Điều Tự Hào Và Tiếc Nuối Năm 2020
“Này, điều gì khiến em cảm thấy tự hào nhất trong một năm vừa qua?” - Tôi bất chợt quay sang hỏi cô đồng nghiệp đã làm cùng tôi hơn...
“Này, điều gì khiến em cảm thấy tự hào nhất trong một năm vừa qua?” - Tôi bất chợt quay sang hỏi cô đồng nghiệp đã làm cùng tôi hơn một năm nay, người có cùng lối suy nghĩ, tư duy khá giống tôi.
“Ừ thì cũng tuỳ, tuỳ vào đối tượng mà em muốn họ thấy tự hào về em” - Đồng nghiệp ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời tôi.
“Ví dụ như với gia đình, bạn bè và ngay cả sếp trong công ty, em đều có ít nhất một điều tự hào hay một điều gì đó hay ho mà em học được từ họ. Nhưng nếu để nói về điều khiến em tự hào về bản thân mình nhất thì đó là tinh thần mạnh dạn và sự dám làm trong năm nay”
“Là sao nhỉ, em có thể cho anh biết rõ hơn không?” - Tôi hỏi với ánh mắt hơi ngạc nhiên.
Đồng nghiệp bắt đầu trải lòng: “Anh có nhớ lúc em đăng kí học Thạc Sĩ không? Hồi tháng 3, em đã không tin rằng mình có thể làm được vì em nghĩ với thành tích và kinh nghiệm mình đang có, không đời nào mình có thể giành được học bổng hay thậm chí là đủ điều kiện để đăng kí học nữa. Rồi khó khăn chồng chất khó khăn, làm sao có thể đến trường cách công ty hơn 20 cây số ngay sau giờ làm tại nơi mà sự kẹt xe dường như là một đặc sản này chứ. Chưa hết, đi học được là một chuyện, nhưng có thời gian để tự học, rồi đạt thành tích tốt nhất (để giữ được học bổng) trong việc học và đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ở công ty gần như là một điều rất khó. Tại thời điểm ấy, dường như không một ai tin và cũng chẳng có ai ủng hộ em cả…”
“Và em đã từng có suy nghĩ đến chuyện bỏ cuộc phải không?” - Tôi hỏi với vẻ mặt băn khoăn.
Đồng nghiệp thở dài một cái rồi nói: “Đã có lúc em nghĩ hay thôi bỏ hết tất cả, cứ làm một nhân viên chăm chỉ bình thường là ổn rồi. Nhưng em nhớ đến lời động viên của anh rằng hãy cứ làm hết sức mình, còn chuyện họ có đồng ý để mình làm hay không, đó là chuyện của họ. Thế là em đã tự mình liên lạc, hỏi mọi người về những thứ liên quan và quả nhiên đã có những tín hiệu tích cực xuất hiện. Em đã tìm được cách để đi học dù có vất vả và khó khăn đến mấy, dù có phải về đến phòng là 12 giờ đêm em vẫn cố gắng để đi học. Kết quả là học kì đầu em được GPA gần như là tuyệt đối, điều này đã khiến cho không những gia đình, sếp và chính cả bản thân em cảm thấy tự hào”
Tôi nghe đến đây trong lòng đã cảm thấy nể phục đồng nghiệp phần nào. Đúng là trong cuộc sống, ăn nhau ở cái sự lựa chọn và quyết định của chính mình, nếu chỉ vì một chút khó khăn thử thách mà ta đã bỏ cuộc, liệu ta có đang sống một cuộc đời vô vị không?
Ngưng một chút, tôi bắt đầu hỏi tiếp :”Thế em cảm thấy thất vọng nhất về điều gì?”
Đồng nghiệp nói :”Có lẽ em đã không biết tự lượng sức mình và bỏ ngoài tai lời khuyên của những người đi trước. Lúc em nhận được KPI, có tất cả 6 mục mà em phải hoàn thành trọn vẹn, nhưng trớ trêu thay, đến cuối cùng em chỉ có thể hoàn thành tốt một phần trong số đó”
Tôi chợt hỏi :”Nguyên nhân là vì sao?”
Đồng nghiệp kể với giọng buồn buồn :”Anh có nhớ lúc đó chúng ta đã từng mang KPI đi hỏi chú Đ (người có kinh nghiệm và cũng là một trong những người tuyển chúng tôi sang Thái làm việc) về KPI của chúng ta, chú bảo KPI của chúng ta rất khó và gần như không thể hoàn thành được ít nhất là trong năm đầu tiên. Nhưng vì chúng ta còn trẻ, còn bồng bột nhiều lắm nên chúng ta đã để ngoài tai lời chú khuyên. Để rồi khi không đạt được kì vọng, em và anh đều cảm thấy thất vọng về chính bản thân mình.”
Một chút kí ức ùa về trong tâm trí tôi, tôi nói thêm :“Ừ, lúc ấy chú khuyên chúng ta 2 điều, một là KPI rất khó và hai là đừng nên đi học Thạc Sĩ và đi làm cùng một lúc. Chúng ta đều đã đi học Thạc Sĩ và đang gặt hái những thành công nhất định, ít nhất là cho đến lúc này. Nên chúng ta nghĩ rằng chú có lẽ đã thuộc thế hệ trước, chú không phải là mình nên chú không thể quyết định thay cho cuộc đời của chúng ta được. Nhưng chúng ta đều hoàn toàn sai, chú là một người dày dặn về mặt kinh nghiệm trong công việc, chú là người đi trước và chú chắc hẳn cũng đã từng trải qua khoảng thời gian bắt đầu sự nghiệp như chúng ta. Chú khuyên chúng ta vì chú muốn tốt cho chúng ta mà thôi. Nếu được chọn lại, chắc chắn anh và em sẽ nghe lời chú khuyên để hoàn thành công việc một cách tốt hơn.”
“Em cũng nghĩ vậy, có lẽ chúng ta nên biết lượng sức mình hơn. Thời gian và sức lực là một loại tài sản hữu hạn, nếu chúng ta không biết sử dụng nó một cách thông minh thì chúng ta đang lãng phí tuổi trẻ của chính mình.” - Đồng nghiệp bổ sung lời tôi nói.
“Anh đồng ý. Nhưng anh nghĩ cái sai đó cũng là một điều cần thiết, nhất là trong khoảng thời gian đầu của sự nghiệp. Tại sao lại là cần thiết? Bởi vì cái sai này không gây ra một hậu quả nào quá lớn cho người khác và có chăng là chỉ ảnh hưởng một chút đến sự kiêu ngạo của chúng ta thôi. Sai để biết mình không phải siêu nhân, sai để biết sức mình có hạn và cần phải trâu dồi và bồi đắp thêm nhiều hơn nữa, và quan trọng hơn hết, sai để biết mình là ai trên cõi đời này…”
Ngưng một lúc, đồng nghiệp hỏi ngược lại tôi :“Nhưng tại sao anh lại hỏi em những câu hỏi này?”
Tôi đáp :“Vì anh đã từng tâm đắc một câu rất hay trong cuốn Sổ Tay Nhà Thôi Miên của tác giả Cao Minh rằng nhìn đời chỉ với một con mắt là đủ, con mắt còn lại hãy để nhìn chính bản thân mình. Chúng ta đã dành rất nhiều thời gian để lắng nghe người khác, theo dõi xem cuộc sống của họ hạnh phúc đến nhường nào nhưng có khi nào em đã tự mình nhìn lại chặng đường một năm đã đi qua của mình chưa? Năm 2020 với biết bao trải nghiệm quý báu, với rất nhiều bài học mà chúng ta đã ngẫm ra được, chẳng phải sẽ lãng phí lắm sao nếu cứ để những điều ấy phai dần đi theo dòng thời gian? Đôi khi trả lời những câu hỏi ấy là lí do tốt để ta ngẫm lại, sắp xếp những mảng kí ức và chắt lọc ra những điều tuyệt vời nhất để biến nó thành hành trang quý báu và mang theo trên chặng đường sắp tới.”
Đồng nghiệp hỏi với vẻ tò mò :“Vậy em có thể biết bài học lớn nhất anh nhận ra trong năm vừa rồi là gì không?”
“Là trách nhiệm với chính bản thân mình và người khác, là nếu muốn làm gì thì phải làm ngay đi, vì ai biết được đại dịch có quay lại một lần nữa và tước đi hết sự tự do mà mình đang có hay không.” - Tôi đáp
Kết thúc cuộc trò chuyện bất chợt, cả hai chúng tôi đều hiểu hơn về chính mình. Năm 2020 là một năm kì lạ, khi gần như mọi hoạt động vốn được xem như là bình thường như đi du lịch, đi về thăm nhà vào những dịp đặc biệt hay làm vài li với lũ bạn trở nên xa vời và khó thực hiện hơn bao giờ hết. Ta bổng có nhiều thời gian hơn để nhìn vào thế giới nội tâm của chính mình, bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi tại sao và biết cách quan tâm đến cảm xúc của mình nhiều hơn. Mong rằng một năm mới đến mọi chuyện sẽ trở về lại như lúc trước, lúc trước khi đại dịch xảy ra và đây sẽ là một năm tiến triển trong sự nghiệp.
Chúc mọi người một năm mới 2021 an lành và thành công.
Ayutthaya, một buổi chiều đầu xuân.
Để theo dõi thêm những điều mình viết, các bạn Follow mình nhé. Insta: https://www.instagram.com/the.smoking.zone/
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất