Điểm sách: Đoạn tuyệt (Nhất Linh)
Tiểu thuyết ngắn của Nhất Linh, xuất bản năm 1934. Giai đoạn Tự lực văn đoàn có lẽ là giai đoạn huy hoàng nhất của văn chương Việt...
Tiểu thuyết ngắn của Nhất Linh, xuất bản năm 1934. Giai đoạn Tự lực văn đoàn có lẽ là giai đoạn huy hoàng nhất của văn chương Việt Nam. Nhất Linh có lẽ là tay viết có bút lực thâm hậu nhất trong Tự lực văn đoàn.
Câu chuyện mở đầu với tin báo đăng, cô Nguyệt Minh vì bị chồng hành hạ đến không chịu nổi mà tự tử. Cô này chỉ là một trong vô vàn thân phận phụ nữ, nạn nhân trong cái nếp nghĩ của xã hội hũ nho cũ kỹ.
Lỗi ở chỗ, người Pháp đem ánh sáng văn minh tới cái xứ hũ nho này, khiến những người Tây học tân thời như cô Loan, anh Dũng có được cái nhìn khác hẳn về cuộc đời so với cuộc đời của những ông hũ nho cũ kỹ. Họ thấy được cái mới, nhưng xã hội xét nét không cho họ đi theo con đường mới, làm theo cái mới.
Loan yêu Dũng, một con người từ bỏ gia đình để dấn thân vào cuộc sống phong trần phiêu bạt, ôm ấp lý tưởng khai dân trí. Làm sao để đám đông dân chúng nhận được ý nghĩa của cuộc sống mà họ đang sống, chứ không phải là những kẻ nô lệ bị trói buộc trong những cổ lệ mà xưa dạy sao, nay làm thế.
Xã hội nho giáo là xã hội của đờn ông. Chuyện gì cũng do đờn ông quyết định. Nhưng xã hội hũ nho lại là xã hội của đám đờn bà. Mọi chuyện đều không qua khỏi miệng lưỡi cay độc của đám đờn bà. Nó tủn mủn, tặt mặt đến tưởng chừng lý do duy nhất để người ta tồn tại trên đời là để làm tổn thương người khác bằng những lời nói đá thúng đụng nia, những hành động hèn mọn không một chút từ tâm. Đời người đờn bà chỉ có mỗi 3 việc: làm dâu bị mẹ chồng hành hạ, đẻ con cho chồng, và trở thành mẹ chồng hành hạ con gái người ta. Cái vòng lẩn quẩn đó kéo dài cả ngàn năm, đến nay chưa chắc đã dứt. Nạn nhân hôm nay rồi sẽ trở thành thủ phạm hành hạ nạn nhân khác, đẩy người ta đến chỗ chết. Những kẻ đồng cảnh ngộ không biết thương xót nhau, mà cứ tiếp tục hành hạ nhau cho nó cân bằng với nỗi khổ mà mình đã chịu. Cuộc đời họ chỉ quanh quẩn ở những mâm cỗ và những chuyện soi mói nhau.
Dũng, Loan, đều là những con người muốn thoát ly, muốn đoạn tuyệt với những lề thói đờn bà đó. Nhưng đâu có dễ. Loan thoát được nhà chồng, nhưng không thoát được ý nghĩ của chính mẹ đẻ, không thoát được cái nhìn của xã hội. Vì là thân trai nên Dũng có phần dễ dàng hơn. Bị cha mẹ từ để khỏi chia của, mà Dũng cũng bất cần, quyết sống đời phong trần ngạo nghễ, như một lời thách thức xã hội. Nghe đâu, lối sống rắn rỏi của Dũng từng ảnh hưởng mạnh đến một thế hệ thanh niên Hà Nội, trong đó có Quang Dũng, tác giả của bài thơ Tây tiến. Hẳn những người đồng chí của Quang Dũng trong quân đoàn Tây tiến, những người trí thức trẻ, cũng từng nhận được cảm hứng từ Dũng.
"Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"
Là một câu chứng minh rõ sức ảnh hưởng từ Dũng trong "Đoạn tuyệt" đến thanh niên Hà Nội ngày ấy.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này