo đức và tội lỗi, mà là mối quan hệ giữa người với người.
Đừng làm điều mình không muốn chỉ vì "tình cảm êm đẹp" với người khác.
Nghe sáo rỗng nhỉ? Nhưng để thực hiện được triệt để nó chẳng hề dễ dàng gì đâu. Đến cả những người rất lớn tuổi rồi cũng vẫn có thể đang lạc lối trong vòng quay đó đấy.
Tôi kể bạn nghe hai câu chuyện.
Câu chuyện thứ nhất, tôi lôi ra từ bộ phim hôm nay tôi xem mà thôi (Nếu bạn muốn biết đó là bộ phim gì, thì nó tên là "Điền Canh Kỷ"). Nữ chính là con gái của người con trai thứ ba trong đại gia đình, người này được việc, hiền lành nhưng nhu nhược. Con trai thứ hai thì khôn lỏi, nhưng ngốc nghếch, không dám làm chuyện gì quá đáng. Người con trai cả nổi danh nhất, được ông bà nội nữ chính - tức bố mẹ ông ấy nuông chiều, lo cho ăn cho học từ bé, tiền của ở nhà đều dồn hết cho ông ta. Thế nhưng ông ta 40-50 tuổi vẫn mới chỉ đỗ tú tài, hàng ngày lo đút lót làm chuyện dối trên gạt dưới.
Đỉnh điểm là ông ta liên tục hãm hại nữ chính. Và nữ chính cũng tương kế tựu kế dần đưa ông ta ra ánh sáng, rốt cục ông ta đã lâm vào hoàn cảnh khốn cùng, lần đầu tiên bị cha công khai đánh trước nhà mà gọi là "Đồ nghiệp chướng".
Giây phút ấy, ông ta gào lên, lần đầu tiên, như một kẻ điên, khác hẳn dáng vẻ đạo đức giả thường ngày: "Là con muốn làm quan đó ư? Không phải là cha ép con à? Cha mẹ suốt ngày khen con, khích lệ con, chỉ vì muốn con đỗ đạt, mang vinh quang về cho nhà mình! Nếu không phải cha mẹ bắt con làm quan, con có hãm hại Man Nhi (nữ chính), có xúi giục nhị đệ trộm tiền của Man Nhi, có phải xin chính con gái mình hạ mình với nhà họ Tống (giàu có) không? Con không cần thể diện sao? Bây giờ con làm ra chuyện này, ai cũng trách con, đều là lỗi của con. Đều là tại cha ép đấy."
Câu chuyện thứ hai, là câu chuyện của chính gia đình tôi, cụ thể là của bố tôi. Sau khi tôi xem xong cảnh phim kia, tôi cực kỳ liên hệ với bố tôi. Chà, áp lực trên vai những người đứng đầu này thật không nhỏ.
Bố tôi ngoại tình. Đã mười mấy năm trời liên tục. Phải đến 8 năm sau khi bố tôi ngoại tình mẹ tôi mới biết. Kể từ ấy gia đình tôi luôn lục đục. Nhưng chuyện không bao giờ bung bét, vì bố tôi vẫn cố tình lơ đi, vẫn lặng thinh mặc kệ mẹ tôi chửi rủa. Cơ mà làm gì có ai chịu đựng được mãi bao giờ? Mỗi lần không nhịn được, bố tôi lại nói ra những lời nói lạ lẫm, từng chút từng chút một biểu lộ sự kìm nén bấy lâu.
Tôi vẫn luôn rất ghét bố lúc đó. Không chịu nói gì, coi thường mẹ tôi với chúng tôi hay gì? Cứ im im như thế thì bao giờ mới giải quyết được vấn đề?
Đến một ngày, mẹ tôi chửi bố tôi rất to đến nỗi hai người kéo nhau ra cả ngoài sân, nơi mà tất cả hàng xóm - bao gồm ông bà ngoại tôi ở ngay bên cạnh đều có thể nghe thấy, đứng ra ngoài cửa xem. Đó là lần đầu tiên, bố tôi không chịu được nữa mà bật khóc.
Một con người chỉ biết câng cái mặt lên, chửi đổng rồi phóng xe khỏi nhà trong sự hằn học của vợ. Phản ứng lần đầu tiên của người đàn ông ấy, lại là những giọt nước mắt tức tưởi.
"Ừ! Tất cả là tại tao. Chuyện gì cũng là do tao hết!"
Câu nói đó thật quen phải không? Đó là hai câu chuyện tôi muốn kể đấy.
Câu nói nghe có vẻ bất lực và nổi loạn kia lại do những người đã rất "lớn", có con cái đề huề rồi thốt ra. Rốt cuộc, phải mất bao nhiêu năm để họ nói ra được sự ấm ức đó? Rốt cuộc họ đã sống trong lạc lối bao lâu rồi?
Con người sống với nhau, đôi khi không hề biết mà người này sẽ gây áp lực cho người kia. Không thể trách được, mỗi người đều có mong muốn của riêng mình. Đôi khi họ chỉ đơn giản là mong muốn thế thôi, mất đi sự khôn ngoan, để biết rằng họ đang gây ra ảnh hưởng gì cho những người họ có thể ảnh hưởng.
Con người sống với nhau, đôi khi không hề biết mà đều đang lảng tránh sự xung đột. Chỉ vì muốn hài lòng người quan trọng với mình, mà đứa con cứ thế sống theo mong muốn từ thuở thơ bé bố mẹ nó nói với nó, rồi tự coi đó là sự nghiệp của mình mà vô tình làm bao chuyện sai trái. Chỉ vì không muốn chia tay ly hôn vợ, nói ra những vấn đề của bản thân mình mới vợ, mà người đó tìm lối thoát sai lầm là ngoại tình để rồi biến mình trở thành người không thể yên nghỉ ở bất cứ nơi đâu.
Nhìn lại xem, tôi chưa từng hét lên như thế với mẹ sao? Trong mối quan hệ gia đình này, mẹ tôi dường như gây áp lực cho tất cả những người xung quanh, mẹ muốn trở thành một tiêu chuẩn và ép mọi người gò bó theo nó. Tôi từng ghét mẹ như thế. Tôi từng hét lên với mẹ, rằng tôi không có lỗi, tôi đau khổ như thế này là do mẹ.
Nhưng chúng ta đều là những con người lạc lối.
Mẹ cũng có vấn đề của riêng mẹ, mà mẹ không biết giải quyết nên chỉ toàn cay nghiệt, ép buộc. Bố có vấn đề của riêng bố, mà không biết giải quyết nên chỉ toàn lảng tránh gia đình, rồi đi ba hoa lăng nhăng bên ngoài. Tôi có vấn đề của tôi, mà không biết giải quyết nên âm thầm từ bỏ mọi khả năng học hành, mọi công danh lợi lộc, biến mình trở thành kẻ vô dụng nhạt nhẽo sống qua ngày.
Chứ thật ra, mẹ đâu có thể làm gì chúng tôi được? Nếu chúng tôi muốn, những áp lực từ mẹ chỉ như gió thổi qua sườn núi.
Ở trong câu chuyện thứ nhất, nếu ông con trai cả không muốn làm quan, thì cứ không đi học, đi làm nông, đi đánh đàn, làm cái gì ông ta thích. Bố mẹ ông ta sẽ thế nào? Đánh ông ta, chửi ông ta, không cho ông ta nhiều tiền? Chẳng được bao lâu đâu, họ sẽ lại hoà hoãn, sẽ phải chấp nhận mà thôi. Mà nếu họ không chấp nhận, thì ông ta vẫn có thể tự lập cơ mà. Nhưng trong áp lực vô hình trung từ bố mẹ, ông ta lo lắng đút lót quan trên, tạo mối quan hệ với người giàu để ngày nào đó trở thành một đứa con trai mang vinh quang về cho gia tộc.
Còn bố tôi, thật ra tôi vẫn không biết bố tôi cụ thể đã vì gì mà chọn lựa như thế, để rồi phải khóc trong bất lực "Tất cả là tại tao."
Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi hiểu rằng mỗi người đều có lí do của họ. Chẳng có mấy ai hiểu được mấy đạo lí đao to búa lớn, chẳng có mấy ai dám làm căng như tôi khua môi múa mép bên trên.
Hầu hết, khi vấn đề đến trước mắt, mọi người sẽ chọn lựa làm sao cho mọi thứ thật êm đềm trôi qua. Vì sâu trong lòng họ, điều quan trọng không phải là đúng và sai, không phải là đạo đức và tội lỗi, mà là mối quan hệ giữa người với người. Con người thèm muốn mối quan hệ với người khác.
Nhưng nếu đến một lúc nào đó, bạn cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, khó khăn áp lực khi làm một điều gì đó, bạn hãy thử nghĩ xem: "Cái gì đang ép buộc bạn ngoài kia?" Có gì thật sự có thể ép buộc bạn? Nếu không có áp lực ấy, kỳ vọng ấy, ám ảnh ấy, bạn sẽ sống thế nào? Bạn có đang làm việc mình đang phải làm hiện tại?
Có lẽ điều đó sẽ giúp bạn tìm ra hướng đi đúng đắn cho mình chăng.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất