Ngày 05/11, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng tống giữa hai ứng viên Kamala Harris của Đảng Dân Chủ và Donal Trump của Đảng Cộng Hòa. Vẫn như mọi kỳ bầu cử khác, chiếc ghế tổng thống Mỹ luôn là tâm điểm quan tâm của giới đầu tư và các chuyên gia kinh tế trên toàn thế giới. Việc Đảng nào lên cầm quyền sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến chính sách nội ngoại giao sắp tới của nước Mỹ và từ đó tác động đến các nền kinh tế khác trên toàn cầu. Với chúng ta, câu hỏi đặt ra là: Cơ hội nào sẽ mở ra? Chính sách của mỗi Đảng là gì? Trump hay Harris đắc cử sẽ có lợi hơn? Và trong từng kịch bản thì thị trường Việt Nam sẽ diễn biến như thế nào?
Đầu tiên, chúng ta cần biết tổng quan về các chính sách và đặc điểm của cả hai Đảng đối đầu để từ đó hiểu rõ hơn việc ông Trump hay bà Harris cầm quyền thì ảnh hưởng của nó ra sao.
Về kinh tế: Đảng Dân chủ tập trung vào việc thương mại công bằng, ủng hộ vai trò tích cực của chính phủ và có xu hướng duy trì mức thuế cao đối với người giàu để tài trợ cho các chính sách xã hội và đầu tư công. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa tập trung vào việc bảo vệ ngành công nghiệp nội địa (chính sách bảo hộ), giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp và sử dụng chính sách thuế nhập khẩu như một công cụ để đạt được các mục tiêu kinh tế và ngoại giao.
Về chính sách môi trường: Đảng Dân chủ đặt ưu tiên cao vào các vấn đề biến đổi khí hẩu, thường thúc đẩy đầu tư và năng lượng tái tạo trong khi Đảng Cộng hòa ủng hộ ngành công nghiệp năng lượng truyền thống (dầu, than, khí,...) và ít chú trọng tới môi trường
Về quân sự và an ninh: phe Dân chủ có xu hướng tiếp cận đa phương và đối thoại trong chính sách đối ngoại. Ở phía ngược lại, những người Cộng hòa thường ủng hộ việc duy trì sức mạnh quân sự mạnh mẽ và chủ trương hành động cứng rắn hơn trong các vấn đề an ninh quốc gia
Bức tranh đã rõ ràng một nửa, giờ chúng ta hãy nói về các kịch bản có thể xảy ra và khả năng của chúng
Kamala Harris và Đảng Dân chủ thắng cử
Bức tranh kinh tế: + Người giàu và doanh nghiệp lớn sẽ bị tăng thuế + Thuế nhập khẩu không tăng trên diện rộng: chỉ duy trì theo từng nhóm ngành hiện nay, từ 10-25% + Kiểm soát giá cả hàng hóa và giảm chi phí y tế + Lương tối thiểu được tăng lên
Viễn cảnh trên được cho rằng sẽ ổn định và ôn hòa hơn đối với các nền kinh tế khác trên toàn cầu nếu so với ông Trump. Tôi cho rằng, nếu bà Kamala Harris giành chiến thắng, mức độ biến động của thị trường tài chính Mỹ sẽ nhẹ nhàng hơn cũng như dễ dự báo hơn trong tương lai. Từ đó, thị trường chứng khoán Việt cũng sẽ nhận những tác động ít hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là trong nhất thời.
Donal Trump và Đảng Cộng hòa giành chiến thắng
Bức tranh kinh tế: + Áp thuế nhập khẩu ở mức cao: 10-20% với tất cả sản phẩm nhập khẩu, riêng đối với các sản phẩm từ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế từ 60-100% + Giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân trong nước để kích thích kinh tế + Thắt chặt nhập cư và trục xuất nhập cư bất hợp pháp
Kịch bản trên phần nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn đối với thị trường tài chính Mỹ do các lo ngại về sự khó đoán và các chính sách mạnh tay của ông Trump. Mức độ biến động có thể sẽ cao hơn và tiêu cực hơn bà Harris. Đối với thị trường tài chính Việt Nam, các tác động ngắn hạn này có thể lan tới nhưng sẽ tác động không nhiều. Tuy nhiên về lâu dài, nền kinh tế Việt Nam sẽ nhận được lợi ích nhiều hơn nếu Trump ngồi trên ghế tổng thống.

Với thị trường Việt Nam

Cơ hội nào sẽ tới?
+ Thứ nhất, do chính sách bảo hộ doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ tác động lên hàng hóa từ Trung Quốc, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp Trung Quốc và quốc tế sẽ di chuyển các cơ sở sản xuất sang Việt Nam để sản xuất hàng hóa và xuất đi Mỹ. Từ đó tránh được mức thuế nhập khẩu cao đánh lên hàng hóa đến từ Trung Quốc và tận dụng được các ưu đãi từ mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ. Điều này sẽ được hưởng lợi nhiều hơn về lâu dài nếu tổng thống là ông Donal Trump.
+ Thứ hai, nếu ông Trump tái đắc cử, nhóm năng lượng và dầu khí có thể được hưởng lợi do Trump có xu hướng đẩy mạnh tiêu thụ năng lượng hóa thạch và khai thác dầu khí. Điều này có thể làm tăng các cơ hội hợp tác doanh nghiệp giữa hai nước hoặc kích thích xuất khẩu.
+ Thứ ba, thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn thường tương quan với chỉ số S&P 500 của Mỹ, có thể hưởng lợi từ sự ổn định hơn khi bà Harris đắc cử, bởi các chính sách của bà ít có khả năng gây biến động mạnh. Điều này có thể mang lại môi trường đầu tư ổn định hơn tuy nhiên lợi ích đối với nền kinh tế không lớn như chính sách của Trump nên quan điểm về lâu dài của thị trường sẽ không tích cực bằng việc Trump đắc cử.
Rủi ro nào sẽ xuất hiện?
+ Thứ nhất: DXY tăng đồng nghĩa với việc áp lực lớn lên tỷ giá USD/VND khả năng NHNN (SBV) không mua được ngoại hối để bù đắp vào lượng USD đã bán ròng trong suốt thời gian qua là rất cao. Hiện nay dự trữ ngoại hối của VN chỉ còn khoảng 88 tỷ USD, khoảng 2.x tháng nhập khẩu (thấp hơn mức tối thiểu mà IMF khuyến nghị) nên đây có thể là rủi ro về sức khỏe của nền kinh tế.
+ Thứ hai: Áp lực tỷ giá USD/VND giá tăng, đồng nghĩa với việc SBV phải can thiệp (căng thẳng nhất là phải bán USD). Khi một lượng lớn ngoại hối được bán ra (nghĩa là cán cân thanh toán BOP âm), tăng trưởng huy động cũng tăng chậm hơn so với lúc SBV mua được USD vào (BOP dương) do nhu cầu tiền gửi ít đi vì tiền VND mất giá. Hệ quả là mặt bằng lãi suất liên ngân hàng (ON) tăng ở mức cao trong giai đoạn này trung bình trên 3.5%, lúc này thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ khá căng dẫn đến ảnh hưởng đến quyết định về lãi suất huy động trên thị trường 1.
+ Thứ ba: Chính sách của Mỹ với Trung Quốc và sự chuyển dịch dòng vốn FDI có thể đặt Việt Nam vào một thế khó trong đối ngoại với Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến rủi ro địa chính trị trong khu vực, kìm hãm dòng chảy thương mại ở Trung Quốc và Đông Nam Á
Các nhóm ngành tác động
+ Bất động sản khu công nghiệp; hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư chuyển dịch và các cơ hội hợp tác kinh doanh Việt-Mỹ + Nhóm ngành xuất khẩu (Dệt may, thủy sản, linh kiện, gỗ): hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn FDI từ Trung Quốc hoặc là mặt hàng thay thế sản phẩm Trung. + Dầu khí và năng lượng: nếu Trump đắc cử

Giá vàng sẽ như thế nào?

Nếu ông Trump thắng, thị trường có thể đánh giá cao các chính sách về nới lỏng quy chế giám sát và thân thiện với doanh nghiệp. Ban đầu, điều này có thể đẩy tỷ giá đồng USD tăng và gây áp lực mất giá lên vàng. Tuy nhiên, nếu những chính sách đó làm gia tăng mối lo lạm phát và đẩy cao căng thẳng trong quan hệ thương mại quốc tế, giá vàng có thể tìm được sự hỗ trợ bởi nhà đầu tư tìm kiếm sự phòng ngừa rủi ro.
Trong trường hợp bà Harris thắng, kết quả đó có thể khuấy đảo các kỳ vọng về tăng chi tiêu chính phủ, có thể đặt ra sức ép mất giá lớn hơn đối với đồng USD và đưa giá vàng tăng.
Trên đây là những quan sát và nhận định thực tế về các kịch bản có thể xảy ra với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và tác động của nó đến nền kinh tế cũng như thị trường tài chính Việt Nam. Bài viết này còn nhiều thiếu sót và có thể sai sót ít nhiều trong một số nhận định/suy luận. Kính mong các độc giả, quý nhà đầu tư đọc bài có thể góp ý và đưa ra các câu hỏi để tôi có thể làm rõ hơn vấn đề. Hãy follow nếu bạn thấy hay và nếu bạn có câu hỏi nào về tài chính hoặc muốn tìm hiểu về đầu tư chứng khoán, đừng ngại liên hệ qua thông tin trên wall của tôi nhé.