Lưu ý: Bài này mình reup, nguồn sưu tầm, không rõ tác giả nhưng thấy hay nên đăng, mời các bạn đọc và cho ý kiến nhé!
Thực ra việc điện ảnh Việt Nam được xã hội hóa và quảng bá rộng rãi ở cả trong nước cũng như ngoài nước vốn đã không còn là một điều xa lạ với chúng ta. Bằng chứng rõ ràng nhất phải kể đến đó chính là bộ phim điện ảnh thương mại đầu tiên của đạo diễn Lê Hoàng, “Gái nhảy” – đã được ra mắt vào năm 2003, ngay sau thời kì khủng hoảng trầm trọng của những bộ phim mì ăn liền thập niên 90 vừa kết thúc.

Về mặt chất lượng, tuy chưa thể nói bộ phim là "hay", là "thuần Việt" nhưng điều đó cũng không thể phủ nhận được 1 sự thật rằng: Chỉ sau 3 ngày công chiếu tại Hồ Chí Minh, bộ phim đã ngay lập tức thu hút được một lượng lớn khán giả xem phim đến rạp và cũng cùng thời điểm đó, phim đã cán mốc kỉ lục 12 tỉ đồng tiền doanh thu sau khi công chiếu kết thúc – một con số có thể nói là rất lớn thời bấy giờ. Cùng với sự thành công của bộ phim đó là vô số những lời khen từ khán giả và các nhà phê bình, cánh báo chí cùng với các diễn viên nhờ từ phim mà “một bước lên sao” như: “Má mì” Anh Vũ, Mỹ Duyên hay Anh Thư, vv...
Vậy là, kể từ sau sự thành công đó, hàng chục các bộ phim và các phần phim ăn theo khác đã được sản xuất ngay trước thềm năm 2010 như: “Nụ hôn thần chết”, “Khi đàn ông có bầu”, “Áo lụa Hà Đông” hay “Chiến dịch trái tim bên phải”,… tất cả những bộ phim đó đều đã được ra đời cùng vô số những giải thưởng danh giá ở cả trong nước và nước ngoài dành cho công sức của các nhà làm phim lúc bấy giờ (đó là còn chưa nói đến chất lượng).

Và rồi điều gì đến cũng sẽ phải đến, trước những lợi ích đem lại to lớn đến như thế, thực sẽ không có một nhà đầu tư thông minh nào mà lại để bỏ không miếng mồi béo bở như vậy. Đồn trước là giun thì đồn sau là rồng! Thế là phong trào “Người người làm phim, nhà nhà làm phim” cũng từ đấy mà ra đời, kèm theo đó là sự bùng nổ của các ông lớn ngoại quốc ồ ạt tiến đến đầu tư vào các rạp chiếu, mở rộng các cụm rạp trên khắp cả nước cùng với thói quen “cuối tuần xem phim” của khán giả đã dần được hình thành và ngay chính lúc này đây, thời kì xã hội hóa, tư nhân hóa của các nhà làm phim đã được khai mạc và bắt đầu, cũng từ đó mà cú hích phim Việt của phim chiếu rạp đã được nhân lên gấp bội so với những thời kỳ trước.
Thế nhưng, số lượng lại tỉ lệ nghịch với chất lượng, từ sau những năm thập niên 2000, chất lượng phim thương mại hóa và tư nhân hóa càng ngày càng sụt giảm và đi xuống, nếu không muốn nói là thậm tệ. Những bộ phim lúc đó như “Hello Cô Ba”, “Nhà có 5 nàng tiên” hay “Bảo mẫu siêu quậy”,… tất cả đều có một điểm chung đó là: Đều có hài nhảm, đều ra mắt vào dịp tết theo tính “thời vụ” và hầu như đều có Hoài Linh. Hầu hết những bộ phim từ năm 2010 – 2017 chỉ đa phần là hài nhảm, hài mang tính thời vụ, ra rạp theo mùa và chiều khán giả bằng những câu thoại mà nghe xong mà cũng không hiểu có phải là thoại hay không, thậm chí còn có những kiểu phim còn không cần kịch bản, làm đến đâu hay đến đấy và chỉ làm khi có Hoài Linh hay Trường Giang, Thái Hòa thì mới chịu!

Và rồi cũng vì chính cái thái độ làm phim cẩu thả, thiếu nghiêm túc và hời hợt như thế đã dẫn đến một hậu quả tất yếu: Khán giả quay lưng với phim Việt. Mặc cho dù những bộ phim chất lượng khác đã được ra đời như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Em là bà nội của anh” hay “Thần tượng”, … Nhưng một cánh én không thể làm nên mùa xuân, những bộ phim đó đều khó có thể thoát nổi cái “định kiến khán giả” đối với phim Việt thời bấy giờ cũng như là bây giờ.
Vì đã nhắc đến bộ phim “Em là bà nội của anh” được nêu ở trên cũng như theo tên chủ đề của bài viết, vậy nên nếu không nhắc đến phong trào làm phim remake đã nổi lên như cồn trong vòng 5 năm trở lại đây thì sẽ quả là một điều rất thiếu sót đối với tác giả.
Vậy cho nên, chuyện hay hãy còn chờ tiếp, kính mời quý bạn đọc tiếp tục theo dõi phần 2 trong 4 phần bài bình luận của tác giả tôi.
(Còn tiếp…)
@Nguyễn Minh