Cho đến, lần thứ hai đọc Nỗi buồn chiến tranh, tôi vẫn thấy những nỗi buồn cứ thắt chặt ở tim, ứ nghẹn ở cổ. Và, lồng ngực cứ nhói buốt. Mãi không thôi. Hoặc, trào ra từ khóe mắt. Hoặc, nất lên đứt đoạn, rồi ảm đạm đến muốn phát điên lên xuyên suốt cả buổi đọc. 
Vào một buổi trưa hè, những ngày cuối cùng của tháng 5 năm 2018, khi còn là sinh viên năm ba của khoa Văn trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tôi thấy mình khổ sở, bất lực và dằn dặt biết nhường nào khi đọc Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh lần đầu tiên. Tôi đã không thể nào đọc một mạch, từng trang của cuốn sách cho đến hết, mà phải liên tục dừng lại, suy nghĩ. Lật về trang trước, và những trang trước, rồi lại suy nghĩ, rồi giật lùi về trang đang đọc giở. Tôi phải ghi lại những gì mà mình thấy. Những địa điểm, mốc thời gian, những con người. Chuyện gì đã sảy ra, sự kiện gì và ai đã chết, đã chết trong trận nào, chết như thế nào? Tình yêu trước, trong và sau thời chiến diễn ra như thế nào… Để có thể hiểu được đôi chút những gì mà tác giả đang cố nhớ lại, và tái hiện bằng từng con chữ đầy khắc khoải.
Hòa bình là gì? Lí tưởng sống cao đẹp là gì? Chiến tranh là gì? Tàn khốc ra sao? Những ai đã tổn thương trong cuộc chiến này? Con người với con người họ giết nhau vì điều gì? Cái gì là chính nghĩa, cái gì là phi nghĩa? Nhân văn, nhân tính, tuổi trẻ, tình yêu và cuộc sống … Trời ơi, cái thời ấy. Ở cái độ tuổi ấy, bằng tôi và còn nhỏ hơn cả tôi lúc này đây, sao họ có thể làm được những điều thiêng liêng đến thế. Những điều mà giả sử, chỉ là giả sử chiến tranh có lặp lại một lần nữa tôi không dám chắc rằng mình có thể “sống” được như họ vào cái thời ấy.
Tôi đã phải khổ sở như thế suốt mấy ngày liền đọc cuốn tiểu thuyết này, thậm chí là chuỗi ngày dài tiếp nối sau đó, sau khi đã đọc xong, tôi phải mày mò đọc hết những gì mà người ta viết về Nỗi buồn chiến tranh. Tôi không biết người ta nghĩ gì về tác phẩm này sau khi đọc xong. Những người cùng thời, những người khác thời, cùng hoặc không cùng quan điểm và chí hướng. Một độc giả bình thường, hay một nhà phê bình, một vị giáo sư, nhà văn có tiếng nào đó. Thậm chí là những người khác cả phần lãnh thổ, lẫn ngôn ngữ. Tôi không biết họ có đau đáu, xót xa, u buồn và day dứt mãi ở trong lòng về một nỗi đau chiến tranh, một sự mất mát lớn cũng như tất cả những tổn thương mà nhiều hơn một dân tộc phải gánh chịu. Ở quá khứ, ở hiện tại hoặc là mãi mãi, những nỗi đau và những vết thương sẽ còn đó cho dù đã được xoa dịu và chữa lành.
Cũng như Kiên - cái gã nhà văn đáng thương thời hậu chiến trở về từ một người lính may mắn sống sót qua hàng ngàn cái chết sờ soạng, rờ rẫm ngang dọc. Tôi tin rằng tác giả của mình cũng khốn khổ không kém cho đến khi hoàn thành Nỗi buồn chiến tranh. Và mãi về sau này cho đến tận bây giờ.
Tôi cũng tin rằng cái “sự sống” của Kiên còn khốn khổ hơn bội phần so với những cái chết mà anh ta viết ra trong những bản thảo mà anh ta đem đốt đi như một nghi lễ cuồng tín, mang dại, dấy loạn. Chính vì thế tôi càng thấy thương tác giả của cuốn tiểu thuyết này hơn. Vì tôi biết rằng Bảo Ninh, vốn là một cựu chiến binh Bắc Việt, và tôi vẫn hay thường nghĩ rằng đây liệu có phải là một cuốn tự truyện của tác giả, mặc dù được biết chính tác giả đã phủ định điều này khá nhiều lần.
“Chao ôi! Như vậy đấy: Hòa bình, hạnh phúc, ánh huy hoàng của chiến thắng, ấn tượng êm dịu của ngày trở về, niềm tin đầy đắc thắng về tương lai… Mỗi lần nhớ lại đêm đầu tiên của cuộc đời mới sau chiến tranh, lòng dạ anh đau nhói, chua xót, không thể rên lên.”; “ Sau cuộc chiến tranh ấy anh dường như chẳng còn ở trong một “kênh” với mọi người. Càng ngày Kiên càng có cảm giác rằng không phải mình đang sống mà là đang bị mắc kẹt trên cõi đời này.” [tr.104]
Nhà báo Nguyên Ngọc đã kể lại: "Bảo Ninh có lần tâm sự với tôi rằng anh viết vì câu hỏi: Vì sao anh lại còn sống sót đến hôm nay trong khi hàng trăm, hàng vạn bạn bè của anh cũng trẻ trung, cũng phơi phới, rất nhiều người còn đẹp đẽ hơn anh, tài năng hơn anh bội phần... lại đã mất đi? Câu hỏi dày vò anh đến trọn đời như một niềm ân hận vừa vô lý, vừa có thật không nguôi. Và câu hỏi thứ hai: Tại sao tất cả những điều ghê gớm ấy, bây giờ lại như thế này?"(1)

Nỗi buồn chiến tranh, in lần đầu tiên ở Nhà xuất bản Hội Nhà Văn với tựa Thân phận của tình yêu, năm 1990. Đây chưa từng là một tác phẩm dễ đọc cho dù là đối với độc giả Việt hay độc giả Mỹ. Người đọc sẽ luôn có cảm giác bị mắc kẹt, rồi bị cuốn theo cái dòng xoáy chiến tranh tàn ác, bị đảo lộn xuôi ngược về quá khứ, tới hiện tại. Trước, sau chiến tranh, tất cả hầu như không có một trật tự thời gian nhất định nào cả, cũng không hề có cốt truyện. Tất cả như một sự chắp nối của “dòng ý thức” bị chiến tranh giằng xéo, bị bom đạn phá vỡ và hủy hoại. “ Những khung cảnh và những tình tiết đã có từ phần đầu rốt cuộc lại đang đợi Kiên ở phần chót. Tuy nhiên ấy là bới dòng trôi của cuốn tiểu thuyết này nó như thế, tự nó chứ không phải tự Kiên. Tác phẩm tự nó cấu trúc nên thời gian của nó, tự định hướng chọn luồng và tự chọn lấy một bến bờ… Mạch truyện nó thế nào thi buông theo như thế, anh như hoàn toàn cam chịu cái lo-gic bí ẩn của trí nhớ và trí tưởng tượng.”[tr.111]
Chiến tranh, ôi chiến tranh, hôm nay ngày mai, hòa bình hay chiến đấu, cái đẹp của tuổi trẻ, cái đẹp của tình yêu tinh khiết đến thương. Cho đến sự nghiệt ngã của giết chóc, tởm ngợm của xác thịt thối rửa, âm u rùng rợn của những cánh rừng ma. Rồi những khát khao thầm kín của thanh xuân và những thèm muốn dung dị về một thế giới yên bình của người lính. Đau đớn tinh thần, thể xác và sự rách nát tâm hồn bởi chiến tranh. Những nỗi buồn xơ xác, ảm đạm, u uất sau ngày chiến thắng. 
Trong Nỗi buồn chiến tranh không có cái đúng, cũng không tồn tại cái sai. Tôi đã nhìn thấy, cho dù là ta hay địch thì suy cho cùng chúng ta cũng đều là con người. Suy cho cùng, nếu đã cầm súng giết nhau thì đều là “thiếu nhân tính”, cái chết cho dù là phe ta hay địch thì đều là nỗi buồn của mỗi một phía. Ở đây tôi không nói dựa trên lập trường của một người làm chính trị, không dựa trên lý thuyết của cuộc chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa. Chống lại cái gì và bảo vệ cái gì? Văn học cho dù đổi mới hay chưa đổi mới thì nó chỉ đúng nghĩa là văn học khi nó nói và tái hiện cái nó thấy, không dựa trên sự áp đặt của một luồng tư tưởng, hay một thiết chế chính trị hay một quy chuẩn đạo đức nào. Tất nhiên, những gì văn học tái diễn phải chắc chắn là sự thật. 
Văn học không phải là lịch sử hay chính trị; văn học là văn học. Sẽ là rất sai lầm nếu đọc sách của tôi với ý định để hiểu cuộc chiến tranh này.”(2)
Nỗi buồn chiến tranh là một góc nhìn khác về sự huy hoàng của thắng lợi, thay vì ca ngợi thành quả và hò reo vì hòa bình thì Bảo Ninh lại viết nhiều về những mặt tối của chiến tranh. Cũng là lần đầu tiên văn học chiến tranh đề cập đến vấn đề cá nhân, thông qua tập thể, chú ý đến sự mưu cầu, nỗi niềm ẩn ức của con người, bao gồm tình yêu, bao gồm tình dục…
“Đây là cuốn tiểu thuyết về một cuộc chiến đấu của con người đi tìm lẽ sống hôm nay. Bằng cách chiến đấu lại cuộc chiến đấu của đời mình. Cuốn sách này không mô tả chiến tranh. Nó mô tả một cuộc kiếm tìm nặng nhọc chính hôm nay. Hiện thực ở đây là hiện thực bên trong của một tâm hồn quằng quại và đầy trách nhiệm. Trách nhiệm lương tâm. Cuốn sách nặng nề này không bi quan. Vẫn thấm sâu ở đâu đó tron từng kẽ chữ của nó một âm hưởng hy vọng tiềm tàng. Chính là vì thế. Anh đi tìm nghĩa là anh còn hy vọng”(3)  

Gạt bỏ hết những lý tưởng cao đẹp, những vinh quang hào nhoáng, khác xa với những dòng văn học chính thống, viết về chiến tranh theo một lề lối của Đảng, đối với Nỗi buồn chiến tranh, nhân văn, nhân tính, lý tưởng anh hùng đều gộp lại bằng “cái chết”“những cái chết” tàn khốc, bạo lực và đẫm máu nhất. Tất cả nghĩa cử cao sang gì đó đều đổi bằng xương máu của cả một cánh “rừng người chết”, hết cánh này đến cánh khác nằm rạp xuống và nhuộm đỏ những ngọn đồi. Hơn cả sự hi sinh về thân xác, là một nỗi đau cắn rứt mãi mãi về tinh thần, một nỗi buồn vĩnh viễn về chiến tranh vẫn y nguyên đó, ám ảnh và hành hạ tâm can của những người may mắn còn sống. Mà chẳng còn có thể “sống” một cách bình thường như là con người nữa.
Hành hạ những người như Kiên, như Phương hoặc như Vượng… Giằng xéo lên họ những mất mác mà vĩnh viễn không gì có thể bù đắp được. Cho dù là “hòa bình”. Lịch sử sẽ không bao giờ viết về chiến tranh như Bảo Ninh. Lịch sử sẽ viết về Chiến tranh theo một cách nào đó mà khiến cho chúng ta cảm thấy tự hào nhất, biết ơn nhất về sự hi sinh của thế hệ cha ông đi trước, về những anh hùng đã quả cảm nằm xuống để đổi lấy cho chúng ta sự bình yên như ngày hôm nay. Còn Nỗi buồn chiến tranh sẽ khiến độc giả, trong đó có cả tôi hoặc bạn phải giật mình và phải nhìn lại “hòa bình” một cách thận trọng nhất. 
Bảo Ninh đã viết: “Chao ôi! Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người.” [tr.38] 
Còn hòa bình: “ - Hừ! Hòa bình! Mẹ kiếp, hòa bình chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt bao anh em mình, để chừa lại có chút xương. Mà những người được phân công nằm lại góc rừng le là những người đáng sống nhất.”; Hoặc: “- Nền hòa bình này… Hừ, tôi thấy hình như các mặt nạ người ta đeo trong những năm trước rơi hết. Mặt thật bầy ra gớm chết. Bao nhiêu xương máu đã đổ ra…”  [tr.52,53]
Điều đáng thương nhất là tuổi trẻ và tình yêu đôi lứa, bởi chiến tranh mà lụi tàn, mà dập nát, mà mãi mãi không thể nào hàn gắn được. Trở về thời bình, nhưng những kí ức đau đớn trong chiến tranh vẫn đu bám theo họ, đày đọa tâm trí họ cho đến cuồng quẩn không thôi. “Mảnh đời còn lại sau mười năm bị lửa đạn của chiến tranh vằm xé lại bị móng vuốt của tình yêu xéo nát. Cuộc chung sống làm đổ bể tâm hồn nhau và cuộc đời nhau…” [tr.105]
Chiến đi qua và sẽ chìm vào lãng quên, nhưng có nhiều thứ sẽ chẳng bao giờ có thể trở về như cũ được nữa. Như một cơn bão đẫm máu và nước mắt, một cơn mưa đạn đã không những cướp đi sự sống của những người đáng sống, mà còn làm đổ nát hết tâm hồn của những người may mắn thoát chết. “Như cũ à? Nghĩa là mặt trời sẽ mọc đằng tây à?” [tr.317]. Những số phận con người nhỏ bé bị cuốn vào dòng xoáy của cuộc chiến khốc liệt ấy, bị dồn ép cho đến tận cùng của bờ vực nhục nhã, ề chề, đớn đau, quằng quại và nhớp nháp… “Anh thì thành ra thế, mà em thì cũng thì này mất rồi…”[tr.318]
Để rồi cho dù cái tình yêu trẻ trung, trong trắng ấy có mảnh liệt, cao cả đến nhường nào thì số phận của nó cũng chẳng tày nào vượt qua nỗi sự tàn phá, sự đày đòa của trận chiến mà hồi sinh. “Kí ức chẳng buông tha. Chúng mình đã lầm tưởng rằng có thể vượt qua được một hạt sạn... Không phải là một hạt sạn mà là một quả núi. Lẽ ra lần ấy em nên chết đi… như thế thì chí ít em vẫn là cái gì tốt đẹp trong trắng đối với anh. Còn bây giờ em sống, sống cạnh anh nhưng em là vực thẳm xấu xa và đen tối của đời anh.”[tr.105]
Nỗi buồn chiến tranh theo như đánh giá của Leif A. Torkelsen (Columbus, OH United States) khi ông cho đây là cuốn tiểu thuyết chiến tranh hay nhất thế kỷ XX. Ông đã viết:  “Liệt kê đầy đủ các phẩm chất của sách này ở đây là không thể. Liên quan đến văn học Việt Nam, đây là một tác phẩm ngoại hạng so với tất cả các tác phẩm khác cùng lĩnh vực. Liên quan đến văn học chiến tranh thì chỉ có "Phía Tây không có gì lạ" là may ra có thể so sánh được. Bảo Ninh đã viết nên bản tụng ca đẹp đẽ đầy ám ảnh về sự trong trắng bị mất đi trong dòng xoáy chiến tranh. Tuổi trẻ, tình yêu và nghệ thuật đều được mô tả kỹ lưỡng dưới ánh của ẩn dụ tối hậu đối với cuộc sống là chiến tranh.
Hỗ trợ cho cách trình bày chủ đề không gì so sánh nổi của cuốn sách là thứ văn xuôi tuyệt vời của tác giả. Cuốn sách được viết bằng một văn phong nên thơ, nhưng xúc tích, nó là một mô hình tiết kiệm.
Mỗi dòng của cuốn tiểu thuyết tương đối ngắn này chất chứa vẻ đẹp thẩm mĩ và chiều sâu tinh thần. Cuốn sách tràn đầy những suy tư thấu suốt về Việt Nam cũng như về tâm hồn con người. Đây là một trải nghiệm đọc không thể bỏ qua.”[tr.344,345]
Hoặc trong một nhận xét khác của một nhà phê bình Nga, Anatoli A. Sokolov đã viết: “Bảo Ninh viết khác hơn so với các nhà văn Việt Nam thuộc thế hệ lớn tuổi hơn, nhưng việc đó không có nghĩa là ông muốn giảm thiểu chủ nghĩa anh hùng và sự quả cảm của nhân dân mình. Cũng phải nhớ rằng các tác phẩm xuất sắc về chiến tranh không bắt buojc phải là tác phẩm ca ngợi mà thường là tác phẩm miêu tả. Chúng ta nhớ, mặc dù đã thành tác phẩm kinh điển của văn học Xô Viết, các tiểu thuyết NHỮNG NGƯỜI SỐNG VÀ NHỮNG NGƯỜI CHẾT của K. Simonov và TRONG CHIẾN HÀO STALINGRAD của Victor Nekrasov , tuy rất giống với sự tái hiện chiến tranh một cách hiện thực chủ nghĩa, nhưng vẫn giữ lấy những đặc điểm của phong cách nghệ thuật riêng, chúng tỏ rõ rằng sự thật phải là sự thật bất kỳ chứ không có sự thật cao và sự thật thấp.” [tr.345]
Có thể thấy ở Nỗi buồn chiến tranh tất cả những mảnh ký ức, những suy nghĩ, trăn trở hay những tình cảm mộng mị đều chung một dòng chảy và hòa lẫn với nhau, lồng ghép vào nhau, đan xen nhau, nhưng không theo một trật tự nào cả, sự trôi dạt, kỳ ảo đến mơ màng của ngòi bút. Như một thiên mệnh nhà văn đã tái hiện lại thế giới văn chương chiến tranh đầy rẫy những day dứt, những cảm xúc dâng trào, vẻ lại tâm hồn của những người trẻ trong thời ấy một cách chân thật, trần trụi và tàn nhẫn nhất. Người ta sẽ chẳng thể nào đặt cuốn sách này xuống hoặc chẳng thể nào không ray rứt ở trong lòng sau khi đọc xong những gì mà Bảo Ninh đã viết về cuộc chiến. Nỗi buồn chiến tranh đã chạm vào hàng triệu trái tim, làm lung lay xúc cảm của hầu như tất cả những ai đã từng đọc. Cuốn tiểu thuyết này mãi mãi là một nỗi buồn man mác, đầy bi ai và chứa đựng nhiều nhất những thông điệp sâu sắc về cuộc chiến đấu đầy những mất mác, tổn thương, dằng dặc của quá khứ ấy…
                                                  ----------///---------
Chú thích:
 (1) Trích bài Trường Viết Văn Nguyễn Du, Một Sự Nghiệp Ðáng Say Mê, Nguyên Ngọc, báo Văn Nghệ, số 47, ra ngày 25-11-1989.
(2) PV Những cuộc chiến tranh của Bảo Ninh- Bài viết thuộc Zzz Review số 5, 20-4-2019
 (3) Tiểu thuyết về một cuốn tiểu thuyết - Tạp chí cửa Việt Hội Văn Học nghệ thuật Quảng Trị, số 7- Nguyên Ngọc